Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Vì sao ở Việt Nam người ta dễ bị chụp mũ 'chống chính quyền'?


VNTB - Vì sao ở Việt Nam người ta dễ bị chụp mũ 'chống chính quyền'?
Reply
BLHS, chống chính quyền, Điều 117, forums, news, Trúc Giang, VNTB
29.7.17

Trúc Giang (VNTB)


Ngày 1-1-2018 tới đây, khi Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi có hiệu lực thi hành, thì chỉ cần người nào đó mời “nghĩ trong đầu” chuyện “phê phán những sai lầm của chính phủ, của Đảng và Nhà nước”, mà chưa làm thêm bất kỳ chuyện gì khác, người ấy vẫn có thể bị bắt đi tù từ 1 đến 5 năm. (Điều 117)


Một người học hành phổ thông dỡ dang, phải xuất khẩu lao động ở Đài Loan, rồi quay về nước trong nghèo nàn. Chỉ khác là giờ đây bà ấy hiểu thân phận người phụ nữ nghèo khó đã khốn nạn như thế nào khi được coi là món hàng “xuất khẩu lao động”. Bà lên tiếng không chỉ cho mình, mà còn cho tất cả những người lao động đang bị chèn ép, bị mất quyền lên tiếng nói. Và cuối cùng thì ít hôm trước đây, người đàn bà có 2 con mọn này phải chịu mức án 9 năm tù, 5 năm quản thúc vì “Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý gây hoang mang cho nhân dân”, quy định tại Điều 88, BLHS 1999.

Ghi nhận từ các vụ án đăng trên báo chí, thì chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, Cơ quan An ninh Điều tra đã bắt bốn người theo Điều 88 BLHS về tội tuyên truyền chống nhà nước. Con số này ngang bằng với năm 2015 và năm 2012. Từ năm 2012 đến nay có ít nhất 21 người bị bắt theo Điều 88, trong đó có sáu người vẫn chưa được xét xử và sáu người vẫn đang thụ án tù.


Người đàn bà có hai con mọn nói ở phần đầu bài viết là bà Trần Thị Nga, sinh năm 1977, đã bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế. Bà bị kết tội “tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý” và nhiều tội tương tự theo khoản 1, điều 88 BLHS. Lý lịch của bà Nga ghi trong hồ sơ vụ án cho biết bà Nga chưa học xong bậc tú tài, thế nhưng không rõ tại sao người đàn bà này lại có những kỹ năng “chiến tranh tâm lý” - phần học chuyên sâu của hạng chuyên gia, đủ để đe dọa cả một nhà nước luôn tự hào đã đánh bại các đế quốc sừng sỏ nước ngoài.


Đưa tin về phiên xử hình sự sơ thẩm hôm 25-7, báo chí mô tả rằng phía công tố dường chừng đang đề cao khả năng ảnh hưởng của bà Nga, khi kiểm sát viên tin rằng các việc làm của bà Nga đã… “gây hoang mang trong nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Nhiều nhà quan sát cho rằng ngay cả một đảng viên CSVN được đào tạo bài bản từ trường chính trị sơ cấp đến cao cấp, có lẽ cũng không đủ khả năng một mình làm nên cuộc “chiến tranh tâm lý” như cáo buộc đang chụp lên đầu bà Trần Thị Nga.


Báo chí viết: “Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2017, Trần Thị Nga đã trực tiếp lập các tài khoản Blog, Facebook cá nhân “Thuy Nga,” “Tran Thi Nga” và trang YouTube “trần thúy nga” đã làm ra, tàng trữ 13 video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt và sử dụng trang mạng xã hội để đăng tải các video clip nhằm truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.


Năm 2017, ngoại trừ ông Bùi Hiếu Võ bị bắt vì sử dụng Facebook đăng bài viết bôi nhọ, xuyên tạc, chống nhà nước Việt Nam, năm người còn lại bị bắt theo Điều 88 hay bị tạm giam để điều tra đều liên quan đến việc làm và đăng các video clip. Cơ quan An ninh Điều tra cho rằng đó là những video clip có nội dung tuyên truyền chống nhà nước.


Gần như các vụ án liên quan Điều 88 BLHS, phía luật sư bào chữa dù có hùng biện đến đâu, cuối cùng vẫn thua. “Các quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia có lẽ được “đặc quyền” nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng. Vì thế đa phần các luật sư ít tham gia những vụ án được quy kết là xâm phạm an ninh quốc gia là vậy”. Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm, nhận xét và cho rằng không chỉ “cãi thua”, mà “giới luật sư trở thành bị can, bị cáo trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia do có những quan điểm trái chiều với nhà nước là không ít”.


Không quá lời khi thấy rằng ở Việt Nam, từ một người đàn bà ít học, một nách hai con mọn, cho đến những luật sư khoa bảng… tất cả đều dễ dàng đứng trước cáo buộc “chống Nhà nước”, nếu như những người này vì bức xúc trước hiện tình đất nước mà liên tiếp bày tỏ quan điểm trái ngược lại với “Đảng và Nhà nước” trong các quyết sách, thì những người dân đó sẽ bị cáo buộc là “chống chính quyền nhân dân”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét