Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

“Khi người cộng sản động lòng thương”


“Khi người cộng sản động lòng thương”

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 22 tháng 6 năm 2015 | 22.6.15

Nguyễn Hoài An – Các vụ án oan sai ở Việt Nam những năm gần đây không chỉ gây chú ý trong dư luận Việt Nam mà còn đang là một đề tài thu hút báo chí phương Tây. Tờ The Economist mới đây đã có bài viết tựa đề “Pháp luật hình sự ở Việt Nam: Khi người cộng sản động lòng thương”, đăng ngày 20/6, kể về vụ Nguyễn Thanh Chấn – một trong những vụ án oan nổi tiếng – và công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam. Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu bản dịch bài viết này đến bạn đọc.




Pháp luật Hình sự ở Việt Nam
Khi người cộng sản động lòng thương


Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận cải cách phần nào quy định xử phạt


Vốn là một người nông dân chân lấm tay bùn bình thường như bao nông dân khác ở Việt Nam, thế nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn hiện đã trở thành người có tên có tuổi trong nước. Năm 2004, ông Chấn bị kết án tù chung thân vì tội giết một phụ nữ cùng làng. Sau gần 10 năm ngồi tù, vào năm 2013, ông được trả tự do sau khi người hàng xóm, vì những chứng cứ khó lòng chối cãi, thú nhận mình mới là kẻ thủ ác trong vụ việc năm nào. Đầu tháng 6 vừa qua, Tòa án Tối cao Việt Nam tuyên bố sẽ bồi thường cho ông Chấn khoảng 360.000 đô-la – số tiền mà nếu làm lụng cả đời với nghề nông xưa kia ông cũng không kiếm được – cho 9 năm ngồi tù oan.


Sau khi Tòa án Tối cao ra tuyên bố, ông Chấn đã đón tiếp nhiều nhà báo tại ngôi nhà đơn sơ của mình. Ông cho biết sau khi bị bắt giữ, ông đã bị công an dùng nhiều hình thức cưỡng bức, ép ông phải nhận tội. Nếu không nhờ nỗ lực đi đòi công lý bền bỉ suốt nhiều năm trời của người vợ, hẳn giờ này ông Chấn vẫn đang ngồi sau song sắt.




Bức ảnh (không rõ nguồn) này ghi lại cảnh ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày trở về với gia đình, 4/11/2013.


Vụ việc của ông Chấn xảy ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang xúc tiến những nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự. Nhiều đề xuất liên quan đến các quy định xử phạt và thủ tục tố tụng hình sự đã được Quốc hội Việt Nam thảo luận trong tuần vừa qua. Có vẻ như, ở một mức độ nào đó, nỗ lực điều chỉnh hệ thống pháp lý của Đảng Cộng sản Việt Nam là một cách nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước phương Tây, khi mà đất nước này đang phải đối mặt với những căng thẳng ngày một nghiêm trọng với láng giềng Trung Quốc. Dù vậy, bản thân những cải cách dường cũng cũng tạo được đà tiến riêng, trong đó bao gồm cả những thay đổi liên quan đến án tử hình.


Tương tự như ở Trung Quốc, thống kê về án tử hình ở Việt Nam là thông tin thuộc loại bí mật quốc gia. Song theo tổ chức Ân xá Quốc tế, trong năm 2014, có ít nhất 3 tử tù đã bị thi hành án và hơn 700 tù nhân đang phải ngồi tù với bản án tử hình lơ lửng trên đầu. Chỉ tính riêng 72 người bị kết án tử hình trong năm 2014, có 4/5 số phạm nhân bị kết án tử hình vì tội buôn bán ma túy.


Hiện tại, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận xung quanh vấn đề liệu có nên thu hẹp phạm vi tội danh áp dụng án tử hình, từ 22 tội danh xuống còn 15 tội danh. Những tội danh sẽ sớm được gỡ bỏ bản án tử hình gồm có trộm cắp tài sản, chống mệnh lệnh quân sự. Mặc dù bản án tử hình cho tội buôn bán ma túy vẫn được giữ nguyên, song theo quan sát của một nhà ngoại giao phương Tây theo dõi rất sát các vấn đề pháp lý ở Việt Nam, bản án tử hình cho tội danh này sẽ sớm được gỡ bỏ trong vòng một năm tới. Và nếu điều này xảy ra, Việt Nam ngay lập tức sẽ trở thành một điểm sáng ở Đông Nam Á trong lập trường liên quan đến án tử hình. Hiện tại, trong khối các nước ở khu vực, chỉ có Philippines là đã loại tội danh trên khỏi danh sách áp dụng án tử hình.


Dù vậy, có một thực tế cần phải thừa nhận: Bất kể Quốc hội Việt Nam quyết định áp dụng những thay đổi gì với khung hình phạt tử hình, hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam vẫn có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng. Các quy định liên quan đến thủ tục điều tra, truy tố hình sự hiện thời vẫn cho phép các lực lượng chức năng sử dụng những kỹ thuật thẩm vấn tàn bạo, trong khi đó quy định xử phạt lại đầy những điều khoản hình sự hóa những hoạt động được định nghĩa mơ hồ như tuyên truyền, vận động chống phá nhà nước, dựa trên cái cớ bảo vệ an ninh quốc gia.


Gần như tất cả các thẩm phán – những người cầm trịch các phiên tòa – đều là đảng viên, trong khi đó hai thành viên ban hội thẩm nhân dân – những người sát cánh với thẩm phán – lại có mối ràng buộc chặt chẽ với cái gọi là an ninh quốc gia. Phần đa những tù nhân tìm cách phản đối hệ thống này đều bị buộc phải im lặng. Một ví dụ nổi tiếng là trường hợp của linh mục Nguyễn Văn Lý. Linh mục Lý bị công an bắt giữ và sau đó bị tòa án kết tội sử dụng “luật rừng”, trong khi một nhân viên tòa án đã không ngần ngại vả vào miệng ông trong phiên tòa.


Về phía những tù nhân mang bản án tử hình, họ không được cho biết khi nào mình sẽ bị thi hành án, trong khi đó những câu hỏi mà các nhà chức trách đang xoáy vào lại chủ yếu liên quan đến việc bản án tử hình sẽ được tiến hành như thế nào. Cách đây bốn năm, chính phủ Việt Nam quyết định thay thế hình thức xử bắn tử tù bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tuy nhiên, vì Liên minh châu Âu có quy định cấm bán thuốc độc dạng tiêm, nên Việt Nam chuyển sang dùng các loại thuốc độc “cây nhà lá vườn” tự chế. Và các bác sĩ bị ép trở thành cán bộ thi hành án.


Tuy vậy, công bằng mà nói, chí ít hiện nay các nhà làm luật Việt Nam đã bắt đầu thừa nhận những trường hợp kiểm sát viên làm trái quy định. Một trong những vụ án gây tranh cãi hiện đang được xem xét là vụ Hồ Duy Hải. Hồ Duy Hải bị kết tội giết người năm 2008. Tuy nhiên, những chứng cứ chống lại Hải không thuyết phục và có nhiều điểm đáng nghi ngờ. Tháng 12 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định hoãn thi hành án đối với Hải sau khi có những áp lực hậu trường từ các nhà ngoại giao phương Tây.


Mặc dù người nông dân Nguyễn Thanh Chấn hiện vẫn bày tỏ niềm tin đối với hệ thống luật pháp nói chung, song ông không khỏi băn khoăn thành lời, liệu tất cả các vụ án có được điều tra đúng người, đúng tội không. Trong trường hợp cá nhân ông, lý do duy nhất khiến các cấp tòa án cuối cùng cũng chịu để mắt tới đơn kêu oan của ông là vì vợ ông đã trở thành một kiểu thám tử bất đắc dĩ. Sau nhiều tháng dò tìm, tự mình điều tra, bà đã xuất hiện trước Bộ Tư pháp, túm cổ một viên chức bộ, và đòi trình hàng chồng giấy tờ tài liệu liên quan đến chứng cứ đã bị bỏ qua. Đáng lẽ Bộ Tư pháp rất nên sắp một chỗ mời bà về làm việc.


Nguyễn Hoài An dịch từ Criminal Justice in Vietnam: Compassionate Communists (The Economist)


(Luật Khoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét