Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Tự hào Việt Nam: Ngân hàng không thiếu… tiền Việt !


Tự hào Việt Nam: Ngân hàng không thiếu… tiền Việt !

Đăng bởi Elvis Ất on Sunday, July 30, 2017 | 30.7.17



2017. Lại thêm một năm nữa tràn ngập nhiều dấu hiệu và biểu hiện thừa tiền trong hệ thống ngân hàng.


Nhưng không phải thừa đô la mà là tiền Việt.




Một trong những biểu hiện rất rõ là vào tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp hút bớt về lượng lớn qua phát hành tín phiếu. Hiện tượng này lại xảy ra trong bối cảnh có đến 130.000 tỷ đồng tiền gửi của ngân sách ứ đọng trong hệ thống, trong đó có một nguyên nhân là giải ngân đầu tư công chậm mà đang khiến Chính phủ phải “vò đầu bứt tai”.


Song giải ngân chậm chỉ là một phần. Phần đa còn lại, bị nghi ngờ rất lớn, thuộc về lượng tiền in thêm của Ngân hàng Nhà nước để tung vào lưu thông và thị trường. Từ trước đến nay, con số và giá trị tiền in thêm các năm bị Ngân hàng Nhà nước xem là “bí mật quốc gia” và tuyệt đối không công bố.


Nhưng từ những năm 2013, 2014 trở lại đây, nhiều người hưu trí đã thường nhận được tiền mang mệnh giá 200.00 đồng và 500.000 đồng mới cứng từ quỹ lương hưu. Những người này đoan chắc là những tờ tiền đó chưa bao giờ được lưu hành trước khi đến tay họ.


Khả năng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phát hành “trái phiếu đặc biệt” để hút tiền mặt từ các ngân hàng thương mại cổ phần, rồi sau đó lại trả lãi lẫn gốc cho ngân hàng bằng tiền Việt, được xem là nguyên nhân đương nhiên gây ra nạn thừa tiền trong lưu thông và thúc đẩy lạm phát thực tế (chứ không phải mức lạm phát chỉ 3-4%/năm theo báo cáo của Chính phủ).


Có một kinh nghiệm xương máu trong hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng là lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đã tăng cao và tăng đột ngột trong thời gian gần đây, gây sức ép mạnh lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán, trong lúc chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.


Hiện thời, một trái ngược có thể đang xảy ra là trong lúc ngân hàng thừa tiền Việt, tiền USD trong dân và kể cả của khối doanh nghiệp, ngân hàng lại có xu hướng giảm dần và thậm chí có thể cạn kiệt. Nguồn cơn của tình trạng này là bởi chiến dịch Ngân hàng Nhà nước “gom USD”, được Thống đốc Lê Minh Hưng công bố là gần 10 tỷ USD trong năm 2016, đưa kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên đến 41 tỷ USD. Một phần lớn trong con số gần 10 tỷ USD mua vào được xác định từ nguồn trôi nổi trong dân chúng.


Vậy Ngân hàng nhà nước lấy đâu ra hơn 200 ngàn tỷ đồng để “gom” gần 10 tỷ USD?


Câu trả lời đơn giản nhất và có lẽ chẳng còn giải đáp nào mang tính thuyết phục hơn: in tiền.


Có nghĩa là Ngân hàng nhà nước có thể đã chấp nhận hậu quả lạm phát thực tế (chứ không phải chỉ số lạm phát theo báo cáo chỉ chưa đầy 4%/năm) để in tiền. Thậm chí còn in ồ ạt để bung ra mua USD trôi nổi.


Vào giữa năm 2017, trong bối cảnh tỷ giá USD quá ổn định ở Việt Nam, trong khi quốc gia này lại phải nhập siêu lớn từ không chỉ “bạn truyền thống” Trung Quốc (khoảng 50 tỷ USD/năm) mà cả từ Hàn Quốc (khoảng 16 tỷ USD/năm), giới quản lý nhà nước thực sự đầu sốt ruột và phải bàn tới biện pháp “kích thích xuất khẩu” bằng cách đẩy cao tỷ giá trung tâm và do đó tăng tỷ giá USD chợ đen, chấp nhận “kích thích lạm phát” - một cách nói của kinh tế học.


Tuy vậy, dù là in tiền ồ ạt, câu hỏi còn lại là liệu Ngân hàng nhà nước có “gom” được USD đủ để phục vụ dự trữ ngoại hối cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài hay không.


Việc dự trữ ngoại hối chỉ tăng từ 41 tỷ USD lên 42 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy, lượng USD nằm dưới gối của người dân có thể chẳng còn nhiều để “tìm mọi cách huy động”.


Một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là trong vài ba năm tới, Chính phủ sẽ phải sử dụng sạch lượng ngoại tệ trong kho dự trữ ngoại hối để trả nợ cho quốc tế, nhưng lại không thể “gom” thêm một lượng USD đáng kể nào trong dân chúng. Đó cũng là lúc thị trường Việt Nam thừa mứa tiền Việt nhưng lại khan hiếm USD, tất dẫn đến lạm phát thực tế tăng vọt.


Minh Quân


(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét