Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Thành ngữ mới: Phồn vinh giả tạo


Nguyễn Thông - Thành ngữ mới: Phồn vinh giả tạo

Đăng bởi Ha Tran on Tuesday, August 29, 2017 | 29.8.17



Hôm rồi, dư luận ồn ào quanh chuyện một nhóm nhà sử học viết bộ sử mới đã không dùng những từ “ngụy, ngụy quân, ngụy quyền, chính quyền ngụy” để gọi chính thể Việt Nam cộng hòa như lâu nay nhà cầm quyền vẫn kết án. Có người bảo đó là cuộc cách mạng về tư tưởng tư duy, báo hiệu một sự thay đổi căn bản. Có người khác bảo họ chỉ làm màu thế chứ thực tâm chả thay đổi gì đâu. Lại có người nói rằng sự thay đổi cốt lợi dụng tên gọi chính quyền cũ để sử dụng hợp pháp những tài liệu văn bản của Sài Gòn trước năm 1975 về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thôi, nhằm mục đích đấu tranh đòi biển đảo thôi. Lại có ông tướng về hưu hung hăng đòi truy tố mấy nhà viết sử bởi theo ông ngụy muôn đời vẫn là ngụy… Mỗi vị một phách, chả biết thế nào. Cứ sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, dân đen ngoảnh qua ngoảnh lại theo ý các ông các bà ấy chắc gãy mẹ nó cổ.






Tôi định không có ý kiến gì, nhưng đọc thử một vài trang, thấy nhóm biên soạn “tư duy mới” khi viết về quốc hội của chính thể Việt Nam cộng hòa vẫn lặp đi lặp lại cụm từ “quốc hội bù nhìn”, thì lòng thầm nghĩ họ chả thay đổi gì đâu. Ngấm vào máu rồi, dễ chi thay đổi được. Phải mất vài thế hệ nữa may ra mới có thể “xóa vết thương nội chiến”.


Nhân vụ sử nói trên, lại nhớ hồi viết về cụm từ “bơ thừa sữa cặn” mà tôi tạm gọi là “thành ngữ mới”, một ông bạn chơi với nhau từ hồi cởi trần đánh dậm liền nhắn bảo còn nhiều từ ấn tượng ghê gớm lắm, mày viết nữa đi. Tôi ậm ừ nhưng chưa viết bởi bây giờ tuy không bận đi đánh dậm nữa nhưng còn mải nhặt bạc cắc sống qua ngày. Bữa ni hơi rảnh liền thực hiện lời hứa, nói dăm ba điều về “phồn vinh giả tạo”.


Trước hết cần sơ sơ về từ vựng. Trong tiếng Việt, “phồn vinh” là tính từ, chỉ sự giàu có, sung túc, thịnh vượng, no đủ, đầy đủ về vật chất. Theo nghĩa Hán Việt, “phồn” là nhiều, “vinh” là vinh hoa, giàu sang, thịnh vượng. “Phồn vinh” là đầy đủ giàu sang. Ta thường nói cuộc sống phồn vinh, đất nước phồn vinh, xã hội phồn vinh. Còn “giả tạo” cũng rất dể hiểu, xuất phát từ chữ “giả” có nghĩa không thật, giả tạo là cố ý làm ra cái không có thật. Phồn vinh giả tạo là nhìn bề ngoài có vẻ giàu có, no đủ, sung túc nhưng thực chất là thiếu thốn, nghèo đói, đau khổ; chỉ có màu mè bên ngoài thế thôi, chứ bên trong chả có gì.


Đương nhiên từ “phồn”, từ “vinh” hoặc từ "giả tạo" đều đã có từ rất lâu trong buổi sơ khai tiếng Việt, nhưng cụm từ “phồn vinh giả tạo” giống như một thứ thành ngữ mới thì chỉ mãi về sau này mới xuất hiện. Người giữ bản quyền cụm từ ấy không phải ai khác, chính là mấy vị cộng sản cầm quyền ở miền Bắc thời những năm 1960-1970. Đám chúng tôi hồi đó còn bé nhưng thường được nghe cán bộ bảo rằng miền Nam dưới ách áp bức tàn bạo của Mỹ ngụy dân chúng cực khổ lắm, không những phải chịu chiến tranh, bom đạn mà chúng reo rắc, còn chịu cuộc sống ô nhục nô lệ, bơ thừa sữa cặn. Những nhà cửa, xe cộ, lúa gạo vải vóc… đầy tràn chỉ là vẻ ngoài phồn vinh giả tạo thôi. Vì vậy phải giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cứu 14 triệu đồng bào ruột thịt thoát ra khỏi cuộc sống phồn vinh giả tạo.


(còn tiếp)


Nguyễn Thông


(FB Nguyễn Thông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét