Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Làm gì để chữa căn bệnh nhiệm kỳ?


Làm gì để chữa căn bệnh nhiệm kỳ?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 23 tháng 4 năm 2016 | 23.4.16



Tác giả viết "Xoá sổ căn bệnh nhiệm kỳ, vì thế, có lẽ chỉ trông chờ vào năng lực tự thân của các lãnh đạo"


Nhà cách mạng Nga V.I. Lenin từng nói: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Những đồng chí của ông ở Việt Nam có vẻ rất coi trọng tuyên ngôn đó, cho nên luôn xem “ổn định” là mục tiêu hàng đầu của hệ thống chính trị.


Muốn giữ được “ổn định”, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, điều hiển nhiên là phải lựa chọn những người kế nhiệm phù hợp. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 và những phiên họp cuối cùng của Quốc hội 13 Việt Nam vừa hoàn thành xong nhiệm vụ đó, đưa lên sân khấu những gương mặt sẽ là đại diện cho chính quyền trong ít nhất 5 năm tới.


Ở Việt Nam, dù hệ thống bị đánh giá là độc đoán (authoritarian) theo Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) của tờ Economist, vẫn có nét tiến bộ hơn các đồng chí khác như Bắc Triều Tiên và Cuba, khi sử dụng “nhiệm kỳ” để tránh tình trạng độc quyền cá nhân.


Thế nhưng, quản lý bằng nhiệm kỳ không phải là hoàn hảo. Nó dễ tạo ra thêm một thứ hay được gọi là “tư duy nhiệm kỳ”, khi lãnh đạo cố gắng “đặt dấu ấn” của mình trong giới hạn thời gian được tại vị. Điều này đồng nghĩa với việc cứ đến một thế hệ cầm quyền mới sẽ có nhiều ý tưởng mới, từ cấp cao nhất là thủ tướng cho đến các thành viên nội các. Có thể lấy ví dụ từ nhiệm kỳ của ba thủ tướng gần đây: Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng.


Nếu như ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải nhấn mạnh vào quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cố gắng đưa vòi bạch tuộc của nhà nước ra khỏi nền kinh tế, thì ông Nguyễn Tấn Dũng lại muốn nhóm các doanh nghiệp này lại thành những “quả đấm thép”.


Đi xuống cấp bộ trưởng, có thể thấy vấn đề này rõ ràng hơn.


Đơn cử như Bộ Giáo dục: đúng 10 năm trước, chúng ta có đề án “hai không”, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Năm đầu tiên thực hiện, từ 94% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2006, con số này giảm xuống còn 66% trong kỳ thi 2007 (tăng lên 80% sau kì kỳ thi “vớt”). Ba năm tiếp theo, không có năm nào vượt qua thành tích quen thuộc 90%.



Ông Nguyễn Tấn Dũng đã từ nhiệm trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tại vị sau Đại hội Đảng 12


Thế nhưng kể từ năm chuyển giao nhiệm kỳ (2010), tỷ lệ này vọt lên ngoạn mục đến 99% năm 2014, và chỉ chịu giảm xuống 93% vào năm ngoái.


Có một sự trùng hợp là sự tiến bộ trong thành tích tốt nghiệp này đi cùng với sự thay đổi về trọng tâm của ngành giáo dục. Nếu như nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến chống tiêu cực, thì từ khoá trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là “trận đánh lớn” với liên tiếp những cuộc cải cách, từ tuyển sinh cho đến sách giáo khoa, gây nhiều tranh cãi. “Hai số không” không còn là ưu tiên số một nữa.


Người thay thế ông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quay về với quan điểm con người là trung tâm. Người ta đang nín thở chờ ý tưởng của ông sẽ được hiện thực hoá ra sao. Những câu chuyện tương tự không khó để tìm thấy ở các bộ, ngành khác.


Đâu là giới hạn cho “ý tưởng”?


Tất nhiên, lãnh đạo khác nhau thì sẽ có những ý tưởng khác nhau, đó là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ thể chế nào. Nhưng một chiến lược phát triển đúng đắn, dài hạn đôi khi cần nhiều hơn một nhiệm kỳ.


Nhìn vào một ví dụ về cải cách doanh nghiệp nhà nước như trên, điều gì sẽ xảy ra nếu người đứng đầu thực hiện chưa xong ý tưởng thì nhiệm kỳ kết thúc? Và thậm chí ý tưởng đó bị bẻ ngoặt, dù cho đang được thực hiện hiệu quả?


Kết quả dễ thấy nhất sẽ là nguồn lực bị phân tán liên tục cho những mục tiêu dang dở, dẫn đến chuyện “vừa mất phu nhân lại thiệt quân”. Bởi ý tưởng mới tất nhiên sẽ cần nguồn lực, là tiền bạc và con người, để thực hiện. Chưa tính đến vấn đề lợi ích nhóm (hay tham nhũng), khi ý tưởng không hiệu quả, căn bệnh nhiệm kỳ sẽ tạo ra một chuỗi các cuộc cách mạng nửa vời, hao tổn nguồn lực mà không đi đến đâu.


Chính vì thế, tạo ra các quy chế buộc lãnh đạo mới phải có trách nhiệm với chính sách của mình, bất kể nhiệm kỳ kết thúc lúc nào, là rất cần thiết. Quan trọng hơn, ý tưởng mới cần phải được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng trước khi được thông qua. Trong các hệ thống nhà nước hiệu quả, quy chế đó gọi là “trách nhiệm giải trình” của lãnh đạo.



Tác giả đề cập những cải cách trong lĩnh vực giáo dục gây nhiều tranh cãi do 'tư duy nhiệm kỳ'


Thời gian còn ở Anh, tôi có dịp được chứng kiến hoạt động rất thú vị của “shadow cabinet” (nội các đối lập), nhóm các nhà lãnh đạo của phe đối lập với từng “bộ trưởng đối lập” (shadow minister) theo dõi và phản biện các chính sách của bộ trưởng “xịn”. Họ tranh luận thường xuyên trên TV như một show truyền hình thực tế. Điều này khiến cho các nhà xây dựng chính sách phải hết sức cẩn trọng và có trách nhiệm với ý tưởng của mình, nếu như không muốn bị làm bẽ mặt, hay thậm chí là mất chức.
Tất nhiên, mỗi một quốc gia đều có những nét đặc thù, cái hay của nước này không dễ đem áp dụng một cách cơ học cho nước khác. Thế nhưng, hệ thống nào cũng cần những tiếng nói phản biện độc lập để đảm bảo góc nhìn chính sách không bị thiên lệch và nâng cao trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu. Ở Trung Quốc, đã có một số trường hợp các ứng viên ngoài Đảng được cho phép giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp (bộ trưởng). Quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan cũng bắt đầu với việc cho phép các ứng viên độc lập được vào Lập pháp viện (Quốc hội) từ những năm 1970.
Nhìn vào kết quả hiệp thương lần ba, tôi ước giá như các ứng viên tự ứng cử ở Việt Nam có được nhiều cơ hội hơn, thì có lẽ vai trò “giám sát” của Quốc hội sẽ được tăng lên rất nhiều. Điều đó đã không xảy ra. Xoá sổ căn bệnh nhiệm kỳ, vì thế, có lẽ chỉ trông chờ vào năng lực tự thân của các lãnh đạo, ít nhất là trong 5 năm tới.

Khắc Giang
Gửi cho BBC từ Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét