Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Toàn văn "Phát biểu của Tổng thống Obama tới Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội ngày 24/5/2016"


Toàn văn "Phát biểu của Tổng thống Obama tới Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội ngày 24/5/2016"

Báo chí của Đảng, nhà nước đã cắt xén, thêm bớt "Phát biểu của Tổng thống Obama tới Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội ngày 24/5/2016". Chúng tôi đăng toàn văn bài phát biểu này để dộc giả tham khảo.













TỔNG THỐNG OBAMA: Xin chào! (Vỗ tay.) Xin chào Việt Nam! (Vỗ tay.)

Xin cám ơn

Xin cám ơn rất nhiều

Tôi xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp tôi thật nồng nhiệt, tôi xin cảm ơn lòng mến khách chân thành dành cho tôi trong chuyến thăm này. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả các bạn có mặt ở đây hôm nay.

Chúng ta thấy về đây hôm nay là người Việt từ khắp mọi miền của đất nước vĩ đại này, ở đây có rất nhiều các gương mặt trẻ cho chúng ta thấy tài năng, sự năng động và niềm hi vọng của Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, sự tử tế của mọi người làm cho trái tim tôi xúc động, sự tử tế ấy chính là điều để người ta biết đó là người Việt. Rất nhiều người đứng dọc hai bên đường với nụ cười, với những cái vẫy tay chào đón, tôi cảm thấy được ở họ là tình cảm bè bạn giữa nhân dân của chúng ta.

Tối qua, tôi ra chỗ phố cổ Hà Nội rồi thưởng thức vài món Việt, toàn là thứ ngon trên đời. Tôi thử ăn Bún Chả này (Vỗ tay) rồi tôi cũng làm vài chai bia Hà Nội nữa. Nhưng cũng phải thú thật, phố phường đông đúc nhường ấy ở thành phố này, cả đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy từng ấy cái xe máy. (Tiếng cười vang). Bởi thế mà cho đến tận giờ tôi vẫn chưa thử đi qua đường, thôi để có khi tôi quay lại nơi này thăm các bạn thì các bạn cho tôi biết cách làm thế nào qua đường vậy.

Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây. Nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên là người giống như nhiều bạn đang ở đây, là người đã trưởng thành vào thời kỳ sau cuộc chiến giữa hai nước chúng ta. Khi lực lượng quân sự Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam thì tôi mới 13 tuổi. Cho nên những cảm nhận và ý thức đầu tiên đã đến với tôi về Việt Nam và về người Việt là khi tôi đang lớn lên ở Hawaii vì ở đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đầy tự hào.

Đồng thời tôi muốn nói, số rất đông người dân ở nước này còn trẻ hơn tôi nhiều. Rất nhiều người trong số các bạn ở đây, cũng giống như hai con tôi, từ khi sinh ra tới nay chỉ biết mỗi một điều – điều đó là hòa bình và mối quan hệ đã được bình thường hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bởi thế nên tôi đến đây, với ý thức về quá khứ, với ý thức về lịch sử khó khăn của chúng ta, nhưng hoàn toàn chú trọng tới tương lai – sự thịnh vượng, nền an ninh và nhân phẩm của con người – tất cả những điều để chúng ta cùng nhau thúc đẩy.

Tôi cũng tới đây trong niềm kính cẩn đối với di sản xưa đầy cổ kính của Việt Nam. Từ muôn đời nay, người nông dân đã đổ mồ hôi làm lụng trên mảnh đất này – lịch sử ấy được khắc ghi bằng những hình ảnh trên những chiếc trống đồng Đông Sơn. Ở nơi dòng sông uốn khúc, Hà Nội vẫn vững vàng trên một ngàn năm. Thế giới đổ về đây để chiêm ngưỡng lụa Việt và tranh Việt, Văn Miếu kia vẫn sừng sững uy nghi như để làm bằng về niềm khát khao tri thức của con người nơi đây.

Thế nhưng, trong thời gian nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam lại thường hay bị áp đặt bởi kẻ khác. Mảnh đất quê hương yêu quý của người Việt không phải lúc nào cũng giữ được là của mình. Thế nhưng như cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt được thể hiện trong câu thơ của Lý Thường Kiệt – “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành phân định tại sách trời."

Hôm nay chúng ta cũng ghi nhớ một lịch sử dài hơn giữa người Việt và người Mỹ, một giai đoạn lịch sử mà người ta thường lãng quên. Cách đây hơn 200 năm khi người Cha lập quốc của chúng tôi, Thomas Jefferson, tìm kiếm giống lúa nào cho trang trại gia đình, ông đã chọn loại giống của Việt Nam, ông nhận xét “gạo này nổi tiếng nhờ màu trắng nhìn thật đẹp mắt, khi ăn cho mùi thơm thật ngon miệng mà lại là loại cho năng suất cao không giống nào bằng.” Chẳng bao lâu sau đó, các tầu buôn của Mỹ đã cập cảng Việt Nam để tìm kiếm doanh thương.

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Mỹ đã đến đây để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng. Khi những phi công Mỹ bị bắn rơi, họ được người Việt cứu giúp. Vào ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, vào ngày mọi nẻo đường của thành phố này tràn ngập dòng người, Hồ Chí Minh đã gợi nhớ tới bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ. Ông nói “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Nếu ở vào một thời nào khác, thì những ước vọng với lý tưởng chung không gì hơn thế và một trang sử tương đồng về quyết tâm xóa bỏ chủ nghĩa thực dân chắc là đã gắn chúng ta lại với nhau được gần hơn và được nhanh hơn.

Đáng ra phải như thế, nhưng đó lại là thời kỳ Chiến tranh lạnh với các bên đối kháng cạnh tranh và nỗi khiếp sợ chủ nghĩa cộng sản đã lôi chúng ta vào xung đột. Không khác gì những xung đột đã diễn ra trong suốt lịch sử loài người, chúng ta lại một lần nữa thấm thía sự thật cay đắng – rằng chiến tranh, dù với mục đích nào của chúng ta đi nữa, đều đưa đến đau thương và thảm kịch.

Tại nghĩa trang liệt sĩ của các các bạn không xa chỗ này và trên bàn thờ của các gia đình ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, các bạn tưởng nhớ tới 3 triệu người Việt, là những người lính và thường dân ở cả hai bên đã hi sinh. Tại bức tường tưởng niệm của chúng tôi ở Washington, chúng ta có thể chạm tay vào tên họ của 58 315 người Mỹ đã hi sinh trong cuộc xung đột.

Ở cả hai nước chúng ta, các cựu chiến binh và gia đình những người đã ngã xuống không lúc nào nguôi được nỗi đau mất bạn bè và mất người thân. Cũng như điều chúng tôi thấm thía ở Mỹ rằng dù chúng ta có không đồng ý kiến với nhau về cuộc chiến, chúng ta vẫn phải luôn luôn vinh danh những chiến sĩ trong quân ngũ, chúng ta phải luôn luôn chào đón họ trở về quê hương với sự tôn kính xứng đáng với họ, nhờ thế mà chúng ta mới có thể cùng nhau gặp gỡ trong ngày hôm nay, người Việt và người Mỹ, để chúng ta cùng chung sự thấu hiểu nỗi đau đớn và những hi sinh của cả hai bên.

Gần đây hơn, trong hơn hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc và hôm nay thế giới có thể thấy những thành tựu ngoạn mục của các bạn. Với những cải cách kinh tế và với các hiệp định thương mại, gồm cả các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, các bạn đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa của mình tới mọi nơi trên thế giới. Đầu tư nước ngoài mỗi ngày mỗi vào nhiều hơn. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, Việt Nam đã vượt lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Chúng ta thấy tiến bộ của Việt Nam trong những tòa nhà chọc trời và các tòa nhà cao ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm mua sắm mới và các trung tâm đô thị mới. Chúng ta thấy những tiến bộ ấy trong những vệ tinh mà Việt Nam phóng lên không gian, chúng ta thấy những tiến bộ ấy ở thế hệ mới đang dùng mạng, đang khai trương khởi nghiệp và đang vận hành các dự án phát triển mới.

Chúng ta thấy những tiến bộ ấy trong số hàng chục triệu người Việt đang nối mạng trên Facebook và Instagram. Và chúng ta lên mạng không phải là để chỉ đăng các tấm ảnh tự sướng – mặc dầu tôi có nghe là các bạn hay làm thế lắm – (tiếng cười) - và tới giờ này tôi phải nói là có con số khủng những người đã mời tôi ghé mặt cùng các bạn ấy làm cái hình tự sướng.

Các bạn cũng đang lên tiếng vì những công cuộc được các bạn cho là điều quan trọng, chẳng hạn như việc cứu những hàng cây cổ ở Hà Nội.

Thế là tất cả những năng động ấy đã mang lại thành quả là những tiến bộ thật sự trong đời sống con người. Ở Việt Nam đây, các bạn đã xoay chuyển tình thế trong việc giảm tình trạng đói nghèo cùng cực, các bạn đã làm cho thu nhập gia đình nâng lên rất nhiều và các bạn cũng đã đẩy được hàng triệu người lên tầng lớp bậc trung đang mở rộng rất nhanh. Tất cả các con số về tình trạng người đói, người bệnh và tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh đều giảm xuống. Số người được dùng nước sạch, được cấp điện, số trẻ đi học, và tỷ lệ số người biết đọc biết viết – tất cả đều tăng lên. Đây là sự tiến bộ phi thường. Đây là những thành tựu các bạn đã đạt được trong một thời gian rất ngắn.

Nhờ Việt Nam đã thay đổi, cả mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta cũng thay đổi. Chúng ta học bài mà thầy Thích Nhất Hạnh từng khai mở “Đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều thực tâm thay đổi”. Nhờ đó mà chính cuộc chiến đã từng chia rẽ chúng ta nay lại trở thành nguồn cho vết thương lành lại.

Nhờ đó mà chúng ta tìm kiếm người mất tích và cuối cùng đưa họ trở về quê hương. Nhờ đó mà chúng ta giúp phát hiện bom mình còn sót lại, bởi vì không một đứa trẻ nào đáng bị mất chân chỉ vì đang chạy nhảy ngoài kia.

Trong khi chúng tôi tiếp tục giúp người Việt bị khuyết tật và trẻ em khuyết tật, chúng tôi cũng tiếp tục giúp việc giải độc chất mầu da cam – dioxin – để Việt Nam có thể khai thác và phát triển những vùng đất ở đó. Chúng tôi tự hào về những công việc chúng ta phối hợp với nhau ở Đà Nẵng và chúng tôi mong đợi sẽ hỗ trợ nỗ lực của các bạn ở Biên Hòa.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên rằng sự hòa giải giữa hai nước chúng ta đã được dẫn dắt bởi các cựu chiến binh đã từng đối mặt nhau ở hai bên chiến tuyến. Hãy nghĩ tới Thượng nghị sĩ John MacCain, tù nhân chiến tranh đã từng bị giam ở đây trong ngần ấy năm, khi ông gặp Tướng Giáp được nghe Tướng Giáp nói rằng hai nước chúng ta không nên là kẻ thù của nhau mà phải là bạn của nhau.

Hãy nghĩ tới tất cả những người cựu chiến binh người Việt và người Mỹ đã giúp chúng ta hàn gắn vết thương và xây dựng những sợi dây liên hệ mới. Hiếm có ai cống hiến được nhiều hơn trong lĩnh vực này trong thời gian bao nhiêu năm qua bằng cựu Trung úy Hải quân nay là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, đang có mặt ở đây. Xin thay mặt tất cả chúng tôi, John, chúng tôi vô cùng trân trọng những nỗ lực phi thường đó. (Vỗ tay)

Chính nhờ có các cựu chiến binh của chúng ta đã chỉ lối cho chúng ta đi, chính nhờ có các chiến binh dũng mãnh đã quả cảm theo đuổi hòa bình mà nhân dân chúng ta hôm nay đã đến gần được với nhau hơn bao giờ hết.

Thương mại của chúng ta tăng vọt. Sinh viên chúng ta cùng học với nhau, các vị học giả của chúng ta cùng nghiên cứu với nhau. Chúng tôi chào đón nhiều sinh viên Việt Nam sang du học ở Mỹ đông nhất so với bất cứ nước nào khác ở Đông Nam Á.

Và mỗi năm các bạn chào đón ngày càng nhiều hơn số khách du lịch Mỹ tới đây, trong đó có rất đông bạn trẻ Mỹ tây ba lô, để thăm 36 phố phường Hà Nội, ghé các tiệm hàng ở Hội An và chiêm ngưỡng cố đô Huế.

Tâm hồn người Việt và người Mỹ như đang cùng rung lên tiếng lòng với Văn Cao – “Từ đây người biết quê người; từ đây người biết thương người.”

Là Tổng thống, tôi đã gây dựng trên tiến bộ đó. Với Đối tác Toàn diện mới, hai chính phủ chúng ta đang cùng phối hợp chặt chẽ với nhau ở mức chưa từng bao giờ được như thế từ trước tới nay. Và với chuyến thăm này, chúng ta cùng đặt quan hệ giữa hai nước trên nền tảng vững chắc hơn cho những thập kỷ trước mắt.

Theo một nghĩa nữa, lịch sử lâu dài giữa hai dân tộc chúng ta được khởi đầu bởi Thomas Jefferson cách đây hơn hai thế kỷ nay đã vừa trọn một vòng tròn. Lịch sử dài lâu ấy trải dài cùng năm tháng với vô vàn cố gắng của biết bao nhiêu con người.

Nhưng hôm nay chúng ta có thể nói lên một điều mà trước đây đã có lúc tưởng rằng không ai có thể nào tưởng tượng nổi: Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác của nhau.

Và tôi cũng tin tưởng rằng những điều chúng ta đã trải qua sẽ là bài học cho thế giới. Đã có những khi mà rất nhiều cuộc xung đột tưởng chừng vô phương, tưởng chừng không bao giờ có hồi kết, nhưng chúng ta đã cho thế giới thấy rằng trái tim con người có thể thay đổi, chúng ta đã cho thế giới thấy rằng một tương lai khác là điều hoàn toàn có thể khi chúng ta không chịu biến mình thành kẻ tù tội của quá khứ.

Chúng ta đã cho thấy ý nghĩa thật sự của câu rằng hòa bình có thể tốt hơn chiến tranh. Chúng ta đã cho thấy cách tốt nhất để thúc đẩy sự tiến bộ và nâng cao phẩm giá của con người là bằng cách hợp tác chứ không phải bằng xung đột. Đó chính là những gì mà Việt Nam và Mỹ có thể thể hiện cho thế giới thấy.

Ngày nay, quan hệ đối tác mới của Mỹ với Việt Nam được bắt rễ từ vài chân lý căn bản này. Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền và không một nước nào khác có thể áp đặt ý chí của họ lên các bạn hoặc quyết định vận mệnh các bạn. (Vỗ tay)

Ngày nay Hoa Kỳ có sự quan tâm ở đây. Chúng tôi có sự quan tâm đối với thành công của Việt Nam. Nhưng Quan hệ Đối tác toàn diện của chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn đầu. Và trong thời gian còn lại ở cương vị của mình, tôi muốn chia sẻ với các bạn tầm nhìn mà tôi tin tưởng có thể dẫn dắt chúng ta trong những thập kỷ tới.

Trước hết, chúng ta hãy cùng làm việc với nhau để tạo ra cơ hội thật sự và mang lại thịnh vượng thật sự cho tất cả mọi người dân chúng ta. Chúng ta đều biết những gì cần phải có để gặt hái được thành công kinh tế trong thế kỷ 21.

Trong nền kinh tế toàn cầu của chúng ta ngày nay, dòng đầu tư và dòng thương mại chỉ chảy tới chỗ nào có pháp quyền, đơn giản bởi vì chẳng ai muốn phải làm bước đầu tiên là phải đưa hối lộ mới có cửa để bắt đầu làm ăn kinh doanh. Chẳng ai muốn đem hàng hóa tới bán tại nơi nào hoặc đi học ở đâu mà không biết người ở nơi đó sẽ đối xử với mình ra sao.

Trong nền kinh tế trí thức, công ăn việc làm sẽ đổ về nơi nào mà con người được tự do suy nghĩ, được tự do trao đổi ý tưởng và được tự do phát minh sáng chế. Đối tác kinh tế thật sự không phải chỉ là việc nước này đi khai thác tài nguyên của nước khác. Mà là việc phải đầu tư vào nguồn tài nguyên lớn lao nhất mà chúng ta có, đó là con người của chúng ta, đó là kỹ năng và tài năng của những con người đó, dù các bạn sống ở nơi thành phố lớn hay ở làng nhỏ nông thôn. Và đó chính là kiểu đối tác mà nước Mỹ đang mời các bạn.

Như tôi vừa công bố hôm qua, lần đầu tiên Đội Hòa bình sẽ đến Việt Nam tập trung vào việc dạy tiếng Anh. Sau một thế hệ thanh niên Mỹ đến đây để chiến đấu, một thế hệ mới người Mỹ đang sắp tới đây để dạy học, để xây dựng và để làm cho tình bạn giữa chúng ta sẽ trở nên sâu sắc hơn. (Vỗ tay)

Một số các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ và các đại học danh tiếng nhất của Mỹ đang phối hợp cùng làm việc với các trường đại học Việt Nam để đẩy mạnh việc đào tạo trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật công trình, ngành toán và ngành y.

Mặc dù chúng tôi vẫn luôn giang tay chào đón ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ hơn nữa, chúng tôi cũng tin tưởng rằng các bạn trẻ xứng đáng được hưởng nền giáo dục đào tạo đẳng cấp thế giới ở ngay tại đây ở ngay tại Việt Nam.

Đó là một trong những lý do tại sao chúng tôi thật hào hứng trước việc mùa thu tới, trường đại học Fulbright University Việt Nam sẽ khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh – đây là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam – tại đây nhà trường sẽ được hoàn toàn tự do học thuật và sẽ cấp học bổng cho những ai cần. (Vỗ tay.)

Sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu ở trường này sẽ chú trọng vào các ngành chính sách công, quản lý và kinh doanh; ngành kỹ thuật công trình và khoa học máy tính; và ngành nghệ thuật khoáng đạt – tất cả từ học thơ Nguyễn Du đến học triết Phan Chu Trinh tới học toán Ngô Bảo Châu.

Và chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng đối tác với các bạn trẻ và các nhà doanh nghiệp trẻ bởi vì chúng tôi tin là nếu các bạn có thể chỉ cần tiếp cận được tới kỹ năng và công nghệ và tiếp cận được tới dòng vốn cơ bản mà các bạn cần thì không có gì có thể còn là trở ngại cho các bạn nữa – và tất cả những điều đó tất nhiên là cũng áp dụng đối với các bạn nữ tài năng của Việt Nam. (Vỗ tay.)

Chúng tôi cho rằng bình đẳng giới là một nguyên tắc quan trọng. Từ thời Hai Bà Trưng cho tới hôm nay, người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ và tự tin luôn luôn giúp cho đất nước tiến lên phía trước. Điều này quá rõ – tôi nói thế ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà tôi tới – gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ trở nên phồn vinh hơn khi các em gái và phụ nữ được cơ hội bình đẳng ở nhà trường, ở nơi làm việc và trong chính phủ. Điều này đúng ở tất cả mọi nơi, và cũng đúng ở đây tại Việt Nam. (Vỗ tay.)

Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để tiềm năng kinh tế của các bạn sẽ được khai thác tối đa thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương TPP. Ở tại Việt Nam đây, TPP sẽ cho các bạn dịp bán ra thế giới được nhiều sản phẩm của mình hơn và từ đó sẽ hấp dẫn được những đầu tư mới. TPP sẽ đòi hỏi những cải cách để bảo vệ người lao động, bảo vệ pháp quyền và bảo vệ tài sản trí tuệ. Và Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ giúp Việt Nam trong khi Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo thực hiện đầy đủ những cam kết của mình. Tôi muốn các bạn biết rằng với cương vị là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP bởi vì các bạn sẽ có điều kiện mua nhiều hơn hàng hóa của chúng tôi, chính hiệu “Made in America.”

Hơn nữa, tôi ủng hộ TPP vì những lợi ích chiến lược quan trọng của nó. Nó sẽ làm cho Việt Nam bớt bị lệ thuộc vào bất cứ một đối tác thương mại duy nhất nào mà sẽ được hưởng những mối liên kết mới rộng rãi hơn với nhiều đối tác hơn, kể cả Hoa Kỳ. (Vỗ tay.)

Và TPP sẽ tăng cường sự hợp tác khu vực. Sẽ giúp giải quyết những bất bình đẳng kinh tế và sẽ thúc đẩy nhân quyền với việc phải áp dụng chế độ lương cao hơn và điều kiện làm việc an toàn hơn. Lần đầu tiên tại đây ở Việt Nam sẽ áp dụng quyền được lập ra các công đoàn lao động độc lập và nghiêm cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em. TPP cũng có những quy tắc nghiêm ngặt nhất về bảo vệ môi trường và các tiêu chuẩn mạnh mẽ nhất về chống tham nhũng chưa từng có ở bất cứ hiệp định thương mại nào trong lịch sử.

Đó là tương lai mà TPP mang lại cho chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta – Hoa Kỳ, Việt Nam và tất cả các bên tham gia ký kết – sẽ phải chấp hành và thực thi các quy định mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng. Đó là tương lai dành cho tất cả chúng ta. Vậy là bây giờ chỉ việc bắt tay vào làm – vì mục đích kinh tế thịnh vượng và an ninh quốc gia của chúng ta.

Từ đây đưa tôi tới lĩnh vực thứ hai mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau đó là đảm bảo nền an ninh chung của chúng ta. Với chuyến thăm này, chúng ta đã thỏa thuận nâng tầm hợp tác an ninh và xây dựng thêm lòng tin giữa các quân nhân hai nước chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc huấn luyện đào tạo và trang bị cho lực lượng Cảnh sát Biển để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam.

Chúng ta sẽ phối hợp thực hiện cứu trợ nhân đạo khi xảy ra thảm họa. Hôm qua tôi cũng vừa công bố việc sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận bán vũ khí, Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn tới các thiết bị quân sự mà các bạn cần để đảm bảo an ninh. Đó là Hoa Kỳ thể hiện cam kết của mình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam. (Vỗ tay.)

Nói rộng hơn, thế kỷ 20 đã dạy tất cả chúng ta – cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam – rằng trật tự quốc tế làm chỗ dựa cho an ninh chung của chúng ta có nguồn gốc là các quy định và thông lệ nhất định. Các quốc gia là có chủ quyền, và dù rằng một dân tộc lớn bao nhiêu và nhỏ thế nào đi nữa thì chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng và lãnh thổ quốc gia là không được vi phạm. Các nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ hơn. Bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình. (Vỗ tay).

Và những tổ chức khu vực như là ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á cần được tiếp tục củng cố mạnh mẽ hơn. Đó là những điều mà tôi tin tưởng. Đó là những điều mà Hoa Kỳ tin tưởng. Đó là kiểu đối tác mà Mỹ mở ra mời khu vực này. Tôi chờ mong được thúc đẩy tinh thần tôn trọng và hòa giải vào cuối năm nay khi tôi sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Lào.

Ở biển Đông, Hoa Kỳ không phải là một bên đòi lãnh thổ trong các tranh chấp hiện nay. Nhưng chúng tôi sát cánh với đối tác để nêu cao những nguyên tắc cơ bản như tự do hàng hải và vùng tự do bay, và thương mại hợp pháp không bị ngăn trở, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua các chế định luật pháp phù hợp với pháp luật quốc tế.

Và chúng tôi sẽ tiến lên phía trước, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào được pháp luật quốc tế cho phép và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia cũng hành động như thế. (Vỗ tay.)

Trong khi chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn trong những phương diện mà tôi nêu trên, quan hệ đối tác của chúng ta còn bao hàm thành tố thứ ba – giải quyết những lĩnh vực mà hai chính phủ chúng ta còn bất đồng trong đó có bất đồng về vấn đề nhân quyền. Tôi nói điều này không phải là nói riêng về Việt Nam. Không có quốc gia nào là hoàn hảo.

Hai thế kỷ rồi mà Hoa Kỳ vẫn đang còn phải luôn cố gắng làm sao cho xứng đáng với những lý tưởng thời lập quốc. Chúng tôi vẫn đang còn phải đương đầu với những khiếm khuyết của mình – quá nhiều tiền bạc trong chính trị của chúng tôi, bất bình đẳng kinh tế tăng lên, những định kiến chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của chúng tôi, khi cùng làm một loại việc mà phụ nữ vẫn chưa được hưởng lương như nam giới.

Chúng tôi vẫn còn các vấn đề. Và chúng tôi không phải là được miễn bị chỉ trích nhé, tôi dám chắc với các bạn như thế đấy. Ngày nào tôi cũng được nghe. Thế nhưng sự xăm soi đó, cuộc tranh luận mở như thế làm cho chúng tôi phải nhìn thẳng vào những điều chưa hoàn hảo và chính nhờ việc cho phép bất cứ ai cũng được lên tiếng mà đã giúp cho chúng tôi trưởng thành mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công minh hơn.

Như tôi đã từng phát biểu – Hoa Kỳ không tìm kiếm việc áp đặt mô hình chính phủ của mình lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói tới, tôi không cho đó là các giá trị Mỹ mà tôi cho đó là các giá trị phổ quát của nhân loại được ghi trong Tuyên bố Phổ quát về Nhân quyền. Những quyền đó có trong Hiến pháp Việt Nam, trong Hiến pháp ghi rõ “công dân có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền lập hội và quyền biểu tình.”

Tất cả có trong Hiến pháp Việt Nam (Vỗ tay.) Cho nên đây đúng là vấn đề cho tất cả chúng ta, cho mỗi quốc gia phải cố gắng một cách nhất quán để thực hiện những nguyên tắc đó để đảm bảo chắc chắn là chúng ta – những người đang nắm chính phủ – phải thực tâm với những lý tưởng ấy.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có một số tiến bộ. Việt Nam đã quyết tâm đưa các bộ luật của nước nhà phù hợp với các quy định của hiến pháp mới và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo các luật mới được ban hành, chính phủ sẽ công khai hơn về ngân sách và công chúng sẽ có quyền tiếp cận nhiều thông tin hơn. Và như tôi cũng đã nói, Việt Nam đã cam kết thực hiện các cải cách về kinh tế và lao động trong khuôn khổ TPP. Cho nên tất cả đó là các bước tích cực.

Và cuối cùng là, tương lai của Việt Nam sẽ được quyết định bởi nhân dân Việt Nam. Mỗi quốc gia phải tìm cho mình con đường đi, hai nước chúng ta có những truyền thống khác nhau, có hệ thống chính trị khác nhau và văn hóa khác nhau. Nhưng là người bạn của Việt Nam, cho phép tôi được chia sẻ quan điểm của mình – về điều tại sao tôi có niềm tin rằng các quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được thực thi.

Khi được tự do trình bày quan điểm và khi có tự do ngôn luận và khi mà con người có thể chia sẻ các ý tưởng và khi mà người ta không bị ngăn chặn mạng Internet và mạng xã hội, thì tất cả điều đó sẽ là nguồn nguyên liệu chạy guồng máy kinh tế và để sáng chế phát minh trong guồng máy ấy mới phát huy được sức mạnh. Đó chính là nơi diễn ra của các ý tưởng mới. Đó là cách mà Facebook khởi động. Đó là cách mà một số các công ty vĩ đại nhất của chúng tôi bắt đầu – bởi vì một ai đó có một ý tưởng mới. Đó là một điều khác. Và họ được điều kiện để chia sẻ ý tưởng đó.

Khi được tự do báo chí – khi mà các nhà báo và các blogger có điều kiện đưa ra ánh sáng điều bất công hoặc việc lạm dụng – sẽ làm cho người viên chức kia phải có trách nhiệm giải trình rồi từ đó mà xây dựng được lòng tin của công chúng rằng hệ thống này làm việc được.

Khi các ứng viên có thể ứng cử vào các vị trí công quyền và có thể làm việc vận động một cách tự do và cử tri có thể bầu cho người họ chọn làm người lãnh đạo cho mình trong cuộc bầu cử tự do và công bằng, sẽ làm cho các quốc gia trở nên ổn định hơn, bởi vì công dân biết rằng tiếng nói của họ có giá trị và cuộc thay đổi trong hòa bình là điều có thể xảy ra. Đó là cách đưa được người mới vào hệ thống.

Tự do tín ngưỡng không chỉ cho phép mọi người bày tỏ một cách trọn vẹn tình yêu thương và sự bao dung là cái hồn cốt của tất cả các tôn giáo vĩ đại – mà còn cho phép các tổ chức tôn giáo được phụng sự cộng đồng thông qua các hoạt động ở trường học và bệnh viện và chăm sóc người nghèo và chăm sóc những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi trong xã hội.

Tự do hội họp – là khi công dân được tự do tổ chức hoạt động trong xã hội dân sự – thì các quốc gia cũng có thể giải quyết được các vấn đề thử thách là những loại vấn đề mà đôi khi chính phủ không thể nào tự mình đứng ra giải quyết được.

Cho nên quan điểm của tôi là việc đề cao và thực thi các quyền đó không phải là mối đe dọa cho ổn định, mà chính lại là cách tăng cường sự ổn định và làm nền móng cho sự tiến bộ.

Suy cho cùng, chính vì sự khao khát được các quyền đó đã làm cảm hứng cho nhân dân trên toàn thế giới, kể cả người dân Việt Nam, đã vứt bỏ chế độ thực dân.

Bởi thế tôi có niềm tin rằng nêu cao và thực thi các quyền này là sự thể hiện trọn vẹn nhất nền độc lập mà biết bao dân tộc hằng mong ước, kể cả mong ước của người dân ở đây, tại quốc gia đã trịnh trọng tuyên bố là “của Dân, do Dân và vì Dân”.

Việt Nam sẽ làm khác với cách làm của Hoa Kỳ. Và mỗi nước chúng ta cũng sẽ làm rất khác với rất nhiều nước trên thế giới. Nhưng đây là những quyền cơ bản mà tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta sẽ đều phải cố gắng thực hiện rồi cải thiện.

Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ rời cương vị này, nên tôi lại có lợi thế của thời gian gần tám năm để nhìn nhận hệ thống này đã vận hành ra sao, và tôi cũng lại được tương tác với các quốc gia trên thế giới, nơi nào cũng đang không ngừng cố gắng cải thiện hệ thống nước mình.

Cuối cùng, tôi cho rằng quan hệ đối tác của chúng ta có thể đối phó với các thách thức toàn cầu, là những thách thức không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Nếu chúng ta muốn đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vẻ đẹp hành tinh này thì việc phát triển phải bền vững. Kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long và Hang Sơn Đoòng phải được giữ gìn cho đời con đời cháu chúng ta. Nước biển dâng đe dọa các vùng ven biển và các hệ thống thủy là nguồn sống của rất nhiều người Việt.

Và khi chúng ta là đối tác trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện những bổn phận mà chúng ta đã cam kết tại Paris, chúng ta cần phải hỗ trợ nông dân và giúp đỡ nông thôn, chúng ta cần phải giúp cho những người đang mưu sinh bằng nghề cá có cách điều chỉnh sinh kế và chúng ta cần phải cung cấp được nhiều hơn nguồn năng lượng sạch cho những địa phương như vùng đồng bằng Cửu Long – vựa lúa của thế giới vì chúng ta cần phải lo để các thế hệ tương lai còn có cái ăn.

Và chúng ta có thể cứu sinh mạng con người không phải chỉ trong phạm vi biên giới nước mình. Chẳng hạn như khi chúng ta giúp các nước khác củng cố hệ thống y tế là chúng ta có thể ngăn chặn bệnh tật bùng phát thành dịch đe dọa tất cả chúng ta.

Và khi Việt Nam cam kết sâu hơn vào việc gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ hãnh diện hỗ trợ huấn luyện các chiến sĩ gìn giữ hòa bình của các bạn. Và điều thực sự vô cùng ý nghĩa là – hai nước chúng ta đã từng đánh nhau bây giờ chúng ta không những đứng bên nhau mà còn chung tay giúp các nước khác giành được hòa bình. Vì thế mà quan hệ đối tác của chúng ta, bên cạnh quan hệ song phương, còn cho phép chúng ta giúp định hình môi trường quốc tế theo các cách tích cực.

Giờ đây, tôi thấu hiểu rằng tầm nhìn như tôi nêu lên hôm nay sẽ không phải là điều một sớm một chiều, nhưng tầm nhìn ấy sớm muộn cũng sẽ thành hiện thực.

Trên đường ta đi chưa biết chừng còn lắm vật cản, chưa biết chừng còn phải giật lùi. Sẽ còn phải trải qua những đoạn trường ta hiểu lầm nhau. Hành trình đó đòi chúng ta phải có cố gắng không ngưng nghỉ, đòi chúng ta phải có đối thoại thực sự, hành trình ấy cũng làm cho mỗi chúng ta phải tiếp tục thay đổi.

Nhưng với tất cả lịch sử mà chúng ta đã trải và với những bước chúng ta vượt qua các rào cản, tôi đứng trước các bạn hôm nay vô cùng lạc quan về tương lai chung của chúng ta. (Vỗ tay.) Niềm tin của tôi bao giờ cũng được khởi nguồn từ tình bạn và từ những khát vọng chung của nhân dân hai nước chúng ta.

Tôi nghĩ tới tất cả những người Mỹ và người Việt đã vượt muôn trùng đại dương – những ai được đoàn tụ gia đình lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chia lìa – và tới những ai, như Trịnh Công Sơn từng tha thiết, đã nối vòng tay, đã mở lòng và tìm thấy trong nhau tình người. (Vỗ tay.)

Tôi nghĩ tới tất cả những người Mỹ gốc Việt đã thành công thuộc mọi tầng lớp xã hội – bác sĩ, nhà báo, thẩm phán, công chức chính phủ. Có một người như thế, là người được sinh ra ở đây viết thư cho tôi kể rằng “Ơn Chúa lòng lành, tôi được thấy Giấc mơ Mỹ đã thành sự thực trong cuộc sống của tôi……. Tôi thật hãnh diện là người Mỹ mà tôi cũng biết bao tự hào rằng tôi là người Việt.” (Vỗ tay.)

Và hôm nay cậu ấy đang ở đây, trở về nơi chôn rau cắt rốn bởi vì cậu ấy nói “niềm đam mê của riêng tôi” là “làm cho mỗi cuộc đời người Việt được tốt hơn.”

Tôi nghĩ tới một thế hệ người Việt mới - rất nhiều các bạn, rất nhiều các bạn trẻ đang ở đây – những người đã sẵn sàng ghi dấu ấn của mình với thế giới. Và tôi muốn nói với tất cả các bạn trẻ đang lắng nghe:

Tài năng kia, động lực ấy, giấc mơ ấp ủ – những điều đây là Việt Nam đã có tất cả những gì đất nước này cần để vươn lên thịnh vượng.

Vận mệnh nằm trong tay các bạn. Đây là thời điểm của các bạn. Và lúc các bạn theo đuổi tương lai mong ước, tôi muốn các bạn biết rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang ở ngay đây bên cạnh các bạn, là đối tác cho các bạn và là người bạn của các bạn. (Vỗ tay.)

Năm tháng qua đi, sẽ đến lúc có nhiều hơn người Việt và người Mỹ cùng nhau học hành; cùng nhau phát minh sáng chế; cùng nhau làm ăn kinh doanh; cùng nhau đứng lên bảo vệ an ninh của chúng ta; cùng nhau nêu cao nhân quyền và cùng nhau bảo vệ hành tinh này – Tôi hi vọng các bạn sẽ nhớ lại khoảnh khắc này và gieo hi vọng từ tầm nhìn mà tôi đem tới cho các bạn hôm nay.

Hay là các bạn để tôi lẩy một câu Kiều – các bạn ai cũng thuộc Truyện Kiều mà -- “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi.” (Vỗ tay.)

CẢM ƠN CÁC BẠN.

Thank you very much. Thank you, Vietnam. Thank you. (Vỗ tay.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét