Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Thơ chế “ĐẤT NƯỚC” và nghệ thuật trào phúng


VNTB- Thơ chế “ĐẤT NƯỚC” và nghệ thuật trào phúng
Reply
Hoài Ngọc, opposite, Thơ chế “ĐẤT NƯỚC” và nghệ thuật trào phúng, VNTB
21.5.16
(Xin khóc về Người đất nước ơi !)


Hoài Ngọc


(VNTB) - Tình hình văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay đang ở trạng thái ngầm oằn mình tự giằng xé, nhưng chỉ lặng lẽ trút ấm ức ra trên FB, còn bề ngoài vẫn đóng băng.





Tuy vậy các Hội văn học và nghệ thuật trung ương và điạ phương tỉnh thành cứ “đến hẹn lại lên”, cố xét trao thưởng hàng năm để giải ngân kinh phí. Không trao được giải thì tài chính nó cắt chuyển qua năm sau, cũng tiếc chứ. Bạn đọc chưa từng nhìn thấy mặt mũi tác phẩm thế nào, chừng nghe công bố giải tưởng mới biết… Đó là nói về diện mạo văn nghệ chính thống, trong luồng.


Trào phúng giả


Báo chí gần đây đã than vãn nhiều về thảm họa sân khấu hài nhảm và truyền hình hài nhạt nhẽo, thậm chí dơ bẩn.


Hiện tượng sân khấu hài nhảm xảy ra càng ngày càng nhiều, từ Hà Nội kinh đô kịch nghệ Việt Nam (với hề chèo X.H ưa gợi tả bộ phận sinh dục) đến xứ Sài Gòn văn nghệ thượng vàng hạ cám. Mới đây nhất hiện tượng“đệ nhất danh hài trẻ”Trần Thành ưa giả bộ “nói nhịu” bậy đang xôn xao báo chí và giới showbiz. Đỉnh điểm là vụ anh ta kết hợp với một nữ kịch sĩ cao tuổi chế lại vở bi kịch Tô Ánh Nguyệt thành hài kịch nhảm nhí mang sang Pháp kiếm tiền bị công luận từ ngoài nước về trong nước phản đối…


Hiện tượng hài nhảm ở trên chỉ là “hài hước” thuần túy giải trí.


VTV3 và HTV nâng niu mấy danh hài nhảm này để kiếm chác hoặc lấp chỗ trống.


Tuy nhiên nhiều người còn lẫn lộn giữa hài hước và trào phúng.


Chúng tôi muốn bàn về phương thức trào phúng. Sự giống nhau giữa hài hước và trào phúng chỉ là gây cười. Trào phúng mới thực là kiểu sáng tác nghiêm túc và đứng đắn.


Trào phúng


Văn nghệ trào phúng là hiện tượng mang tính lịch sử. Chỉ khi triều đại đang thịnh vượng thì chủ đề hùng ca, hoan ca mới phát triển. Khi một chế độ vào thời mạt vận, nghệ sĩ dân gian mới bắt đầu cất tiếng chế giễu theo phương pháp trào phúng. Khi triều đại xuống dốc không phanh thì văn nghệ trào phúng mới chiếm ưu thế, như ngọn gió thổi thêm cho cỗ xe mau xuống đáy dốc.


“Thơ chế” nói lên cái tinh thần phản biện và phản kháng của nghệ sĩ dân gian thời đại.


Xin giới thiệu một bài thơ chế (Đất nước) thuộc loại TRÀO PHÚNG dân gian.


Bạn tôi là cô giáo PTH viết trên FB: “Xin phép nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, em chế vài câu theo ca khúc nổi tiếng “Đất nước” của anh để góp like nha”.


Thực ra bài thơ chế của P.T.H còn chịu ảnh hưởng từ bài thơ có cánh của cô giáo Trần Thị Lam. Sự độc đáo mới mẻ của bài thơ vụt hiện lên từ hai câu kết, nghe mà giật mình:


“Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc
Không ngăn được thù phá hoại từ bên trong”.


Mời bạn đọc cùng:


ĐẤT NƯỚC


Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe nặng nỗi đau của biển,
Hai quần đảo khơi xa, thêm Formosa xả thải
Cá tôm mất rồi, lòng biển lặng đau.


Đất nước tôi! đất nước tôi! đất nước tôi!
Từ thuở còn nằm nôi
Đến lúc hóa thân, nợ công vẫn trả.
Leo thang thêm nhiều kỷ lục ghi danh
Leo thang thêm nhiều thảm họa cho dân.


Xin khóc về người Đất nước ơi!
Xin khóc về mẹ, Tổ quốc ơi, các loại danh ảo *!
Ôi những tô mỳ có tên Sa Đéc*
Thơ Việt nửa tạ*, bánh nặng ngàn cân*.


Xin khóc về người Đất nước ơi
Xin khóc về mẹ Tổ quốc ơi!
mấy đời máu đổ.
Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc
Không ngăn được thù phá hoại từ bên trong.
Đất nước tôi ! đất nước tôi ! đất… nước… tôi!


Bài thơ trên của P.T.H chịu ảnh hưởng rõ nét của bài thơ cô Lam và mượn cấu tứ của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Chẳng hề gì, thi ca chỉ cần gây ấn tượng cho người đọc người hát là được.


Hiện tượng thi ca chế lời rải rác trên mạng FB là một kiểu “biểu tình” đặc biệt. Biểu tình bằng thơ bằng nhạc. Mặc dù giới nghiên cứu văn nghệ không thể xếp những tiểu phẩm đó vào dòng trào phúng chính thống, ta tạm gọi đó là dòng trào phúng dân gian.



Tái bút


“Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam là thể thơ trữ tình thông thường. Cụ thể hơn, nó là thơ bi kịch của thời đại. Đó không phải là thơ trào phúng, xin được phân biệt rõ.


Đó là bài thơ phản ánh qui luật phản kháng tất yếu của thời đại, nơi cảm hứng nồng nàn của cô giáo dạy Văn vốn không có sở trường sáng tác đã phải bật lên. Đó là bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, cân đối và khá điêu luyện. Hiện tượng bài thơ cô Lam kéo theo hàng chục bài thơ phụ họa với nhiều ca khúc phổ nhạc đã báo hiệu một khí hậu văn nghệ đặc biệt đang bùng nổ.






Chú thích bài thơ “Đất nước”chế lại:


* Danh ảo: Cơ quan“Viện huân chương” trực thuộc chính phủ ngày đêm miệt mài chế tác các loại huân chương huy chương ảo nhiều không kể xiết. Danh hiệu được nghĩ ra cho mọi công chức cao tuổi có Huy chương sau đổi là “kỷ niệm chương” như “Vì sự ngiệp X.Y.Z”, loại dành cho nghệ sĩ lạ nhất là “danh hiệu thành tựu cống hiến trọn đời” (!?). Và học vị tiến sĩ lạm phát từ các lò ấp. Danh hiệu Phó GS thì được cóp nhặt mọi thứ hầm bà lằng tính ra điểm cộng lại. v.v…


* Kỷ lục tô hủ tiếu Sa Đéc khổng lồ đủ cho 1000 người ăn sáng.


* Một chiếc bánh chưng 2000 ký do Cty du lịch Sài Gòn chế tác đem góp giỗ Tổ Hùng vương.



* Một tập thơ 54 ký lô chỉ in một bản của một GS dư tiền đem mua danh, nhờ cái thế lực Hội nhà văn Hữu Thỉnh xin được cái giải thưởng Guiness (Sáng 5.5, tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Liên minh kỷ lục thế giới WorldKings (một tổ chức vô danh tiểu tốt) trao bằng kỷ lục thế giới cho cuốn Sử thi Hoa Lư thi tập. Đây là tập thơ lấy cảm hứng từ cố đô Hoa Lư của tác giả GS.Hoàng Quang Thuận được chế tác với kích thước 109cm×70cm×10cm, gồm 270 trang). Có điều chẳng ai biết một câu thơ nào của nó . (Theo tin từ các báo và VTV).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét