Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Đừng (chỉ) lo về nhân sự


Jonathan London - Đừng (chỉ) lo về nhân sự

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Tư, ngày 25 tháng 11 năm 2015 | 25.11.15



Jonathan London



Bất chấp những suy đoán vô tận về việc ‘Đảng ta’ đã, đang, hay sắp chọn ai làm lãnh đạo cho những năm tới – câu trả lời đến phút 89 này vẫn là thật đơn giản: ‘chẳng biết.’ Dù nghe tin đồn về những ‘phương án,’ nền chính trị của Việt Nam vẫn là hộp đen.


Tất nhiên, người dân Việt Nam có nhiều lý do để quan tâm đến vấn đề nhân sự. Song, cũng nên lùi lại vài bước và thấy có những nhân tố khác trong chính trường Việt Nam mà không kém phần nào quan trọng.


Chẳng hạn, về mặt kinh tế, Việt Nam hiện nay đang có những cơ hội lịch sử để thúc đẩy nền kinh tế. Nhiều chính khách bảo việc tham gia TPP và ký FTA với EU là một “bước ngoặt” cho Việt Nam. Nói thế là quá sớm. Để thực sự có một bước ngoặt phải cải cách thực sự. Rủi ro hàng đầu của đất nước vẫn là không cải cách. Liệu ‘dân ta’ trong và ngoài bộ máy có thành công trong việc đòi BTC cải cách thể chế kinh tế là câu hỏi không kém quan trọng chuyện nhân sự.


Chẳng hạn, về vấn đề nhân quyền, nhận thức về nhân quyền và quyết tâm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người đã lớn mạnh hơn nhiều trong lòng dân do những nỗ lực của nhiều người cả ngoài lẫn trong nhà nước. Dù còn quá ít, số người trong bộ máy nhà nước coi trọng vấn đề nhân quyền hiện nay là lớn hơn nhiều so với trước đây. Sự thành công của những nỗ lực để đòi BTC và cả bộ máy để chuyển sang cơ chế pháp quyền và coi trọng nhân quyền đúng mức là không kém quan trọng so với vấn đề nhân sự.


Nói Việt Nam cần một đội ngũ lãnh đạo can đảm và có năng lực hơn bao giờ hết là chính xác. Nhưng, tôi thấy dân Việt Nam cũng cần phải tự xem xét lại mình. Người Việt Nam phải thấy ‘chất lượng’ và hiệu quả của một nhà nước cũng phụ thuộc vào vai trò và sự tham gia của người dân. Ở khía cạnh này có một số xu hướng hứa hẹn.


Người dân Việt Nam đang đòi một trật tự xã hội dân chủ hơn, đa nguyên hơn, và minh bạch hơn. Văn hoá chính trị Việt Nam đang trở nên đa nguyên hơn. Không gian để bàn về chính trị xã hội một cách công khai đã mở rộng đáng kể, dù còn hạn chế. Quyết đinh không xây bức tường lửa ở Việt Nam là đáng mừng và dũng cảm. Quyết định của nhiều người chia sẻ chính kiến của họ bất chấp những rủi ro cũng tốt. (Dù còn những người yêu nước còn bị đàn áp.)


Tóm lại, có nhiều nhân tố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam. Những vị trí cao nhất trong chính trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn. Nhưng không phải là nhân tố duy nhất sẽ quyết định tương lai của đất nước. Như vậy, xin đề nghị đừng lo về vấn đề “nhân sự” một cách quá đáng. Phương án hay hơn là lo những gì cần được làm để có được một đất nước dân chủ, công bằng, văn minh.


Jonathan London


Stockholm, Thụy Điển


(Blog Xin Lỗi Ông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét