Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

"Giải tán" cho rồi hội phụ huynh!


"Giải tán" cho rồi hội phụ huynh!

Đặng Trinh



(NLĐO) - Cứ vào đầu năm học, cụm từ ban đại diện cha mẹ học sinh hay còn gọi là hội phụ huynh lại khuấy đảo dư luận với những bức xúc gắn liền với tình trạng lạm thu trong trường học


Vấn đề đặt ra là tại sao một tổ chức đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của phụ huynh trong trường, trong lớp lại chỉ gắn liền với tiếng xấu lạm thu? Thậm chí, nhiều phụ huynh đã thẳng thắn gọi hội phụ huynh (PH) là hội phụ thu, là cánh tay nối dài của hiệu trưởng.


Nỗi ám ảnh mang tên "tự nguyện"


Sau khi Báo Người Lao Động Online đăng bài "Hội phụ huynh không phải hội phụ thu!", nhiều ý kiến đã gửi tới báo trong đó thẳng thắn chỉ ra những bất hợp lý, những bức xúc triền miên bao năm, nỗi ám ảnh mang tên: quỹ PH.


Một phụ huynh bức xúc: "Tôi có 3 đứa con phải lo cho 3 đứa học từ lớp 1 tới lớp 12. Mỗi năm đều đối diện với hội PH với đôi mắt hình viên đạn, Nghe tới HPH là muốn ói. Tại sao họ cam tâm lót đường cho các trường học để cuối năm trường cho 1 vài món quà hay một suất du lịch. Quỹ trường, quỹ lớp, các mục cơ sở vật chất phải đóng góp. Trường làm bằng giấy sao năm nào cũng hội PH thu, không thấy vô lý hay sao? Mỗi tháng, mỗi năm thu, chi ra sao hội PH có biết không? Tiếng là tự nguyện nhưng không đóng không được!"


Anh H. Đại, một PH tại quận 3 cho hay, người dân rất thấu hiểu nguyên tắc trong cuộc sống là làm bất cứ việc gì cũng phải tốn kém nhất là trong chuyện học hành của con em. Đã là PH thì chẳng ai tiếc tiền cả vì đầu tư cho tương lai của thế hệ mai sau là sự đúng đắn nhưng các vị lãnh đạo các vị quan chức lại thích kiếm tiền bằng cách áp đặt quy định, tổ chức quyên góp.


Một bạn đọc chia sẻ, trong cuộc họp PH đầu năm, giáo viên chủ nhiệm làm động tác hỏi ý kiến PH nào muốn tham gia ban đại diện, hỏi như thế thì ai dám bảo là muốn, rồi cô mặc định chỉ vị này, vị kia, là những PH có mối thân quen với cô, với nhà trường. Rồi như mặc định, những PH này luôn là những người có điều kiện, năng nổ phát động kêu gọi đóng góp. Thử hỏi khi các vị đứng ra kêu gọi, dù với hình thức nào đi chăng nữa, thì có đặt mình vào tâm trạng của người khác hay không? Các vị nói trên tinh thần tự nguyện, nhưng khi PH nào không đồng ý thì thông báo oang oang cho cả lớp cùng biết, giáo viên cũng biết. Thử hỏi với cách làm như vậy, còn PH nào dám chường mặt ra không đóng để mình là người bị kỳ thị. Rồi chẳng may, con mình đối xử phân biệt vì không có tiền đóng thì PH nào đành lòng. Nói thẳng ra là không hề có hai chữ tự nguyện trong quỹ PH!


Vì sao phụ huynh phản kháng?


Anh H. Khoa, từng có nhiều năm lại trưởng ban đại diện HPH tại một trường tiểu học tại quận 1 cho biết, không thể phủ nhận thực trạng hội PH ở nhiều trường đang bị biến tướng thành hội phụ thu như dư luận đang bức xúc. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi ban đại diện đều…xấu xa, chỉ biết thu tiền như PH phản ánh. Có nhiều trường thực sự phụ huynh rất nghèo, có muốn huy động đóng góp cũng không được, vì họ lấy đâu ra kinh phí mà đóng. Có trường thì PH vô cùng… cá tính. Làm không đúng là họ kiên quyết không đồng ý, rồi tố cáo đến người này, người kia, rất phiền phức.


"Ngày còn trong ban đại diện của lớp, việc đầu tiên là tôi cùng với các PH trong ban đi tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình. Đây là việc làm vô cùng tế nhị nhưng buộc phải làm. PH nào gia cảnh ra sao, cá tính thế nào đều phải nắm. Đóng góp là một chuyện nhưng nhiều công việc còn phải có sự đồng thuận của tất cả PH. Tâm lý phụ huynh nghèo, họ rất tự ti, đã tự ti họ lại hay có thái độ phản kháng. Nếu ban đại diện làm không khéo thì có chuyện ngay", anh Khoa nói.


Nói thẳng ra, mỗi PH ở một trường tiểu học điểm của quận 1, mà đóng mỗi năm chưa tới 150.000 đồng tiền cơ sở vật chất thì đâu có gì quá đáng, chỉ bằng một bữa ăn của đứa trẻ nhà giàu. "Nhưng ăn thua nhau là ở chỗ, nếu trong lớp đó có vài phụ huynh không đồng ý thì cách làm của mình là làm sao để dù họ không đóng góp cũng cảm thấy thoải mái, cảm thấy được đối xử công bằng, không tự ti, mặc cảm. Làm sao để họ tâm phục khẩu phục. Tôi biết nhiều vị trong ban đại diện nói chuyện rất kẻ cả, thể hiện ta đây. Thái độ như vậy, phụ huynh không hợp tác là đúng"- anh Khoa cho biết.


Sai từ tôn chỉ đến hoạt động


Trong khi đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, lỗi đầu tiên nằm ở quy định của Bộ GD-ĐT khi siết cái này nhưng lại mở cái kia. Một thông tư quy định hoạt động ban đại diện nhưng trong đó chỉ nhắc tới vấn đề thu- chi thế nào mà không hế nói đến, ngoài chuyện tiền bạc thì trách nhiệm của họ là gì? Khi làm sai thì xứ lý ra sao?


Theo Thông tư 55/2011 của Bộ GD-ĐT quy định về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Việc thu-chi kinh phí phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh và trường.


Ban đại diện không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh


Nhiều PH thẳng thắn cho rằng, sự tồn tại của ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay không cần thiết, trên thực tế ban chỉ là bia đỡ đạn cho nhà trường, họ lợi dụng ban này để hợp thức hóa các khoản thu vô lý. Nếu nhà trường muốn thu khoản gì, khoản nào trong quy định, khoản nào tự nguyện thì cứ thông báo trực tiếp trước toàn trường. Việc cứ thông qua hội PH như một kiểu đi đêm lén lút; tạo tiền lệ xấu đó là thói đua đòi trong trường học...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét