Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Mấy trao đổi về tiểu luận “Từ động lực hóa đến động lực phát triển” của nhà nghiên cứu Đặng Hữu Hưng


Mấy trao đổi về tiểu luận “Từ động lực hóa đến động lực phát triển” của nhà nghiên cứu Đặng Hữu Hưng




Phạm Huy Thông (trái) và Đặng vũ Minh

Phạm Huy Thông : "Hôm hội thảo khoa học về “ Triết lý- Triết học - Minh Triết” ngày 1-11-2014 do Trung tâm Minh Triết và Trung tâm Khoa học tư duy tổ chức, tôi có hỏi GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn- người đã 13 năm là Viện trưởng Viện Triết học rằng: cuốn giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin” là khoa học gì? GS Chuẩn trả lời, GS đã đi hỏi Bộ Giáo dục đào tạo. Bộ nói có lẽ do Ban Tuyên giáo Trung ương. GS lại đi hỏi Ban Tuyên giáo thì nhận được câu trả lời: Chắc do mấy nhà triết học soạn. GS nói, chúng tôi là những nhà Triết học đây, có ai biết gì đâu. Vậy đấy là maphia, là mớ thập cẩm."




Kính thưa các nhà nghiên cứu và toàn thể Quý vị đáng kính!

Tôi thật sự bối rối khi GS.TS Tô Duy Hợp- Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS) mời tôi phản biện cho tiểu luận khoa học “Từ động lực hóa đến động lực phát triển” của Nhà nghiên cứu Đặng Hữu Hưng. Bối rối vì tôi là người nghiên cứu tôn giáo có chuyên môn hẹp là nghiên cứu văn hóa của đạo Công giáo. Còn vấn đề của nhà nghiên cứu Đặng Hữu Hưng thì đụng chạm đến nhiều ngành khoa học tự nhiên như Vật lý, Toán học, Tự động hóa, Sinh học, Điều khiển học… và lại còn quá “nhạy cảm” nữa, mà đây là những vấn đề mà tôi thực sự ít có am hiểu. Nhưng để không phụ lòng tin của GS Tô Duy Hợp nên tôi cũng xin có mấy trao đổi cùng tác giả tiểu luận.

Tiểu luận khoa học của nhà nghiên cứu Đặng Hữu Hưng ngắn chỉ có 7 trang A4 nhưng hàm chứa nhiều nội dung lớn.

- Tác giả “bác bỏ luận thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội” mà động lực tiến hóa của một nền kinh tế, xã hội là do độ chênh entropy giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất trong một phương thức sản xuất cụ thể”.

-Thứ hai, tác giả dẫn ra lời bình luận của GS Nguyễn Đăng Hưng phê phán sự lạm dụng thuyết tiến hóa của Charlos Darwin. Mặc dù khi trình bày về học thuyết này, tác giả có nêu ưu điểm và khuyết điểm nhất là sai lầm khi đưa áp dụng học thuyết tiến hóa vào lĩnh vực xã hội.

Trước hết, tôi cho rằng, trong khoa học không có vấn đề gì là chân lý vĩnh viễn nên các nhà nghiên cứu luôn đặt cho mình nhiệm vụ phải bắt đầu từ số 0, tức phải xem xét lại cả những vấn đề mà người trước đã khẳng định. Vì thế, khoa học luôn có những thành quả mới phủ định những kết quả trước đó. Đúng như F. Engel viết trong cuốn “Phép biện chứng của tự nhiên”: “Lịch sử khoa học là sự thay thế cái ngu dốt này bằng cái ngu dốt khác nhưng ngu dốt sau ít ngu dốt hơn”. Vì thế, tôi tán đồng việc tác giả xem xét, đánh giá lại những điều mà trước đây chúng ta tưởng là chân lý.

Tôi bắt đầu từ thuyết tiến hóa của Charlos Darwin.

Trong các cuốn sách triết học Mác Lênin vẫn luôn coi học thuyết này là phát minh vĩ đại trở thành 1 trong các phát kiến khoa học làm tiền đề khoa học cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Nó cũng là một luận cứ rất vững chắc để các nhà vô thần bác bỏ thuyết Sáng tạo của tôn giáo. Bởi vậy, không có sách báo nào ở nước ta nói tới chuyện học thuyết của Darwin có vấn đề không chuẩn xác. Học thuyết này dựa vào nghiên cứu so sánh về phôi thai học của Ernest Haeckel năm 1868 nói rằng các phôi thai cá, khỉ, chó và người giống hệt nhau thời kỳ đầu. Những hình ảnh này hiện vẫn in trong sách giáo khoa ở Việt Nam năm 2015. (Ví dụ sách Sinh học lớp 12, ấn bản 2015, tr.105). Nhưng thật ra chúng rất khác nhau, vì E Haeckel đã giả mạo chuyện này và năm 1901, ông đã phải thú nhận.
Các nhà nghiên cứu duy vật cứ mải mê chứng minh sự giống nhau của thai người với các động vật khác ví dụ bộ phận giống mang cá, hay cái đuôi động vật… Thực tế đó là cổ họng và xương sống của em bé.
Tạp chí khoa học nổi tiếng Science ra ngày 5-9-1997 đã viết bài: “ Những cái phôi của Haeckel: Vụ lừa đảo thế kỷ”. Các nhà khoa học đã liên tiếp đưa ra luận chứng để bác bỏ thuyết tiến hóa.
Về khảo cổ, theo thuyết tiến hóa, người văn minh mới có 10.000 năm nhưng các hóa thạch như đế dép tìm thấy ở Uta năm 1908 có niên đại 260-600 triệu năm. Hay miếng sa thạch có chiếc móng sắt tìm thấy ở Inchya, Anh năm 1844 có niên đại 40 triệu năm tuổi. Rồi chiếc dây chuyền vàng trong viên than tìm thấy ở Illinois năm 1891 có niên đại 300 triệu năm. Ngành cổ sinh học không thể tìm thấy dấu vết khỉ ở người, không tìm thấy bộ xương hóa thạch nào của người- khỉ cả.
Cấu trúc máu của người và khỉ hoàn toàn khác nhau và y học không thể truyền máu của khỉ cho người trong khi người da màu gì cũng truyền máu cho nhau được. Nguyên tắc sinh sản cũng bác bỏ thuyết tiến hóa. Người và khỉ có thể giao hợp nhưng không thể sinh con, trong khi con ngựa và con lừa có thể giao phối cho ra con la, dù con la không thể sinh sản. Mỗi loài có cấu trúc riêng không thể biến ra loài khác. Mèo không thể thành chó, chó không thể thành gà, cây mơ không thể thành cây táo và cây táo không thể ra cây mận được. Hóa thạch con cá vây tay, hay con gián có niên đại từ 50 triệu năm đến 400 triệu năm vẫn y chang như con cá vây tay hay con gián ngày nay. Đặc tính sau khi sinh không thể di truyền. Con gái Trung Quốc thường có tục bó chân để chân nhỏ nhưng thế hệ sau, con gái tộc này vẫn chẳng nhỏ chân hơn. Ngày 12-8-2005, tại Helssinki, Phần Lan, hơn 100 nhà khoa học quốc tế trong đó có nhiều người được giải Nobel đã ra tuyên bố: “Thuyết tiến hóa không có cơ sở khoa học vì dựa trên quá nhiều định đề và càng ngày với đà tiến triển của khoa học, càng được chứng tỏ là sai lầm”.
Một nhà khoa học Việt Nam là TS Vật lý Phan Như Ngọc tham dự hội nghị này, khi về đã gia nhập Kitô giáo thuộc giáo hội Tin Lành (1) vì thấy chính Darwin vẫn là tín đồ Kitô giáo. Darwin viết trong lời tựa cuốn “The orgins of spicies” rằng “người ta đã sử dụng tác phẩm của ông vì mục đích riêng của mình, đã cắt xén lời xác tín của ông: chỉ có Thiên Chúa mới ban cho tạo vật có hồn, tức có sự sống, nhất là con người có lý trí” (2). Rất tiếc những điều này, không được đề cập rộng rãi ở Việt Nam (miền Bắc và miền Nam sau năm 1975).

Tôi tán đồng với nhận định của GS Nguyễn Đăng Hưng: “Thuyết tiến hóa của Darwin đã bị lạm dụng, đánh tráo chứ không phải phát triển, hoàn thiện theo hướng khoa học chính danh”.

Về luận điểm chính, tác giả tiểu luận viết: “ Động lực tiến hóa là quy luật phổ quát vận hành cả trong tự nhiên và cả trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, nó cũng cung cấp cơ sở để bác bỏ sự ngộ nhận học thuyết đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội”. Vấn đề này, cũng như học thuyết tiến hóa, người ta đã tốn quá nhiều giấy mực để tranh luận với nhau hàng thế kỷ nay rồi, nên vấn đề không mới với diễn đàn khoa học quốc tế nhưng có lẽ mới với chúng ta. Vì nay có một nhà nghiên cứu nghiêm túc đưa ra cơ sở khoa học chứ không chỉ nói suông theo cảm tính.

Vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp là một nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử trong triết học Mác.
Tôi không có kiến thức về khoa học tự nhiên nên không dám lạm bàn về luận cứ của tác giả là đúng hay sai nhưng có những vấn đề về giai cấp ngày nay không còn như hồi Lênin định nghĩa nữa.
Vì theo Lênin: “ Giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế nhất định” (3).
Ngay trong một xã hội chưa phát triển như ở nước ta, ngày nay cũng khó chỉ ra giai cấp công nhân, nông dân vì công nhân, nông dân ngày xưa làm thuê, bây giờ theo lý thuyết họ đều là chủ đất nước, chẳng ai bóc lột ai, chẳng ai chiếm đoạt sức lao động của ai.
Hơn nữa ranh giới giữa các giai tầng người lao động chân tay và trí óc cũng mờ nhạt. Người công nhân có thể chế tạo máy bay, tàu ngầm, anh nông dân Hai Lúa chế tạo ra nhiều máy móc tinh xảo mà các nhà khoa học phải nể phục.
Đã không rõ ràng về giai cấp thì làm gì còn đấu tranh giai cấp. Các nhà lý luận hiện nay đưa nhận xét của Đặng Tiểu Bình cho rằng trong CNXH vẫn tồn tại giai cấp và những phong trào như chống tham nhũng, xây dựng chủ nghĩa xã hội…cũng đều là đấu tranh giai cấp cả (4).
Phải chăng vì muốn tạo ra các cuộc đấu tranh giai cấp làm động lực cho sự phát triển xã hội nên người ta phải tạo ra các cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc những thập kỷ 60 của thế kỷ XX?

Trong giáo trình Triết học Mác- Lênin ở ta đều viết rằng, triết học Mác- Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận duy nhất đúng đắn đưa đến chân lý khách quan.
Thời của tôi chưa có mã TS Tôn giáo học nên dù làm luận án về tôn giáo, tôi vẫn được cấp bằng TS Triết học nhưng tôi không dám dạy môn Triết học vì sợ lỡ có sinh viên giơ tay hỏi: Thưa thày, vậy phương Tây, Mỹ không học Triết học Mác Lênin, họ đi ra ngoài đường đều đâm vào ô tô cả sao? Trong khi đó họ có rất nhiều thành tựu mà riêng giải Nobel đâu có mặt những người học Triết học Mác Lênin?
Một giáo viên dạy Triết bảo tôi: Có cho ăn kẹo, sinh viên cũng không dám hỏi những câu cắc cớ thế. Nhưng tôi buồn vì sinh viên bảo nhau: Những đứa đạt điểm 7 môn Triết là đầu óc có vấn đề. Rồi sau môn thi Triết là sách vở Triết vứt đầy lớp ngay.
Hôm hội thảo khoa học về “ Triết lý- Triết học - Minh Triết” ngày 1-11-2014 do Trung tâm Minh Triết và Trung tâm Khoa học tư duy tổ chức, tôi có hỏi GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn- người đã 13 năm là Viện trưởng Viện Triết học rằng: cuốn giáo trình “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin” là khoa học gì? GS Chuẩn trả lời, GS đã đi hỏi Bộ Giáo dục đào tạo. Bộ nói có lẽ do Ban Tuyên giáo Trung ương. GS lại đi hỏi Ban Tuyên giáo thì nhận được câu trả lời: Chắc do mấy nhà triết học soạn. GS nói, chúng tôi là những nhà Triết học đây, có ai biết gì đâu. Vậy đấy là maphia, là mớ thập cẩm.
GS Chuẩn cũng nhắc lại lời của GS Bùi Thanh Quất- nguyên chủ nhiệm khoa Triết học của Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội rằng: người soạn cuốn sách trên chỉ là học sinh trung bình của khoa và không biết ngoại ngữ. Vậy mà cuốn sách đó bây giờ hành hạ không biết bao nhiêu thày và trò ở Việt Nam. Bây giờ môn này đã giảm tải không còn chiếm 19 học trình như trước nhưng lại đưa vào thi điều kiện tốt nghiệp đại học nên lại tiếp tục làm khổ sinh viên trong khi sinh viên rất thiếu thời lượng thực hành.
Tôi đề nghị nếu bộ môn này thực sự quan trọng để làm việc thì tất cả những ai đi học ở nước ngoài về đều buộc phải học môn này mới được phân công công tác, còn nếu không cần thiết thì đừng làm khổ sinh viên Việt Nam nữa.

Hiện đã có không ít những nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu lên tiếng xem xét lại nội dung và kết cấu chương trình giảng dạy bộ môn Triết học Mác Lênin nói riêng và lý luận chủ nghĩa Mác nói chung.
Nhân buổi trao đổi hôm nay, tôi thấy đây là việc làm cần thiết, cấp bách khi chúng ta bước vào hội nhập với thế giới.

Xin cảm ơn Quý vị đã lắng nghe.

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2015

TS. Phạm Huy Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét