Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Vui xuân và chuyện “hỏi xoáy đáp xoay”


Hiệu Minh - Vui xuân và chuyện “hỏi xoáy đáp xoay”

Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, January 29, 2017 | 29.1.17



Chơi xuân thường gặp những câu hỏi thăm, nghe có vẻ quan tâm tới bạn, nhưng tìm câu trả lời đôi khi là khó.


Đối với người Việt thuộc nền văn minh lúa nước, phàm là học sinh phải giỏi, thanh niên phải vào đại học, phải có người yêu, yêu phải khác giới, phải lập gia đình, phải có con cái, phải thành đạt… Trăm thứ “phải” theo một lối mòn từ mấy thế kỷ nay.



Dưới ánh đèn đêm. Ảnh: HM

Có người bạn mãi ngoài 40 mới lấy vợ dù anh là con trai duy nhất trong nhà. Sau 30 tuổi độc thân là bố mẹ thúc ép, họ hàng rì rầm. Cứ dịp Tết về quê đi thăm bà con luôn bị hỏi, bao giờ cưới vợ.


Chuyện “hỏi xoáy” kéo dài hơn chục năm giời, năm nào cũng một câu hỏi, có người yêu chưa, bao giờ cho ăn kẹo, cho đến khi anh chán quá, tặc lưỡi lấy một cô cũng ở trạng thái bị “truy hỏi” cho đỡ điếc tai.


Cưới xong được vài tháng, đi đâu cũng bị hỏi, có gì mới chưa, rồi nhìn vào bụng cô vợ, chẳng thấy gì. Thấy chưa, thằng cha này có vấn đề, chắc ngồi mạng ảo nhiều nên yếu khoản kia.


Nhưng rồi có đứa con đầu là con gái. Cả nhà buồn vì mong ông chống gậy. Thế là chiến dịch phải đẻ con trai của gia đình.


Rất tiếc đứa sau lại là con gái. Và chiến dịch chỉ chấm dứt khi ông bạn khôn vặt, thông báo bị bệnh hiểm, không đẻ nữa. Lúc đó mới im.


Có vợ, có chồng, độc thân, kiểu gì cũng phải có “nhiệm vụ lịch sử”, hết vụ này đến vụ khác. Đi chơi Tết phải chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những tình huống oái oăm.


Những câu hỏi thường gặp ngày xuân


Xứ Việt ta gặp nhau là hỏi thăm từ vợ con, lương bổng, tình hình gia thất, những câu hỏi mà người phương Tây lại tránh.


Nhưng du xuân, tới nhà ai chúc Tết mà không hỏi han, họ lại bảo khinh người. Vì thế nhất định phải hỏi cái gì đó, dù không cần nghe trả lời.


Còn bé, câu hỏi là, cháu có học giỏi không, được giấy khen, cháu ngoan bác Hồ. Nếu học giỏi, ngoan ngoãn, tìm câu trả lời dễ hơn.


Nhưng có phải ai cũng học giỏi và ngoan đâu. Bé ngoan chưa chắc đã giỏi, giỏi chưa chắc đã ngoan. Vì thế câu hỏi này thường làm 50% các cháu ngượng.


Lớn lên một chút, có vào đại học không, định thi trường nào. Cả nước có khoảng gần 1 triệu học sinh lớp 12, nếu tất cả vào đại học, trường lớp ở đâu cho xuể. Trong số đi thi, không phải ai cũng trúng đại học. Tới 2/3 không tìm nổi câu trả lời.


Vào đại học, đi trung cấp, làm công nhân, thậm chí ở quê, ngoài 20 tuổi, như một mặc định, bạn phải có người yêu. Nam yêu nữ, nữ yêu nam, không thể có chuyện người cùng giới yêu nhau.


Số thanh niên giữa 20 và 30 tuổi có người yêu cũng chỉ chiếm một nửa, một nửa còn lại đợi đến ngoài 30 khi học hành đã xong, công việc ổn định mới tính chuyện tìm phần còn lại của cuộc đời.


Đi chơi xuân, gặp một câu hỏi xanh rờn “bao giờ ăn cỗ”, một nửa không thể trả lời. Đang có người yêu mà hôm đó cãi nhau cũng lảng.


Chưa kể yêu và cưới còn một quãng đường dài. Bao giờ? Đợi tết sang năm xem thế nào, ở đời ai mà biết được.


Hơn 30 xuân xanh chưa có gì, phất phơ đi chơi tết mà phía sau xe máy không có ai ngồi, sẽ bị coi là ế. Ở tuổi đó phải có vợ, có chồng, có con, yên bề gia thất. Có thể hiểu tại sao, cánh độc thân tìm cách đi phượt cho quên nỗi sầu ngày xuân.


Đến 40 tuổi và hơn thế nữa, bà con sẽ không hỏi thăm nữa, mà đoán ông bà này có vấn đề. Hoặc là hâm, hoặc là dở người, hoặc không có cái ấy.


Ngoài 50 vẫn một mình, bạn thuộc về thế giới khó bảo, đã nhịn đến tuổi này, nhịn luôn tới chết cho đỡ mệt.


Đến tuổi 60 về hưu, chưa vợ, chưa chồng, không nên đi chơi Tết vì chủ sợ tới nhà bị xúi cả năm, con cháu nhà được thăm dễ bị ế.


Khi 70-80, câu hỏi tập trung vào sức khỏe, bệnh tật, năm nay cụ có khỏe không, ý nói bao giờ thì cụ đi.


Người ta chẳng nhớ cụ Hoàng Kiều 72 vẫn yêu cô Ngọc Trinh 27. Cụ Trump 70 lấy vợ kém 25 tuổi, vẫn làm Tổng thống Hoa Kỳ.


Giải pháp tình thế


Có nhiều cách hỏi và trả lời. Tốt nhất chúc gia đình sang năm mới nhiều may mắn.


Nếu biết mình sẽ bị hỏi xoáy chuyện lấy vợ thì tấn công chủ nhà trước bằng những câu thân ái. Cứ nhìn quanh rồi, ôi, nhà bác có cây đào đẹp quá.


Chủ nào mua đào cũng phải chọn cho ưng ý, thấy ai khen là sướng nở mũi. Người ta sẽ chuyển sang kể mua ở đâu, mặc cả thế nào.


Nếu chưa hết chuyện thì hỏi đào này là phai hay thắm. Thế nào chủ cũng khoe hiểu biết, thế là quên mất chuyện hỏi khó cho khách.


Nếu là cô “hơi ế” thì “tấn công” bà chủ tới tấp. Ôi, bác có cái áo đẹp quá, mặc vừa khít ạ. Mà hiệu nào may giỏi thế. Cháu định may cho mẹ cháu một cái.


Thế nào bà chủ cũng mắc bẫy, quay sang khoe quần áo, son phấn, quên mất hỏi cháu bao giờ cho ăn keo.


Cứ hỏi thăm thân tình, đừng hỏi thu nhập hay lương bổng, mà tập trung vào những thứ chủ nhà có vẻ tự hào như khen giá sách, tủ rượu, khăn trải bàn, yêu mến chú cho fox, vuốt ve con mèo, rồi hỏi chủ về những đồ vật đó, đảm bảo ai cũng vui vẻ.


Trong trường hợp hỏi bao giờ lấy chồng thì phải đối mặt với sự thật. Dạ sang năm ạ, sang năm chưa thì sang năm nữa. Bây giờ mới được 50% vì cháu yêu người ta, nhưng người ta chưa ưng.


Hay bác giúp đi, có mối nào chỉ cho cháu. Cháu thích người có bằng tiến sỹ, có văn hóa, lương 5000$/tháng, có villa, có nhà, có xe hơi, im lặng nghe cháu nói, và lúc cháu cho phép mới được lên tiếng và khoảng trên dưới 30 tuổi mới hợp với cháu. Bác giúp nhé.


Chủ nhà lên trời mới tìm ra hoặc là chỉ cho cô cháu cưới cái tivi.


Có biết bao cách chào hỏi vui chơi ngày xuân nhưng “hỏi xoáy đáp xoay” cần tránh vì tưởng là quan tâm nhưng thực ra là xoáy vào nỗi buồn của người khác.


Hiệu Minh 1-2017


(Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét