Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Mối tình đơn phương của 'cua' với 'ếch bà': Nguyên nhân dẫn đến mất nước


VNTB- Mối tình đơn phương của 'cua' với 'ếch bà': Nguyên nhân dẫn đến mất nước
1
Đào Đức Thông, forums, Mối tình đơn phương của 'cua' với 'ếch bà': Nguyên nhân dẫn đến mất nước, VNTB
28.7.16

Đào Đức Thông


(VNTB) - Tại sao Đảng CS và nhà cầm quyền Việt Nam sao lại co rúm lại trước Tàu cộng như con cua nhỏ co dúm mình trước con ếch bà?





Gã hàng xóm xấu bụng


Trung Quốc là một quốc gia láng giềng Việt Nam, theo cách gọi: “núi liền núi, sông liền sông”. Nhưng gã bạn này có một thói xấu từ rất lâu đời là luôn luôn rình rập chờ cơ hội thuận lợi là thôn tính các nước láng giềng để biến thành quận huyện của họ theo quan theo tiêu chí: “Cá lớn, nuốt cá bé”.


Lịch sử của Trung Hoa từ thời Tần Thủy Hoàng là lịch sử xâm chiếm các nước láng giềng. Có rất nhiều tỉnh, nhiều vùng của Trung Quốc ngày nay vốn là các quốc gia độc lập thời xưa: Tỉnh Tứ Xuyên vốn là đất nước Ba, nước Thục; Tỉnh Quý Châu vốn là nước Dạ Lang, tỉnh Vân Nam vốn là nước Đại Lý, Mãn Châu là đất Mãn Châu quốc, Tây Tạng, Tân Cương cũng là các quốc gia xưa, khu tự trị Nội Mông rộng lớn vốn là đất Mông Cổ.

Nước Việt Nam ta trước đây bị một ngàn năm Bắc thuộc tức cũng là một quận huyện của Trung Quốc. Các triều đại Trung Hoa thường cử Thứ sử, Thái thú sang cai trị Việt Nam. Phải đến năm 938, với chiến thắng của Ngô Quyền, ta mới dành được độc lập thật sự. Ngô Quyền là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Nhưng cũng từ đó đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm, từ bỏ tham vọng thôn tính nước Việt Nam.

Sống cạnh một gã láng giềng xấu bụng như Trung Quốc, lịch sử Việt Nam là lịch sử giữ nước, lịch sử bảo vệ đất đai.


Năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Cả hai quốc gia này đều xây dựng chính quyền dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác Lê nin, lấy công nông là cơ bản, gọi là chính quyền của giai cấp vô sản.


Ngày ấy, lòng tin người dân còn quá ngây thơ. Cứ tưởng là giai cấp vô sản (đều là những người nghèo khổ) thì đều “chung một ý, chung một lòng, đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi. Tình hữu nghị giữa ta với Trung Hoa “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Thắm thiết quá, khăng khít quá, như môi với răng, còn nghi ngờ gì nữa!


Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang toàn tâm, toàn ý vì “phong trào cộng sản thế giới” thì gã bạn Trung Quốc ngấm ngầm lấn chiếm từng tấc đất biên giới, biển đảo của chúng ta. Chính thời đại này chúng ta đã để mất đất, mất biển nhiều nhất. Mất một nửa quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956, mất một nửa còn lại của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Mất một số đảo, bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Rồi mất thác Bản Giốc, Mục Nam Quan sau chiến tranh biên giới 1979.


Chúng ta thường chê An Dương Vương mất cảnh giác, chê Mị Châu là “trái tim nhầm chỗ để trên đầu”. Nhưng ngày nay chúng ta cũng mất cảnh giác không kém. Ngày xưa An Dương Vương vì mất cảnh giác để Trọng Thụy lấy mất lẫy nỏ thần. Ngày nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang mất cảnh giác vì cái ý thức hệ giai cấp, vì cái Chủ nghĩa cộng sản viển vông mà nhà cầm quyền theo đuổi. Cứ nghĩ rằng , cùng giai cấp vô sản với nhau thì của anh cũng như của tôi, đến một lúc nào đó, Thế Giới Đại Đồng thì làm gì còn biên giới quốc gia nữa mà giữ!


Mất đất, mất biển, đảo âm thầm vì cái lý tưởng (hay ảo tưởng) chết người


Mối tình hữu nghị Việt-Hoa gắn bó nhất, thắm thiết nhất là vào khoảng 1955- 1960. Dưới thời nắm chính quyền của ông Hồ, ông Mao, trong quan niệm của người Việt Nam ta thì Trung Hoa là ông anh Hai (sau anh cả là Liên Xô). Bộ máy tuyên truyền của ta ca ngợi ông anh Hai hết lời.


Theo cách tuyên truyền của nhà cầm quyền thì Việt Nam-Trung Hoa là một, cả phe Xã hội chủ nghĩa là một. Cán bộ và nhân dân đều tin như thế. Đến nỗi, nhà thơ Tố Hữu, một cán bộ cao cấp của Đảng, khi ngồi tàu đi trên đất Trung Hoa, sau khi say đắm phong cảnh tươi đẹp của đất nước Trung Hoa vĩ đại, ông hạ một câu như thế này:


Ồ, tất cả của ta đây, sướng thật!


Xem của người như của mình thì chỉ có quan niệm ấu trĩ, non nớt của nhà cầm quyền và nhân dân Việt Nam những ngày đó mà thôi. Ngày đó, ai mà lo cho quyền lợi dân tộc một tí ti thôi, thì bị chính quyền khép vào “Tư tưởng dân tộc hẹp hòi”, không có “Tinh thần quốc tế vô sản cao cả”.


Cũng cần nhớ một điều này: Tuy chúng ta coi Trung Hoa như là ông anh Hai thân thiết như thế, nhưng tình cảm đó chỉ là tình cảm một chiều, từ phía Việt Nam mà thôi. Trong 37 năm cầm quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949-1986, đến khi mất), Mao Trạch Đông chưa hề sang thăm Việt Nam lấy một lần. Thật là tội nghiệp thay cho mối tình đơn phương của chính quyền Việt Nam!


Cũng vì tinh thần quốc tế vô sản cao cả như vậy mà năm 1956, sau khi Trung Quốc chiếm nửa phía đông của quần đảo Hoàng Sa, thì Đảng và chính quyền Việt Nam không hề lên tiếng.


Năm 1958, khi Chính phủ cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về chủ quyền biển đảo của họ, trong đó họ coi Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa Nam Sa là của họ, thì công hàm Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Chính phủ miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ) lại hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mà không một chút đắn đo suy nghĩ gì (Sau này, mỗi khi tranh cãi về chủ quyên biển đảo, người Tàu thường trưng dẫn công hàm này, để cho rằng, ngay từ ngày ấy, Việt Nam đã công nhận chủ quyền biển đảo của Trung Hoa trên Biển Đông). Bởi vì, ủng hộ Trung Hoa là ủng hộ phe Xã hội chủ nghĩa anh em. Tuyên bố gì của phe Xã hội chủ nghĩa anh em thì ta hoàn toàn ủng hộ. Tuyên bố gì của bọn tư bản đế quốc thù địch thì ta hoàn toàn phản đối. Cũng vì vậy mà vào năm 1974, khi quân đội Trung Quốc đem tàu chiến, máy bay đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, thì Việt Nam vẫn im lặng, và giải thích với cán bộ và nhân dân (giải thích miệng, chứ không bằng văn bản) rằng, bạn đã giúp ta giải phóng hoàn toàn Quần đảo Hoàng Sa!


Với những quan niệm lạc lối như vậy của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với một tên hàng xóm tham lam thì không mất đất, mất biển mới là lạ !


Trung Quốc là một gã hàng xóm xấu bụng, khó chơi. Điều đó, cả dân tộc Việt Nam biết. Chuyện thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện người Tàu tìm mua rễ cây, lá khô, giun, đỉa, sừng trâu, móng trâu v.v…Những thứ mà ta chẳng biết để làm gì. Mà thực tế là chẳng để làm gì cả. Không lẽ những kẻ thương lái bị thần kinh, đi tìm mua rồi lại vứt đi? Tiền đâu họ mà đem vất đi như vậy? Thật ra, không nói thì ai cũng biết, tiền đó là của Nhà nước Trung Hoa, cung cấp cho dân để phá hoại kinh tế, phá hoại tài nguyên môi trường của ta. Biết thì biết thế nhưng làm sao mà quy tội được?


Tàu cộng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của dân ta, sự vô trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các cấp nhà cầm quyền CS Việt Nam. Thử hỏi, nếu như một bộ phận thương lái của Việt Nam, sang bên Tàu, tìm mua các thứ như người Tàu tìm mua bên ta, thì có được không? Không thể được. chắc chắn Chính quyền các cấp của người Tàu họ sẽ tìm bắt ngay.


Giữ mối quan hệ bạn bè không đồng nghĩa với khuất phục


Chung quy lại, Trung Quốc phá được Việt Nam chính là do suy nghĩ và hành động của dân và giới cầm quyền Việt Nam, chứ không phải một ai khác.


Đã có một thời từ 1955-1960, Việt Nam coi gã bạn Trung Hoa như anh em một nhà và ta đã phải trả gía quá đắt. Lại có một thời 1975- 1980, Việt Nam coi Trung Quốc như kẻ thù truyền kiếp, để rồi hai bên đánh nhau chảy máu đầu, một sự hi sinh thật vô nghĩa. Việt Nam hãy học cách tồn tại như ông cha ta xưa: thuần phục, không có nghĩa là khuất phục, luôn luôn giữ một khoảng cách cần thiết. Đó mới là cách ứng xử khôn ngoan.


Trong thời đại hiện nay, đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ, ta làm bạn với các quốc gia bốn phương, ai thân với ta thì ta thân lại, ai tìm cách hại ta thì ta tránh xa ra, chứ việc gì mà sợ họ, việc gì mà phải lệ thuộc họ? Tại sao Đảng CS và nhà cầm quyền Việt Nam sao lại co rúm lại trước Tàu cộng như con cua nhỏ co dúm mình trước con ếch bà?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét