Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Tuần lễ nước mắt

Ảnh minh họa

Tuấn Khanh - Tuần lễ nước mắt

Chỉ trong một tuần, đã có thật nhiều nước mắt đổ xuống trên toàn cõi Việt Nam. Với nhiều lý do. Nước mắt tràn trên các trang báo, bi thương trong các lời mô tả.

Những giọt nước mắt ấy, rơi xuống vì lòng kiêu hãnh chung hoặc vì nỗi đau thầm lặng của từng số phận. Nhưng cũng có những giọt nước mắt cay đắng cho đất nước vào giai đoạn trầm kha, mà nhân dân chính là kẻ mãi mãi phải gánh chịu.

Đất nước hôm nay hoang tàn, như một cõi vàng mã sau cơn gió giật đã lộ ra rất nhiều thứ. Tất cả phiêu diêu không biết về chốn nào, giữa những lời tung hô và giả dối.


Hoang tàn như qua một cơn giông, người ta giật mình chợt biết rằng bao năm nay mình bị lừa dối, khi nhìn thấy những trụ điện bê-tông gãy đổ với chất lượng tệ hại đáng kinh ngạc. Ở ngay một nơi được xưng tụng là thủ đô, thì sự lừa dối cũng ở cấp độ thủ đô. Những con đường, cầu cống rơi mặt nạ, suy sụp và tàn tạ, cho thấy tiền thuế của nhân dân được quấy quá và vội vã tiêu pha như thế nào trong tay những quan lại luôn kêu gọi lòng yêu nước và trách nhiệm.

Trận giông ngày 13-6 được coi là kinh hoàng ở Việt Nam, với 2 người chết và 9 người bị thương, nhiều hệ thống giao thông hư hại. Nhưng bất ngờ là sau trận giông đó, ông Lê Thanh Hải, phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết chuyện này đã được biết trước và “cho cảnh báo nhưng thông tin không đến với người dân”. Một lần nữa, nhân dân vẫn là người có lỗi trong kiếp nạn của mình. Còn điều gì an nguy nữa cho cuộc sống con người và đất nước này mà “thông tin không đến với” người Việt Nam?

Ngày 14/6 tàu cá ở Quảng Nam, số 92642 bị một tàu hàng “lạ” cố tình đâm vào, khiến 1 người chết và 3 người bị thương. Tàu “lạ” đã sấn vào rất gần bờ Việt Nam, chỉ cách Đà Nẳng 40 hải lý. Đã rất gần rồi, kẻ “lạ”. Đây là lần thứ hai trong tuần, kẻ “lạ” tấn công người đi biển. Một lần nữa, ngư dân Việt lại lặng lẽ góp thêm những linh hồn khốn khổ vào mộ gió. Đã bao lâu rồi, những con người chết oan ức đó, kể cả những người lính bộ đội chết ở Gạc Ma bị từ chối đưa xác về quê nhà, đã tìm thấy lời giải về số phận của mình, của tổ quốc mình lúc này? Biển của người Việt không còn bình yên nữa. Cái chết rình rập hàng ngày khiến ngư dân phải đi rất xa để kiếm sống, trôi dạt đến tận đảo quốc Palau để rồi 77 người bị bắt, 4 thuyền bị đốt, người đi biển Việt Nam bị kết tội là “kẻ cắp”. Bài học rừng vàng biển bạc trong sách giáo khoa là kẻ nói láo, vì hôm nay người Việt không còn gì nữa.

Palau chỉ có 20.000 dân, không có chỉ số về tiềm lực quân sự, nhưng với kẻ bước đến bờ biển của mình, bất kể là ai, họ đều gọi đó là kẻ cướp. Ở Việt Nam, quốc gia có 90 triệu dân, tiềm lực quân sự đứng hàng 25 trên thế giới, với những kẻ bước qua ranh giới biển của mình, chúng được gọi là bạn hoặc kẻ lạ.

Nước mắt lại rơi âm thầm, bên cạnh thềm nhà Quốc hội Việt Nam sang trọng, nơi các ông bà đại biểu sôi nổi bàn chuyện con dâu và tài sản nhà chồng để nâng cấp Bộ luật Dân sự. Quốc hội biết lo lắng về quyền phụ nữ trong cuộc sống, nhưng nhanh quay lưng về phía nỗi đau của chính đồng loại mình, thua cả bầy trâu bò ở Châu Phi biết cùng nhau chống lại thú dữ trên đường đi.

Tuần lễ nước mắt ngập những nỗi đau của ông chú, bà dì, bạn trẻ, anh chị… gào khóc vì đội tuyển của mình thất bại – như bao lần thất bại hiển nhiên khác từ nhiều thập niên nay. Nước mắt ngập khán đài như một sân khấu, nhiều cổ động viên đã khóc và bày tỏ nỗi đau rất cụ thể cho ống kính ghi hình. Những giọt nước mắt đó cuốn trôi và làm chìm lấp cả những điều hệ trọng khác mà người Việt cần rơi nước mắt lúc này.

Một người bạn trẻ trên facebook đã ghi rằng “vì sao họ có thể đau khổ đến vậy vì lý tưởng bóng đá, nhưng khi tổ quốc tụt hậu trăm năm so với các quốc gia khác, nợ công tràn ngập đến thế hệ mai sau, nạn tham nhũng đang siết cổ người dân từng ngày – thì thật khó mà tìm được ai lên tiếng hoặc nhíu mày”.

Thật ra, quyền đau thương trong một trò chơi là quyền tự do của cá nhân. Nhưng khi một tập thể cá nhân đó cùng tập hợp đau thương cho một trò chơi và lãng quên những điều nhức nhối khác, thì tổ quốc chỉ còn là quảng trường của lễ hội trụy lạc không màng trách nhiệm. Những giọt nước mắt thụ hưởng rất hiện đại đó dường như không còn thiết dành cho số phận dân tộc mình, mà chỉ nhân danh, để phô diễn sự ích kỷ và nông cạn trong một thực tế thắng bại sòng phẳng, đã rõ.

Ước gì một phần nước mắt đó dành cho biển, cho tổ quốc, cho đồng bào mình.

Ước gì một phần những bạn trẻ thích bày tỏ tình yêu tổ quốc, mặc áo đỏ sao vàng xếp hàng chụp ảnh nghiêm và buồn trước biển, trịnh trọng “tổ quốc gọi chúng tôi sẳn sàng” biết rõ và gọi tên kẻ thù trước biển là ai, lúc này.

Ước gì các đại biểu Quốc hội không ngủ gật hay chơi game trong Ipad, dành thì giờ tìm hiểu tên người ngư dân bị giết chết mới nhất là gì, cũng có thể họ tìm ra đó là một đồng hương.

Ước gì có một tuần lễ nước mắt mà người Việt tìm nhau chia sẻ, xiết chặt tay, hơn chỉ là những giọt nước mắt âm thầm của những cá nhân thương xót cho tổ quốc mình trong giông bão vô tình.

Ai đã gây ra thảm cảnh này cho dân tộc tôi?

nhacsituankhanh




Cảnh tượng không thể tin nổi ở Hà Nội sau một cơn dông


Chiều 13/6, cơn dông lớn đổ ập xuống thủ đô khiến nhiều cây xanh bị đổ, đường phố xác xơ. Điện lưới cũng bị cắt trên diện rộng.
Cơn dông chiều 13/6 tạo nên cảnh tượng tan hoang cho hầu khắp thủ đô. Sau nhiều giờ, điện lưới chưa được cấp lại.


Khoảng 17h ngày 13/6, cơn dông lớn bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội. Gió mạnh kèm theo mưa rào kéo dài trong vòng 30 phút khiến nhiều biển quảng cáo, barie ngã đổ, bay khắp nơi. Theo ghi nhận của Zing.vn, cây đổ, gãy, bật gốc xuất hiện hầu khắp nội thành.

Cây đè hàng loạt ôtô đỗ dưới lòng đường Phan Chu Trinh.

Những cành cây lớn đổ ập xuống khiến nhiều người dân bất ngờ, hoảng hốt.

Chiếc xe máy vỡ phần yếm và phía sau do chịu lực tác động của cây đổ.

Rễ cây bật gốc trên nhiều tuyến phố.

Chiếc xe bị cành cây đè trên phố Lý Thường Kiệt.

Người dân khắc phục hậu quả do cây đổ gây ra.

Do không kịp di chuyển, nên nhiều xe máy trên phố Phan Chu Trinh bị gốc cây sấu khá lớn đè lên.

Đường phố, vỉa hè Hà Nội ngổn ngang.


Cây đổ trên Phố Huế.

Nhà dân bị hư hại và xác xơ.

Cây đổ làm sập nhà trên phố Hai Bà Trưng.

Nhiều tấm biển quảng cáo bị thổi tung.


Cổng bảo vệ Hội đồng dược điển (Bộ Y Tế) trên phố Hai Bà Trưng bị nhấc bổng do phía dưới là rễ cây xà cừ bung gốc.

50m tường trường THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, đổ sập.

Cổng vào công trường nặng hàng tấn đổ sập. Rất may không có người đi qua lúc xảy ra sự cố. Ảnh: Duy Hiếu.

17h ngày 13/6, chiếc xe tải (loại 3,5 tấn) đi trên cầu Vĩnh Tuy bị gió thổi khiến chiếc xe lật nghiêng. Hàng loạt ôtô khác trên cầu phải dừng xe, bật đèn báo nguy hiểm chờ mưa gió ngớt mới có thể tiếp tục di chuyển. Ảnh: Phương Chi.

Cùng thời điểm, chị Phạm Thị Luyện (28 tuổi, giáo viên trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) lái chiếc Lead màu xanh đi trên đường Phạm Hùng. Tới khu đô thị Mễ Trì, bất ngờ biển quảng cáo cỡ lớn rơi trúng khiến chị và xe ngã xuống đường. Thượng sĩ Nguyễn Anh Quốc (Tổ công tác Y5/141) kịp thời đưa chị Luyện vào cấp cứu tại Bệnh viện 198 và hỗ trợ tiền viện phí cho chị. Hiện chị Luyện đã qua cơn nguy kịch.

Một người phụ nữ lái chiếc xe tay ga cùng một thanh niên đi cùng chiều bị cây cổ thụ đè trúng. Hai người này bị thương nặng được người dân đưa vào cấp cứu.

Một người tử vong trên phố Quang Trung đoạn ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Vietnamnet.

Mảng tường trong bãi đỗ xe trên đường Phạm Hùng đổ trúng chiếc Kia Moring khiến capo bẹp rúm, kính sau vỡ vụn.

Một chiếc xe máy bị cây bàng đè trúng.

Cành cây bị gãy trên phố Khuất Duy Tiến đã rơi xuống đâm thủng kính trước, đúng vị trí tài xế.

Hàng loạt cây xanh bật bung gốc, gãy cành bao vây xế hộp trên phố Phan Chu Trinh.

Gió lớn trong cơn dông quật đổ hai cột điện.

Chiếc Mercedes và một chiếc taxi trên đường Thái Hà bị cây đổ đè. Rất may tài xế và người tham gia giao thông không bị ảnh hưởng.

Giao thông nhiều tuyến phố Phan Chu Trinh, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Láng, Thanh Nhàn, Minh Khai... bị ùn ứ kéo dài do hàng loạt cây xanh đổ.
Theo TRI THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét