Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Đảng CSVN tổ chức đối thoại trong lúc này nhằm mục đích gì?


Kami - Đảng CSVN tổ chức đối thoại trong lúc này nhằm mục đích gì?

Đăng bởi Ha Tran on Friday, May 26, 2017 | 26.5.17



Nói tại hội nghị toàn quốc trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ngày 18/5/2017 do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có tuyên bố rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. Phát biểu đó đã làm nóng dư luận và được nhiều người quan tâm bàn thảo.


Đáng chú ý ngay sau đó, khi trao đổi với các cơ quan truyền thông, ông Võ Văn Thưởng còn cho biết thêm: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Như vậy, vấn đề này đã trình Ban Bí thư TW như lời ông Võ Văn Thưởng cũng có thể hiểu nghĩa là về cơ bản đã được Bộ Chính trị đồng thuận. Một khi trong tổ chức ấy, có một kẻ cực kỳ bảo thủ và trung thành tuyệt đối với lý tưởng XHCN cũng buộc phải chấp thuận thì có thể tạm coi đó là một chủ trương chính thức.

Rất nhanh chóng, trên mạng xã hội đã hình thành 3 luồng ý kiến khác nhau: lạc quan, nghi ngờ và chống, nhìn chung tất cả ít nhiều đều hoài nghi vì "đừng tin những gì cộng sản nói" đã là chân lý và nó là điều luôn luôn đúng trong nhiều chục năm qua. Ý kiến thấy rằng, đây là "đòn" thể hiện thiện chí của nhà nước Việt Nam trước hội nghị đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 21 diễn ra tại Hà Nội hôm 23/5/2017 vừa qua, cũng như dọn đường cho chuyến thăm Hoa kỳ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng 5/2017 có vẻ thuyết phục. Song đó mới chỉ là tầm nhìn ngắn.

Việc đối thoại của đảng CSVN với các cá nhân rồi đến các lực lượng chính trị khác là điều tất yếu và chắc chắn là phải xảy ra, vấn đề chỉ là thời gian. Tuy nhiên, nếu dựa theo các hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và quốc tế... hiện nay cho thấy chưa có đủ áp lực buộc đảng CSVN cần thiết phải đối thoại. Trên thực tế, chế độ hiện tại ở Việt Nam sẽ vẫn vững như bàn thạch ít ra cũng vài thập kỷ nữa, đó là điều có thể khẳng định.

Nếu nghĩ cộng sản độc tài là độc đảng là chưa đúng, hiện tượng độc đảng ở Việt Nam cũng mới xảy ra cách đây chừng 30 năm lại đây mà thôi. Trước kia Việt Nam khi họ còn cần dân và bây giờ ở Trung quốc họ vẫn có các đảng "cánh tay nối dài", có nghĩa là họ vẫn đa đảng chính trị. Việc tổ chức đối thoại với "với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, cũng rất có thể để trở lại xu hướng như vậy. Nghĩa là nếu tổ chức đối thoại với những người bất đồng chính kiến sẽ để tạo tiền đề cho tổ chức đối lập trên danh nghĩa, song bộ phận đối lập ấy vẫn nằm trong và chịu sự kiểm soát của đảng. Làm như thế thì đảng cầm quyền sẽ có lợi hơn như hiện nay, ít nhất là bộ mặt dân chủ của họ đối với cộng đồng quốc tế cũng ít nhiều sáng sủa hơn.

Đây là việc làm mang tầm chiến lược dài hạn của đảng CSVN, mà đạo diễn không ai khác là ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Một nhân tố đã được nhắm và sẽ trở thành Tổng Bí thư đảng CSVN trong tương lai và người đã từng thử nghiệm công tác đối thoại với sinh viên các trường Đại học ở Sài Gòn trước đây.

Nói vậy để thấy, nếu dùng đảng CSVN dùng đến một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương như ông Võ Văn Thưởng để "rút củi đáy nồi" hay "dụ rắn ra khỏi hang" thì hoàn toàn không thuyết phục, nhất là trong hoàn cảnh "nước không sôi, lửa không bỏng". Tóm lại việc tổ chức đối thoại với những người bất đồng chính kiến thì đảng CSVN có lợi nhiều hơn hại, nhất là trong hoàn cảnh họ không kiểm soát nổi vấn nạn tham nhũng do cơ chế kiểm soát quyền lực bị vô hiệu hóa. Tiếng nói đối lập sẽ được sử dụng trong vai trò đó.

Vấn đề bây giờ là, đảng cầm quyền đang nghiên cứu, xem xét để "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, thì cần phải hiểu rằng, "những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước" đó sẽ phải là những cá nhân (lưu ý không phải tổ chức). Đó là những đối tượng có quan điểm khác - đối lập chứ không phải là thành phần chống đối. Cũng có thể khẳng định ngay được rằng, sẽ không có bất kỳ "vé" tham dự các cuộc đối thoại (nếu có) cho các thành phần là cá nhân hay tổ chức chống đối. Vì rất đơn giản, chủ đò không bao giờ mời những kẻ có ý định đục thủng thuyền của họ lên cùng chuyến đi.

Xu hướng đối thoại cho đến nay trên toàn cầu vẫn luôn là giải pháp tốt nhất, hơn hẳn giải pháp bạo lực (đối thọi) vì nó sẽ mang lại hòa bình và sự ổn định, điều đó làm thỏa mãn được những đòi hỏi của các bên. Trong thời đại ngày nay, việc kết thúc các cuộc chiến khốc liệt, dai dẳng nhất có lẽ bắt buộc phải thông qua đối thoại. Việc đảng cộng sản Việt Nam tổ chức đối thoại với những cá nhân. Đây có thể là tín hiệu của đảng cầm quyền phát ra rằng, họ sẽ chấp nhận đối lập dù chỉ ở mức cá nhân.

Đa phần những người hoạt động xã hội hay đấu tranh ở Việt Nam hiện nay thì chủ yếu là các hoạt động mang tính chất chống đối, song họ lại nhầm tưởng đó là họ đang đấu tranh vì một tương lai dân chủ cho đất nước. Đó chỉ là những cá nhân chống đối, không phải là đối lập và thực sự các đối tượng đó hoàn toàn không hề gây nguy hiểm đối với chế độ. Và chắc chắn các đối tượng đó sẽ không có mặt trong các buổi đối thoại nếu có.

Đa số trong chúng ta vẫn chưa hiểu và phân biệt được rằng, ở các quốc gia đa đảng thì các đảng phái chính trị đối lập luôn phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó. Họ có quyền chống chính phủ chứ không được phép chống lại nhà nước. Cần phải hiểu, tổ chức đối lập trước hết phải có tính cách tập thể của một tổ chức, có chính kiến bất đồng được cương lĩnh hóa theo một tiêu chuẩn chính trị chung với đảng cầm quyền và tồn tại một cách hợp pháp.

Nếu hiểu như thế thì không phải lo ngại chuyện tổ chức đối lập trên danh nghĩa, mà bộ phận đối lập ấy vẫn nằm trong và chịu sự kiểm soát của đảng (trong khuôn khổ hiến pháp) cho lắm. Chính vì thế cũng có thể lạc quan một chút rằng, một hệ thống chính trị đối lập cần thiết phải có đang dần được hình thành để thực thi cái trọng trách của nó, đó là giám sát các hoạt động của nhà nước và đưa ra các giải pháp buộc chính quyền phải tự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp vì lợi ích của đất nước.

Đối lập khác với chống đối. Đối lập không hoàn toàn có nghĩa là chống đối mà đối lập sẽ phát huy vai trò của nó trong việc hợp tác với chính quyền trên tinh thần xây dựng. Trước hết phải tạo được lòng tin, sự vô hại hay kể cả sự thân thiện chừng mực đối với chính quyền. Nếu khi lãnh đạo đảng CSVN hiện nay họ tin tưởng và thấy sự cần thiết của đối lập chính trị, không gây nguy hại thì chắc chắn họ sẽ phải tự thay đổi, chấp nhận sự tồn tại của tổ chức đối lập. Khi đó, các tổ chức đối lập đóng vai trò hợp tác với chính quyền trong việc giám sát, kiểm tra... để tạo điều kiện cho họ tự điều chỉnh.

Vạn vật luôn vận động và kể cả chính trị cũng chuyển biến không ngừng. Đảng CSVN từ chỗ quản trị quốc gia một cách bạo ngược, bất chấp luật pháp cũng như lòng dân, cho đến lúc này khi họ là người chủ động khởi xướng việc đối thoại với các cá nhân bất đồng chính kiến, thì đó là một bước tiến khá dài. Chúng ta cũng có quyền nghi ngờ sự thực tâm của đảng cộng sản, tuy nhiên phải nuôi hy vọng để có được sự lạc quan hơn. Bởi lúc trước họ chưa có chủ trương đối thoại thì chúng ta đã làm gì được họ đâu, huống chi đến nay có chỉ dấu của sự xoay vần sao không đón nhận nó?


Việc đảng CSVN chấp nhận đối thoại do chịu sức ép khác với tình huống lúc này. Dẫu có đối thoại hay không thì đảng cộng sản vẫn làm chủ cuộc chơi, chúng ta chỉ là khách mời và ở thế bị động. Vì thế đã đến lúc cần phải bàn bạc tìm ra ưu thế của mình để đặt lên bàn đối thoại và đồng thời lựa chọn những nhân vật có khả năng được mời đối thoại; đối thoại nội dung gì cho phù hợp để 2 bên cùng có thể chấp nhận được và tạo đà phát triển liên minh đối thoại cho thời gian tiếp theo.

Bài viết này nằm trong giới hạn khuôn khổ hiện tình chính trị Việt Nam tại thời điểm hiện tại, mà không đề cập tới vấn đề thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị ở Việt Nam, dẫu rằng nó vẫn là ý chí của một số ít người. Vì đối với thực lực của các cá nhân và tổ chức đã và đang nuôi hy vọng ấy hiện nay, điều đó nó nằm quá sức tưởng tượng của tác giả.

Ngày 26 tháng 05 năm 2017

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét