Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015
Quốc hội không cho phép bỏ môn lịch sử
Quốc hội không cho phép bỏ môn lịch sử
Reply
môn lịch sử, news, tinh giảm biên chế, xà xẻo đất rừng
27.11.15
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội chiều nay (27-11), Quốc hội đã thông qua nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.
Kết quả đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung không cho phép bỏ môn học lịch sử - Ảnh: L.K
Nghị quyết của Quốc hội đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tư pháp, có tên: “tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”.
Tinh giảm 10% cán bộ, công chức
Trong nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu “thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
“Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh” - nghị quyết viết.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan “tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ hơn về cải cách hành chính nhà nước. Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
“Sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc”.
“Đẩy mạnh hơn nữa cải cách công vụ gắn với kiểm tra công vụ định kỳ, xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, chuyên nghiệp, gần dân, tận tâm phục vụ nhân dân; bảo đảm hoạt động của chính quyền từ trung ương đến địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nhận được sự hài lòng của Nhân dân, doanh nghiệp”.
Khắc phục tình trạng xà xẻo đất rừng
Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.
Nghị quyết viết: “Quốc hội thấy rằng, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn chậm; hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai còn thấp…”
“Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai, như lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn nhiều. Công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác định và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện thường xuyên và nghiêm túc”.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương “đề ra giải pháp, xây dựng lộ trình đến hết năm 2016 có phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính”.
“Tập trung chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trong phạm vi đất, rừng do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho Nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Quốc hội cũng yêu cầu trong năm 2016 phải “Quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung, tách ra khỏi diện tích đất đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý theo quy định của pháp luật”.
“Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích giao lại địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Xây dựng, hoàn chỉnh chính sách bảo đảm thực hiện tốt việc giao đất, thu đúng, thu đủ tiền thuê đất, sử dụng đất”.
“Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp, giải thể đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ chế giao khoán sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật”.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình kỳ họp với nhiều quyết định quan trọng. Để phát huy kết quả kỳ họp, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan, tổ chức tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực thi pháp luật và các quyết định mà Quốc hội đã đề ra.
Theo Tuổi Trẻ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét