Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Phiếm luận: tin nhắn khẩn đến hội trường Diên Hồng về "bôi nhọ lãnh đạo"


VNTB - Phiếm luận: tin nhắn khẩn đến hội trường Diên Hồng về "bôi nhọ lãnh đạo"
Reply
bôi nhọ, Diên Hồng, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân, forums, Giang Nam, lãnh đạo Đảng,news, VNTB
31.5.17

Giang Nam (VNTB) Nhắn tin gấp đến hội trường Diên Hồng cho kịp trước khi QH bấm nút thông qua tội “bôi nhọ lãnh đạo Đảng nhà nước” .


Tôi giật mình đọc bản tin của báo DÂN TRÍ (thứ Tư, 24/05/2017) “Đề nghị xử lý hình sự hành vi bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước” trong đó nêu rõ “đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị bổ sung quy định tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.



Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk)

Vốn là người lo xa, tôi e rằng, nước ta vốn đã có rừng luật, nay thêm một điều với tội danh “bôi nhọ” tuy nhỏ vào Luật hình sự cũng sẽ lâm vào cảnh “vẽ rắn thêm chân”. Người làm luật sẽ khổ vì phải soạn luật, giải thích luật, hướng dẫn thực thi luật, công việc đẻ ra sẽ vô cùng nhiêu khê với một từ ngữ đơn giản. Khi xử án, các bên tham gia tố tụng lại phải tranh cãi đến bất tận nếu họ đều thực lòng muốn thực thi bảo vệ công lý.


Việc đầu tiên là xác định đối tượng có khả năng bị xâm hại vì hành vi “bôi nhọ”



Cụ thể, QH cần xác định rõ: ai được gọi là “lãnh đạo Đảng nhà nước” ?


Tôi xin trình bày câu hỏi về các lựa chọn:


Câu hỏi 1: Ai trong số các vị sau đây là đối tượng cần bảo vệ chống lại “sự bôi nhọ” ?


- Tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch Nước, chủ tịch QH, thủ tướng chính phủ)


- Ủy viên BCT


- Uỷ viên Ban bí thư


- UB Kiểm Tra TW


- Uỷ viên BCHTW


- Các chức danh ở cấp trung ương nhưng không phải UV.BCH.TW (phần lớn các vị phó ban ngành, bộ và cơ quan ngang bộ).


- Lãnh đạo các tỉnh thành (trưởng/gồm cả phó) có gọi là “lãnh đạo Đảng nhà nước” không?


- Lãnh đạo trong quân đội, công an thì sao ?


Câu hỏi 2: Tất cả hoặc một phần các vị nêu trên đang tại chức hay kể cả đã nghỉ hưu, đã qua đời? (ví dụ ông Nông Đức Mạnh thì tính là đảng viên thường, dân thường hay lãnh đạo Đảng?)


Câu hỏi 3: Các vị thuộc đối tượng được bảo vệ chống bôi nhọ (ở trên) đã bị kỷ luật thì có được bảo vệ không ? (ví dụ: UVTW Trần Văn Truyền, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bí thư Hồ Xuân Mãn. v.v…).


Câu hỏi 4: Cơ quan nào sẽ cung cấp và cập nhật danh sách đối tượng được bảo vệ khỏi sự bôi nhọ ? Đăng trên website cổng thông tin nào ? (lưu ý tránh tình trạng bối rối như Cục Biểu diễn nghệ thuật Bộ Văn hoá).


Sau khi nêu băn khoăn thắc mắc cụ thể như trên, tôi xin trình bày thắc mắc về vai trò của đại biểu quốc hội.


Mấy hôm nay nghị trường quốc hội xuất hiện có vị đại biểu hăng hái đề nghị bổ sung tội “bôi nhọ lãnh đạo Đảng nhà nước” vào Luật hình sự. Trước hết mấy vị này quên rằng cử tri bầu họ đứng ra đại diện cho quyền lợi dân chúng, cụ thể là bảo vệ quyền tự do ngôn luận.


Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội kể cả tiến sĩ luật chưa nắm rõ luật mà đi xây dựng luật, thì gay go lắm. Đã có điều luật về tội danh “vu khống” rồi. Công dân bình đẳng trước pháp luật nghĩa là công dân bình thường bị vu khống cũng bị tổn hại ngang bằng lãnh đạo Đảng nhà nước bị vu khống.


Sao lại bày ra tội riêng để ưu tiên bảo vệ Lãnh đạo?


Làm chính trị thực chất là làm ngôn ngữ. Quốc hội lập pháp bằng ngôn ngữ tiếng Việt nên cần có chuyên gia Việt ngữ học làm đại biểu.


Các vị cần phải xác định “bôi nhọ” hoặc “bôi xấu” nghĩa là gì.


Các từ ngữ “chỉ trích, phê phán, phê bình” đều có ý nghĩa rõ ràng, xác định. Trong khi đó, “bôi nhọ, nói xấu” là cách nói dân gian. “Bôi nhọ” có nghĩa đen là: một khuôn mặt sạch sẽ bị kẻ xấu bôi nhọ lên, nói cách khác, đối tượng không xấu mà bị “nói cho ra xấu”. Vậy thì, thực chất đó là tội vu khống đã có trong luật. Đối tượng bị “bôi nhọ, bôi xấu, nói xấu” cứ việc đi khiếu kiện tội vu khống.


Quốc hội còn bàn bạc chi nữa cho tốn thì giờ ?


Vậy mà Quốc hội lại đang tìm cách ngăn chặn dư luận trái chiều trong đó gồm cả “chỉ trích”. Khả năng “phê bình chỉ trích” đang được chuyển nghĩa mập mờ thành “bôi nhọ” trên nghị trường quốc hội.


Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến sau đây của TS Ngữ văn Chu Mộng Long về chỉ trích để rộng đường bàn bạc.


Chỉ trích và tiến bộ xã hội
Khái niệm “chỉ trích”, tiếng Anh criticize, censure, tiếng Việt còn gọi là phê bình, phê phán.

Ông cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đặt ra vấn đề chỉ trích trong nội bộ Đảng như một học thuyết về sự tồn tại và phát triển của một tổ chức chính trị. Nhưng rất tiếc, cương lĩnh ấy chỉ dừng lại ở “tự chỉ trích” và duy trì cho đến bây giờ bằng sự giảm thiểu ở mức độ “tự phê bình”, theo phép nói giảm của tiếng Việt.

“Tự chỉ trích” phù hợp với thời Đảng hoạt động bí mật và có ý nghĩa lịch sử của nó. Với hoạt động bí mật, Đảng phải tự biết nhược điểm của mình mà tự chỉ trích để tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị tiêu diệt trong trứng nước. Đảng đã từng làm được cái việc vĩ đại ấy để có Cách mạng tháng Tám và kháng chiến kiến quốc thành công.

Nhưng khi hoạt động công khai và tự đặt vào lòng dân, “tự chỉ trích” trở thành mất hiệu lực, đặc biệt khi đã giảm thiểu mức độ thành “tự phê bình”. Bởi vì về mặt tâm lí, một là, khi có quyền lực trong tay, kẻ sở hữu quyền lực rơi vào sự tự kiêu với "đỉnh cao trí tuệ", khả năng “tự chỉ trích” không còn; hai là, do tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, kẻ sở hữu quyền lực thích trấn áp người khác hơn là “tự chỉ trích”, "tự phê bình".

Ba là, quan trọng hơn, thời cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đảng viên có mục tiêu lí tưởng rõ ràng để làm thang bậc giá trị mà “tự chỉ trích”. Bây giờ, “một bộ phận không nhỏ” vào Đảng không có mục tiêu lí tưởng rõ ràng (mà có thì chỉ là đầu môi chót lưỡi) nếu không nói là cơ hội, trục lợi, họ không biết đâu là thang bậc giá trị để “tự chỉ trích”.

Khi mất khả năng “tự chỉ trích” họ rất sợ bị chỉ trích. Nuôi tất cả mầm bệnh của thói cơ hội, trục lợi, cho nên họ rất sợ bị người khác chỉ trích, và như một quy luật tất yếu của tâm lí, họ biến những kẻ chỉ trích thành thù địch.

Chỉnh đốn Đảng theo phương pháp “tự phê bình” hiện nay là bất khả, nếu không nói càng ngày càng sa lầy vào đạo đức phê bình giả.

Theo tôi, đến lúc Đảng và chính quyền phải có bản lĩnh cho phép, thậm chí khuyến khích dân tự do chỉ trích, phê bình Đảng và chính quyền. Đó không là mối nguy hiểm mà là lối thoát. Chỉ trích hay phê bình từ phía người dân là một sự tương tác từ bên ngoài để chuyển hóa vào bên trong nội bộ của Đảng, làm cho cán bộ Đảng và chính quyền thức tỉnh giấc mộng đỉnh cao trí tuệ, đỉnh cao quyền lực, giải quyết được các tệ nạn mà Đảng và chính quyền không thể tự giải quyết. Đó mới là cách trao quyền tự do dân chủ cho dân đúng nghĩa, như Lenine trong chống chủ nghĩa cơ hội và thói kiêu ngạo cộng sản, Hồ Chí Minh trong chống bệnh quan liêu, cửa quyền. Các lãnh tụ đã nói, đã hứa nhưng chưa làm được.

Chỉ trích, phê bình không đồng nghĩa với thù địch, chống phá mà là xây dựng. Bởi vì nếu chỉ thù địch, người ta chỉ biết bạo loạn, lật đổ chứ không chỉ trích, phê bình làm gì nữa.

Mà cũng phải nói rõ điều này: ngay cả khi bạo loạn, lật đổ xảy ra cũng là chỉ vì do sự chỉ trích, phê bình không có hiệu quả.

Cho nên, để không xảy ra bạo loạn, lật đổ, tốt nhất Đảng và chính quyền nên biết phát huy hiệu quả của sự chỉ trích hơn là trấn áp bằng bạo lực. Bạo lực chỉ nuôi mầm mống và gia tăng bạo lực.

Bạo lực phản ánh tình trạng quan trí lẫn dân trí, nhưng trước hết, phản ánh trình độ và bản lĩnh của quan chức.

Không thể phủ nhận những năm gần đây, nhờ tương tác của mạng xã hội, của báo chí và dư luận với Đảng và chính quyền, xã hội đã có những tiến bộ rõ rệt. Chính quyền không muốn nghe cũng phải nghe, không muốn tự điều chỉnh cũng phải điều chỉnh. Nhiều sự vụ đã được giải quyết nhanh và xã hội ngày một minh bạch hơn, kể cả duy trì sự ổn định.

Chắc chắn Đảng và chính quyền hiểu điều đó. Hiểu nhưng thực hiện thiếu tự giác.

Vì thiếu tự giác, cho nên hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc giữa Đảng, chính quyền với người dân, trong đó “mặc cảm thù địch” là bức tường rõ nét nhất. Mặc cảm này nằm ở cả hai phía. Người dân mất niềm tin nên một bộ phận không nhỏ bộc lộ hằn thù bằng chửi bới, kích động, trong khi một bộ phận không nhỏ trong Đảng và chính quyền thì nhìn đâu cũng thấy thù địch.

Hố sâu thù địch đạt tới ngưỡng nào đó sẽ bùng nổ thành bạo loạn và hậu quả là sự tàn phá thay vì xây dựng.

Thời đại hiện nay, mâu thuẫn giữa nhà nước và nhân dân mới là mâu thuẫn căn bản chứ không phải giai cấp hay cái gì khác. Các cuộc biểu tình lớn trên thế giới đều là biểu tình chống nhà nước. Nhà nước không khôn ngoan giải quyết quan hệ này, chính nhà nước đã đào hố sâu thù địch và tự chôn mình. Tôi đã nói to điều này khi đi học lớp chính trị cho các quan hiểu nhưng nhiều người cố tình không hiểu.

Phải giải mặc cảm thù địch mới có thể làm quen được với sự chỉ trích. Điều này tùy thuộc vào dân trí lẫn quan trí.

Ở các nước văn minh, cách giải mặc cảm thù địch rất đơn giản là tạo hành lang pháp lí cho sự chỉ trích. Pháp luật chế định người dân có quyền tự do chỉ trích cán bộ lãnh đạo; ngược lại, cán bộ lãnh đạo bất luận trường hợp nào cũng không có quyền trấn áp, đe dọa và sử dụng bạo lực, thậm chí chỉ trích lại người dân. Lãnh đạo chỉ có quyền lắng nghe người dân, đối thoại, xin lỗi và... từ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét