Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Kẻ nào đã kéo lùi 2 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ?


Kẻ nào đã kéo lùi 2 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ?

Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Hai, ngày 23 tháng 5 năm 2016 | 23.5.16


Tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đáng ra có thể đến sớm hơn 2 năm nếu không có sự cố tài liệu giả do một nhân vật chống đối quan hệ hai nước đưa ra đúng thời điểm quan trọng, ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ, kể lại.


Cựu Đại sứ Lê Văn Bàng nhớ lại nhiều sự cố trong khoảng thời gian mà vấn đề lính Mỹ mất tích (MIA) trong chiến tranh Việt Nam là một trong những rào cản chính khiến Việt Nam và Mỹ mất nhiều năm mới vượt qua được nghi kị.

Chuyến bay đặc biệt


Ông Lê Văn Bàng đến nay vẫn còn nhớ rõ cuộc đàm phán diễn ra năm 1987 về vấn đề tù binh Mỹ và các vấn đề chiến tranh khác. Khi đó, đại diện phía Mỹ là Đại tướng John Vessey, Đặc phái viên của Tổng thống, còn phía Việt Nam là ông Đặng Yên Bái, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ - Bộ Ngoại giao. Khi cuộc thương lượng diễn biến rất căng, ông Bái đứng lên tuyên bố không đàm phán nữa: “Tôi đã ngồi đây quá nhiều cuộc rồi mà các ông chỉ đòi hỏi, không thực hiện một chút nào yêu cầu của chúng tôi”. Lúc đó, ông Vessey đứng lên xoa dịu: “Ông cứ tưởng tượng chúng ta đang trên một con thuyền từ Anh sang Pháp và chúng ta chưa nhìn thấy gì, nhưng thực chất chúng ta sắp gần bờ rồi. Cuộc thương lượng của chúng ta cũng như con thuyền đó, chắc là chỉ đi thêm một chút nữa là chạm tới đất, sang bờ bên kia. Ông cố gắng nhẫn nại, theo ý tôi, chúng ta chưa thấy gì cả, nhưng có thể sắp chạm bờ rồi”. Sau này, khi làm Đại sứ ở Canada, ông Đặng Yên Bái có lần xin thị thực vào Mỹ thăm bạn nhưng phía Mỹ không cấp.


Những năm 1988-1989, quan hệ các nước lớn không còn tác động đến quan hệ Việt - Mỹ nữa, nhưng khó khăn nằm trong nội bộ Mỹ, khi hội chứng chiến tranh Việt Nam khiến nhiều người tìm đủ cách để trừng phạt Việt Nam, chống Việt Nam bằng cách phao tin lính Mỹ còn sống bị giam ở Việt Nam, hỗ trợ một số người Việt chống đối, biểu tình, mít tinh, chống phái đoàn Việt Nam, vận động Quốc hội Mỹ không thông qua luật để ngăn cản việc bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam… Tổ chức Gia đình người Mỹ mất tích kiên quyết đến mức Quốc hội Mỹ đã ra dự luật cho phép treo cờ tổ chức Gia đình người Mỹ mất tích ngang hàng với quốc kỳ ở khắp nơi. Đó là lá cờ với biểu tượng người Mỹ mất tích mà họ cho rằng vẫn còn bị phía Việt Nam giam giữ.


Năm 1991, ông Winston Lord, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, sang Việt Nam đề nghị cho họ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không. Ông Lord nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Cơ Thạch rằng, sau khi ăn cơm trưa xong, đoàn Mỹ muốn được đưa sang sân bay Gia Lâm (Hà Nội), nơi trực thăng đã đợi sẵn, rồi họ mới nói là đi đâu. Ông Thạch đồng ý ngay vì đang muốn xây dựng lòng tin với Mỹ. Chuyến bay đặc biệt này hướng tới khu trại nằm giữa một khu rừng ở Thanh Hóa, từng là nơi giam giữ tù binh thời chiến tranh, nhưng lúc đó đã hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Đến lúc tận mục sở thị như vậy, phía Mỹ mới tin, ông Bàng kể.


Báo cáo láo


Năm 1992, trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống George H. W. Bush cho phép các doanh nghiệp Mỹ đặt văn phòng tại Việt Nam. Đến lúc đó, Mỹ đưa ra điều kiện để bình thường hóa quan hệ trong đó phải giải quyết vấn đề MIA. Phía Mỹ đưa ra lộ trình 2 năm để tiến tới bình thường hóa quan hệ.


Cuối năm 1992, đầu năm 1993, ông Bàng được cử sang New York làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc nhằm thiết lập cơ quan liên lạc tại Washington DC giúp thúc đẩy tiến trình bình thường hóa. Sau đó, hai bên ngầm thực hiện lộ trình này để đi đến bình thường hóa và lập văn phòng liên lạc. Hết lộ trình 2 năm, vào tháng 4/1993, Mỹ cử một đoàn do Thượng nghị sĩ Edmund Muskie dẫn đầu sang Việt Nam để đánh giá thực tế thực hiện điều kiện trên rồi báo cáo lên Chính phủ và Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, khi đoàn đó chưa về nước thì phía Mỹ nói có tài liệu viết rằng, Trung tướng Trần Văn Quang báo cáo lên Bộ Chính trị Việt Nam việc đưa tù binh Mỹ sang Nga. Thông tin bịa đặt đó khiến dư luận Mỹ sôi sục và chuyến thăm Việt Nam của ông Muskie chưa về đến Mỹ đã chấm dứt, khiến lộ trình 2 năm trở nên vô nghĩa. Báo cáo gây sốc do Stephen J. Morris, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc ĐH Harvard (Mỹ), đưa ra nhưng sau đó đã được chứng minh là bịa đặt. Tuy nhiên, một số người vẫn tin tài liệu này, nên tiến trình Việt - Mỹ bình thường hóa bị lùi lại thêm 2 năm.


Gần 2 năm sau, vào ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton mới tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam, nhưng không bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ cấm vận được coi là vô cùng ý nghĩa với Việt Nam. “Ngày 3/2/1994, xem Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận cho Việt Nam trên TV, tôi đã khóc. Vì mình đã phải bỏ ra quá nhiều công sức, gặp phải quá nhiều thất vọng và vì điều đó quá có lợi cho dân tộc mình”, ông Bàng kể.


Nói về ý nghĩa của việc dỡ bỏ cấm vận, cựu Đại sứ Lê Văn Bàng nhớ lại trường hợp doanh nghiệp của bạn ông mỗi năm bán được 200.000 USD cho một công ty của Ấn Độ và được công ty này trả tiền qua ngân hàng của Mỹ. Nhưng số tiền bị Mỹ giữ lại. Năm 1991, ông Bàng dự một cuộc điều trần ở Mỹ, tại đó, công ty viễn thông Mỹ AT&T báo cáo trường hợp ở Việt Nam có bà mẹ đã 90 tuổi chỉ mong được nghe tiếng con trai ở Mỹ một lần cuối trước khi qua đời. Công ty này cho rằng đây là vấn đề nhân đạo, nên Quốc hội Mỹ cần cho phép nối mạng với Việt Nam. Quốc hội Mỹ sau đó đồng ý, nhưng vẫn yêu cầu số tiền thu được không được sử dụng, mà phải đưa vào một quỹ, sau này khi bỏ cấm vận mới được lấy ra.


Sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Việt Nam và Mỹ phải thương lượng, giải quyết rất nhiều vấn đề khác.


(Tiền Phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét