Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Hãy nhìn sang Myanmar


Tương Lai - Hãy nhìn sang Myanmar

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Ba, ngày 17 tháng 11 năm 2015 | 17.11.15

Thế là cái cần phải đến đã đến. Đến một cách ngoạn mục hiện tượng lớn lao mà những đầu óc tỉnh táo và thức thời đã từng dự báo. Ấy vậy mà vẫn không khỏi bàng hoàng với sự kiện Myanmar chấn động và đầy sức hấp dẫn này.


“Một cuộc bầu cử sau 50 năm của chế độ độc tài quân sự không phải là bước đi để khôi phục dân chủ, nhưng rõ ràng đây là một bước tiến từ địa ngục tới dân chủ ở Myanmar”, Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel giải thích, “bây giờ chúng tôi kỳ vọng là các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Myanmar phải lắng nghe”.


Lắng nghe ai? Lắng nghe cái gì?


Lắng nghe ý nguyện của người dân Myanmar đang thực hiện những bước tiến từ địa ngục tới dân chủ. Ý dân là ý trời. Bà Aung San Suu Kyi chắc là hiểu rõ điều ấy vì đó chính là nguồn sức mạnh bất tận đã làm cho người đàn bà đầy bản lĩnh ấy đã kiên cường trụ vững trước phong ba bão táp của cuộc đời, của những đòn đánh trả tàn khốc của thế lực độc tài, quân phiệt trong giới cầm quyền Myanmar.


Đừng quên rằng, bà Aung San Suu Kyi đã từng giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử vào năm 1990, khi lực lượng dân chủ do bà lãnh đạo đạt số phiếu áp đảo trước đại diện của chính quyền quân sự Myanmar và kiểm soát 80% số ghế trong Quốc hội như New York Times đã cho biết. Nhưng rồi các tướng lĩnh quân đội cầm quyền đã bác bỏ kết quả bỏ phiếu đó. Họ giam lỏng bà Suu Kyi tại nhà đồng thời với việc bắt bớ hàng nghìn người ủng hộ bà. Nhiều người bị tra tấn, đánh đập. Hành động này của chính quyền quân sự đã đẩy Myanmar vào một thời kỳ đen tối mới.


Người phụ nữ mảnh mai ấy đã không nao núng lùi bước. Trong cuộc chiến kéo dài một phần tư thế kỷ này, bà đã trở thành biểu tượng của khát vọng tự do và dân chủ của nhân dân Myanmar chống lại quyền lực của các tướng lĩnh và chế độ quân phiệt đàn áp dân chủ, đẩy đất nước tươi đẹp này vào nghèo đói, lạc hậu. Và rồi cái cần phải đến đã đến, “Bình minh của một kỷ nguyên mới, hàng triệu người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lịch sử”, tờ The New Light of Myanmar chạy một dòng tít lớn.


Ngày 9.11 lúc đang kiểm phiếu, bà Aung San Suu Kyi đã nói với đám đông tụ họp trước trụ sở đảng NLD: “Tôi nghĩ rằng nhân dân đã đoán biết được kết quả, dù tôi không nói gì cả”.


Ngày 10.11, Bruno Philips của báo Le Monde nhận định: “Đảng cầm quyền do các cựu tướng lãnh thành lập đã nhìn nhận thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm Chủ nhật, kỳ bầu cử tự do đầu tiên từ một phần tư thế kỷ”.


Ngày 12.11 Tổng thống Barack Obama đã gọi điện thoại cho người phụ nữ đoạt giải Nobel Hoà bình, chúc mừng bà đã “nỗ lực không ngừng và sự hy sinh của bà trong nhiều năm tranh đấu cho một nước Myanmar bao gồm nhiều thành phần, hoà bình và dân chủ hơn.” Thông cáo của Nhà Trắng nói thêm rằng “Tổng thống ghi nhận cuộc bầu cử và sự thành lập chính phủ mới có thể là một bước tiến quan trọng trong cuộc chuyển tiếp dân chủ của Miến Điện, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hoà bình và thịnh vượng hơn.”


Tổng thống Obama cũng gọi điện cho Tổng thống Thein Sein chúc mừng sau “cuộc bầu cử lịch sử” ngày 8 tháng 11. Nhà Trắng cho biết “Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định sự quan trọng của việc tất cả các đảng phái tôn trọng kết quả bầu cử khi kết quả chính thức được loan báo và làm việc với nhau trong tinh thần đoàn kết để thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần, có tính chất đại diện, phản ánh ý chí của người dân”.


Vâng, ý chí của nhân dân. Bước đột phá mở ra một kỷ nguyên mới cho Myanmar có thể đúc kết vào trong năm từ gọn ghẽ đó. Để nói rõ hơn sự đúc kết đó, xin được trở lại vài dòng trích dẫn về tiến trình dân chủ trong một bài viết từ Minneapolis ngày 9.11.2015.


Sau khi độc lập khỏi Anh năm 1948, Miến Điện trở thành một nước dân chủ. Dưới sự dẫn dắt của thủ tướng U Nu theo mô hình phúc lợi xã hội chủ nghĩa, Miến Điện từ một nước thịnh vượng dưới sự bảo hộ của Anh bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế… Khủng hoảng kinh tế kéo theo khủng hoảng chính trị. Tướng Ne Win làm đảo chính năm 1948 và thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn Miến Điện kể từ đó. Dưới quyền tướng Ne Win, chính quyền quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, chỉ trừ nông nghiệp. Nhưng rồi đói khổ và vô vọng dẫn đến các cuộc biểu tình liên tiếp. Chính quyền phản ứng lại bằng cách đàn áp đẫm máu.


Năm 1962, sinh viên trường Rangoon biểu tình, bị đàn áp khiến 15 người chết. Hơn mười năm sau, năm 1973, biểu tình lại một lần nữa diễn ra và lại bị đàn áp. Các cuộc biểu tình sau đó lần lượt diễn ra trong các năm 1975, 1976, 1977 và đều bị dập tắt.


Tuy vậy, các cuộc biểu tình là một môi trường tốt đã rèn luyện và gắn bó những người dấn thân cho dân chủ của Miến Điện lại với nhau. Để rồi mười năm sau, năm 1988, phong trào phản kháng của sinh viên Rangoon một lần nữa lan ra toàn quốc và qui tụ mọi thành phần xã hội. Do bắt đầu từ ngày 8/8/1988, cuộc phản kháng được lấy tên gọi là 8888. Cuộc phản kháng kéo dài được chừng một tháng thì đảo chính quân sự xảy ra, chính quyền quân nhân thiết lập và như mọi lần ra tay dập tắt.


Cuộc phản kháng bị dập tắt nhưng một hệ quả to lớn của nó là sự hình thành một đảng chính trị, với các thành viên nòng cốt được tôi luyện từ các phong trào biểu tình trước đây: đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) hình thành với Aung San Suu Kyi đóng vai trò một biểu tượng. Sự hình thành một tổ chức đối lập ở Miến Điện cùng với các áp lực quốc tế khiến giới cầm quyền Miến Điện lúc bấy giờ phải tìm một giải pháp thoát hiểm. Họ mạo hiểm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhằm chọn ra các thành viên cho một ủy ban soạn thảo hiến pháp.


Trong tổng số 492 ghế, đảng NLD của Aung San Suu Kyi chiếm 392 ghế. 392/492 hay 80%, một tỉ số áp đảo thể hiện sự phẫn nộ của nhân dân với giới cầm quyền. Chính quyền quân nhân không công nhận kết quả bỏ phiếu và đặt NLD ra ngoài vòng pháp luật. Các lãnh tụ NLD tiếp tục bị bắt giam và Aung San Suu Kyi bị giam lỏng tại gia.


Đàn áp chính trị ở Miến Điện khiến chính phủ các nước phương Tây gia tăng cấm vận và nền kinh tế Miến Điện trở nên bi đát hơn. Hàng hóa khan hiếm cùng với quản lý kinh tế yếu kém khiến kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng… Nghèo đói, vô vọng và các cuộc phản kháng không đủ để làm chùn bàn tay đàn áp của chính quyền quân nhân cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2009 diễn ra. Lúc bấy giờ giới quân nhân mới lựa chọn cửa thứ hai của ván bài: cải cách có kiếm soát, thay cho tiếp tục đàn áp… Vì rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế sâu đậm 2007-2009 không những làm cho các khoản thu của chính quyền suy giảm mạnh mà còn làm cho thu nhập của giới doanh nghiệp trong tay gia đình các tướng lĩnh trở nên điêu đứng.


Và chỉ khi có sự đồng thuận của hội đồng tướng lĩnh, tướng Than Shwe và người kế nhiệm Thein Sein mới có thể nhanh chóng triển khai các cải cách một cách có kiểm soát một cách trôi chảy. Gọi là các cải cách có kiểm soát vì giới quân nhân vẫn còn nắm trong tay quân đội và tự cho mình quyền giữ 25% tổng số ghế trong quốc hội… Dù cuộc cải cách dân chủ Miến Điện chưa trọn vẹn, những tiến triển trong quá trình dân chủ hóa Miến Điện đã đi những bước dài và khó có thể quay trở lại… Điều đáng nói là, các cuộc phản kháng là môi trường gắn kết các cá nhân dấn thân cho đất nước. Cuộc gắn kết đó cuối cùng dẫn đến sự hình thành một tổ chức đối lập qui tụ đủ mọi thành phần. Và cuối cùng, đối diện với một chính quyền độc tài đang chơi bài nhiều cửa, đối lập áp lực và thuyết phục chính quyền rằng cải cách dân chủ hóa hòa bình là con đường thoát hiểm của giới cầm quyền và cũng là con đường đem lại lợi ích của dân tộc.


Vấn đề đặc biệt cần lưu ý là cái bóng ma Trung Quốc vẫn đang lởn vởn và ám ảnh đất nước Myanmar cho dù nhờ người Myanmar đã sớm nhận ra bộ mặt ghê tởm và thủ đoạn thâm độc của“siêu cường hung đồ” này nên từng bước rời xa cái quỹ đạo mà Trung Quốc đã áp đặt cho họ. Đó là một tiền đề có ý nghĩa quyết định của những gì mà nhân dân Myanmar đạt được hôm nay. Xin được trích ra đây một đoạn trong bài “Myanmar là nước nhược tiểu nhưng không làm chư hầu”:


Mục tiêu Bắc Kinh là biến Myanmar thành một bàn đạp vệ tinh, một vùng đệm giúp hỗ trợ phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây và Nam Trung Quốc. Nói cách khác, đầu tư hạ tầng cho Myanmar là đầu tư cho tương lai phát triển cho chính khu vực phía Nam và Tây Trung Quốc, để không chỉ có thể giúp các tỉnh này san bằng khoảng cách thu nhập với các tỉnh giàu có phía Đông mà còn tạo nên ưu thế cạnh tranh kinh tế với láng giềng Ấn Độ.


Đó là một phần của “chính sách hai đại dương” mà giới chính trị học thuật Trung Quốc cổ súy (phải làm chủ cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương). Thế là hàng loạt dự án hạ tầng bắt đầu hình thành. Từ một xa lộ dẫn đến một hải cảng mới toanh trị giá nhiều triệu đôla, phục vụ việc xuất khẩu hàng sản xuất ở các tỉnh phía Tây và Nam Trung Quốc; đến một tuyến ống dẫn hơn 1.600 km đưa dầu Trung Đông và châu Phi đến các nhà máy lọc ở Vân Nam; đến một tuyến ống dẫn nữa đưa khí đốt Myanmar đến thắp sáng cho Côn Minh và Trùng Khánh; đến hơn 20 tỉ USD đầu tư cho một tuyến hỏa xa cao tốc giúp việc đi lại xưa kia mất hàng tháng nay có thể chỉ còn không đến một ngày; rồi đến năm 2016, sẽ có một hệ thống đường sắt đi suốt từ Yangon đến Bắc Kinh hoặc thậm chí tới Delhi rồi từ đó sang châu Âu…


Quan trọng hơn cả là việc sử dụng Myanmar làm trạm trung chuyển dầu hỏa từ Trung Đông và châu Phi vào sâu trong nội địa Trung Quốc, giúp né được “cửa ải” Malacca. Do lệ thuộc tuyệt đối nguồn dầu nước ngoài với 80% dầu nhập được đưa về ngang Malacca, một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới mà nơi hẹp nhất chỉ rộng 2,7 km, Trung Quốc rất lo sợ một khi xảy ra xung đột, Malacca có thể bị đóng cửa và nguồn cung ứng dầu bị ách tắc. Cho nên, bằng mọi cách phải thiết lập được tuyến ống dẫn ngang Myanmar.


Một cách tổng quát, trước khi xảy ra cú bắn pháo hiệu của Tổng thống Thein Sein vào tháng 9-2011 (về việc tạm ngưng xây đập Myitsone), hay nói chính xác hơn là trước khi Naypyidaw thay đổi quan điểm đối ngoại, Myanmar là sân sau của Bắc Kinh, là đất nhà của hàng chục ngàn di dân Trung Quốc, là thị trường chuyên tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, là nơi giới doanh nghiệp Trung Quốc mặc sức tác oai tác quái. Nếu nói không quá thì sinh mạng kinh tế Myanmar gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.


Một sự nhìn nhận lại vai trò và ảnh hưởng Trung Quốc đã âm thầm diễn ra. Năm 2004, theo bài viết của Bertil Lintner trên YaleGlobal (5-11-2012), trung tá Aung Kyaw Hla – nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc phòng Myanmar – bắt đầu thực hiện một khảo sát chi tiết. Bản báo cáo tuyệt mật dày 346 trang này, với tựa đề “Một nghiên cứu về quan hệ Myanmar-Hoa Kỳ”, đã phác họa những chính sách bắt đầu được áp dụng nhằm có thể cải thiện quan hệ với Washington đồng thời giảm lệ thuộc Bắc Kinh. Nội dung báo cáo nói rằng, việc xem Trung Quốc là một đồng minh ngoại giao và nhà bảo trợ kinh tế đã tạo ra một “tình huống khẩn cấp” đe dọa sự độc lập quốc gia. Báo cáo viết rằng, chỉ bằng cách cải thiện quan hệ với Mỹ, Myanmar mới có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, giúp đất nước lần hồi thoát khỏi “chủ nghĩa khu vực”, nơi họ phải lệ thuộc vào ý chí và quan hệ với những láng giềng trực tiếp trong đó có Trung Quốc, để “bước vào một kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa”…


Sự kiện Myanmar vì thế mà có ý nghĩa trực tiếp đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta hiện nay. Có thể nêu lên ba vấn đề sau:


1. Dân chủ hoá là một xu thế không thể đảo ngược được trong bối cảnh hiện nay. Đương nhiên, tiến trình dân chủ hoá diễn ở từng nước không hoàn toàn như nhau do đặc thù về văn hoá, lịch sử và tương quan lực lượng giữa thế lực thống trị phản dân chủ quyết giữ chặt cái ghế quyền lực và sức mạnh của khối nhân dân, quần chúng bị áp bức đã nhận thức được đến đâu về sức mạnh của chính mình.


Cho dù vậy thì sự tương tác giữa nội lực bên trong nước mình và sức tác động của bên ngoài mà sự kiện Myanmar là một đột biến có ý nghĩa hết sức lớn. Đây sẽ là một nhân tố mới tạo nên một thay đổi mang tính đột phá, mở đường cho tiến trình dân chủ hoá, bất chấp lực cản lớn đến đâu.


Hơn nữa, với nước ta hiện nay, thế lực chống lại tiến trình dân chủ hoá một cách quyết liệt lại gắn liền với cái bóng ma ý thức hệ với mười sáu chữ và bốn điều bịp bợm của Tập Cận Bình. Chính sự câu kết này đang ngày càng tự phơi bày bộ mặt xấu xa đáng kinh tởm mà nhân dân ta, ngay những người ít hiểu biết nhất, cũng đã dần dần nhận ra và phỉ nhổ. Đấy là tử huyệt của thế lực toàn trị phản dân chủ hiện nay.


Đang diễn ra thảm trạng “độc trị độc”. Càng nhận ra là đang bị cô lập vì mất chỗ dựa nhân dân, chỉ có thể dựa vào sự hà hơi tiếp sức của quan thầy cho dù biết làm như vậy sẽ gặp phải sự phẫn nộ của nhân dân nên phải dựa vào bạo lực để tồn tại. Đây là cách tự giải khát bằng thuốc độc. Càng sử dụng bạo lực càng cô lập, càng đánh mất niềm tin của dân và của chính những kẻ núp bóng quyền lực để kiếm chác, khi thấy sự sụp đổ là nhỡn tiền.


Như con bạc khát nước đang dốc hầu bao đặt cửa may rủi. Bối rối và lúng túng như gà mắc tóc,“nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào”, sạch túi là điều có thể thấy. Những sự kiện gần đây nhất như sử dụng thế lực xã hội đen để hành hung người lương thiện ngay giữa thủ đô, hành xử thô bạo dằn mặt luật sư đúng vào dịp kỷ niệm “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” khiến đại biểu Quốc hội đang họp phải kêu lên “hành hung luật sư, xã hội sẽ loạn” (VnExpress).


Vì vậy, không thể không tìm một lối thoát, đó cũng là điều dễ hiểu. Các tướng lĩnh cầm quyền trong chế độ quân phiệt Myanmar đã dạy cho những nhà độc tài toàn trị phản dân chủ ở Việt Nam bài học về tìm đường thoát, và rồi người ta sẽ “sáng tạo” tuỳ theo từng chặng đường mà người ta đang cân nhắc. Nhưng sẽ không thể có sự “kiên định” như câu đầu lưỡi bịp bợm khá yếu ớt của họ.


2. Thoát khỏi cái vòng kim cô của Trung Quốc là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể phát triển bền vững trong một thế giới văn minh. TPP đang là chìa khoá mở ra con đường mới cho dù cái giá phải trả sẽ rất lớn, song không thể khác.


Phải trên nền tảng của một nền kinh tế được cơ cấu lại để phù hợp với những nguyên tắc hoạt động của TPP, thể chế chính trị buộc phải thay đổi, đó là một tất yếu không bàn cãi. Tiến trình dân chủ sẽ thúc đẩy cho việc thay đổi thể chế chính trị, đồng thời thể chế chính trị sẽ mở đường cho tiến trình dân chủ phát triển và ngày càng hoàn thiện. Đó là một quá trình không thể đảo ngược được, chỉ có thể nhanh hay chậm mà thôi.


Đã đến lúc Việt Nam cần phải biết phải liên minh với ai để bảo vệ đất nước khi nền độc lập bị đe doạ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, nền kinh tế nước ta đang bị lệ thuộc khi mà kẻ xâm lược đang tìm mọi cách biến nước ta thành một chư hầu kiểu mới của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.


Con “quái vật Frankenstein thế kỷ XXI” Trung Quốc của Tập Cận Bình đang phơi bày bộ mặt xấu xa, nham hiểm trước công luận và lương tri của thế giới. Tập đoàn tướng lĩnh của chế độ quân phiệt cầm quyền ở Myanmar đã sớm nhận ra bộ mặt ghê tởm ấy nên đã có một quyết định nhằm cải thiện quan hệ với Washington, giảm lệ thuộc Bắc Kinh.


Vì gió đã xoay chiều, không có gì ngạc nhiên khi Tập Cận Bình vội vã mời bà Aung San Suu Kyi sang thăm Trung Quốc dạo tháng 6.2015 nhằm “giao lưu hai đảng” còn báo Hoàn Cầu thì luơn lẹo giải thích “dân chủ hóa tại Miến Điện không phải là Cách mạng Màu”. Khi họ Tập hỏi ở Myanmar, quân đội hay đảng NLD mạnh hơn, bà Aung San Suu Kyi không chút ngần ngại trả lời: quân đội! Nhưng là một “quân đội” của các tướng lĩnh đã chấp nhận một cuộc chuyển đổi hòa bình mà Tổng thống Thein Sein là một biểu tượng tuyệt vời.


Trong thư gửi Tổng thống và Tổng Tư lệnh quân đội bà Aung San Suu Kyi đã đặt vấn đề về cơ sở“hòa giải đất nước” và nhấn mạnh rằng “điều đó rất quan trọng đối với phẩm giá của đất nước và nhằm đem lại hòa bình trong tâm tưởng cho người dân” vì bà biết sẽ nhận được sự tiếp nhận của Tổng thống Thein Sein. Ai đó đã viết rất đúng: khi nhà độc tài vẫn đang nắm trong tay quyền lực, lại được bảo kê bởi nhà độc tài lớn hơn là Trung Quốc, quyền tự do dân chủ có thể còn phải đổi bằng bao nhiêu máu xương nữa mới có được chứ không dễ gì cho không. Thế nhưng, do hiểu được khát vọng cháy bỏng của dân tộc mình, vị Tổng thống xứng đáng được gọi là vĩ đại ấy – như có người dùng từ này để nói về ông – đã dám từ bỏ quyền lực khi mà, thật ra với quyền lực đang có, ông có thể có cách ứng xử không như thế giới đã chứng kiến.


Phải chăng vị Tổng thống thức thời ấy đã hiểu ra sự sụp đổ tất yếu của chế độ độc tài và đã dám vì lợi ích của đất nước đồng thời tránh cho nhân dân mình khỏi rơi vào thảm cảnh mới, ông đã có một hành động cao thượng, thúc đẩy cho tiến trình dân chủ dấn tới. Nhờ có một “quý bà” Aung San Suu Kyi mà đất nước Myanmar, Đông Nam Á và châu Á cũng như cả thế giới hiểu được một vị Tổng thống có tên là Thein Sein. Nhưng đồng thời cần phải có một Thein Sein thì một Aung San Suu Kyi mới kết thúc được cuộc chiến đấu thầm lặng trong 25 năm với “bình minh của một kỷ nguyên mới” trên đất nước Myanmar?


3. Nhân sự kiện Myanmar đang làm chấn động tâm tư người Việt Nam, ai đó đã nhắc đến câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị thượng đỉnh Asean: “Chuyến thăm của tôi tới Myanmar, ngoài việc trao đổi hợp tác song phương, với cương vị Chủ tịch ASEAN, tôi đã chuyển tới Chính phủ và Nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ trình Dân chủ vì Hòa bình và Hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái, qua đó sớm tập trung ổn định để phát triển đất nước Myanmar”.


Hy vọng rằng đây không chỉ là thông điệp của ASEAN mà phải là ý nguyện của chính người chuyển tải thông điệp ấy để làm sao trên đất nước mình “Dân chủ vì Hòa bình và Hòa hợp dân tộc” cũng phải được thực hiện được trong bản lĩnh hành động một cách khôn khéo và quyết đoán chứ không chỉ trong lời nói cho dù nói được cũng rất cần.


Việt Nam hiện chưa xuất hiện một “quý bà” như Aung San Suu Kyi, nhưng khát vọng dân chủ, hoà bình và hoà hợp dân tộc thì cũng mãnh liệt không kém nơi đã sản sinh ra “quý bà” tuyệt vời đó. Chính khát vọng mãnh liệt đó được nuôi dưỡng và kế thừa truyền thống quật khởi của dân tộc đang âm thầm giấu kín trong nó những bản lĩnh kiểu Aung San Suu Kyi để rồi bật dậy mãnh liệt với khí phách Bà Trưng, Bà Triệu từng làm kinh hồn bạt vía bọn xâm lược phương Bắc.


Vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là phải có những Thein Sen. Điều này thì Nguyễn Trãi đã từng khẳng định: “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Vả chăng, chẳng ai muốn sẽ trở thành tội đồ của lịch sử mà đều nung nấu ý nguyện làm người thúc đẩy lịch sử đi tới.


Không thiếu những bộ óc tỉnh táo và trái tim nồng cháy ngọn lửa yêu nước và khát vọng dân chủ kiểu Kim Ngọc, Trần Xuân Bách, Trần Độ từng bị những đầu óc mụ mẫm bởi mớ giáo điều rách nát, tầm nhìn thiển cận và tính cách đố kỵ hẹp hòi bóp chết. Những tội đồ lịch sử kiểu ấy vẫn đang tác oai tác quái, nhưng chúng không còn giữ được thế lấn át như mấy thập kỷ trước đây nữa. Tình hình hiện nay không còn cho phép cách hành xử kiểu Nguyện Văn Linh thời Trần Xuân Bách.


Cách xử lý tình huống theo kiểu các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar đương nhiên mang tính đặc thù tương thích với điều kiện lịch sử cụ thể của họ. Nhưng thực hiện một bước đột phá trong cải cách thể chế để mở đường cho tiến trình dân chủ dấn bước một cách hoà bình, không manh động, tránh bạo động chính là con đường thoát hiểm của những người đang nắm quyền biết rõ là uy tin và quyền lực của họ đang lung lay trước tâm thế bất an của xã hội và sự phẫn nộ của dân đang được tác động của bối cảnh quốc tế mới. Đó cũng chính là bài học của sự kiện Myanmar.




15.11.2015


Tương Lai


(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét