Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015
- Róc mía trên đầu sư
Nguyễn Vũ Bình - Róc mía trên đầu sư
Đăng bởi Trung Lập on Thứ Bảy, ngày 07 tháng 11 năm 2015 | 7.11.15
Lê Long Đĩnh (986-1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Đối với lịch sử chính thống, Lê Long Đĩnh là đại biểu cho một vị vua hoang dâm, bạo ngược và độc ác. Ông cũng là biểu tượng của một vị vua tàn ác, đi ngược đạo trời và kết thúc một vương triều trong lịch sử. Sự tích vua Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu sư Quách Ngang, sau đó giả vờ trượt tay để dao chém vào đầu nhà sư tóe máu, rồi cười vui khoái trá là hình tượng biểu trưng cho sự tàn bạo, độc ác, trái mệnh trời dẫn tới kết cục tất yếu sụp đổ một vương triều. Bản thân sự việc róc mía trên đầu nhà sư không trực tiếp dẫn tới cái chết của Lê Long Đĩnh, cũng như sự kết thúc của một vương triều trong lịch sử. Tuy nhiên, đó lại là một sự việc biểu trưng, báo hiệu sự kết thúc của một hôn quân vô đạo và một vương triều đi trái lòng người và mệnh trời.
Sự việc hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bị hành hung, sau khi đến thăm và làm việc với gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư (Đỗ Đăng Dư là thiếu niên 17 tuổi bị đánh chết trong trại tạm giam công an Hà Nội) tại thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vào chiều ngày 03/11/2015 có tính chất rất giống với sự kiện róc mía trên đầu sư sãi. Cần phải nhận định ngay rằng, việc hành hung hai luật sư đã có sự chuẩn bị trước và được tổ chức một cách rõ ràng. Số người tham gia hành hung hai luật sư là 8 người, đi trên nhiều chiếc xe máy, chặn ô tô lại để hành hung, những người tham gia hành hung đều bịt mặt chứng tỏ có sự chuẩn bị rất chu đáo. Tài sản bị mất chỉ vẻn vẹn có một chiếc điện thoại của luật sư Lê Luân chứng tỏ không phải đó là một vụ cướp, hành hung người mới là mục đích của vụ việc này.
Bản thân sự việc, với suy luận lo-gic hầu như ai cũng hiểu, đó là việc đánh dằn mặt hai luật sư tham gia vào việc điều tra về cái chết của nạn nhân Đỗ Đăng Dư liên quan tới Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc không phải là điều trực tiếp ảnh hưởng tới trạng thái của xã hội, nhưng tính chất của sự việc thì vô cùng nghiêm trọng. Giống như sự việc róc mía trên đầu sư sãi, nó báo hiệu sự kết thúc của một chế độ, vốn đã tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn không thể hóa giải. Chúng ta phân tích sự giống nhau giữa hai sự việc trên để hỗ trợ cho kết luận này.
Trước hết, róc mía trên đầu sư sãi và hành hung hai luật sư là những việc làm bạo ngược, được thực hiện công khai, ngang nhiên giữa ban ngày. Một việc làm bạo ngược, lại được kẻ thống trị thực hiện ngang nhiên, bất chấp dư luận, bất chấp đạo lý chính là gửi đi một thông điệp, kẻ thống trị có thể làm bất cứ việc gì mà không ai có thể làm gì được họ.
Thứ hai, đây là những việc hoàn toàn trái ngược với đạo lý, người và trời đều phẫn nộ. Nói người và trời đều phẫn nộ là cách nói ví von, trời là biểu tượng quảng đại, khoan dung mà còn phẫn nộ, có nghĩa là sự việc quá sức chịu đựng của con người nói chung. Sư sãi, hay Phật giáo, tôn giáo nói chung là nền tảng đạo lý, đạo đức trong các xã hội Phong kiến cũ. Việc đưa một vị sư ra nhạo báng giữa triều đình, giữa chốn đông người bằng hành động ngu xuẩn, độc ác vượt ra ngoài giới hạn đạo lý của con người khiến cho người người đều phẫn nộ. Tương tự như vậy, luật sư là những người bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý là biểu tượng lẽ phải, công lý của xã hội lại bị đánh đập ngang nhiên, công khai đã làm cả xã hội rúng động. Những người nắm vững luật pháp, không hề vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp luật và công lý lại bị hành hung thì xã hội đã tới ngày mạt kiếp.
Cuối cùng, hệ quả của hai sự việc trên khiến cho không ai trong xã hội còn cảm thấy an toàn. Trong xã hội Phong kiến, sư sãi là biểu tượng của đạo lý, luân lý và đạo đức còn bị xỉ nhục, xâm hại thân thể, sức khỏe thì còn ai cảm thấy được an toàn? luật sư bảo vệ lẽ phải, công lý nắm luật pháp trong tay còn bị hành hung thì ai là người được an toàn trong xã hội hỗn loạn này? chính từ cảm giác bất an, lòng người sẽ ly tán mất lòng tin hoàn toàn vào hệ thống đang tồn tại. Người ta sẽ nghĩ tới việc tìm kiếm nơi an toàn, hoặc xây dựng một hệ thống an toàn hơn cho bản thân và xã hội. Nếu các sự việc này là biểu trưng, là giọt nước tràn ly thì nó cũng chính là việc xóa bỏ rào cản cuối cùng về tâm lý để người dân hướng về một tương lai mới.
Như mọi người biết, sự cạn kiệt nguồn lực (biểu hiện đại khủng hoảng, đại suy thoái kinh tế), quá trình dồn nén xã hội và sự trở mặt của đồng minh lớn mới là nguyên nhân đích thực kết thúc chu kỳ tồn tại của chế độ cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo trước. Việc hai luật sư bị hành hung chính là chỉ dấu quan trọng, không thể khác được của quá trình sụp đổ tất yếu thể chế độc tài toàn trị tại Việt Nam./.
Hà Nội, ngày 06/11/2015
N.V.B
(Blog RFA)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét