Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Đầu xuân bàn về dân chủ hóa cho Việt Nam


Đầu xuân bàn về dân chủ hóa cho Việt Nam

Đăng bởi Lê Sơn on Monday, January 30, 2017 | 30.1.17



Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Trung Quốc ngày càng khuếch trương chủ nghĩa bá quyền, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa nhậm chức với những chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường, giáo sư Tương Lai cho rằng dân chủ hóa là vấn đề cốt lõi để tạo sức mạnh cho Việt Nam.



Người biểu tình cầm biểu ngữ trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Giáo sư Tương Lai nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng là thành viên của Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nói với VOA rằng chưa lúc nào các trí thức Việt Nam lại ưu tư về vận nước như hiện nay. Giáo sư nói chưa lúc nào mà ý tưởng “cùng tắc biến, biến tắc thông” (có nghĩa là sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận, thì tất phải biến hóa) lại có tác động đến ông như hiện nay và nhất là không nên biến Việt Nam thành quân cờ giữa các nước lớn:


“Chưa lúc nào mà ý tưởng ‘cùng tắc biến, biến tắc thông’ có tác động đến tư duy của tôi bằng lúc này. Lúc mà thế giới đứng trước những chuyển biến dữ dội, trong đó có sự kiện ông Trump. Chính trong những cảnh khó lường trong quốc sách của ông Trump, nhất là đối với Trung Quốc, để Việt Nam không là quân cờ mạt trong cuộc chơi giữa các nước lớn, mà nước nào trước hết cũng vì dân tộc của họ. Tôi không muốn Việt Nam một lần nữa trở thành quân cờ trong cuộc chơi giữa các nước lớn.”


Điều quan trọng nhất, theo giáo sư Tương Lai, giới lãnh đạo Hà Nội phải chớp lấy thời cơ này để thực hiện nhanh quá trình dân chủ hóa:


“Dân chủ hóa để tạo sức mạnh cho đất nước. Đây là một điểm tựa vững chắc cho một thế đứng mới. Tất nhiên là một điều mà ông Nguyễn Phú Trọng khó nghĩ tới lắm. Song, tôi chắc chắn rằng những người biết rõ diễn biến của thời cuộc ngay trong giới cầm quyền chóp bu và nhiều người khác nữa không thể không thấy.”


Vì sao phải thực hiện quá trình dân chủ hóa? Theo giáo sư Tương Lai, trong mấy thập niên qua, Việt Nam đã lún sâu vào sự lệ thuộc với Trung Quốc vì giới lãnh đạo Hà Nội đã chọn sai mô hình phát triển đất nước:


“Do những người lãnh đạo đã chọn sai mô hình phát triển. Một mô hình đã sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Với nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, do sự thiển cận và mù tối, với mớ giáo điều cũ mốc. Thế hệ lãnh đạo từ ông Linh về sau đã chui vào cáo thòng lọng Thành Đô (Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc năm 1991), khiến Việt Nam bây giờ trở thành một nước lạc hậu quá nhục nhã.”




Theo giáo sư Tương Lai, thoát trung không phải là bài Hoa. Vị trí địa lý của Việt Nam buộc Việt Nam phải chung sống với nước láng giềng đông dân nhất thế giới. Nhưng Việt Nam phải khẳng định thế đứng của mình dựa trên lợi thế về địa chính trị để được coi trọng trong “thế cờ” giữa Mỹ và Trung Quốc. Giáo sư Tương Lai khuyên Việt Nam nên học hỏi quá trình dân chủ hóa của Myanmar:


“Hãy nhìn sang Myanmar, Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã tạo cho đất nước mình một thế đứng như thế nào. Biên giới Myanmar-Trung Quốc dài gấp đôi biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đó là tấm gương để chúng ta thấy. Việt Nam và Myanmar có nhiều quan hệ tương đồng. Vì sao bây giờ Mynamar ở một thế đứng khác với Việt Nam? Vì ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã dám dân chủ hóa đất nước Myanmar.”


Theo định nghĩa triết học phương Tây, Dân chủ hóa là quá trình chuyển đổi từ các thể chế quân chủ, độc tài, toàn trị sang thể chế dân chủ. Chúng ta cũng không cần nhiều bằng chứng để chứng minh dân chủ hóa là tất yếu, một phần bởi dân chủ hóa đang ngày càng trở thành khuynh hướng chính trị chủ đạo của toàn thế giới.


“Theo tôi, những ai có tầm nhìn mới và đủ bản lĩnh hành động, người đó sẽ đi vào lịch sử. Nếu không, họ sẽ trở thành tội đồ của lịch sử.”


Theo giáo sư Tương Lai, Việt Nam không nên trì hoãn hay né tránh vấn đề này, bởi nếu một nhà nước không tự dân chủ hóa mình thì thế giới, hay nói đúng hơn là những đòi hỏi chính trị toàn cầu, sẽ buộc nhà nước đó phải tiến hành dân chủ hoá. Đó cũng chính là bối cảnh hiện nay, như lời giáo sư nói ‘cùng tắc biến, biến tắc thông’ – Việt Nam đang gặp sức ép từ bên ngoài và nếu Việt Nam không phát triển thông qua dân chủ hóa thì không còn cơ hội tồn tại.


(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét