Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

LỀ PHẢI KHÔNG ĐĂNG, DÂN ĐỌC LỀ TRÁI


ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: LỀ PHẢI KHÔNG ĐĂNG, DÂN ĐỌC LỀ TRÁI


Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa:
'Thông tin lề phải không đăng người ta đọc lề trái'


VNE
Thứ năm, 26/11/2015 | 16:59 GMT+7

Góp ý cho dự luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26/11, một số đại biểu lo lắng cơ quan báo chí trong nước có thể bị các tập đoàn truyền thông nước ngoài, mạng xã hội lấn lướt nếu không được cung cấp thông tin chính thống và khả năng tài chính đủ mạnh.

Quyền tự do báo chí và ngôn luận được đề nghị làm rõ
Đại biểu đề nghị giảm chi ngân sách cho báo chí

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hạn chế quyền tự do báo chí trong nước và quyền tự do dân chủ của công dân, vô tình tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài phát huy vai trò của họ. “Chức năng của báo chí là thông tin, giám sát và phê phán chứ không chỉ khen và ca ngợi, tất nhiên phải đúng và hợp lý. Pháp luật quốc tế cũng thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và họ cũng quy định giới hạn như thế nào”, đại biểu Nghĩa nói.




Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị dự luận lưu ý đặc trưng của xã hội công nghệ.
Ảnh: Giang Huy.
Theo đại biểu Nghĩa, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, nếu quản lý không hợp lý, không khôn ngoan, không dân chủ thì tưởng chừng như chặt chẽ, nhưng phản tác dụng, gậy ông đập lưng ông. "Ví dụ, báo trong nước không đăng thì người ta đọc báo nước ngoài, lề phải không đăng người ta đọc lề trái, báo không đăng thì người ta lên Facebook, chẳng lẽ cứ mỗi lần như thế chúng ta lại cấm", ông nói.

Ông đề nghị trên cơ sở dự thảo, từ nay cho đến lúc ban hành cần nghiên cứu lại rất kỹ và đặc biệt lưu ý đặc trưng của xã hội ngày nay, của các tầng lớp thanh niên, lớp trẻ, đặc trưng công nghệ ngày nay; nếu quản lý quá chặt thì "đôi khi không được gì hết”.

Đưa ra hình tượng báo chí hiện nay phải đi bằng 2 chân (phục vụ mục đích tôn chỉ tờ báo và doanh nghiệp tự chủ kinh tế), đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, 2 cái chân đôi khi không cùng hướng, thậm chí dẫm lên nhau khiến báo chí khó tiến lên.

Do đó, nếu không tạo một hành lang đủ mạnh để báo chí tự chủ và tích lũy về kinh tế thì không có sức cạnh tranh thông tin với các tập đoàn truyền thông lớn ngay tại sân nhà. “Một thế hệ trẻ sẽ thích nghi với các kênh truyền thông nước ngoài và không còn quan tâm, quay lưng với hệ thống báo chí trong nước nếu chúng ta không kịp đổi mới, tăng cường sức mạnh cho báo chí”, đại biểu Thường cảnh báo.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn nhằm cung cấp thông tin đầy đủ để các cơ quan báo chí có thể thông tin kịp thời tình hình đất nước đến công chúng, không để lại khoảng trống thông tin cho những suy nghĩ, đồn đoán đến từ nguồn không chính thống.

Theo bà Trang, một trong những khía cạnh thể hiện quyền tự do báo chí là việc chỉ đạo định hướng thông tin. “Các cơ quan báo chí không ngại khó nhưng thật lòng mà nói những người đứng đầu các tòa báo cũng rất dễ mất ngủ khi nhận tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi bài báo sắp qua nhà in”, đại biểu Trang nêu thực tế.


Võ Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét