Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Mặt trái của Tết


Mặt trái của Tết

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, January 24, 2017 | 24.1.17




Tết, lắm nghi thức làm khổ người nghèo. Ảnh: Thành Hoa

Vào dịp Tết, nhu cầu thị trường tăng vọt ở nhiều mặt hàng, dịch vụ, phần lớn là các nhu cầu ăn uống, quà cáp, cúng kiếng, về quê... Cầu lớn thì giá cả ở phía cung thường nên giảm (nếu bị nhiều đối thủ cạnh tranh), hoặc để kiếm lợi nhuận do lượng cầu gần như vững chãi phải được đáp ứng thì cũng có thể tăng (nếu ít cạnh tranh trên địa bàn hẹp, chẳng hạn).


Nhưng một thông lệ đầy tệ hại cho nền kinh tế là sự ngấm ngầm thông đồng tăng giá vào mỗi dịp Tết, mà đã tăng lên và thiết lập một mặt bằng giá mới thì thật khó mà giảm xuống. Cứ xem diễn biến giá của tô phở hay ổ bánh mì trong mấy chục năm qua thì sẽ thấy mức lạm phát trên thực tế là như thế nào.


Nhìn ở góc độ xã hội, những ý nghĩa đẹp đẽ của Tết truyền thống đã bị chính truyền thống bảo thủ hủy hoại. Nói không ngoa, quá nhiều người đau khổ với những phong tục đã chuyển thành hủ tục. Như Tết là cách gì cũng phải tụ tập về đại gia đình, đặc biệt là bên nội (do giữ nếp trọng nam khinh nữ). Ở châu Âu, đêm Noel thường được xem như Tết, sự đoàn tụ thường chỉ trong phạm vi gia đình hẹp giữa những người đang sinh sống với nhau, chẳng ai buộc dâu rể tụ tập để phải lo tất bật đi lại, xáo trộn cả xã hội, nhiêu khê chuyện ăn ở.


Hoặc như một tập tục là muốn làm gì thì cũng phải thanh toán nợ nần trước Tết, cho dù trả nợ xong, sau Tết sẽ lại mượn lại. Thế là tín dụng đen có sẵn miếng đất màu mỡ để gieo mầm và cắt cổ.


Hay như cách nhìn về người nghèo. Dù nhà nghèo mấy thì trẻ con vẫn phải có quần áo mới. Bởi nếu mặc đồ cũ ngày Tết thì chúng sẽ cảm thấy tủi hổ, còn người lớn thì sợ những chấn thương tâm lý như thế sẽ hủy hoại một phần hay toàn phần tuổi thơ của đứa trẻ. Gia đình dù có thất nghiệp, đói meo cũng phải đủ lễ cúng kiếng, không chỉ vào đêm giao thừa. Không có bánh tét, bánh chưng, không có cặp dưa hấu để chưng trên bàn thờ thì xem như không có Tết. Hàng mã thì đốt bất kể trời đất bị ô nhiễm khói độc. Sao vậy? Sao lắm nghi thức làm khổ người nghèo quá vậy? Cuộc sống bầm dập suốt cả năm chưa hành hạ họ đủ hay sao? Và cho dù cuộc sống đã có phần sung túc thì sự thể hiện đời sống tâm linh vẫn có những cách thức văn minh hơn việc hái lộc, đốt vàng mã và “đút lót” thần thánh.


Dịp Tết cũng là dịp cho một số nhà giàu khoe của với cây mai tiền tỉ, với cành đào tiền triệu, với dưa hấu khối vuông bạc triệu, với quà cáp biếu xén để hợp thức hóa tham nhũng bằng chiêu bài tình nghĩa, có trước có sau.


Dịp Tết cũng là dịp cho một số nhà giàu khoe của với cây mai tiền tỉ, với cành đào tiền triệu, với dưa hấu khối vuông bạc triệu, với quà cáp biếu xén để hợp thức hóa tham nhũng bằng chiêu bài tình nghĩa, có trước có sau.


Tết mà không đi thăm nhau thì sẽ bị trách móc, bị liệt vào hạng người bất nghĩa. Mọi người tất bật chạy tới chạy lui, đi đâu cũng móc tiền lì xì, cộng lại cả tháng lương không đủ. Thật tội nghiệp cho những người độc thân chỉ cho đi và không hề nhận lại. Đãi bôi và nặng nề hình thức như vậy để làm gì khi ngày thường không quan tâm đến nhau, khi bệnh hoạn hay gặp tai họa chẳng thấy hỏi han, chia sẻ?


Rồi khi đi tới nhà ai thì cũng uống một ly rượu nhỏ, đi mười nơi là hơn 1 xị. Ba ngày Tết, thậm chí 10 ngày, lâng lâng như mây bay và mệt mỏi tứ chi, cũng chẳng làm ra được một đồng nào, một giá trị nào đáng kể.


Việt kiều cũng ùn ùn về Tết, kẹt cứng cả sân bay. Phải thông cảm cho họ với niềm thương nỗi nhớ và về nước dịp Tết thì ai cũng rảnh, dễ thăm viếng nhau. Thế là giá thuê khách sạn cũng tăng lên vùn vụt, nhất là những nơi trọng điểm du lịch. Mài dao một năm, chém một tuần!


Cả nước đóng cửa cả tháng Giêng vì là tháng ăn chơi. Một đất nước còn nghèo mà chơi sang như thế thì làm sao khá lên nổi? Nước Nhật đã từ bỏ Tết Âm lịch vì họ chọn năng suất và hiệu quả, chọn nếp sống văn minh và hạnh phúc đơn giản, khi chỉ còn Tết Dương lịch và các ngày nghỉ để tái sản xuất sức lao động được trải dài trong năm, không gây xáo trộn hay ùn tắc tàu xe, không gây khó cho quản trị đất nước và cũng không tạo đợt tăng giá hàng hóa dịch vụ để sự lạm phát gần như được lập trình vào mỗi dịp Tết đến.


Tết xong là mệt mỏi “lết” vào năm mới. Cảnh những ngày làm việc đầu năm ở các cơ quan cũng như các công ty đều thiếu sức sống nếu không muốn nói là bạc nhược. Ngoại xâm chỉ cần đánh úp vào dịp Tết là tan tác chim muông!


Sao chuyện hệ trọng như vậy mà không thấy ai xây dựng đề án kiến tạo lại cách sinh sống và nghỉ ngơi, cách phân biệt mỹ tục và hủ tục, cách tổ chức lao động sản xuất và nghỉ phép hàng năm, cách chia sẻ tình người trong mọi ngày, mọi lúc?


Mặt trái của Tết cũng chính là mặt trái của cuộc sống. Chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy đó vì chúng ta chưa nghiên cứu đầy đủ những tác động của phong tục tập quán và xây dựng cách sống kế thừa một cách có phê phán; xã hội chưa mạnh mẽ cải tạo, tổ chức cuộc sống cộng đồng thật sự văn minh và giữ được nhịp tiến hóa đi lên.


Dù sao, người viết bài này cũng kính chúc mọi người an lạc trong tâm hồn, nhất là trước lúc xuân về. Hạnh phúc là sự thanh thản và niềm vui trong lòng.


Nguyễn Thanh Lâm
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn


(Vấn Đề)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét