Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

‘Cá chết sai quy trình’: Sai lầm của cả hệ thống


VNTB- ‘Cá chết sai quy trình’: Sai lầm của cả hệ thống
Reply
‘Cá chết sai quy trình’: Sai lầm của cả hệ thống, Đào Đức Thông, opposite, VNTB
29.4.16
Đào Đức Thông





(VNTB) - Sẽ đến lúc ta không thể coi chuyện cá chết chỉ là chuyện của ngư dân đánh bắt, vì có thể những con cá chết không rõ nguyên nhân mà có người khuyên là cứ ăn đi, sẽ được âm thầm đưa đến bữa cơm gia đình chúng ta.


Mong muốn đưa đất nước bứt phá, "đi tắt đón đầu" những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã xây dựng nhiều luật lệ một cách chóng vánh và ồ ạt để hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Thế nhưng để khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" đi vào cuộc sống là cả một quá trình đau đớn đối với người dân. Cách quản lý của Chính quyền đôi khi theo kiểu thời chiến, và thường thì theo mệnh lệnh cấp trên chứ không căn cứ vào Luật hay Hiến Pháp của Quốc Hội. Do đó, từ đó mới xuất hiện những hiện tượng cưỡng ép luật để đạt được mục đích của mình.


Câu chuyện chủ quán Phở caffe Xin Chào bị khởi tố tội kinh doanh trái phép vì chậm đăng ký hoặc chuyện ông Nguyễn Văn Bỉ -chủ đất của quán Xin Chào dựng chòi chăn vịt bị khởi tố là một ví dụ. Khi báo chí và cộng đồng mạng xã hội lên tiếng thì hàng loạt cơ quan xúm tay vào cuộc. Nào công an, viện kiểm sát, Bí thư Thành ủy HCM, cho đến tận Phó Thủ tướng, rồi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Câu “Chuyện nhỏ như cái móng tay” (theo quan điểm của tướng công an Phan Anh Minh) này lại không hề nhỏ đối với số phận pháp lý của một con người, đối với sự an ổn của gia đình người dân và xã hội. Và giờ đây, luồng dư luận xã hội quan tâm đến vụ việc cũng không hề nhỏ. Thủ tướng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã phải lên tiếng, các cơ quan hữu quan đã phải vào cuộc. Người xưa có câu “sai một li, đi một dặm”. Quả thực không sai.


"Chuyện nhỏ như cái móng tay" còn làm bấn loạn các ban ngành lãnh đạo cao cấp từ địa phương đến Trung ương như thế, huống gì những chuyện tày đình khác đang khiến dư luận cả nước bức xúc như chuyện cá chết hàng loạt nhiều tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 đến nay.


Chỉ đến khi 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản mạnh mẽ thì các Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an mới vào cuộc mau chóng. Có vị lãnh đạo của một cơ quan chức năng còn nói: “Không được vào kiểm tra KCN của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi chưa có sự chỉ đạo của Thủ tướng”.


Nếu xem vụ việc của ông chủ quán cafe Xin Chào ở Bình Chánh là“Chuyện nhỏ bằng cái móng tay” thì có thể thông cảm và ở một góc độ nào đó cũng hiểu được sự hợp lý của nó khi xét toàn cảnh quốc trạng hiện tại. Nhưng với vụ Formosa, chuyện cá chết bất thường trên diện rộng, là chuyện an nguy quốc gia, đại sự dân chúng, là quốc kế dân sinh, đồng thời không ngoài trừ đó là mưu đồ chính trị của Trung Quốc (Công ty TNHH gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa Đài Loan). Và nếu nói về luật sở hữu, luật về quyền hưởng dụng, khai thác biển thì ngư dân hoàn toàn có thể kiện Chính phủ về việc đã để nguồn nước, vùng biển bị xâm hại nghiêm trọng mà không có cảnh báo, không có phương án ngăn chặn. Và Chính phủ có trách nhiệm khởi tố, truy tố những cá nhân, tổ chức có liên quan mà là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm hoạ này, vì nó còn để lại hiểm hoạ di chứng về sau mang tính lâu dài và di truyền cho nhiều thế hệ tương lai như chất độc Dioxin chứ không chỉ trực tiếp từng người ở đó. Việc khởi tố, truy tố, xét xử pháp nhân đã có quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, nên hoàn toàn có thể xét xử được bất kỳ chủ thể nào mà không có loại trừ hay chỉ là biện pháp xử phạt hành chính đơn thuần nữa.


Những ai đã từng làm việc và chứng kiến những hành vi tàn phá môi trường trong các tổ chức có nguy cơ cao, nhưng không dám lên tiếng vì sợ bể nồi cơm, mất miếng ăn hay công việc, thậm chí có khi bị đưa vào tù thì mới thấm thía hết những thứ mà họ đã nhắm mắt cho qua mà coi rằng đó không phải chuyện của mình hay cũng chỉ là bình thường, nhất là khi phải lựa chọn, hoặc lợi ích của bản thân, kèm theo là gia đình, hoặc tôm cá của ngư dân (tức môi trường sống, lao động của người khác), thì họ mới hiểu họ chính là một phần của tội ác, đồng loã với những hành vi nguy hiểm có thể gây hại cho xã hội ở mức độ tàn khốc.


Và điều đáng báo động mà còn rộng khắp hơn hết, đó là tình trạng tẩm độc thực phẩm bằng hoá chất độc hại, gây ra bệnh tật và cả hệ luỵ lâu dài cho các thế hệ được sản sinh ra tiếp sau. Đây là tội ác đối với dân tộc, khi mà hầu hết các lĩnh vực đã bị xâm lấn bởi những nguy cơ tiềm ẩn và mức độ ngày càng trầm trọng, công khai, mang tính trực tiếp và khủng khiếp hơn.


Con người là khởi sự của mọi hành động, là nguyên nhân của kết quả và chính chúng ta là một mắt xích trong chuỗi biến động của cuộc sống, nên không thể nằm ngoài hệ thống này. Sẽ đến lúc ta không thể coi chuyện cá chết chỉ là chuyện của ngư dân đánh bắt, vì có thể những con cá chết không rõ nguyên nhân mà có người khuyên là cứ ăn đi, sẽ được âm thầm đưa đến bữa cơm gia đình chúng ta, hay chúng ta ngửa mặt lên trời sẽ hít lấy những đám mây thuỷ ngân độc hại lơ lửng trên bầu không khí mà cứ nghĩ rằng nó an lành cho sức khỏe. Vì vậy chúng ta không thể thờ ơ hay ngồi nhìn mọi sự xảy ra với cái thở dài và tự vấn lương tri, rằng, xã hội nó thế, biết làm sao, đã có người khác lo, nên sống tốt đời mình mà yên thân lo cho con, cháu mình là được rồi.


Từ những vụ việc trên cho chúng ta thấy Hiến pháp và các đạo luật ở Việt Nam đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng, thực sự nghiêm trọng. Hiến pháp - một đạo luật cao nhất của một quốc gia - đã không được những người thực thi Pháp luật tuân thủ và tôn trọng áp dụng một cách đúng đắn.



Những vụ việc nêu trên có khi nào lại đang chờ những mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đình chỉ vụ án cho êm chuyện chả cần biết đúng - sai? hay kết quả điều tra cá chết là chỉ tại... CÁ CHẾT SAI QUY TRÌNH?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét