Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Đại án Oceanbank và vấn đề Nợ xấu của Việt Nam


Đại án Oceanbank và vấn đề Nợ xấu của Việt Nam

0 Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017


VOA



Ảnh chụp màn hình từ trang Tuổi Trẻ Online - Bị cáo Hà Văn Thắm được đưa đến phiên tòa (Ảnh: TÂM LỤA)


Tòa án Nhân dân TP Hà Nội chiều ngày 28/8 mở phiên sơ thẩm xét xử những sai phạm liên quan tới hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương- tức Oceanbank.
51 bị cáo sẽ bị mang ra xét xử, hai bị cáo được chú ý nhiều nhất là ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank, và ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, PetroVietnam. Cùng bị xét xử với hai ông có khoảng 50 doanh nhân và cựu nhân viên của PetroVietnam cũng như nhân viện của Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây Dựng Việt Nam và nhân viên ngân hàng Oceanbank.
Vụ án lớn kỷ lục đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với bài tường trình của AP đăng trên nhiều tờ báo lớn kể cả the New York Times, và nhiều tờ báo có uy tín khác như Deutche Welle của Đức.
Báo chí trong nước nói vụ án này nắm kỷ lục về số người tham gia tố tụng, với hơn 700 người 'có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan', trong đó có hơn 50 luật sư.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Thắm bị truy tố về 4 tội danh: "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Thắm cùng các bị cáo khác bị tố cáo là vi phạm pháp luật trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông- trong đó có nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ.
Với tài sản ước tính vượt ngưỡng 1 tỉ đôla vào năm 2014, thời còn trên đỉnh cao sự nghiệp, ông Hà Văn Thắm được xếp hạng là người giàu có thứ nhì, chỉ đứng sau Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Trong số những bị can bị truy tố bổ sung trong vụ án lần này, đáng chú ý có ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, người đang thọ án tù 30 năm.
Báo Deutche Welle nói ông Thắm bị cáo buộc đã phê chuẩn khoản tiền cho vay lên tới 23,5 triệu USD cho ông Danh mà không đòi hỏi tài sản thế chấp như quy định.
Vào tháng 5 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp quản Ocean Bank sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 445 triệu USD, với nợ xấu chiếm gần 50% các khoản cho vay chưa thanh toán.
Gần đây, nhà nước Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực chống tham ô nhũng lạm, với một số vụ án trong đó một số giám đốc điều hành bị tuyên án tử hình.
Những đại án trong ngành tài chính ngân hàng nêu bật một số lỗi hệ thống, từ lâu đã tạo điều kiện cho tham nhũng và cho phép xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã bị buộc phải mua lại một số ngân hàng, trong đó có Oceanbank, Ngân hàng Xây Dựng, và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu do ông Nguyễn Xuân Sơn điều hành. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói những sai phạm trong ngành ngân hàng đã bị 'bưng bít từ lâu', và trách nhiệm có thể quy một phần, cho Thanh tra NHNN đã không phát hiện những dấu hiệu báo trước, như mức nợ xấu trầm trọng, đã nổi lên từ thời ông Nguyễn Văn Bình còn là Thống đốc NHNN, khi diễn ra những vụ sáp nhập ngân hàng vào khoảng năm 2011.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói trong cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn văn Bình, giờ là Ủy viên Bộ Chính trị và Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cũng phải chịu trách nhiệm.
Phân tích về nợ xấu của Việt Nam và trách nhiệm của ngân hàng trung ương, ông Phạm Chí Dũng nói:
“Ba đại án này nó liên quan tới món nợ xấu khổng lồ, mà vào năm 2014, đã gấp đôi vốn điều lệ của các ngân hàng bị mua với giá không đồng. Món nợ xấu đó đã lên tới ít nhất là 20,000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của cả ba ngân hàng chỉ lên tới 10,000 tỉ đồng. Như vậy thì ngân hàng nhà nước phải bỏ ra ít nhất 10,000 tỉ đồng nợ xấu để mua với giá không đồng. Vậy lấy tiền đâu ra? Chắc chắn là phải lấy tiền từ ngân sách, tức là tiền đóng thuế của người dân.”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng vụ án liên quan tới Oceanbank chỉ là một phần không đáng kể trong tình hình nợ xấu nói chung của Việt Nam.
“Tình hình nợ xấu ở Việt Nam hiện nay là 900,000 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đại án Hà Văn Thắm cũng như ngân hàng xây dựng, ngân hàng dầu khí toàn cầu, nó ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động của khối ngân hàng, và từ đó người ta nhìn thấy một khuôn mặt khác của ngành ngân hàng, nghĩa là thay vì là nơi trú ẩn an toàn cho những đồng tiền tiết kiệm, trong ngân hàng có quá nhiều những tiêu cực, một số ngân hàng lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Nông thôn Agribank vv… có những quan chức tiêu cực tham nhũng, khách hàng gửi tiền vào đó, sau một thời gian thì tiền mình ‘không cánh mà bay’, thì làm sao người dân có thể tin tưởng ngân hàng? Điều đó chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới chiến dịch huy động vàng và đôla trong dân chúng của chính phủ bây giờ.”
Báo Deutche Welle của Đức nói ông Thắm bị cáo buộc đã chấp thuận khoản tiền vay lên tới 23,5 triệu USD cho ông Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, mà không cần tài sản thế chấp.
Các ngân hàng liên can tới đại án được cho là đã gây thiệt hại tổng cộng 69 triệu USD.
Vào tháng 5 năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp quản Ocean Bank sau khi ngân hàng này báo cáo lỗ 445 triệu USD, với nợ xấu chiếm gần 50% các khoản cho vay chưa thanh toán.
Liệu tình hình này có làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư nước ngoài? Tiến sĩ Phạm Chí Dũng:
“Vấn đề đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2017 tới nay thì chủ yếu vẫn là các nước Châu Á như Singapore, Hồng Kông… Các nước Châu Âu và Mỹ ít đầu tư vào Việt Nam, thậm chí có khuynh hướng rút vốn ra, ví dụ từ năm 2017 đến nay đã có 3 ngân hàng Úc thoái vốn khỏi Việt Nam. Đó là một hiện tượng mà tôi cho là đáng lo ngại cho môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng và môi trường kinh tế Việt Nam nói chung.”

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (Ảnh tư liệu)
Vụ án xét xử lãnh đạo và nhân viên của Oceanbank diễn ra ngay sau khi tòa án quốc tế ở Paris bắt đầu xét xử vụ án một doanh nhân Việt gốc Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện chính phủ Việt Nam.
Ông Phạm Chí Dũng nói vụ án ‘xuyên thế kỷ’ đang gây bão mạng này, cũng làm cho giới đầu tư nước ngoài ngần ngại, vì đây có thể là một minh chứng cho thấy môi trường làm ăn ở Việt Nam có rủi ro cao, thậm chí, không an toàn.
“Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình khiến cho báo giới nước ngoài cũng như các nhà đầu tư nước ngoài họ có một cái nhìn khác đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nó sẽ ảnh hưởng tới ý định đầu tư của họ trong tương lai. Thực ra, điều này đã xảy ra trong lĩnh vực đầu tư của người Việt ở hải ngoại rồi.”
Ông Hà Văn Thắm, 45 tuổi, xuất thân từ tỉnh Bắc Giang, tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại, Thạc sĩ trường Đại học Columbia Commonwealth, và có bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Công nghệ Paramount, Hoa Kỳ.
Mới 21 tuổi, ông đã mở công ty và nắm chức vụ Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bình Minh. Năm 2007, ông Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đại Dương.
Phiên xử ông và các đồng phạm dự kiến sẽ kéo dài 20 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét