Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Thứ hòa bình viển vông, vô trách nhiệm


VNTB - Thứ hòa bình viển vông, vô trách nhiệm


Nguyễn Văn Nghĩa (VNTB) Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, được sự chống lưng của Đảng Cộng sản Trung Quốc – Thời báo Hoàn Cầu trong tin bài về sự kiện Trung Quốc sẽ đánh dấu 70 năm kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ II tại châu Á bằng cuộc diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn đã nhấn mạnh rằng, "Trung Quốc sẽ chia sẻ trách nhiệm toàn cầu hơn nữa" và thời điểm hiện nay, chính là thời điểm mà Trung Quốc "đóng góp cho hòa bình thế giới."


Tất nhiên, tờ báo này không quên nhắc lại, đó không phải là lời nói ngoại giao, mà sự lớn mạnh của Trung Quốc chính là sự đảm bảo đó là một cam kết mang tính tôn trọng, thúc đẩy quan điểm "win - win" trên thế giới.


Cách nói của Thời báo Hoàn cầu không khác gì với quan điểm "trỗi dậy hòa bình" mà chính quyền Bắc Kinh thường riêu rao với thế giới bên ngoài để che đậy các hành vi sai trái của mình, nhất là việc nước này "quyết đoán" trong yêu sách chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và sự chồng lấn chủ quyền với các nước láng giềng.

Việt Nam là nước thứ 2 trong khối ASEAN gay gắt với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.


Kết quả, sự trỗi dậy hòa bình và quan điểm nước lớn của Trung Quốc đã áp đặt thô bạo yêu sách vô lý của mình qua đường khúc 9 đoạn (hay được gọi là đường chủ quyền lưỡi bò) và triển khai nhiều biện pháp cứng rắn để bảo vệ yêu sách đó. Một trong những cách để Trung Quốc khẳng định chủ quyền là sử dụng tàu cá có vũ trang hoặc tàu Hải giám để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt một cách bất hợp pháp các tàu cá của ngư dân Việt Nam, ngay cả khi họ đang khai thác trong vùng biển (ngư trường) thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam.


Vừa qua, trong phiên họp Chính phủ Việt Nam thường kỳ tháng 6/2015, ông Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho biết, trung bình mỗi tháng, có 4 tàu cá của tỉnh này bị Trung Quốc uy hiếp, tấn công. Theo đó, trong "6 tháng đầu năm đã có 34 tàu, 480 lượt ngư dân bị nước ngoài xua đuổi, uy hiếp, tấn công. Riêng Trung Quốc đã uy hiếp, tấn công 23 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, với số lượng ngư dân là 316 người," ông Lê Quang Thích cho biết.


Ngoài ra, Trung Quốc còn ép ngư dân phải ký bản công nhận chủ quyền của nước này ở Biển Đông như đối với trường hợp tàu cá Quảng Bình mang số hiệu 93694.


Đó phải chăng là cách Trung Quốc đang thể hiện trách nhiệm của một nước lớn? Nói đúng hơn, đó là thứ hòa bình mà Trung Quốc đang dùng để chỉ về sự trỗi dậy của nước này?


Ngoài ra, Trung Quốc đang đẩy nhanh các dự án bồi lấp biển quy mô lớn tại Biển Đông, mà nói như Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 26/6, hành vi đó là "một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định," bởi Trung Quốc đã "nỗ lực đơn phương và có tính cưỡng bức nhằm thay đổi nguyên trạng" Biển Đông.


Những việc làm của Trung Quốc không cho thấy sự hòa bình và trách nhiệm gìn giữ, thúc đẩy hòa bình nào cả, mà nó chỉ thực hiện để phá vỡ luật pháp quốc tế, đưa khu vực vào thế bất ổn định, tạo ra nguy cơ cưỡng đoạt biển Đông nhằm kiểm soát quyền lưu thông trên biển và trên không theo lối gọi "lợi ích cốt lõi" của mình.


Hẳn đấy là cách mà Trung Quốc "chia sẻ trách nhiệm nước lớn" của mình trong các vấn đề của khu vực và trên thế giới? Một cách “chia sẻ” bằng cách vơ vét chủ quyền, thực hiện bá quyền trong khu vực?


Cũng cần phải nói rằng, Trung Quốc đang cạnh tranh về quyền lực lãnh đạo với Mỹ, nhưng Trung Quốc lại quên rằng, quyền lãnh đạo của Mỹ lại được xây dựng trên niềm tin đối tác, bạn bè và đồng minh. Trong khi những tham vọng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khiến cho nhiều quốc gia phải dè chừng, liên minh lại nhằm chế ngự Trung Quốc. Một minh chứng dễ dàng nhìn thấy là tại Đối thoại an ninh Shang-rila (Singapore) vừa rồi, Trung Quốc phải đối mặt với sự cô lập và lên án của nhiều quốc gia (trong đó có nước chủ nhà Singapore) khi đề cập đến cách hành xử "nước lớn" của Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông



Và có vẻ như Trung Quốc đang đi vào một "Chiến dịch diệt chim sẻ" trên Biển Đông, chỉ biết đơn phương thực hiện "lợi ích cốt lõi" dựa trên tiềm lực quân sự và nền kinh tế mà không chú ý giữ gìn, gây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia. Do đó, sẽ đến lúc, Trung Quốc phải trả giá cho chính hành động dựa "lợi ích trước mắt" của mình, không chỉ là sự lên án ở các quốc gia có liên quan, mà chính bởi sự cảnh giác của các nước, đi dần đến cô lập Trung Quốc trong quan hệ chính trị.






Không lạ khi, Úc – một nước tham gia vào ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng và có mối quan hệ hợp tác về giáo dục và kinh tế lớn với nước này, nhưng gần đây, Thủ Tướng Tony Abbott cũng đã mạnh mẽ lên án bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.


Với Việt Nam, một nước đồng ý thức hệ, đã phải cảnh giác cao độ về Trung Quốc, khi giàn khoan HD-981 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014.


Mặc dù nhiều lần kêu gọi tất cả các quốc gia cần xây dựng lòng tin chiến lược, đặc biệt các nước lớn cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nước nhỏ, tránh có những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực. Nhưng điều đó có nghĩa, Việt Nam bán rẻ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng, để "để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó," như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng khái sau vụ việc HD-981.


Và mùa hè năm nay (2015), giàn khoan HD-981 lại hướng về bờ biển Việt Nam, không bao lâu, sau khi Phiên họp lần 8 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc ký biển bản "nhất trí thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông."


Đó chính là cái giá cho sự xảo biện về cái gọi là "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc, một thứ "hòa bình" ngoại giao, bất chấp luật pháp quốc tế và quyền lợi của các quốc gia lân cận. Và là thứ "trách nhiệm thể hiện" trên giấy mà một nước lớn như Trung Quốc đang tìm cách rao giảng.



Chú thích:


Chiến dịch diệt chim sẻ là một trong nhiều chiến dịch trong kế hoạch Đại nhảy vọt của Trung Quốc diễn ra trong 4 năm (1958 – 1962), do Mao Trạch Đông phát động. Theo quyết định thì tất cả các nông dân tại Trung Quốc sẽ xua đuổi và triệt tiêu chim sẻ - một loài được liệt kê là có hại vì chúng ăn hạt thóc lúa, gây thiệt hại cho nông nghiệp. Kết quả, mùa vụ năm sau khá hơn năm trước vì không còn chim sẻ, nhưng họ đã quên đi một sự thật là chim sẻ ăn châu chấu. Sự biến mất của chim sẻ tỉ lệ nghịch với sự “trỗi dậy” của châu chấu, và mùa màng sau đó bị hủy hoại vì nạn châu chấu là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến 30 triệu người chết đói trong giai đoạn 1959 – 1961.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét