Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Phải cảm ơn Formosa


Kami - Phải cảm ơn Formosa

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Năm, ngày 21 tháng 7 năm 2016 | 21.7.16

Formosa Hà Tĩnh tại Vũng Áng

Thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua đã phơi bầy toàn bộ những sự thật phũ phàng trong việc quản trị đất nước của Đảng CSVN trong thời gian qua. Đó là tình trạng chính quyền nhà nước và cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp vô trách nhiệm đối với đất nước cũng như dân chúng. Họ đang điều hành quốc gia theo lối "sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi". Vì lợi nhuận và lợi ích của cá nhân, người ta đã bất chấp tất cả, kể cả cuộc sống của dân chúng và tương lai của dân tộc này. Vì thế chúng ta phải cảm ơn Formosa, nhờ qua đó chúng ta mới biết được thực trạng của đất nước.
Trong quá trình đầu tư của Formosa Hà Tĩnh tại Vũng Áng, nhà đầu tư Formosa đã nhận được những ưu đãi vô cùng lớn từ nhà nước Việt nam. Đó là thủ tục cấp giấy phép đầu tư nhanh nhất, với các chính sách hỗ trợ ở mức cao nhất, thậm chí vượt khung quy định, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Dư luận xã hội đã phải đặt câu hỏi: vì sao nhà nước Việt nam lại dành cho nhà đầu tư Đài Loan những ưu đãi đặc biệt như vậy và nhằm mục đích gì?


Cũng như việc Chính phủ Việt Nam đã vội vã chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý nhận số tiền 500 triệu USD từ thủ phạm trong khi chưa điều tra, thống kê đầy đủ các thiệt hại, cũng như không khởi tố vụ án hủy hoại môi trường nghiêm trọng này là một sự vội vàng rất đáng ngờ. Đó là những dấu hiệu cho thấy có sự cấu kết, thông đồng giữa đại diện nhà nước ở mọi cấp, mọi ngành đối với Formosa Hà tĩnh và đây là các hành vi có tổ chức, thực hiện theo một chính sách cụ thể để phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư Formosa.

Một thảm họa được báo trước


Từ lâu, các chuyên gia và các tướng lĩnh quân đội đã cảnh báo rằng, khu vực Vũng Áng là một ví trí chiến lược nhạy cảm về an ninh quốc gia, nằm đối diện và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc chỉ khoảng vài trăm km. Về phía tây, từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ có 50km, đây là khu vực có con đường chiến lược do Trung Quốc xây dựng, nếu có việc kết nối con đường này với Vũng Áng và căn cứ quân sự Tam Á trên đảo Hải nam là điều hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên không hiểu vì sao Formosa Hà tĩnh vẫn được phía Việt nam chấp thuận cho phép đầu tư tại đây.


Không chỉ như nhận định của tác giả Nguyễn Quang Dy khi cho rằng "Hầu hết các nhà khoa học và giới nghiên cứu (trong và ngoài nước) đều cho rằng dự án Formosa “lợi bất cập hại”, và là một “tử huyệt” của Việt Nam. Nó không những gây ra một thảm họa môi trường lớn, mà còn có thể gây ra một thảm họa lớn về an ninh quốc phòng. Nó đang làm cho kinh tế suy thoái nhanh hơn, và làm cho chính trị phân hóa mạnh hơn, trong khi lỗ hổng về an ninh và quốc phòng ngày càng lớn và nguy hiểm hơn.".


Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá, Bộ Tài chính đã có nhận xét về việc đầu tư của nhà thầu Trung Quốc: “Đầu tư trực tiếp và gián tiếp của TQ vào VN không nhiều, đặc biệt, họ hay đưa công nghệ lạc hậu vào VN. Thường thường họ bỏ thầu giá thấp, mà VN trong giai đoạn đầu lại chủ yếu coi trọng về giá, hơn nữa thủ đoạn của TQ làm ăn, theo cách hối lộ, mua chuộc “có nghề” của họ. Thường thường tiền lệ của nhà thầu TQ đối với VN là: bỏ giá thấp, thi công chậm trễ, kéo dài, rồi yêu cầu đội vốn lên, đưa công nghệ lạc hậu vào, đưa lao động phổ thông vào nhiều, gây bất lợi cho VN.”.


Nếu biết thủ đoạn trong kinh doanh của người Trung quốc luôn dùng thủ đoạn hối lộ để đạt được điều họ muốn và đây là điều quan chức Việt nam rất thích. Thì câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao Chính phủ Việt nam lựa chọn các dự án đấu tư từ phía Trung Quốc với tỷ lệ rất cao, cho dù về giá cả không rẻ hơn; công nghệ thì lạc hậu và đặc biệt là có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường? Sẽ là, khoản lại quả - "hoa hồng %" bằng tiền hoặc hiện vật rất hậu hĩnh, có thể lên đến 30%.


Ưu đãi quá mức...


Dự án Formosa Hà tĩnh là một dự án quy mô ban đầu là 7,8 tỉ USD, với diện tích sử dụng mặt biển và mặt đất lên tới 3.300ha. Việc cấp phép đầu tư và hoàn thiện các thủ tục phê duyệt nhanh tới mức đáng ngờ, thậm chí các cơ quan nhà nước còn quên việc thẩm định thiết kế xây dựng, với báo cáo đánh giá tác động môi trường rất sơ sài, như Bộ Khoa học Công nghệ đã thừa nhận. Các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước Việt nam trong việc cấp phép cho Formosa Hà tĩnh, một dự án đầu tư lớn đạt tốc độ siêu tốc chưa từng thấy, toàn bộ dự án này hoàn tất thủ tục chỉ vỏn vẹn 5 tháng và 16 ngày. Đây là điều khó có thể tưởng tượng nổi. Cụ thể, ngày 14/1/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi Chính phủ xin chủ trương đầu tư Dự Án khu Kinh tế Vũng Áng. Sau đó chỉ 1 tháng 20 ngày (ngày 4/3/2008), chủ trương đó đã nhanh chóng được chấp thuận về mặt chủ trương. Ngày 21/5/2008, hồ sơ cấp phép đã được hoàn thiện chóng mặt và chỉ vài ngày sau đã được các bộ ngành chuẩn thuận 100%. Đến ngày 12/6/2008, Formosa nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng theo đánh giá thì quá trình cấp phép đầu tư của Formosa Hà Tĩnh sai quy định ngay từ đầu.


Không chỉ thế, Formosa Hà Tĩnh đã nhận được những ưu đãi vô cùng lớn từ Chính phủ Việt Nam. Cụ thể Formosa Hà Tĩnh được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh “phá lệ” cho thuê một diện tích hơn 3.300 ha với thời hạn lên tới 70 năm cho dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm, và còn được miễn tiền thuê đất 15 năm với tổng tiền tương đương hơn 96,22 tỷ đồng. Không chỉ có thế, Formosa Hà tĩnh còn nhận hàng loạt ưu đãi đặc biệt về thuế, cụ thể: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất; giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại (trong khi các doanh nghiệp trong nước phải đóng ở mức 22%); trong trường hợp nếu lỗ thì Formosa được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tài sản cố định; miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.... Về vốn kinh doanh thì Dự án Formosa được nâng mức cấp tín dụng lên 4 lần vốn tự có và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận cấp cho Hà Tĩnh gần 300 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ dự án xây nhà ở cho công nhân Trung Quốc tại dự án Formosa Hà Tĩnh.


Mới đây ngày 11/7/2016, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phó Chủ tịch Quốc hội đã cảnh báo rằng “vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài…không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng an ninh…” và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội - ông Hà Ngọc Chiến tiết lộ “Dự án được cấp phép tới 70 năm trên một diện tích rất lớn, ở địa bàn rất nhạy cảm. Hiện nay chúng ta thấy gần như Formosa do Trung Quốc điều hành là chính. Cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan của chúng ta để có giải pháp khắc phục.”


... đến đồng lõa


Trước các diễn biến trong vấn đề của Formosa Hà tĩnh, được báo chí nhà nước đăng tải đã cho thấy quan chức các cấp từ trung ương đến địa phương đã giúp đỡ, nhân nhượng thậm chí còn hợp tác với Formosa Hà tĩnh, bất chấp pháp luật là tình trạng phổ biến. Điển hình như việc, Sở TN&MT tỉnh Hà tĩnh theo dõi chất lượng nước xả thải của nhà máy thép Formosa dựa trên hợp đồng kinh tế với Formosa 3 tháng/ lần... và mẫu nước thì do phía nhà máy thép Formosa chủ động cung cấp. Hay việc chậm công bố kết quả điều tra nguyên nhân và thủ phạm dẫn đến sự cố ô nhiễm biển miền Trung cũng chịu ảnh hưởng của việc này.


Nhưng nếu biết một sự thật là, Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc - MCC là nhà thầu chính của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Formosa Hà Tĩnh. Theo các nhà quan sát, sự chậm trễ công bố kết quả của thảm họa môi trường biển thì vấn đề MCC là nguyên nhân mấu chốt, là điều khiến nhà nước Việt Nam đã hết sức lúng túng và việc mất thời gian tới gần 3 tháng là để Chính phủ có thể mặc cả với Formosa Hà tĩnh để đi đến những mặc cả có lợi cho nhà đầu tư Formosa.


Việc một số cá nhân và đơn vị ở Hà tĩnh đã tiếp tay cho Formosa Hà tĩnh trong việc tẩu tán chất thải và được lén lút chôn các chất thải có nguy cơ gây nhiễm độc cho môi trường là một ví dụ điển hình. Và ngay sau khi vụ việc này bị phát hiện thì, các lãnh đạo Hà tĩnh chống chế và không hiểu vì lý do gì họ đã lệnh cho xả nước ồ ạt tại các đập thượng nguồn ở Vũng Áng. Điều này đã khiến cho dư luận nghi vấn rằng, nhằm xóa dấu vết việc chôn lấp chất thải công ty Formosa trái phép, cho dù mức nước ở các đập vẫn trong mức an toàn.


Các vụ việc đổ trộm các chất xả thải từ Formosa Hà tĩnh đã diễn ra từ khoảng tháng 4-5/2015 rất nhiều lần, song chỉ có dân chúng phát hiện và kiến nghị xử lý, nhưng chính quyền Hà tĩnh thì hoàn toán không biết. Việc Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã nổi xung dọa thu thẻ nhà báo của phóng viên báo Người đưa tin viết về vụ Formosa bị phát hiện chôn rác thải khi nói rằng “Anh chỉ đạo Tổng Cục Môi trường có công văn, Sở TN&MT xác minh làm rõ, nếu không đúng lấy thẻ của thằng nhà báo đó lại” phải chăng là sự thể hiện động cơ che chắn và đồng lõa với Formosa Hà tĩnh?


Không phải vô cớ mà ông Chu Xuân Phàm người đại diện cho Formosa tại Hà Nội đã không ngần ngại khi tuyên bố thẳng với báo chí rằng, "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…". Vậy mà khi phóng viên Lan Anh người thực hiện cuộc phỏng vấn này, khi có đưa đoạn clip phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm, thì ông Phan Tân Linh, Giám đốc Sở TTTT Hà Tĩnh hành xử ngược lại với sự phẫn nộ của dư luận. Theo nhà báo Lan Anh cho biết thì Giám đốc Sở TTTT Hà Tĩnh đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Vụ Báo Chí – Ban Tuyên giáo Trung Ương, Cục Báo chí Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, Ban Giám đốc Đài tiếng Nói VN… đề nghị xử lý việc đăng phát nội dung liên quan đến phỏng vấn này.


Và vô trách nhiệm


Thay vì nhà nước cần công bố sớm nguyên nhân và thủ phạm để có các đối sách phù hợp, nhằm ngăn chặn hậu quả của sự cố môi trường này và trấn an người dân, thì phải sau gần 90 ngày Chính phủ Việt nam mới hoàn tất việc đó. Dù rằng, ngay từ đầu các nhà khoa học thống nhất rằng, cá chết hàng loạt bởi ngộ độc hóa chất và ngày 30/4/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã chính thức yêu cầu Formosa phải dở bỏ ống xả thải ra biển của nhà máy luyện thép Formosa. Theo Phó GS-TS Nguyễn Tác An nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học đã khẳng định với báo chí rằng: "Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Những chứng cứ khoa học đã có thể kết luận được nguyên nhân rồi. Vì hôm 20/4/2016 những kết quả ấy đã được phân tích, được hình thành báo cáo.".


Không những thế, các quan chức của chính quyền bất chấp hậu quả đã trấn an dân chúng không chỉ bằng kêu gọi người dân hãy ăn cá và tắm biển như bình thường, mà họ còn tự làm gương bằng cách ăn cá và tắm biển rồi chụp ảnh để tuyên truyền. Trong lúc một thực tế đang diễn ra tại thời điểm đó là, những thợ lặn của khu công nghiệp Vũng Áng đã bị nhiễm độc do lặn trong thời gian biển bị ô nhiễm. Sau đó kết quả khám tổng quát sức khỏe của họ đã bị bệnh viện TƯ Huế giữ lại, trong số đó có một người là ông Lê Văn Ngày quê ở Nha trang đã tử vong. Nhưng rất may, đa số người dân không tin nhà nước, họ đã không nghe lãnh đạo chính quyền "xúi dại".


Trong cuộc họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết ở biển miền Trung ngày 30/6/2016, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc và còn kêu gọi nhân dân có thái độ khoan hồng đối với Formosa. Đây là dấu hiệu mà dư luận đánh giá rằng, nhà nước Việt nam sẽ xử lý Formosa theo lối “phạt cho tồn tại”, là cách xử lý được áp dụng đối với các công trình trái phép sau khi đã đút tiền hối lộ.


Điều đó đã khiến cho dư luận xã hội vô cùng bức xúc và họ cho rằng điều đó thể hiện sự vô trách nhiệm của chính quyền. Có nhiều người còn thấy rằng, lãnh đạo nhà nước Việt nam đã và đang đang đứng cùng bên với kẻ thủ phạm - Formosa Hà tĩnh và họ đang đi ngược với quyền lợi của toàn thể nhân dân.


Phải cảm ơn Formosa


Sự cố biển nhiễm độc trên diện rộng ở 4 tỉnh Bắc Trung bộ do Formosa Hà Tĩnh gây ra, thực sự là thảm họa đối với Việt nam. Thảm họa này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người ở miền Trung bộ; huỷ diệt sinh thái và môi trường biển; làm tê liệt các hoạt động kinh doanh du lịch. Đó là chưa kể đến vấn đề sức khoẻ và các hệ qủa có thể kéo dài đến 70 năm do tình trạng ô nhiễm biển đã gây ra. Quan trọng hơn, việc ngư dân bỏ biển sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt nam. Về thiệt hại kinh tế, theo tính toán của các nhà khoa học thì, chi phí để khắc phục toàn diện các hậu quả do sự cố này có thể lên tới 1.000 tỷ USD. Song đây cũng đã trở thành việc đã rồi.


Tuy nhiên, thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua đã phơi bầy toàn bộ những sự thật phũ phàng trong việc quản trị đất nước của Đảng CSVN trong thời gian qua. Đó là tình trạng chính quyền nhà nước và cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp vô trách nhiệm đối với đất nước cũng như dân chúng. Họ đang điều hành quốc gia theo lối "sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi". Đó là hậu quả của một thể chế chính trị độc đảng như Việt nam hiện nay, khi cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực đã bị tê liệt và vô hiệu hóa. Vì lợi nhuận và lợi ích của cá nhân, người ta đã bất chấp tất cả, kể cả cuộc sống của dân chúng và tương lai của dân tộc này. Vì thế chúng ta phải cảm ơn Formosa, nhờ qua đó chúng ta mới biết được thực trạng của đất nước.


Không phải tự nhiên mà báo Petrotimes của nhà nước Việt nam đã có bài viết "Đích thị là 'Việt gian'!", và chỉ những kẻ liên quan đến sự cố môi trường này. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi, Đảng CSVN một đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam với các thành viên có ý thức như thế, thì còn xứng đáng để tiếp tục duy trì Điều 4 của Hiến pháp nữa hay không?

Ngày 20/07/2016


© Kami
(RFA Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét