Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Tai họa từ vụ năm Cam đến vụ PMU 18


Tai họa từ vụ năm Cam đến vụ PMU 18


Tác giả: theo FB nhà báo Hoàng Hải Vân

.Vụ PMU18 là vụ kép gồm hai vụ án : Vụ tham nhũng tại PMU18 và vụ đàn áp các nhà báo và sĩ quan cảnh sát chống tham nhũng trong vụ PMU18. Vụ thứ nhất là điển hình lọt người lọt tội, còn vụ thứ hai là điển hình của oan sai. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến vụ thứ hai. Vụ này có liên quan đến vụ Năm Cam, ít nhất từ phía báo Thanh Niên thời anh Nguyễn Công Khế làm Tổng biên tập (Hoàng Hải Vân)

.KD: Đọc lại vụ việc, tôi vẫn khâm phục các nhà báo của báo Thanh Niên thời đó. Họ đã là nhà báo “đúng nghĩa’. Cảm ơn nhà báo Hoàng Hải Vân đã nói ra một cách trung thực, dù tất cả dường như đã là quá khứ

——————.

Nhà báo Hoàng Hải Vân

Trong vụ án Năm Cam, Ban chuyên án đã tuân thủ nguyên tắc pháp quyền khi bắt người, nghĩa là chỉ bắt người khi có đầy đủ chứng cứ phạm tội, chính vì vậy mà những kẻ bảo kê cho Năm Cam dù có quyền lực rất lớn cũng không ngăn cản được. Còn trong vụ PMU18, việc bắt giam và truy tố hai nhà báo và một số sĩ quan công an chống tham nhũng hoàn toàn không có một chứng cứ phạm tội nào, mà chỉ tuân theo sự “chỉ đạo” của vài người có quyền lực cao nhất nước lúc đó mà thôi.

Những người vì tư thù đang lăm le muốn lật lại vụ Năm Cam, dù đang nằm trong cơ quan nhà nước hay đang khoác áo “nhà hoạt động dân chủ”, hãy nhớ cho kỹ, nếu như Ban chuyên án vụ Năm Cam không tuân thủ nguyên tắc pháp quyền khi bắt người thì tướng Nguyễn Việt Thành và một loạt sĩ quan cảnh sát tham gia chuyên án đã vào tù trước khi diễn ra phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam chứ chẳng đợi đến bây giờ cho các vị “lật lại”.



Cũng xin nói cho rõ thêm điều này nữa, Báo Thanh Niên tham gia vạch trần các đường dây ma quỷ trong vụ Năm Cam không phải “ăn theo” Ban Chuyên án, không phải ai đó “bật đèn xanh”, không phải để câu khách bán báo, mà chấp nhận đem tánh mạng của một loạt cán bộ, phóng viên của Báo để tham gia bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ sự trong sạch của chế độ, bảo vệ cuộc sống yên lành của người dân. Ngoài anh Khế, anh Quốc Phong, anh Đặng Thanh Tịnh trong Ban Biên tập tham gia đứng mũi chịu sào, còn có một đội ngũ gồm anh Nguyễn Quang Thông, anh Huỳnh Ngọc Chênh, anh Kim Trí tham gia tổ chức và biên tập bài vở cùng các phóng viên lao ra sóng gió để tác nghiệp là các anh Nguyễn Việt Chiến, anh Hữu Phú, anh Nguyên Thủy, anh Võ Khối và nhiều anh chị em khác tham gia ở những mức độ khác nhau. Về phía cộng tác viên từng thâm nhập sâu vào đường dây Năm Cam có anh Đinh Bắc Giang và anh Song Hà. Riêng anh Hữu Phú từng bị đe dọa khởi tố trong một cuộc tác nghiệp, may nhờ ông Trương Hòa Bình (nay là Phó Thủ tướng) hiểu lý lẽ nên anh Hữu Phú mới thoát nạn.

Không chỉ đối với vụ Năm Cam, Thanh Niên còn có những điều tra phăng ra nhiều nhóm lợi ích lũng đoạn cơ quan nhà nước và nền kinh tế, điển hình là vụ khuất tất trong việc chọn nhà thầu Trung Quốc xây dựng Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế, vụ Cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế tạo thế cho doanh nghiệp độc quyền tăng giá thuốc, vụ nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách để biến Việt Nam thành một bãi rác, kiềm hãm sự phát triển ngành công nghiệp ô tô và sự dối trá trong chất lượng xăng dầu… Với tư cách là Tổng biên tập, anh Nguyễn Công Khế đã phải đối mặt với sự trả thù hèn hạ của những kẻ giấu mặt nằm trong hoặc bảo kê cho các nhóm lợi ích nói trên. Có ít nhất 3 lần Năm Cam sát hại anh Khế không thành, lần cuối cùng trước khi Năm Cam bị bắt mà câu chuyện cũng đã được ghi lại trong một cuốn sách chuyên đề “Giải mã giang hồ” của NXB Công an nhân dân nên tôi không cần phải nhắc lại. Báo Thanh Niên đã liên tục bị kiểm toán, chỉ cần anh Khế tiêu cực thâm lạm một đồng của Báo thì anh đã bị mất chức từ lâu trước khi vụ PMU18 xảy ra. Bọn họ đã dựng một hồ sơ giả, vu cho anh cộng tác với Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn cũ, họ đã “treo lơ lửng” cái hồ sơ giả đó để thỉnh thoảng mang ra uy hiếp anh, cũng may là hồ sơ đó đã lên tới người lãnh đạo cao nhất, cho nên mới có yêu cầu kiểm tra và một cuộc kiểm tra đã xác minh đó là hồ sơ giả, vì vậy mà anh mới vô tội (nhưng gần đây một số người lại dùng cái hồ sơ giả đó để đưa lên mạng nhằm tiếp tục tấn công anh).

Chuyên án chống tham nhũng trong vụ PMU18 không phải là kết quả của sự đấu đá nội bộ gì, mà là nỗ lực vô cùng lớn của các sĩ quan công an nhân dân chính trực. Phải biết rằng từ khi nước ta sử dụng vốn ODA cho đến lúc đó, ai cũng biết là tham nhũng từ nguồn vốn này là vô cùng trầm trọng nhưng hầu như không có vụ nào được điều tra xét xử, thì mới thấy nỗ lực đáng khâm phục của họ. Các sĩ quan này một lòng tin vào đường lối đổi mới, tin vào Nhà nước pháp quyền, tin vào sự trong sạch của cấp trên. Nhưng những nỗ lực của họ đã bị ngăn chặn, nên vụ án đã để lọt người lọt tội. Nhằm bảo kê cho tham nhũng, ngăn chặn những nỗ lực chống tham nhũng của các sĩ quan công an chính trực và các nhà báo, cơ quan cảnh sát điều tra bị vô hiệu hóa, thượng tá Đinh Văn Huynh bị bắt cùng với 2 nhà báo, tướng Phạm Xuân Quắc bị khởi tố. Trong vụ cụ thể này, cũng từ Bộ Công an, nhưng nỗ lực chống tham nhũng của một bộ phận sĩ quan cảnh sát đã bị cơ quan an ninh dập tắt. Tôi không nói các vị chỉ huy đương nhiệm của cơ quan an ninh vì các vị không có liên quan, nhưng các vị tiền nhiệm nếu có lương tâm thì nên sám hối.

Vụ PMU18 diễn ra trong thời gian tôi làm Tổng Thư ký tòa soạn, anh Quốc Phong là Phó Tổng biên tập phụ trách khu vực Hà Nội của báo. Tôi là người kiểm soát chặt chẽ cung cách tác nghiệp của anh Nguyễn Việt Chiến nên biết rõ sự cẩn trọng của anh trong vụ này. Toàn bộ những bài viết của anh Chiến trên báo Thanh Niên về vụ án này được tôi biên tập rất kỹ lưỡng, chúng hoàn toàn trung thực, trừ vài chi tiết nhầm lẫn nhỏ hoặc gây hiểu nhầm đã cải chính theo luật định, các chi tiết này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự trung thực trong những bài báo của anh. Trong suốt 3 năm, không có bất cứ sự phản hồi nào từ các cơ quan có thẩm quyền nói rằng anh Chiến viết sai.

Qua một số nguồn tin riêng, chúng tôi cũng đoán trước là anh Chiến sẽ bị bắt. Trước khi bị bắt, anh còn tranh thủ vào TP.HCM ghé tòa soạn giao cho tôi một số tài liệu gốc kèm băng ghi âm để nếu có việc gì sẽ đem ra đối chất.

Khi anh Chiến (cùng với anh Hải ở Báo Tuổi trẻ) bị bắt, Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế đang công tác tại Côn Đảo. Là Tổng thư ký tòa soạn, tôi hoàn toàn không tự tung tự tác muốn làm gì thì làm trên mặt báo, mà phải tuân thủ nghiêm ngặt cơ chế kiểm soát thông tin cũng như tôn chỉ mục đích của báo. Hôm sau, Thanh Niên đăng một bản tin “2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU18” kèm theo bài tường thuật quá trình Thanh Niên đã đưa tin về vụ án này cùng một số vấn đề đặt ra. Không ai có ý kiến gì về bản tin đó. Ngày hôm sau, 14-5-2008, tôi tập hợp các bài viết gồm các phỏng vấn quan chức, nhân vật của công chúng và ý kiến bạn đọc thành một chuyên đề và giật một cái tít chung “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”, kèm theo bài “Nhà báo và nhân dân” của nhà thơ Thanh Thảo trong mục Chào buổi sáng. Và sau tai họa của anh Chiến, tai họa đã xảy ra đối với Tổng Biên tập, với anh Quốc Phong và bản thân tôi bắt đầu từ dòng tít này.

Trước khi kể tiếp những gì diễn ra sau đó, xin lưu ý là với dòng tít nói trên chúng tôi không hề có ý biến Thanh Niên thành một tờ báo “đối lập”. Bởi vì ít nhất từ khi diễn ra công cuộc đổi mới đến giờ, báo chí vẫn phê phán bộ này ngành kia. Xa hơn nữa, từ khi lập Đảng và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Hồ vẫn kêu gọi phê bình và tự phê bình không có giới hạn. Phê bình Bộ Công an cũng như phê bình Bộ Giao thông, Bộ Y tế hay Bộ Công thương, có ai nói phê bình các bộ này là chống Đảng chống Nhà nước đâu, sao phê bình Bộ Công an lại nói là chống Đảng chống Nhà nước ? Bộ Công an bắt người sai thì phải nói là bắt sai chứ, đã biết bắt sai thì phải yêu cầu thả ra, biết rõ là bắt sai mà không dám nói thì còn đâu tư cách nhà báo mà xuất hiện trên mặt báo nữa. Nói là chưa có tiền lệ thì tại sao lại không tạo ra tiền lệ để thực hiện lời dạy của cụ Hồ ? Đồng nhất Bộ Công an với Đảng và Nhà nước là chuyện “mới”, cho đến khi bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập thẩm vấn 13 buổi tôi mới “nhận thức’ được thực tế này (còn tiếp – Kỳ tới : Vụ PMU18, ai muốn xé bỏ pháp quyền ?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét