Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015
Bàn về ứng xử văn hóa quanh sự cố phạt 3 người ở An Giang
VNTB - Bàn về ứng xử văn hóa quanh sự cố phạt 3 người ở An Giang
Reply
chủ tịch tỉnh An Giang, forums, Giang Nam, ứng xử văn hóa, VNTB
24.11.15
Giang Nam (VNTB) Tương tự với “kênh kiệu”, cụm từ “xa lánh dân” cũng là một cảm giác của người này về một người làm quan. “Xa lánh dân” là một ý niệm tương đối, chưa hẳn thành một tội danh. Nhả thơ tình Xuân Diệu viết bài “Xa cách” chúng ta đọc thử vài câu: “Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã/ Đến kề anh và mơn trớn: em đây /Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay. Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm. Và Xuân Diệu kết bài thơ “Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng / Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm".
Học trò và hoa đến an ủi cô Lê dân oan. Ảnh: TP
Ba viên chức, công chức An Giang không hề mắc tội gì
Cô Lê, một nữ giáo viên trung học, thạc sỹ văn học đang lên lớp. Ngoài giờ, cô đọc tin tức thời sự, tình cờ thấy một văn bản của Thanh tra chính phủ yêu cầu kiểm điểm ông chủ tịch tỉnh AG về khuyết điểm quản lý đất đai yếu kém. Cô ngạc nhiên thấy một sự kiện, có lẽ ai cũng ngạc nhiên như cô thôi, và tiện tay đăng vào FB, kèm thêm ít chữ “Hồi nào vậy tèn (vậy trời). Mà vậy cho đẹp lòng dân”. Căn cứ trên hai hành vi: đăng lại một văn bản không có đóng dấu Mật hay Tối Mật của Thanh tra chính phủ, đó là việc không bị cấm. Lời bình của cô là “ngạc nhiên” và đồng tình với Thanh tra chính phủ. Cô Lê hoàn toàn không có lỗi gì, dù là nhỏ.
Có lẽ là giọt nước tràn ly khi cô “duyệt” phản hồi của anh Huy Phúc: “Ông chủ tịch này kênh kiệu xa dân nhất trong các đời chủ tịch tỉnh An Giang”.
Lời bình của anh Phúc cũng có nguồn cơn, từ sự cố vách tường nhà anh bị nứt nẻ do nhà láng giềng là ông Chủ tịch xây cao lên 4 tầng gây ra. Ông chủ tịch đã cam kết khắc phục sự cố nhưng không hoàn thành. Lại còn chuyện bên nhà ông chủ tịch thường hay bỏ rác vương vãi qua nhà anh nữa. Nếu có chăng, thì đây là mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn dân sự giữa hai nhà. Địa phương có trách nhiệm trung gian trọng tài giải quyết mà vẫn chưa xong thì phải làm tiếp dứt điểm. (Đó là một câu chuyện khác, một góc khuất tăm tối mà may nhờ sự cố FB mới lộ mặt ra, và câu chuyện này sau ắt sẽ được giải quyết dứt điểm).
Hãy bàn về câu “cái mặt kênh kiệu” xem có thể cho là hành vi phạm luật nào. “Cái mặt kênh kiệu” là gì? “Kênh” là từ trái nghĩa với “bằng phẳng”, còn “kiệu” chỉ là từ đệm, láy thôi. “Kênh kiệu” không miêu tả dung mạo xấu xí về hình thức nhan sắc (ngay cả một nàng hoa hậu cũng bị chê cái mặt kênh kiệu nữa kia).
Vậy, “kênh kiệu” để nói cái nết ứng xử của một người nào đó trong tương quan giao tiếp với người khác. Ấy là người có thái độ, cử chỉ tự cho mình hơn người, coi rẻ người khác (“kênh” trỏ một cái gì đó không ngay ngắn đàng hoàng: “kênh” lên, đội lên, cộm lên. Một từ khác gần nghĩa là “vênh”. trong từ láy“vênh váo”).
Lẽ đời xưa nay, thường có vài loại người kênh kiệu. Người đẹp kênh kiệu với người xung quanh kém nhan sắc hơn mình, kẻ giàu kênh kiệu với người nghèo, quan chức kênh kiệu với cấp dưới hoặc thường dân, trò giỏi kênh kiệu với bạn học bình thường.v.v…
Tóm lại, “kênh kiệu” trỏ về mặt thái độ đạo đức trong ứng xử người với người. Người bình luận chỉ cảm nhận thấy, qua ánh mắt, dáng điệu, trang phục, cử chỉ của “người kênh kiệu”. Ngoài ra khó mà thấy bằng chứng rõ ràng ở kẻ bị chê là kênh kiệu.
Người nói đúng hay sai ? Không thể chứng minh. Chỉ biết rằng, đó là một cảm xúc, phản ứng của một người A về người B, mang tính chủ quan, nhất thời.
Tương tự với “kênh kiệu”, cụm từ “xa lánh dân” cũng là một cảm giác của người này về một người làm quan. “Xa lánh dân” là một ý niệm tương đối, chưa hẳn thành một tội danh. Nhả thơ tình Xuân Diệu viết bài “Xa cách” chúng ta đọc thử vài câu: “Anh sắp giận. Em mỉm cười, vội vã/ Đến kề anh và mơn trớn: em đây /Anh vui liền, nhưng bỗng lại buồn ngay. Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm. Và Xuân Diệu kết bài thơ “Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng / Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm".
Tầm văn hóa và quá trình “xử lý sự cố FB” diễn ra như thế nào.
Khởi đầu vụ việc là Công an tỉnh báo cáo chuyện Facebook “nói xấu” lên lãnh đạo tối cao của Tỉnh, theo nghiệp vụ điều tra của họ. Báo cáo xong là họ hoàn thành nhiệm vụ.
Ông bí thư Phan văn Sáu yêu cầu Đảng ủy Liên cơ hành động; Đảng ủy Liên cơ gọi Đảng ủy Sở GD ra mệnh lệnh hành động; Đảng ủy Sở GD gọi Ban giám hiệu THPT Long Xuyên ra lệnh kiểm điểm cô giáo Trang. Ban giám hiệu THPT Long Xuyên tức tốc họp ngay; Cũng nhận nhiệm vụ từ Đảng ủy Liên cơ giao, lãnh đạo Sở TT&TT bèn giao nhiệm vụ cho Thanh tra Sở lập hồ sơ, giở luật hoặc nghị định ra xét án.
Trách nhiệm cụ thể là ở chỗ ông Chánh thanh tra này đây. Ông thanh tra bèn giở Nghị định ra.
“Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”. Ban hành ngày 15 tháng 7 năm 2013.
Ông căn cứ vào hai dòng chữ dưới đây để định tội danh.
.
Điều 5. Các hành vi bị cấm
1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
Điểm d). Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
Văn bản ấy do Bộ trưởng Bộ 4T soạn ra và trình thủ tướng ký. Vậy hãy tạm coi bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là tác giả của áng văn không chuẩn kể trên.
Trong câu trên, chỉ có hai hành vi bị cấm là:“xuyên tạc” và “vu khống”. Dẫn đến “xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm…” là hậu quả của hai hành vi kể trên.
Tuy nhiên, cách viết ba cái đó theo kiểu liệt kê liên tục, tách bởi dấu phảy, tức là có tới ba hành vi. Mập mờ là ở chữ “xúc phạm uy tín”. Đó là hậu quả của hai hành vi trước, chứ không phải hành bi thứ 3. Người cầm quyền sẽ tha hồ tùy tiện tùy ý giải thích hành vi “xúc phạm” theo ý họ.
Câu văn trên có vấn đề thiếu minh bạch, nói cách khác, người biên soạn luật đã “ăn gian”. Cái việc này bộ trưởng Bắc Son phải chịu trách nhiệm, dù người ký ban hành Nghị định là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đến đây, qua việc soạn thảo văn bản luật, đã chứng tỏ rằng bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có vấn đề văn hóa: kiến thức ngữ văn của ông quá mỏng manh.
Bây giờ bàn đến chuyện ông Thanh tra Sở 4T áp dụng luật thế nào?
Một cô giáo viết FB biểu lộ cảm xúc ngạc nhiên (hồi nào vậy trời) và đồng tình với việc Thanh tra chính phủ yêu cầu kiểm điểm chủ tịch An Giang (mà vậy đi cho đẹp lòng dân). Thanh tra Sở với một não trạng thế nào mà đọc nội dung thành ra “xuyên tạc, vu khống”, dẫn đến hậu quả “xúc phạm uy tín…” chủ tịch Tỉnh, đặc biệt là thêm lý do vu vơ “sắp Đại hội Đảng AG” coi là tình tiết tăng nặng tội ?
Ô hay, nếu chuyện phây-búc xảy ra sau khi “Đại hội đã thành công tốt đẹp hoặc rực rỡ” thì “tội” kia sẽ không thành lập chăng !- Giải thích thế nào về sự kỳ quái này đây?
Đây rồi. Nguyên nhân trực tiếp: Vị Thanh tra Sở này đã thi rớt kì thi tuyển công chức năm 2013. Thế mà về sau, ma dẫn lối quỷ đưa đường, ai đã “sắp xếp” thí sinh trượt này vào ngồi ghế thanh tra Sở 4 T quyền uy trấn thiên hạ năm 2015 ?
Xét về chuyên môn, đây là kiểu làm ăn gian dối. Gian dối ở chỗ: nhiệm vụ quản lý hệ thống thông tin truyền thông vốn rất khó khăn phức tạp, đòi hỏi trình độ văn hóa cao. Thanh tra này đã dùng tiểu xảo. Đè nạn nhân oan ra phạt luôn. Cả thiên hạ sẽ hoảng sợ co rúm, thế là việc quản lý sẽ nhàn hạ, thảnh thơi.
Sở TTTT muốn lấy một chuyện nhỏ để đạt mục tiêu lớn: răn đe công chúng sử dụng FB phải giữ lễ độ với cán bộ lãnh đạo. Đây là kiểu tác nghiệp làm biếng. Làm việc ít, lại muốn kết quả nhiều và to.
Hầu khắp các tờ báo quen thuộc từ Sài Gòn tới Hà Nội đều vào cuộc, không chỉ mỗi tờ báo viết một bài mà phóng viên trở đi lại trở lại, đeo bám tới tận cùng. Rất nhiều phản hồi của bạn đọc hăm hở được các trang báo “duyệt” ngay.
Nhiều luật sư, giảng viên luật được phỏng vấn và giải đáp, nêu thẳng chính kiến. Có những luật sư tỏ ý sẵn sàng trợ giúp pháp lý miễn phí cho 3 công chức oan đi khiếu kiện sở 4T.
Nhiều blog, web tự do lên tiếng.
Có những cán bộ lão thành ngành tư pháp lên tiếng ủng hộ.
Một số đại biểu quốc hội yêu cầu trung ương vào cuộc.
Những quán café ở khắp xứ An Giang xa xôi góc biên giới Tây Nam vốn ưa bình lặng cũng sôi lên. Ở các trường học phổ thông, thầy và trò tròn mắt hồi hộp rồi bàn tán xôn xao.
Vị cựu bí thư đầu tiên của tỉnh ủy An Giang cũng lên tiếng phàn nàn vụ phạt nặng. Nhưng ông cựu Bí thư cũng lại bị Chủ tịch tỉnh phản đối (mắng vốn) với nhà báo rằng “báo chí lại đi cắt khúc, không logic, đi phỏng vấn cán bộ hưu…”.
Ông Nguyễn Minh Nhị cựu chủ tịch tỉnh AG cũng nói, ông nhất trí với ý kiến cựu bí thư.
Vỡ trận
Hệ thống chính trị An Giang bất ngờ trước phản ứng dữ dội của công luận và báo chí.
Họ không ngờ được sự thể lại ra thế này ! Sự thể diễn ra vượt quá sức tưởng tượng của hệ thống chính trị tỉnh, sự việc ngày càng sôi sục hơn.
Sụp đổ niềm tin quyền lực vô địch nắm trong tay có thể đối đầu và đè bẹp văn hóa.
Họ đã quen với nếp nghĩ, bẻ một chiếc đũa quá dễ. Nhất là “chiếc đũa” trong biên chế, là viên chức, công chức phải lãnh lương nhà nước. Bất chấp “chiếc đũa” ấy là một thạc sỹ văn học đã dạy học 20 năm.
Những cuộc hội ý của các ban ngành Sở cấp tỉnh gấp gáp lo đối phó (tôi tưởng tượng như vậy).
Họ lo lắng “vỡ trận” và bây giờ lại phải “lội ngược dòng”.
Họ có đủ các loại quyền lực, được chỉ đạo nhất quán, tiền nhô hậu ứng, từ trên xuống dưới. Duy họ chỉ thiếu một cái tầm văn hóa tương xứng với nhiệm vụ.
(Tuy nhiên có một khu vực báo chí im lặng: báo Đảng, báo Quân đội, báo Công an. Im lặng bởi khó tìm lý luận, khó khép đối tượng vào “thế lực thù địch” hoặc “diễn biến hòa bình”, hoặc “suy thoái tư tưởng”.v.v…).
Những người đấu tranh cho Tự do, Dân chủ đều nhận thấy, việc xử phạt này là một tiền lệ nhỏ nhưng sẽ là “tiền lệ rất xấu” nếu nó xuôi chèo mát mái ung dung phát tác răn đe.
Kết
Phong cách làm việc của Sở TTTT này rất cũ, nó đã từng khá phổ biến ở Liên Xô thời Staline quen thói khủng bố cán bộ, và vẫn đang thông dụng ở bên xứ Trung cộng ngày nay.
Xin hỏi các ông, bây giờ là thời nào rồi mà các ông còn say mê bạo lực đến vậy?
Các ông chẳng phải là những người thức thời.
Một quy luật muôn đời: muốn xây dụng văn hóa chỉ có thể dùng chất liệu văn hóa. Và thời đại nào cũng vậy, người lãnh đạo phải đạt tới một tầm vóc văn hoá nhất định mới hành xử đúng đắn được.
Khởi đầu từ mệnh lệnh chỉ đạo cuả cựu bí thư Phan theo kiểu“khoán trắng” cấp dưới (lúc xảy chuyện ông là bí thư, bây giờ khi “vỡ trận” thì ông đã rút êm lên Trung ương làm phó một ban quan trọng rồi, để lại gánh nặng thị phi cho bà Võ tân bí thư kế thừa lãnh đủ).
Bây giờ chắc hẳn hệ thống chính trị AG đang ráo riết và loay hoay trong bực bội đi tìm một “cái hậu” sao cho chấp nhận được. Tôi mong rằng đó là một cái hậu khả dĩ đậm chất văn hóa hơn là “sự đối phó” nhất thời, mang tính giải quyết tình thế.
Điều cuối cùng cần nói về “tầm văn hóa cấp trung ương” của bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Son. Ông phát ngôn này rằng “với mỗi cá nhân, nếu dùng facebook chia sẻ tình cảm, giao lưu, tuyên truyền những thông tin tốt sẽ không có vấn đề gì.Trang tin xã hội nên được sử dụng để đăng tải thông tin tốt, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội. Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện, dùng facebook nói xấu lẫn nhau, thậm chí nói xấu cả cô giáo, thầy giáo mình; làm việc sai trái..., nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Ông Bộ trưởng khuyến cáo như vậy. Tầm hiểu biết của ông bất chấp rằng FB là một hình ảnh phản chiếu của hiện thực cuộc sống, là trang mạng xã hội với tất cả hỉ nộ ái ố, hờn ghen, thông tin vặt, thông tin lớn, từ chuyện kỷ niệm bạn bè đến chuyện chính trị nghiêm túc, giao lưu làm quen, chia tay, đăng ảnh… vô cùng đa dạng như chính cuộc sống hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Đó là những mối quan hệ giữa người trong nước, kể cả với người nước ngoài đủ mọi ngôn ngữ. Ông Son lại muốn “qui hoạch” cả cuộc sống phong phú cho FB, thực là một chyện ngông cuồng, tự mãn lạ lùng.
Nhà báo Kỳ Duyên kể lại câu chuyện tâm đắc nhất là comment của một quan chức CP trên FB: “Nhớ năm xưa, có người Nga hỏi Reagan (tổng thống Mỹ), ông sẽ làm gì khi có người chửi ông. Reagan cười và trả lời, tôi chả làm gì họ cả. Chửi tôi là việc của họ, còn làm Tổng thống là việc của tôi !”.
Đáng chú ý là: người hỏi tổng thống Mỹ là người Nga “năm xưa” tức những năm Liên Xô cũ. Hẳn họ đã quen với lối chính quyền “trừng phạt” người dân chửi, người Nga kia mới hỏi vặn tổng thống Mỹ như vậy để dồn ông Reagan vào thế bí, hi vọng Reagan không trả lời được. Thứ hai: cần hiểu ý Reagan thế nào ? Phải chăng mặc ai chửi cứ chửi, tổng thống cứ làm trái ? Không phải vậy, Reagan chấp nhận quyền được chửi của công dân. Ông ta nghe, hiểu người ta chửi mình vì cái gì, ông ta sẽ suy ngẫm và sự xét mình, để làm tổng thống tốt hơn. Đó là cái tầm văn hoá cao của một chính khách.
Không nên trông cậy tất cả vào luật lệ, nghị định để khủng bố, đe dọa, bịt miệng người chửi, chính khách cần có văn hoá tương xứng để làm hành động tử tế. Và tài năng lãnh đạo mang tính văn hóa của chính khách là điều kiện tiên quyết.
Chúng ta mong rằng, trong tình thế vỡ trận của hệ thống chính trị AG, các vị chính khách đừng nghĩ đến các thủ đoạn, tiểu xảo đối phó.
Hãy nghĩ đến việc xây dựng một tầm văn hóa lãnh đạo xứng đáng hơn, biết rằng điều đó chẳng thể đạt ngay trong một sớm một chiều, trong ngày một ngày hai.
Nhưng điều cần nhất là phải có quyết tâm, càng sớm càng tốt.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét