Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

An ninh điều tra bế tắc trong vụ án Anh Ba Sàm


An ninh điều tra bế tắc trong vụ án Anh Ba Sàm

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 21 tháng 11 năm 2015 | 21.11.15

"Theo hướng kỹ thuật vi tính thì việc điều tra vụ án thực sự là bế tắc cho cơ quan điều tra."

Đó là câu trả lời phỏng vấn của luật sư Trần Quốc Thuận, luật sư bào chữa cho Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh với tạp chí Luật Khoa.



Luật sư Trần Quốc Thuận.

Cơ quan an ninh đang cố chứng minh “kỹ thuật vi tính” mà ông Nguyễn Hữu Vinh sử dụng để làm chủ 2 trang web Dân Quyền và Chép Sử Việt bằng việc ông có số điện thoại và email cài mật mã hai lớp để vào được hai trang này.

“Không phải tôi có chìa khóa vào nhà thì có nghĩa là tôi vào nhà. Mà nếu tôi vào nhà thì phải để lại dấu vết, còn không tìm ra dấu vết thì không thể khẳng định được gì”, luật sư Thuận dẫn lời của ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết.

Cơ quan an ninh phải nhờ tới FPT và các cơ quan truyền thông của Bộ Thông tin – Truyền thông để làm rõ, tuy nhiên FPT chỉ đưa ra được ngày giờ mà ông Vinh đọc 2 trang này, còn việc có chỉnh sửa các bài viết trên trang web hay không thì FPT không chứng minh được.

Luật sư Thuận nói thêm, “đọc tin mà có tội thì Việt Nam này có tới cả triệu người đi tù rồi!”.

Tính đến thời điểm này đã là 18 tháng kể từ khi bị bắt giữ, cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội vẫn chưa thể đem ông Nguyễn Hữu Vinh ra xét xử hoặc trả tự do cho ông, mặc dù đã quá thời hạn tạm giam 12 tháng đối với nhóm tội nghiêm trọng (Án tù cao nhất 7 năm - điều 258 BLHS).
“Bắt người mà không có chứng cứ, khi không chứng minh được anh Vinh phạm tội mà vẫn giam giữ anh thì vi phạm nhân quyền đó còn lớn hơn là vi phạm quyền tự do ngôn luận", cũng theo luật sư Trần Quốc Thuận.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, và bà Nguyễn Thị Minh Thúy (nhân viên kế toán của Công ty TNHH Điều tra và Bảo vệ V) cùng bị bắt khẩn cấp ngày 5/5/2014 tại nhà riêng ở Hà Nội.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an buộc tội ông Vinh là chủ sở hữu và điều hành hai trang web có tên “Dân quyền” và “Chép sử Việt”, đăng tải trên đó 24 bài viết “có nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Tuy nhiên, các kết luận điều tra đều không chứng minh được ông Vinh là chủ sở hữu và điều hành hai trang này.

Theo điều 8: Khái niệm tội phạm của BLHS thì tội phạm nghiêm trọng có mức án cao nhất là 7 năm tù. Theo thông tin trên trang chính phủ "Hỏi đáp và tư vấn pháp luật" thì giai đoạn điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng được giam giữ tối đa 3 tháng, thời hạn giam giữ có thể gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng.

Ngày 6/2/2015 Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng, sau 4 lần yêu cầu Điều Tra Bổ Sung của VKSNDTC và Tòa án nhân dân thành phố, thì cơ quan điều tra Bộ Công an đã không đưa ra thêm được bằng chứng nào .

Ngày 27 tháng 10 năm 2015, trả lời phỏng vấn của BBC, bà Hà, vợ của Anh Ba Sàm cho biết Sức khỏe Anh Ba Sàm đáng “lo ngại” và bà không thể gửi thuốc vào cho ông Vinh.

Châu Văn Thi

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét