Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Văn miếu Vĩnh Phúc: Văn hóa mù màu và thói vô trách nhiệm

Ảnh minh họa
VNTB- Văn miếu Vĩnh Phúc: Văn hóa mù màu và thói vô trách nhiệm

Thiên Điểu



(VNTB) - Bản chất xu nịnh, háo danh của giới quan chức Vĩnh Phúc đã dẫn đến một công trình văn hóa như Văn miếu Vĩnh Phúc được sao chép từ kiến trúc tới nội dung một cách mù quáng như vậy.


Câu chuyện UBND Tỉnh Vĩnh Phúc trích ngân sách hơn 300 tỷ đồng xây dựng Văn miếu đã và đang là một đề tài gây sốc trên truyền thông. Nó không chỉ sốc ở thông tin khi đến thờ này được xây dựng để thờ Khổng Tử - người sáng lập Khổng giáo của Trung Quốc - mà còn bởi các phát ngôn gây sốc của các lãnh đạo liên quan trong UBND Tỉnh Vĩnh Phúc khi trả lời các câu hỏi của giới báo chí.


Hơn 300 tỷ đồng, so với công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hay các công trình mang tính biểu tượng khác ở đất nước cuồng mê tín này thì không phải là lớn. Nếu so với các thất thoát từ tham nhũng, lừa đảo hay đội giá ở các công trình, đơn vị nhà nước thì càng không thấm vào đâu. Nhưng với một tỉnh mà tổng thu ngân sách trên dưới chục ngàn tỷ như Vĩnh Phúc thì không phải là con số nhỏ. Chi một số tiền lớn như vậy, vào ngay thời điểm khủng khoảng kinh tế - 2011 đến nay - thì có thể nói đây là một quyết tâm đáng nể của các ông quan thời đại mới ở Vĩnh Phúc.


“Tham quan - học tập - thực hành”


Cổng thông tin điện tử của Tỉnh Vĩnh Phúc ngày 14/4/2011 đưa tin cho biết: “Chuẩn bị cho công tác đầu tư, xây dựng Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/4/2011, đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu và học tập về xây dựng Văn miếu do đồng chí Trần Ngọc Tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban quản lý Văn miếu Khổng Tử, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc”.


Không biết kinh phí chuyến “học tập” này có tính trong chi phí chuẩn bị dự án hay không. Chỉ biết là đầu năm 2012 thì khu Văn miếu Vĩnh Phúc được khởi công với tổng mức đầu tư là 271 tỷ đồng, nguồn vốn 100% là ngân sách của tỉnh.


Một công trình mang nét văn hóa với quy mô lớn và tổng mức đầu tư như vậy nhưng người dân tại địa phương không hề được biết hay tham gia ý kiến (!). Trên thực tế, việc các cấp chính quyền tự quyết mọi chuyện không cần ý kiến của dân vốn không lạ ở Việt Nam và không phải duy nhất Vĩnh Phúc mà ở trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, điều trớ trêu hơn là sau khi bị báo chí phanh phui nội dung thờ Khổng Tử thì UBND Tỉnh Vĩnh phúc lại lúng túng như gà mắc tóc, vội vã tổ chức hội thảo để chọn... người để thờ nơi đây(!)


Từ háo danh tới văn hóa mù màu


Vấn đề đặt ra: Thế nào gọi là Văn miếu?


Trong vô số các hình thức thờ tự, liên quan tới văn hóa tâm linh thì có lẽ Văn miếu là loại hình mà ngày nay nhiều người Việt Nam mù mờ nhất. Thậm chí ngay cả một tiến sĩ của Viện Hán-Nôm cũng cho rằng “Văn miếu là miếu thờ Văn Tuyên vương Khổng Tử” (!?)


Điều nhầm lẫn này xuất phát từ việc không phân biệt chính xác giữa chức năng các công trình thuộc văn hóa tâm linh: Đình, chùa, miếu, mạo... Xưa kia, các danh nhân có công lớn, được triều đình phong tước hiệu, cấp cho ngân sách để cúng bái sau khi chết (hương phần; lộc hậu..) hoặc được một cộng đồng dân cư nào đó tôn kính thì để tôn vinh, người ta lập ra Miếu thờ. Miếu thờ ở những nơi không phải là quê hương bản quán hoặc nới chôn cất chính thức gọi là “mạo” hoặc “miễu”. Còn Văn miếu là Miếu thờ lớn hơn, thường là do nhà nước xây dựng đối với danh nhân là ngươi được tưởng thưởng, trọng vọng đặc biệt bởi các công lao trong lĩnh vực văn hóa, đời sống (văn quan), các võ quan hoặc cách anh hùng liên quan tới quân sự thường là Đình (đình thần) hoặc Điện (thường là liên quan thân thích trong hoàng tộc hoặc được sắc phong đặc biệt). Văn miếu cũng là nơi thờ tự, nhưng chủ yếu để thể hiện sự tôn kính, ca tụng công đức mà người đó đã tạo dựng khi còn sống (văn) chứ không phải là nơi dâng cúng giỗ chạp.


Chữ “Văn” trong Văn miếu có ý nghĩa này chứ không phải là danh hiệu Văn Tuyên Vương của Khổng Tử.


Văn miếu có thể thờ một hay nhiều người vì nó thuần túy là một nơi nhằm biểu thị mang tính văn hóa, tinh thần, lưu giữ hoặc ghi chép các công lao, bút tích ghi nhận về danh nhân lức còn sống đối với cộng đồng hoặc chế độ mà người đó có công với vai trò chính yếu, lớn nhất.


Có một số ý kiến cho rằng: “Văn miếu Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử”. Ý kiến này có cái đúng nhưng sai về bản chất. Cái đúng là ở chỗ nơi đây cũng có vị trí tôn vinh Khổng Tử. Cái sai về bản chất là ở chỗ: Văn miếu Quốc Tử Giám là nơi tôn vinh các danh nhân có vai trò đóng góp lớn trong hệ thống giáo dục thời phong kiến (1070 – nhà Lý). Thời kỳ mà hệ thống giáo dục - kể cả mặt đạo đức - xã hội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Khổng giáo. Khổng Tử là Giáo chủ Khổng giáo thì đương nhiên được đặt ở vị trí cao hơn các văn nhân khác cũng chịu ảnh hưởng của Khổng giáo chứ. Vị trí của Khổng Tử trong Văn miếu Quốc Tử Giám thể hiện vai trò và sự ảnh hưởng của Khổng giáo trong xã hội lúc đó chứ không phải chỉ để thờ riêng Khổng Tử. Tên Quốc Tử Giám gắn liền công trình này từ khi ra đời tới nay mang ý nghĩa là công trình tôn vinh trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Điều này mới thật sự là ý nghĩa trong thông điệp của chính quyền khi xây dựng. Nó cũng là câu trả lời tại sao trong Văn miếu Quốc Tử Giám còn thờ nhiều danh nhân văn hóa khác.


Một thể hiện rõ nét và minh chứng rõ ràng hơn là hệ thống Văn bia khắc tên các sĩ tử đỗ từ Tiến sĩ tới Trạng nguyên qua nhiều triều đại. Tóm lại, Văn miếu Quốc Tử Giám là nơi sinh hoạt văn hóa nhằm tôn vinh các danh nhân văn hóa có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng người Việt Nam thời phong kiến. Qua đó truyền tải thông điệp khuyến khích việc học hành chứ không phải là miếu thờ - nơi thuần túy sinh hoạt tâm linh.


Chính những nhầm nhầm lẫn và các lý giải mù mờ trên, cộng với bản chất xu nịnh, háo danh... dẫn đến một công trình văn hóa như Văn miếu Vĩnh Phúc được sao chép từ kiến trúc tới nội dung một cách mù quáng như vậy.


Phải chăng các quan chức Tỉnh Vĩnh Phúc vì muốn có một “dấu ấn” nên muốn chứng tỏ mình bằng một quyết định đầu tư như vậy? Nó có liên quan gì các động thái kỳ lạ khác như đưa Khổng giáo vào chương trình giáo dục đại học, mở Viện Khổng Tử… mà gần đây các quan chức chóp bu của Việt Nam cũng đang dự định triển khai???


Văn miếu Vĩnh Phúc thờ ai?


Quay lại câu chuyện Văn miếu ở Vĩnh Phúc. Như trên đã nói: Vai trò của Khổng Tử trong văn hóa Việt Nam chỉ trong thời kỳ phong kiến. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều lý luận về lối sống, đạo đức của Khổng giáo mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp, Tuy nhiên, trong thời đại tự do ngày nay, thời đại mà chế độ quân chủ đã lùi vào dĩ vãng của lịch sử. Nhiều học giả nổi tiếng thế giới đã chỉ ra lý luận về giáo dục tư tưởng của Khổng giáo rất dễ bị lợi dụng vào mục đích mị dân, xây dựng niềm tin và sự trung thành mù quáng vào chế độ, đặc biệt nguy hiểm cho sự tiến bộ của xã hội dân chủ, tự do. Bản thân Khổng Tử cũng là người phải trả giá đắt cho ý thức hệ mà chính ông đề xướng. Nói cách khác, Khổng giáo trong xã hội ngày nay chỉ nên ở vai trò có giá trị được ghi nhận trong lịch sử, không còn phù hợp với mục đích giáo dục văn hóa hiện đại.


Từng là cố đô khởi thủy thời lập quốc, Vĩnh Phúc quá nhiều chứng tích và danh nhân có quan hệ trực tiếp tới văn hóa và cộng đồng tại đây cũng như cả nước. Để xây dựng một công trình mang tính tôn vinh, định hướng giáo dục văn hóa, tại sao lại chọn Khổng Tử? Khi mà xưa kia, lúc Khổng giáo bao trùm lên cả hệ thống giáo dục thời phong kiến, cả nước cũng chỉ có một Văn miếu có Khổng Tử được ở vị trí tôn vinh thì tại sao khi ý thực hệ và văn hóa Khổng giáo không còn phù hợp thì một địa phương lại xây dựng làm điểm nhấn văn hóa chủ đạo?


Mặc dù một công trình như vậy, chắc chắn có nhiều lý lẽ để dẫn dắt khi tiến hành lập dự án. Nhưng rõ ràng công trình Văn miếu Vĩnh Phúc với lựa chọn Khổng Tử là một biểu tượng văn hóa mù màu, thiếu tư duy điển hình mà hầu hết các công trình văn hóa được xây dựng trong những năm gần đây.


Hãy thử đặt ra vài câu hỏi:
- Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hơn 400 tỷ trong khi không ít các bà mẹ sống trong đói nghèo, thậm chí trở thành dân oan nơi vỉa hè có thể tôn vinh điều gì?
- Trong lúc cố gắng tuyên truyền về “tình đoàn kết Việt-trung” nhưng biển đảo bị lấn chiếm, ngư dân bị bức hại mỗi ngày thì thuyết phục được ai?


Văn miếu Vĩnh Phúc cuối cùng sẽ thờ ai, dùng cho mục đích gì thì chỉ riêng cái kiến trúc đậm chất Trung Hoa cũng đủ để không phải là văn hóa Việt Nam rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét