Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

11 tỷ đồng 'lót tay' quan chức đường sắt được giao ở đâu?


11 tỷ đồng 'lót tay' quan chức đường sắt được giao ở đâu?


Lần lượt 3 giám đốc của Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam đều biết cấp phó Phạm Hải Bằng tiếp nhận, sử dụng các khoản tiền nhận trái phép từ nhà thầu JTC (Nhật Bản) nhưng "không chỉ đạo chấm dứt".



Gần một năm điều tra vụ tiêu cực tại Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU), ngày 22/6, VKSND Tối cao ra cáo trạng đề nghị truy tố 3 người từng làm giám đốc PRMU cùng một phó giám đốc và 2 trưởng phó phòng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.


Được phê duyệt từ tháng 2/2004, bốn năm sau dự án đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) mới chính thức được triển khai với tổng vốn đầu tư ban đầu 44.000 tỷ đồng.


Hơn 5 năm thực hiện, dự án đến nay dừng ở công đoạn chờ hoàn chỉnh thiết kế tổng thể.


Theo điều tra, RPMU được thành lập nhằm phục vụ triển khai dự án Xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Tháng 9/2009, Hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật được ký hợp đồng với liên danh (JKT) gồm 8 công ty trong đó có Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS), Công ty Tư vấn miền đông Nhật Bản (JRC), Công ty Tư vấn điện Nhật Bản (JEC), Công ty Kiến trúc KOKEN. Tổng giá trị hợp đồng hơn 3,6 tỷ yên và 230 tỷ đồng.


Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, bị can Phạm Hải Bằng (Phó giám đốc RPMU kiêm chủ nhiệm dự án tuyến số 1) đã nêu khó khăn của RPMU về chi phí triển khai thực hiện dự án và được đại diện JTC đồng ý hỗ trợ.


Theo tài liệu điều tra của Nhật Bản, từ tháng 9/2009 đến 2/2014, ông Bằng đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Phạm Quang Duy (Trưởng phòng Dự án 3) và Nguyễn Nam Thái (Phó phòng dự án) 15 lần nhận tiền của JTC, tổng cộng khoảng 70 triệu yên (11 tỷ đồng).


Cụ thể, người của JTC đã 11 lần trực tiếp đưa gần 60 triệu yên cho ông Bằng tại văn phòng RPMU; một lần đưa 3 triệu yên cho Bằng và Thái cũng tại RPMU và 3 lần đưa tổng số 15 triệu yên cho Thái tại văn phòng RPMU và JTC. Mục đích đưa tiền nhằm được thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn.


Các bị can Thái, Duy, Bằng khai khi tiếp nhận và sử dụng 11 tỷ đồng đã không mở sổ sách theo dõi tại RPMU hay Tổ dự án; cũng không báo cáo ai tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trong số này, ông Bằng quản lý 4,8 tỷ đồng; Thái quản lý 3,4 tỷ và Duy 2,8 tỷ.


Thái và Duy khai theo chỉ đạo của sếp Bằng, tiền chủ yếu trang trải cho lễ ký hợp đồng với JKT, chi tiếp khách, in tài liệu, hội họp, làm ngoài giờ, hỗ trợ đi nghỉ mát, thưởng Tết, hỗ trợ hoạt động đoàn thể... nhằm "vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân". Sau mỗi lần chốt số liệu chi tiêu với bị can Bằng, Thái đều xóa file Excel theo dõi.


Ông Bằng khai tiền do mình quản lý đã chi hết vào việc tiếp khách, đối ngoại song không ghi chép lại nên không nhớ cụ thể.


Cơ quan điều tra xác định việc nhận tiền, sử dụng đều được Bằng báo cáo với giám đốc RPMU qua các thời kỳ gồm Trần Văn Lục (1999-2009), Trần Quốc Đông (2009-6/2011) và Nguyễn Văn Hiếu (từ 2011). Biết việc làm trên là trái pháp luật nhưng các ông này "không chỉ đạo chấm dứt việc tiếp nhận và sử dụng". Bị can Đông 2 lần nhận phong bì 30 triệu đồng, bị can Hiếu nhận 50 triệu đồng, bị can Lục nhận 100 triệu đồng quà biếu Tết của Bằng, khoản này được lấy từ tiền do JTC đưa.


Bị can Bằng, Thái khai được ông Hiếu cho "chủ động sử dụng ". Trong giai đoạn ông Hiếu làm giám đốc RPMU, vào các dịp lễ, tết năm 2011-2014, việc chi phí và các khoản chi chung liên quan dự án vẫn thực hiện như thời kỳ ông Lục, Đông lãnh đạo.


Nhà chức trách xác định, những hoạt động thu chi này diễn ra trong thời gian dài, biết rõ việc chi phí các khoản tiền đó là trái pháp luật nhưng bị can Hiếu không ngăn chặn mà để "lợi ích nhóm" diễn ra, trong đó bị can có phần hưởng chung như mọi người. Số tiền các bị can nhận được xác định không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án.


Theo cơ quan điều tra, một số lãnh đạo chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hiện đã nghỉ hưu cũng bị xác định liên quan trách nhiệm quản lý RPMU. Tuy nhiên trong phạm vi dự án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) mới chỉ khởi tố, điều tra hành vi trái pháp luật trong việc nhận tiền ngoài hợp đồng của JTC. Nội dung khác liên quan trách nhiệm quản lý toàn bộ dự án đã được tách tài liệu để điều tra, xử lý sau.


6 bị can bị truy tố gồm: Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Phạm Hải Bằng (46 tuổi, phó tổng giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên trưởng phòng dự án 3), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên phó phòng dự án).


Theo khung hình phạt truy tố, khoản 3 điều 281 Bộ luật Hình sự, các bị can đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng", án từ 10 đến 15 năm.


Trong 6 người có Duy, Hiếu, Đông, Lục được tại ngoại.


Theo Chung Kiên (Vnexpress)



LIKE TO SHARE?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét