Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

ỐI GIỜI ƠI! GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC VỀ VĂN HỌC ĐÂY Ư ?


ỐI GIỜI ƠI! GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC VỀ VĂN HỌC ĐÂY Ư ?




MỘT GIÁO TRÌNH ĐẠI HỌC CÓ QUÁ NHIỀU SAI SÓT

Võ Văn Kha

.



Tôi là một giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân nên không sành văn chương. Tuy nhiên, con tôi hiện là sinh viên Khoa văn, nên tôi quan tâm đến những vấn đề liên quan. Vừa rồi con tôi hỏi: Có phải hiện nay được phép sử dụng chữ Y dài và I ngắn như nhau không? Tôi giật mình trước câu hỏi này. Chẳng lẽ ba năm ở trường Đại học, con mình không đủ trình độ để nhận biết một vấn đề sơ đẳng của ngôn ngữ tiếng Việt?

Tôi cố gắng tìm nguyên nhân và vỡ lẽ. Trong cuốn giáo trình bậc đại học Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945 rất nhiều từ sử dụng y dài thay cho i ngắn. Tác giả cuốn giáo trình là của tiến sĩ Hoàng Thị Huế, do nhà xuất bản Đại học Huế in năm 2015. Đây là một cuốn giáo trình có quá nhiều sai sót về lỗi chính tả, lỗi diễn đạt và lỗi trích dẫn. Đặc biệt một số kiến thức liên quan đến Hồ Chí Minh theo tôi là khá lệch lạc.

Trước hết, cuốn sách này sai quá nhiều lỗi chính tả. Hầu như tác giả không phân biệt được chữ y dài và i ngắn của tiếng Việt. Chẳng hạn: tư liệu thì thành tư lyệu, liên thì thành lyên, kính thì thành kýnh, hích thì thành hých. Không phải một vài trang mà phải đến cả trăm trang như vậy. Để khỏi dài dòng, tôi xin dẫn ra để bạn đọc tiện theo dõi. Chẳng hạn Trần Huy Lyệu (tr.5, tr.22), đả kých (tr.29), tư lyệu (tr.33), công kých (tr.49), lyếc nhìn (tr.50), gắn lyền (tr.53), đả kých (tr.74), nhân vật huyện Lyên (tr.76), sự kiện lyên quan (tr.80), sự kiện lyên kết (tr.81), vô lyêm sỉ (tr. 83), chương trình Lyên Á (tr.87), xe hơi lyệt máy (tr.93), tư lyệu (tr.97), chất lyệu phóng sự (tr.98), mối lyên hệ chặt chẽ (tr.102), gắn lyền với cái nhìn (tr.109), mãnh lyệt (tr.113, tr.126), dịch tễ lyên tiếp (tr.129), dữ dằn bạo lyệt (tr.133), vùng địch hậu lyên khu ba (tr.143), âm thầm và quyết lyệt (tr.145), quy luật lyên quan (tr.171), cây lyễu (tr.176), điều sâu kýn (tr.179), An và Lyên (tr.188)… Còn nhiều, nhiều nữa tôi không thể kể hết.


Ở đây loại trừ việc cài đặt sẵn, bởi một số từ trên cùng một trang nhưng lại viết i ngắn. Tôi cho đây là trình độ sử dụng ngôn ngữ của tác giả giáo trình. Vì một số từ khác, tác giả cũng không phân biệt được dấu (~) và dấu (?). Chẳng hạn mâu thuẫn thì ghi mâu thuẩn (tr.134), dàn trải thì ghi dàn trãi (tr.137), cấy rẻ thì viết cấy rẽ (tr.225)…

Càng đọc, tôi càng phát hiện ra cuốn giáo trình này có quá nhiều lỗi. Chỉ có chương đầu là tạm ổn, còn lại lỗi tràn lan. Cuốn sách gồm 260 trang thì chiếm đến hơn 200 trang có lỗi: hoặc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, hoặc lỗi trích dẫn, lỗi trình bày. Có những câu văn rối, rườm, không diễn đạt được nội dung của vấn đề cần nói. Một số câu rất ngớ ngẩn, không hiểu người viết muốn nói gì? Có những câu văn lặp đến 6 từ (tết, tết, tết, tết, tết, tết). Xin được dẫn ra trang 204 – 205: “Cũng trong ngày 30, tết Bính Ngọ 1966, khi đến ăn tết tại nhà một người bạn ở xã Hòa Lý, huyện Lý Nhân, là Đỗ Văn Hứa – một người cũng có làm văn viết báo lấy bút hiệu là Tân Thanh, tuy làm nghề bốc thuốc Đông y, tết thời chiến nên Nguyễn Bính đạp xe về Mặc Hạ, Lý Nhân thăm bạn trước rồi mới về quê ăn tết với vợ con sau nhưng tối 29 tết (tính 30 tết) năm đó, Nguyễn Bính bị trúng gió độc và qua đời tại nhà bạn” (Trích từ Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945, Tiến sĩ Hoàng Thị Huế, Nxb Đại học Huế, năm 2015).

Trên là một câu văn viết về cái chết của Nguyễn Bính trong Chương 7 của giáo trình. Và kiểu câu rối, rườm như thế này không phải ít trong cuốn sách này. Tôi nghĩ, học sinh cấp một cũng không thể viết câu văn tồi hơn thế, huống hồ đây lại là một giảng viên, tiến sĩ ở trường đại học.

Đặc biệt chương 8: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, cuốn giáo trình bộc lộ một số lệch lạc khi viết về Hồ Chủ Tịch. Trước hết, tác giả đã nhận định sai về quan điểm sáng tạo nghệ thuật của Bác Hồ. Ở trang 259, tác giả viết: “Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh sở dĩ đa dạng chính là vì Người đã: “khước từ sự chăm lo tới phong cách” (Trính từ giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945, Tiến sĩ Hoàng Thị Huế, Nxb Đại học Huế, năm 2015). Thiết nghĩ, nhận định này là một sự báng bổ đối với Hồ Chủ Tịch. Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề phong cách trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu khước từ sự chăm lo tới phong cách thì sao các tác phẩm của Bác lại có sức thuyết phục như vậy?

Ở đây, giáo trình có dẫn câu của một tác giả Mácxen nào đó để lý giải về phong cách của Bác Hồ, theo tôi là sai lệch. Xin trích lại: “Mácxen Pruxt nói: “Tôi càng sáng tác nhiều thì càng tin rằng nếu quyết tâm muốn thể hiện sự thật một cách đầy đủ thì cần khước từ sự chăm lo tới phong cách”(tr.259, lưu ý: tác giả không trích dẫn nguồn của câu này ở đâu?). Tôi cho rằng, không thể lấy tùy tiện một phát biểu của ai đó để nhận định về phong cách của một vị lãnh tụ. Tôi không đủ trình độ để bàn về phong cách trong văn chương, nhưng tôi cho rằng câu nói của tác giả trên không có cơ sở xác đáng để đánh giá phong cách của bất kỳ ai, nhất là của Hồ Chủ Tịch.

Cũng trong chương này, giáo trình nhầm lẫn về giai đoạn sáng tác của Hồ Chủ Tịch. Tên giáo trình là Văn học Việt Nam hiện đại 1930 – 1945, nhưng phần d. Ngôn ngữ đầy tính nhân văn và trí tuệ (tr.242) lại phân tích rất dài về Di chúc. Ai cũng biết Di chúc được Bác hoàn tất trước khi mất năm 1969… Nếu trình bày như trong giáo trình thì hóa ra bác Hồ mất trước năm 1945?

Cũng do viết sai giữa chữ y dài và i ngắn nên giáo trình đã “bịa ra địa danh” của Bác: “Quê nội của Bác làng Kim Lyên” (tr.225). Nếu người Việt Nam thì không sao, nhưng là một du khách nước ngoài, họ muốn tìm về quê Bác để thăm viếng thì biết đâu mà lần?

Ngoài những sai sót trên, tôi thấy việc trích dẫn trong cuốn sách này không rõ ràng. Hàng loạt trang lấy ý của người khác mà không có nguồn chú dẫn. Một số trang có đề tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử nhưng các ý kiến dẫn ra không bỏ trong ngoặc kép, không có nguồn chú giải, trích dẫn. Có những đoạn văn chỉ được một câu, có những mục chỉ vẻn vẹn được một dòng. Chẳng hạn mục 1.2.3. Kịch: Đóng góp (1951) (tr.146). Tôi nghĩ, một tiêu mục thì phải có nội dung bên trong, trừ phần phụ lục để người đọc tra cứu; nếu không giải quyết vấn đề gì thì không nên đặt một mục to tát như vậy. Điều này cho thấy tác giả giáo trình – tiến sĩ Hoàng Thị Huế rất ẩu, rất bất cẩn. Bất cẩn với bản thân mình – một giảng viên, tiến sĩ; bất cẩn với người tiếp nhận: sinh viên đại học.

Thiết nghĩ, giáo trình ở đại học cần phải chính xác về nội dung và trong sáng về sự diễn đạt. Một cuốn sách sai sót như thế này mà đem dạy cho sinh viên, e rằng sẽ rất tác hại. Đây lại là trường Đại học sư phạm – một trường mẫu mực, với mục đích đào tạo những giáo viên trong tương lai thì việc tác hại lại càng gấp bội.

Tôi không đủ trình độ để luận bàn những vấn đề cao siêu về chuyên môn, xin nhường cho các bậc giáo sư, tiến sĩ. Tuy nhiên, ở một trường Đại học mà lại tồn tại những cuốn giáo trình như thế này, chứng tỏ nền giáo dục của Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nguồn: Nguyễn Trọng Tạo Blog.
___________

Tiếng nói sinh viên:
Những băn khoăn về kiến thức trong cuốn giáo trình "Văn học Việt Nam hiện đại 1930 -1945" của tiến sĩ Hoàng Thị Huế

N.T.T.N



Em là một sinh viên, em xin đưa ra một số ý kiến chủ quan của mình và mong nhận được sự giải đáp của bạn đọc Blog Quà tặng xứ mưa. Em nghĩ những sai sót trong một cuốn sách là điều không thể tránh khỏi. Có thể chủ quan, có thể khách quan. Nếu lỗi sai nhiều quá, em nghĩ khi tái bản, cần phải chỉnh sửa lại. Tác giả Võ Văn Kha cũng không nên mất công lược ra những lỗi đó làm gì, vì chúng em có thể nhận biết được.

Điều em băn khoăn là một số nhận định của giáo trình về các tác gia giai đoạn 1930 – 1945 không phù hợp với những gì mà em đã tiếp thu trước đây. Đây lại là giai đoạn mà chúng em sẽ đến các trường phổ thông thực tập trong năm tới nên không thể không lo lắng.

Em rất thích nhà văn Nam Cao nên em chỉ hỏi về tác giả này. Trong giáo trình cô Hoàng Thị Huế có nhận định rằng: “Truyện ngắn Nam Cao có thể khái quát thành các mô hình sau: Mô hình số phận nhân vật (Chí Phèo, Dì Hảo), mô hình tâm lý nhân vật (đề tài về trí thức tiểu tư sản). Mạch truyện có thể được phát triển men theo tâm trạng nhân vật. Trình tự thời gian một chiều bị phá bỏ, không có cốt truyện, ít kịch tính và tình tiết éo le, ít những hành vi độc đáo lạ thường, ngôn ngữ lạ hóa cũng ít xuất hiện” (tr.154).

Em băn khoăn rằng: nếu nói ngôn ngữ Nam Cao ít lạ hóa liệu có đúng không? Khi chúng em học đội tuyển học sinh giỏi, các thầy cô đều khẳng định rằng: một tác phẩm văn học thú vị, hấp dẫn, đó là nhờ vào sự lạ hóa ngôn ngữ. Chẳng hạn thay bằng nói: Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày thì Tản Đà nói Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày. Còn Nam Cao, đoạn tả Chí Phèo và thị Nở gặp nhau bên bờ sông, tác giả đã lạ hóa ngôn ngữ một cách thần tình: “Những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như hứng tình” (tr.106, Nam Cao toàn tập, Nxb Văn học, 2002; Trong giáo trình trích sai và thiếu “… trên tàu lá chuối ưỡn cong cong thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đánh hạch như là hứng tình” (tr.168). Nếu trong tác phẩm Nam Cao ngôn ngữ lạ hóa ít xuất hiện thì sao lại làm say mê lòng người đến vậy?

Về cốt truyện, em nghĩ Thạch Lam mới là nhà văn thiên về dạng: không có cốt truyện (Hai đứa trẻ). Còn tác phẩm Nam Cao hầu như có cốt truyện. Vậy cơ sở nào để xác định một tác phẩm là có cốt truyện hoặc không có cốt truyện? Em băn khoăn mà chưa thể tự giải đáp được.

Cũng về Nam Cao, ở một chỗ khác cô Huế có nói: “Nam Cao ít tả ngoại hình…” (tr.168). Không biết nhận định như vậy có xác đáng không? Về phần em, em cho rằng Nam Cao là một bậc đại tài khi khắc họa ngoại hình nhân vật. Gương mặt bất hủ của Chí Phèo và thị Nở là một minh chứng rõ ràng. Đọc Nam Cao các nhân vật hiện lên một cách sống động đó là nhờ vào nghệ thuật mô tả nhân vật mà ngoại hình là một yếu tố không thể thiếu. Chẳng hạn đoạn mô tả thị Nở: “Cái mặt của thị thực sự là một sự mỉa mai của hóa công; nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu cái má phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố cho không thua với cái mũi; có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra…” ( tr.106, Nam Cao toàn tập, Nxb Văn học, 2002; ở giáo trình trích sai là nức nở, tr.164). Rất nhiều truyện ngắn Nam Cao cho thấy tác giả thiên về mô tả ngoại hình nhân vật.

Khi nói về nhân vật, giáo trình có nhận định: “Phần lớn nhân vật trong tác phẩm Nam Cao đều là con người đa diện, tha hóa hướng thiện, lưỡng khả, lưỡng diện. Đó là con người không chỉ chịu nỗi khổ vật chất mà còn bị lăng nhục về tinh thần, vì miếng ăn – miếng nhục” (tr.155). Em băn khoăn: không biết dùng từ tha hóa hướng thiện trong trường nghĩa của câu trên có đúng không? Về nhân vật, em biết có ba loại: nhân vật chính diện, nhân vật phản diện và nhân vật lưỡng diện. Hay nhất ở Nam Cao là đã xây dựng thành công nhân vật lưỡng diện. Nếu đặt cụm từ tha hóa hướng thiện bên cạnh các kiểu nhân vật như vậy thì cơ sở nào để phân chia nhân vật?

Trên là những băn khoăn của em về những nhận định ở trong giáo trình về Nam Cao – một nhà văn mà em ưa thích. Khi đọc giáo trình, những nhận định đó em thấy không phù hợp với những gì mà em đã tiếp thu ở những giáo viên trước. Em mong nhận được sự giải đáp của quí bạn đọc.

Nguồn: Ngô Minh Blog.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét