Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Cách báo cáo chính quyền vi phạm Nhân Quyền tới Liên Hiệp Quốc


VNTB - Cách báo cáo chính quyền vi phạm Nhân Quyền tới Liên Hiệp QuốcReply
democracy, Liên hiệp Quốc, news, nhân quyền, Quang Nguyên, VNTB
22.9.17

Quang Nguyên (VNTB) Nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu giúp bảo vệ phẩm giá và quyền tự do căn bản của mỗi cá nhân, tập thể . Những giá trị cao quý của con người phải được tôn trong và bảo vệ bất kể dưới chế độ, xã hội nào, trong hoàn cảnh và giai đoạn nào. Trên thế giới có một số chính phủ, tổ chức cố tình vi phạm những chuẩn mực về nhân quyền đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.





Trong bài dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số tổ chức yểm trợ cho các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền và cách thức cho những người hoạt động cho nhân quyền, dân chủ phúc trình các vi phạm tới Liên Hiệp Quốc.


Trong hàng trăm tổ chức phi chính phủ yểm trợ các hoạt động của cá nhân, đoàn thể, hội nhóm tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới có thể kể ra 3 tổ chức danh tiếng nhất và lớn nhất. Cả 3 tổ chức này gây khó chịu cho chính phủ VN mỗi năm vì các hoạt động và báo cáo nhân quyền của họ mà phía VN thường “nhận định là thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại VN” là “can thiệp vào nội tình của nước CHXHCN VN”, v..v


A. Một số tổ chức yểm trợ tranh đấu cho nhân quyền.


1.Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International)


Trụ sở tại thủ đô London, Anh quốc. Họ tự nhận trách nhiệm điều tra và phơi bày sự thật, bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào có sự lạm dụng, ngược đãi, hành hạ con người. Họ vận động các chính phủ, và các nhóm quyền lực giữ lời hứa và tôn trọng luật pháp quốc tế, hỗ trợ mọi người đòi quyền sống, quyền lợi chính đáng bằng cách giáo dục và đào tạo. Tổ chức này có khoảng 7 triệu hội viên toàn cầu. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã và đang đấu tranh cho hàng trăm nhà dân chủ hàng đầu Việt Nam. Phúc trình năm 2016-2017 của tổ chức này về tình trạng nhân quyền của VN như sau:


[Việt Nam]vẫn liên tục hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận,lập hội và biểu tình ôn hòa. Các phương tiện truyền thông,ngành tư pháp, cũng như các tổ chức chính trị và tôn giáo vẫn bị nhà nước kiểm soát.Tù nhân lương tâm bị tra tấn,ngược đãi và xét xử không công bằng. Các cuộc tấn công vào thân thể các nhà bảo vệ nhân quyền vẫn tiếp tục. Các nhà hoạt động về nhân quyền nổi trội bị giám sát và quấy rối hàng ngày.Người bất đồng chính kiến,phê phán chính phủ dẫu rất ôn hòa vẫn bị cáo buộc xâm phạm nền an ninh quốc gia, bị bắt, tra tấn và kết án. Các cuộc biểu tình bị đàn áp,người tham gia và người tổ chức bị bắt và tra tấn. Hình phạt tử hình vẫn tồn tại.(1)


2.Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch)


Tổ chức này nghiên cứu và tố cáo sự vi phạm nhân quyền của các nhà nước. Giống như các báo cáo của Hội Ân Xá Quốc Tế, báo cáo của tổ chức này thường được lấy làm tài liệu, chứng cứ vận động cho các quyền tự do cơ bản, cũng như gây áp lực buộc các chính phủ và tổ chức quốc tế phải tiến hành cải cách. Họ tiếp cận với các chính phủ, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức tài chánh, các doàn thể để thúc đẩy sự thay đổi thể chế, chính sách về quyền con người và công lý trên toàn thế giới


Báo Cáo thường niên và các sự kiện của họ về Việt Nam bằng tiếng Việt có thể đọc thấy qua trang Web của tổ chức này.(2)


Đây là phần báo cáo của họ về Việt Nam.


Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tồi tệ về mọi mặt. Đảng Cộng sản duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức nào đe dọa sự lãnh đạo của đảng. Các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận, chính kiến, báo chí, lập hội và tôn giáo, đều bị hạn chế. Các nhà hoạt động vì quyền con người và các blogger bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và tù giam. Nông dân tiếp tục mất đất cho các dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng; công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Công an sử dụng tra tấn và đánh đập để ép nhận tội. Hệ thống tư pháp hình sự thiếu tính độc lập. Các trung tâm cai nghiện của nhà nước bóc lột trại viên, buộc họ lao động tạo ra sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bất chấp những điều đó, ngày càng có nhiều nhà hoạt động và blogger công khai lên tiếng đòi các quyền tự do và dân chủ.(3)


3.Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp quốc phụ trách về Nhân Quyền OHCHR


Nhân quyền được công nhận là một trong ba trụ cột của tổ chức LHQ. Hai cột trụ còn lại là phát triển, hoà bình và an ninh.


Văn Phòng Cao Ủy phụ trách về nhân quyền của LHQ trực thuộc Tổng Thư Ký Liên Hiêp Quốc. Văn phòng này đại diện cho cam kết của thế giới về những lý tưởng phổ quát về phẩm giá con người. Có nhiệm vụ duy nhất từ cộng đồng quốc tế thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người. Báo cáo, thông tin về tình trạng nhân quyền của mọi nước trên thế giới có thể tìm thấy trên trang web của văn phòng này (4)


Tường trình của Văn Phòng này về tình hình của Việt Nam (và Venezuela) trong phiên họp ngày 28 tháng 7 2018, viết:


Chúng tôi lo ngại về sự tăng cường trấn áp chống lại các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, những người đã nêu nghi vấn hoặc chỉ trích các chính sách của chính phủ.


Hôm thứ ba, nhà hoạt động nổi tiếng Trần Thị Nga đã bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản thúc tại gia cho cái gọi là "tuyên truyền chống nhà nước" trên các bình luận đăng trực tuyến. Chúng tôi có quan ngại sâu sắc về mức độ nghiêm trọng của bản án và sự tiến hành phiên tòa, điều này dường như không đáp ứng các quy trình tiêu chuẩn. Bà Trần Thị Nga bị cáo buộc phạm điều 88 của Bộ luật hình sự, đã bị giam 6 tháng, kể từ khi bà bị bắt hồi tháng Giêng cho đến vài ngày trước phiên xử. Bà Nga đã không được phép có thời gian để chuẩn bị bào chữa, phiên tòa kéo dài chỉ một ngày, gia đình và bạn bè bà đã bị từ chối vào phòng xử án.


Câu chuyện của Trần Thị Nga chưa đầy một tháng sau khi một blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Bà Mẹ Nấm, bị tù 10 năm, cũng theo điều 88, qua vụ kiện tụng tương tự như vậy.


Trong sáu tháng qua, có ít nhất 7 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khác đã bị bắt và bị truy tố, hiện nay có khoảng chục người đang bị giam, và hai người đã bị trục xuất hoặc đưa đi lưu vong ở nước ngoài. Nhiều người khác đã bị hăm dọa, quấy rối và đánh đập tàn nhẫn. [Nhận định của Văn Phòng này] Các nhà bảo vệ nhân quyền không bao giờ bị coi là tội phạm, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.


Văn phòng Nhân quyền LHQ và các cơ chế nhân quyền quốc tế đã nhiều lần tố cáo điều 88 của Bộ luật Hình sự, cùng với một số điều khoản khác của Bộ luật, như là vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Sự thất bại của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về các hạn chế đối với các quyền tự do cơ bản đã làm dấy lên nghi ngờ về cam kết bảo vệ và quảng bá nhân quyền [của họ].


Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do tức khắc tất cả những người bị giam giữ liên quan đến việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận và sửa đổi các điều luật không rõ ràng đã được sử dụng – viện cớ an ninh quốc gia - để trấn áp những người bất đồng quan điểm.(5)


Không thể không nhắc đến tổ chức của người Việt tại hải ngoại có vai trò không khác các tổ chức trên và có ảnh hưởng rộng lớn đối với người Việt là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, Boat People S.O.S. gọi tắt BPSOS và Liên Minh Chống Tra tấn (International Coalition to End Torture).


1.Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển. (Boat People S.O.S.)Mục tiêu tổ chức này nêu ra là biến đổi nạn nhân thành những người sống sót và các công dân tích cực, những người này rồi sẽ tiếp cận và giúp đỡ những người khác bị hoàn cảnh như họ đạt được tự do và phẩm giá. Trang web của tổ chức này viết:


Trong ba mươi năm qua, BPSOS đã cứu hơn 35.000 người Việt Nam trên biển cả hoặc bị buôn bán đến 20 quốc gia và ảnh hưởng đến một trong mười người Mỹ gốc Việt ở Việt Nam, Mỹ, hoặc trên biển cả. BPSOS cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người Mỹ gốc Việt.Mục sư Nguyễn Công Chính và gia đình là một thí dụ trong nhiều trường hợp tổ chức này vận dộng để thoát khỏi Việt Nam, trong đó có nhiều người tỵ nạn chính trị ở Thái Lan.(6)


BPSOS bị chính phủ VN coi như một tổ chức thù địch. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc, bị chính phủ VN cấm cửa.
(7), (8)


BPSOS có nhiều chi nhánh trên lãnh thổ Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Văn phòng của tổ chức này tại Thái Lan hỗ trợ rất tích cực những người tỵ nạn chính trị chạy trốn khỏi VN, đang ở trong các trại tỵ nạn tại đây.


2.Liên Minh Chống Tra tấn (International Coalition to End Torture)


Tổ chức này nhận “Sứ mạng bài trừ sự vi phạm nhân quyền bằng hình thức tra tấn, bạo hành, đối xử tàn tệ hay hạ phẩm giá con người.” Liên minh này lập một trang mạng bằng tiếng Việt (12) nhằm mục đích:


(1) Giải thích cho mọi người dân hiểu những ràng buộc về trách nhiệm của chính quyền Việt Nam chiếu theo Công Ước Chống Tra Tấn của LHQ đã được Chính Phủ Việt Nam ký năm 2013 và được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn năm 2015;


(2) Phổ biến thông tin và tài liệu liên quan đến việc thực thi luật quốc tế về chống tra tấn bởi chính quyền Việt Nam cũng như về những bất cập trong thực tế;


(3) Tạo phương tiện cho mọi người dân báo cáo sự vi phạm các điều khoản của công ước bởi các giới chức chính quyền hoặc bởi các thành phần ngoài chính quyền dưới sự điều động của các giới chức chính quyền.


Mỗi 3 tháng, họ “ đúc kết các hồ sơ tra tấn thành bản phúc trình để gửi đến các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đến các tổ chức nhân quyền quốc tế, và đến các chính quyền mà luật quốc gia có biện pháp chế tài đối với những người vi phạm nhân quyền. . vận dụng các luật về trừng phạt thủ phạm.


Luật Magnitsky


Riêng tại Hoa Kỳ, đạo luật Magnitsky cho phép chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt người vi phạm nhân quyền và các giới chức chính quyền tham nhũng trên thế giới.


Theo một bài viết của Lê Dung trên Việt Nam Thời Báo, IJAVN, đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu.Theo luật này Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một bản danh sách bao gồm tên các quan chức vi phạm nhân quyền, trong đó có Việt Nam. Nếu bị đưa vào danh sách này, hàng loạt quan chức Việt Nam sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tài sản cố định, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của họ, kể cả của thân nhân của họ, sẽ bị phong tỏa vô điều kiện.


Đến nay đã có hàng chục viên chức cao cấp trong chính phủ VN có tên trong bản dự trình đưa vào danh sách này.


B.Báo Cáo Vi Phạm.


Hàng trăm tổ chức phi chính phủ (NGO) sẵn sàng đúc kết các hồ sơ xâm phạm nhân quyền của các chính phủ trên thế giới và gửi đến Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế, và các chính phủ như Hoa Kỳ, khối EU mà luật của họ có nhiều biện pháp chế tài đối với những quốc gia, hay người vi phạm nhân quyền trên toàn cầu. Tất cả báo cáo của các tổ chức này dựa trên báo cáo của chính nạn nhân hay các người được nạn nhân ủy quyền và trên sự điều tra của họ.


Dưới đây là mẫu báo cáo gửi Văn Phòng Cao Ủy về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Việt. Nạn nhân bị đàn áp, hay nhân chứng, hay người được ủy thác gửi bản tường trình theo mẫu này thẳng đến Văn Phòng Cao Ủy về nhân quyền của LHQ.


MẪU TƯỜNG TRÌNH


1/- Thông Tin Tổng Quát


- Xin cho biết là sự việc xảy ra cho một cá nhân hay một nhóm


- Nếu là một nhóm, xin ghi rõ số người bị ảnh hưởng và giáo phái của từng người


- Nơi chốn xảy ra sự việc (làng, xã, quận, huyện, tỉnh, quốc gia)


- Quốc tịch, sắc tộc của nạn nhân


- Chính sách quốc gia có bắt buộc đăng ký hoạt động tôn giáo không, và nếu có thì tình trạng của nhóm hiện nay ra sao


2/- Thông Tin Về Các Nạn Nhân


Xin cung cấp các thông tin dưới đây cho từng nạn nhân một.


Họ:


Tên:


Tôn giáo:


Nơi cư trú hay nguyên quán:


Ngày tháng năm sinh:


Giới tính:


Người được uỷ quyền để lên tiếng cho thay mình, nếu có là:


3/- Thông Tin Về Vụ Vi Phạm


- Ngày giờ (ước chừng nếu như không biết đích xác):


- Nơi chốn xảy ra vụ vi phạm:


- Xin mô tả chi tiết sự kiện vi phạm quyền tự do tôn giáo và sự liên can của các giới chức chính quyền


- Xin liệt kê và giải thích những chỉ dấu nào cho thấy nạn nhân bị hại vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ:


- Lai lịch của (những) kẻ vi phạm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tên họ (nếu biết) và động cơ của họ:


- Nạn nhân có biết (những) kẻ vi phạm không?


- Nhân viên nhà nước hoặc của các tổ chức không-thuộc-nhà-nước có phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm này không?


- Kẻ vi phạm có thể nào là nhân viên của cơ quan nhà nước không? Xin cho biết rõ về họ (chức vụ, cấp bậc; ngành công an, bộ đội, an ninh; đơn vị cấp địa phương, huyện, tỉnh, trung ương). Xin cho biết tại sao lại cho rằng họ phải chịu trách nhiệm? Xin cho biết càng chi tiết càng tốt.


- Nếu không nhận diện ra bàn tay của chính quyền, bạn có nghĩ các cơ quan chính quyền hoặc những người có liên quan đến nhà nước phải chịu trách nhiệm về sự kiện này không, và tại sao?


- Nếu có các nhân chứng trong sự kiện này, xin cho biết họ tên, mối quan hệ với nạn nhân và địa chỉ, email, số điện thoại của họ. Nếu họ muốn giữ kín danh tánh, xin cho biết rõ rằng họ là thân nhân, người qua đường, v.v…; Xin cho các bằng chứng, nếu có.


4/- Các Việc mà Nạn Nhân, Gia Đình Nạn Nhân hay Người Nào Khác Đã Làm Cho Nạn Nhân


- Xin cho biết đã có ai nộp đơn khiếu nại vào lúc nào cho các giới chức chính quyền hay cơ quan hữu trách (công an, ban tôn giáo, viện kiểm sát, uỷ ban nhân dân, tòa án nhân dân, …).


- Ngoài ra, họ còn có thêm hành động nào nữa?


- Các hành động hồi đáp/ giải quyết của chính quyền, nếu có:


- Xin cho biết, theo sự hiểu biết của mình, giới chức thẩm quyền có thực hiện điều tra hay không; nếu có, thì điều tra như thế nào? Xin cho biết tiến triển và tình trạng của cuộc điều tra cũng như các biện pháp nào khác của chính quyền.


- Nếu bản báo cáo do nạn nhân hay thân nhân của họ thực hiện, thì các giới chức thẩm quyền ứng xử với bản báo cáo và đối xử với nạn nhân ra sao? Có những kết quả nào?


5/- Thông Tin Về Người Hay Tổ Chức Nộp Bản Báo Cáo Này


- Họ:


- Tên:


- Thông tin liên lạc (địa chỉ, số điện thoại, số fax, email, tên Skype…):


- Tên người hay tổ chức được uỷ quyền đại diện, nếu có:


- Tư cách của thành phần làm báo cáo: cá nhân, nhóm, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo:


- Nếu không do nạn nhân trực tiếp báo cáo, xin cho biết là nạn nhân có biết hay cho phép quý vị thực hiện bản báo cáo này.


- Xin cho biết là có cần bảo mật thông tin cá nhân của người làm bản báo cáo:


Ngày nộp bản báo cáo:


Chữ ký (người viết báo cáo):


Phụ Lục


- Hình ảnh: Nếu có hình ảnh, xin đánh số trên hình (hoặc ở phần đặt tên cho hình, nếu là file), ghi chú nơi chốn và ngày giờ, giải thích mối liên quan thế nào đến bản báo cáo, và nhận diện các nhân vật trong ảnh. Ở những điểm thích hợp trong phần báo cáo, cũng nên ghi chú là có ảnh số mấy đính kèm.


- Video: Nếu có video, xin đánh số (ở phần đặt tên cho video), ghi chú nơi chốn và ngày giờ, giải thích mối liên quan thế nào đến bản báo cáo, và cho biết là xem từ giây phút nào đến giây phút nào. Ở những điểm thích hợp trong phần báo cáo, cũng nên ghi chú là có video số mấy đính kèm.


- Chứng từ: Nếu có các giấy tờ liên quan như biên bản của giới chức chính quyền, đơn khiếu nại mà nạn nhân gởi chính quyền, giấy triệu tập lên đồn công an, cáo trạng, bản án, quyết định của chính quyền, giấy khám bác sĩ, ... thì có thể đính kèm. Cần ghi chú mối quan hệ với điểm nào trong bản báo cáo. Ngược lại, nên chú thích ở những điểm thích hợp trong phần báo cáo là có đính kèm các loại chứng từ nào.


Gởi bản tường trình dưới đây cho:


Special Rapporteur on freedom of religion or belief


c/o Office of the High Commissioner for Human Rights


United Nations at Geneva


8-14 avenue de la Paix


CH-1211 Geneva 10


Switzerland


Fax: (+41) 22 917 90 06


E-mail: freedomofreligion@ohchr.org (email để dùng trong trường hợp không khẩn cấp) hoặc urgent-action@ohchr.org (email để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Cần ghi rõ trong phần “chủ đề”: Special Rapporteur on freedom of religion or belief).


Một báo cáo đã gửi LHQ có thể tìm thấy theo links (10), (11)


Tường trình sự việc xâm phạm nhân quyền gửi đến Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức khác cần chi tiết, dẫn chứng xác thực. Người viết báo cáo, người trong sự việc sẽ nhận phản hồi, và tiếp tục liên lạc với tổ chức gửi báo cáo để duy trì quan hệ, theo dõi và thúc đẩy để trường hợp báo cáo có kết quả.


Qua bản báo cáo, người nhận báo cáo thấy được mức độ tin cậy, và nghiêm túc của người báo cáo. Báo cáo tình trạng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc về một quốc gia dựa nhiều trên sự điều tra các báo cáo từ chính nạn nhân trong quốc gia đó. Có 3 trường hợp cho các báo cáo:


1.Nếu các báo cáo đạt chuẩn mực của LHQ thì sẽ được chuyển đến Hệ Thống các Thủ Tục Đặc Biệt (The system of Special Procedures) của Hội Đồng Liên Hiệp Quốc; nơi đây có các chuyên gia độc lập về nhân quyền với nhiệm vụ báo cáo và tư vấn về nhân quyền lên đại hội đồng LHQ theo chuyên đề hoặc theo từng quốc gia. Hệ thống các Thủ tục đặc biệt là một bộ phận trung tâm của các cơ chế về quyền con người của LHQ và bao gồm tất cả các quyền con người: dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội.


2.Trong trường hợp những bản báo cáo (về tình trạng vi phạm nhân quyền tại VN) được đánh giá là nghiêm chỉnh, chính xác, nhưng chưa đạt tới tiêu chuẩn của LHQ vì có thể thiếu thông tin, chưa được phối kiểm độc lập sẽ được gửi đăng trên trang mạng endtorturevn.org để thông tin rộng rãi.(12)


3.Những báo cáo mơ hồ, không thể chứng thực được sẽ bị loại bỏ.


Những hồ sơ đạt đúng tiêu chuẩn, được xác định đúng đắn, sẽ được một ban chuyên trách trợ giúp khẩn câp chuyển đến các tổ chức nhân quyền quốc tế. Những tổ chức này có những cấp khoản tài chánh đặc biệt cho gia đình của các tù nhân lương tâm.Tổ chức BPSOS cộng tác mật thiết với các tổ chức này từ nhiều năm qua.


Tất cả các hoạt động báo cáo vi phạm nhân quyền của bất cứ một cá nhân nào, trong bất cứ một quốc gia nào trên toàn cầu đều được tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền trên trên thế giới khuyến khích, ủng hộ, theo dõi và bênh vực. Các nhà đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, tự do có thể bị chính quyền sở tại đàn áp, cầm tù, hoặc có thể bị sát hại, nhưng nhân dân nước họ, nhân dân toàn thế giới không bao giờ quên họ. Họ trở thành anh hùng, ân nhân, không chỉ cho dân tộc họ, mà cho toàn thế giới.


Nguồn


(1) https://www.amnesty.org/en/countries/asia-and-the-pacific/viet-nam/report-viet-nam/


(2) https://www.hrw.org/vi/asia/vietnam


(3) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-vietnam-cn-06162017130244.html


(4) http://www.ohchr.org/en/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=21921&LangID=E


(5) Spokesperson for the UN High Commissioner for Human Rights: Liz Throssell
Location: Geneva Date: 28 July 2017(6) https://www.youtube.com/watch?v=VJagolurabE&feature=youtu.be




(7) http://machsongmedia.com/index.php .


(8) https://www.bpsos.org/


(9) http://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2016/12/2144-lien-minh-chong-tra-tan-thong-cao.html


(10) http://dvov.org/wp-content/uploads/2014/07/TU%CC%9BO%CC%9BNG-TRI%CC%80NH-Vi-Pha%CC%A3m-Hoi-Thanh-Tin-Lanh-Dang-Christ-Kontum-08-18-15.pdf


(11) Filing a complaint to the United Nations http://freethoughtreport.com/complain-to-the-un/#Filing_a_complaint_to_the_United_Nations


(12) endtorturevn.org






Các tham khảo khác:


http://lib.ohchr.org/HRBodies/UPR/_layouts/15/WopiFrame.aspx?sourcedoc=/HRBodies/UPR/Documents/Session5/VN/HRW_VNM_UPR_S5_2009_HumanRightsWatch.pdf&action=default&DefaultItemOpen=1


http://search.ohchr.org/results.aspx?k=detention%20form#k=detention%20form%20vietnamese


http://www.ohchr.org/_layouts/15/WopiFrame.aspx?sourcedoc=/Documents/Issues/Defenders/Declaration/Vietnamese.pdf&action=default&DefaultItemOpen=1


http://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/Complaints.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét