Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Thề và hứa có ‘cá trê chui ống’?


VNTB- Thề và hứa có ‘cá trê chui ống’?
Reply
Hoài Ngọc, opposite, Thề và hứa có ‘cá trê chui ống’?, VNTB
21.4.16
Hoài Ngọc





Đề tựa:
“Mai sau ở chẳng như lời
Trên đầu có bóng mặt rời rạng soi”(thi hào Nguyễn Du).


Tục ăn thề*[1] kết đồng minh thời cổ đại


Tục ăn thề được ghi lại sớm nhất trong bộ sách Đông Chu liệt quốc của nhà văn Phùng Mộng Long đời nhà Minh. Thời Đông Chu (thế kỷ IX - III trước công nguyên) các chư hầu vận động với nhau tổ chức ra các đồng minh. “Minh” nghĩa là thề, “đồng” là cùng. minh 盟 (thề): giết muông thú đem tế thần rồi cùng uống máu pha rượu mà thề với nhau, gọi là "đồng minh" 同盟 (cùng thề). Nội dung lời thề nói về quyết tâm liên kết với nhau, cùng chống lại ai đó, theo một qui ước nào đó. Thệ 誓 là đứng trước cửa thần linh mà “thề” sẽ làm việc gì đó.“Tuyên” nói ra cho rộng rãi mọi người biết để chứng kiến, theo dõi. Thực tế còn nhiều hình thức thề nguyền khác, có khi cắt máu tay trộn với máu của bạn, pha rượu cùng uống cạn.v.v…


Những lời thề và báo ứng nhãn tiền trong Truyện Kiều


Kim Trọng hứa hẹn với Kiều và ngược lại


Tiên thề* [2]cùng thảo một trương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương .


Hai người lấy ánh trăng để thề. Ý nói: vầng trăng còn tồn tại thì chúng ta còn giữ lời chung thủy. Kim Trọng thực hiện được lời thề và kết quả gia đình hạnh phúc.


Tú bà cất lời thề điêu trá với Thúy Kiều để ràng buộc nàng:
Con ơi, nếu ta:
“Mai sau ở chẳng như lời
Trên đầu có bóng mặt rời rạng soi”.


Sở Khanh hứa với Kiều khi giả vờ quyến rũ nàng đi theo:
“Thuyền quyên ví biết anh hùng
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!”


Và y hứa thêm lần nữa:
Nàng đà biết đến ta chăng
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!


Chàng Thúc sinh xuất hiện với mối chân tình:
Cùng nhau căn dặn đến điều
Chỉ non, thề bể, nặng gieo đến lời.


Chàng thư sinh lấy biển và núi ra thề. Về sau chàng không thực hiện được lời hứa nhưng được Kiều thông cảm vì lý do khách quan và vì thấy Thúc sinh đã cố gắng hết sức nhằm thực hiện lời thề mà không được.


Bạc Hạnh ma cô lừa Kiều về làm gái lầu xanh:
Bạc sinh quì xuống vội vàng
Quá lời nguyện hết thành hoàng, thổ công
(anh này đưa thành hoàng, thổ công ra thề)


Anh hùng Từ Hải hứa hẹn với Kiều:
Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ, cũng là có nhau!
(chỉ là lời hứa, không hẳn là thề, nhưng Từ Hải thực hiện vẻ vang, chính Kiều phá hỏng)


Cuối cùng, phiên tòa Lâm Tri – Hồi đền ơn báo oán:
Sau khi đền ơn, đến phần luận tội:
“Lệnh quân truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao ra hình”.


Thúy Kiều cho nhắc lại lời thề của bọn chúng khi trước, và xử phạt đúng như lời thề ấy.


Lời thề thời Phục Hưng đổi mới, coi trọng danh dự cá nhân


Vở bi kịch lạc quan “Romeo và Juliet” của thi hào W.Shakespeare:


Trích một đoạn trong Hồi II cảnh 2, gọi là cảnh "Đêm trăng thề hẹn":
Sau đêm vũ hội hóa trang ở lâu đài dòng họ Capulet, Romeo cảm thấy yêu Juliet thật sự. Chàng quay lại, trèo tường cao vào vườn nhà, hai người gặp nhau trên ban công chuyện trò, tỏ tình và thề hẹn:
Romeo - Thưa tiểu thư, tôi xin thề có mảnh trăng thiêng liêng kia đang dát bạc trên những ngọn cây trĩu quả . . .
Juliet - Em xin chàng đừng lấy trăng kia thề thốt. Vầng trăng nghiêng ngả, mỗi tháng lại thay đổi đường đi lối về. Em sợ tình chàng cũng như trăng kia thay đổi.
Romeo - Tôi phải lấy gì mà thề ?
Juliet - Xin chàng đừng thề nguyền chi cả. Hay nếu chàng muốn thì chàng hãy đem tấm thân tuấn nhã của chàng mà thề - đó là vị thần mà em thờ phụng, và em sẽ tin chàng.
“Tấm thân tuấn nhã” hàm ý danh dự cá nhân của Romeo, cá nhân con người là quý nhất. Từ sau cách mạng Phục Hưng phương Tây người ta chọn cách tốt nhất là lấy danh dự cá nhân làm chuẩn mực (thay cho núi sông trời đất thần linh). Nếu sau này kẻ thề cố ý nuốt lời thề hoặc không thực hiện được lời hứa thì anh ta/chị ta sẽ MẤT DANH DỰ, bị người đời phỉ nhổ, bị lịch sử ghi vào sổ đen. Một chi tiết nhỏ ấy phủ định kiểu thề thốt mang tính mê tín dị đoan ở châu Âu trước đó. Một chi tiết báo hiệu cách mạng tư sản ở châu Âu. Tuy nhiên ở Hoa Kỳ, hai kiểu thề cổ truyền và hiện đại được kết hợp nhuần nhuyễn. Khi nguyên thủ quốc gia tuyên thệ nhậm chức có sự làm chứng của giáo hội và dân chúng trực tiếp tham dự, viện dẫn song đôi Kinh thánh và Hiến pháp, kết hợp truyền thống với hiện đại. Kinh thánh thiên về niềm tin đạo đức, Hiến pháp mang tính lý trí, thực là hoàn hảo, thỏa mãn tất cả những người phản biện khó tính nhất.


NGHE QUA LỜI THỀ CỘNG SẢN


Đã có nhiều bài báo, ý kiến bình luận về nội dung lời thề, khen và chê, nay chúng tôi chỉ lạm bàn một chút về việc xưng hô khi tuyên thệ.


Khi cúng lễ, khấn vái đều phải tự xưng tên mình, sau đó gọi đến tên thụy của tổ tiên ông bà hoặc danh hiệu thần linh.


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức chủ tịch quốc hội 14. Bà không xưng tên. Sau này trời đất quỷ thần biết ai mà truy cứu ?


Bà xuề xòa, nói không tự xưng:


"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".


Đến chủ tịch Nước Trần Đại Quang, hẳn là có trợ lý mách bảo, đã tránh sai lầm của bà chủ quốc hội, ông đã xưng tên trước khi thề thốt.


"Tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”.


Tiếc thay, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng như bà Ngân, không cần tự xưng, lại còn cám ơn trước:


"Thưa QH, tôi xin trân trọng cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam


Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, đồng bào và cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: "Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tôi xin chân thành cảm ơn".


Ông Phúc luộm thuộm đưa lời cảm ơn lên trước Lời thề, đáng lẽ nên ngược lại. Ông Phúc không biết học tập ông Trần Đại Quang, lại đi theo kiểu bà Ngân. Đáng tiếc cho ông!


Bà Ngân ông Phúc đều không tự xưng tên, như thế gọi là lời thề“phiếm chỉ” vu vơ, ông Trời và qủy thần chẳng biết người thề đó là ai thì sao mà chứng giám và “tính sổ”về sau ! Nên nhớ, trên các dạng giấy tờ bình thường hay quan trọng, mục ký kết, cam kết đều có ghi “ký và ghi rõ họ tên” ở cuối.


Kết: Thề cá trê chui ống


Tục ngữ miền Bắc xưa có câu “Thề cá trê chui ống”. Các cụ thấy ai đó ưa thề thốt mà chẳng mấy khi thực hiện được, thì bĩu môi nói “Thề cá trê chui ống”. Tục ngữ này hơi khó hiểu: con cá trê trơn tuột, có hai cái ngạnh rất độc, túm bắt nó rất khó, dễ bị nó quật lại chảy máu tay, vết thương lâu khỏi vì nọc độc của cá.


Hứa cơ bản đồng nghĩa với Thề.


Cựu bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân từng hứa khi nhậm chức “Tôi sẽ bảo đảm rằng giáo chức sẽ sống được bằng lương”. Lời hứa của ông đã “gửi gió cho mây ngàn bay”. Nay chẳng ai truy cứu trách nhiệm và lời hứa, vì ông đã vọt lên cao hơn.


Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng hứa trước quốc hội khi nhậm chức lần 2 “Nếu tôi không chống được tham nhũng thì tôi sẽ từ chức”. Tham những ngày càng tăng. Quốc hội chờ mãi ông Dũng không từ chức, đành phải bỏ phiểu miễn nhiệm.Vậy mà khi bước xuống vũ đài chính trị, ông Dũng còn nói “Tôi rất thanh thản”. Những người quân tử khi chót thất hứa, họ băn khoăn, ray rứt, đau khổ, còn ông này thì không.


Kết quả, thiên hạ đã chứng kiến hai lời hứa cuội của quan chức cao cấp, có thể còn nhiều hơn nữa.



*[1] . Thệ chữ Hán:誓 tiếng nôm là “thề”, gồm ba bộ thủ. Trên có 1 bộ thủ (chỉ hành động), bộ cân: cái riù ý nói như dao chém đá. Dưới: bộ ngôn, nói ra.
*[2]. “Tiên thề”: tờ giấy hoa tiên, đẹp, ghi lời thề trên đó (như một khế ước).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét