Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Phê phán chính phủ việc đón tiếp Tập Cận Bình


Nguyễn Khắc Mai - Phê phán chính phủ việc đón tiếp Tập Cận Bình

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Ba, ngày 10 tháng 11 năm 2015 | 10.11.15

Tập Cận Bình đã xéo về nước, nhưng việc đón tiếp họ Tập cần được phê phán.

Chính phủ phải thấy trách nhiệm của mình. Dẫu sao, Chính phủ vẫn là kẻ có tóc, là cơ quan hành pháp cao nhất nước. Để xảy ra những lỗi lầm khi đón Tập, Chính phủ đã có lỗi với quốc dân.




Xe đón Tập Cận Bình mang biển số 0079. Nguồn: linkhay.com


Thứ nhất, Tập mang xe sang lại đeo biển số 0079. Đây là thông điệp xảo trá của Tập, hắn đe Việt Nam rằng “liệu cái thần hồn, bài học 1979” còn đó. Tại sao ngoại giao không biết nói, đây là vấn đề tế nhị, TQ nên thay cái biển số ấy đi. Tuy nhiên cái tiêu cực lại cũng có cái hay. Đó là mọi người sẽ thấy cái dã tâm của họ Tập. Có thể là người dân sáng suốt hơn Chính Phủ chăng? Một biểu hiện ngạo mạn thâm độc như vậy mà cũng không dám đấu tranh.

Ừ thì nên lịch sự. 21 phát súng chào theo quy ước quốc tế, trải thảm đỏ như bao cuộc đón tiếp khác, cũng được đi. Nhưng sao lại rắc hoa đón một tên kẻ cướp! Ai bày trò này, có phải là ban đối ngoại của đảng do Hoàng Bình Quân theo lệnh Nguyễn Phú Trọng mà làm không? Sao Chính phủ không ngăn cái thái độ hèn hạ ấy? Tuy thế, điều này cũng có cái hay là nó lột trần cái lệ thuộc thiên triều của ban lãnh đạo đảng, nó khẳng định nụ cười hớn hở như kẻ nhà quê bắt được của Nguyễn Phú Trọng.

Ừ thì một số kẻ trong ban lãnh đạo của đảng đã tỏ rõ từ lâu thái độ quỵ lụy, thần phục thiên triều đại Hán Cộng sản Trung Hoa, nhưng Thủ tướng tại sao lại không tìm những lời mềm mại nhưng rõ ràng về thế nào là ổn định trên biển Đông, cũng có thể tế nhị nhưng rõ ràng, nêu ra cái bất đồng giữa Trung Hoa và Việt nam không hề là tiểu tiết, nó là vấn đề chủ quyền của dân tộc mà hai bên phải hành xử đúng đắn theo luật pháp và đạo lý. Cả vấn đề ngư dân bị Trung Quốc ức hiếp, cướp bóc theo lối hải tặc cũng không dám nói cho rõ ràng.

Có thể Thủ tướng không biết bài học lịch sử từ đời Trần. Bấy giờ nhà vua sai tướng Trần Khắc Chung đến trại của Ô Mă Nhi để vừa hòa hoãn, vừa do thám. Ô Mã Nhi chất vấn, cớ sao quan quân nhà Trần lại xăm hai chữ sát thát (giết quân Thác đát, Hung nô). Tướng Chung đã đối đáp, đấy không phải chủ trương của triều đình, mà vì quân tướng của thiên triều cướp hiếp dân lành nên họ nổi giận mà làm. Khi tướng Chung ra về, Ô mã Nhi sai quân đuổi theo giết, nhưng không kịp.

Có phải tư duy thần phục thiên triều của những người cầm đầu của đảng, khiến cho Thủ tướng đã mất điểm trong lòng dân, đã làm mất chút hào khí khi tuyên bố không đánh đổi chủ quyền bằng một thứ hữu nghị viễn vông, mà gần đây “ba tên bán tơ” đã theo lệnh ai đó đàn hặc khiến Thủ tướng phải e dè chăng? Tôi nói thái độ thần phục Trung Hoa của một nhóm lãnh đạo là có cơ sở. Thái độ và phát biểu của Nguyễn Phú Trọng vừa rồi là rất tiêu cực, có hại nhiều cho Đất nước.

Hơn nữa, năm ngoái khi chúng tôi cùng Thành ủy Đà nẵng tổ chức tưởng niệm 40 năm mất Hoàng Sa, dự định huy động 1974 thanh niên cầm nến xếp hình Tổ quốc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nổi trống chiêng, đọc văn tế các chiến sĩ bỏ mình để bảo vệ Hoàng Sa, công việc đã bố rí xong xuôi thì Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh gọi điện cho bí thư Trần Thọ yêu cầu hủy bỏ cuộc đốt nến và đọc văn tế tưởng niệm, nói rõ là lênh của Bộ Chính trị, hơn nữa là có giây nói cấp cao nhất của Trung Quốc cho cấp cao nhất của Việt nam yêu cầu bỏ cuộc tưởng niệm! Cấp dưới đã phải phục tùng trung ương và có ủy viên thường vụ đã khóc khi truyền đạt với chúng tôi lệnh của ban tuyên giáo TƯ.

Bây giờ hẳn Thủ tướng đã thấy rõ hơn bộ mặt của Tập Cận Bình. Chính Khổng tử từ xưa đã có câu nói, chớ tin những kẻ “xảo ngôn lệnh sắc”, nghĩa là kẻ có mẽ ngoài như Mã Giám sinh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, mà họ Tập rất cố ý, đầu chải gôm bồng lên đen nhánh. Còn lời lẽ thì nào là thơ Hồ Chi Minh, nào lời Vương Bột, nào Trung Hoa không có gien xâm lược! Nào chữ “hòa”, chữ “tín”… Nói trau chuốt nhưng mập mờ, lại còn thâm hiểm, ngạo mạn, khi dẫn lời Vương Bột ,ở ngoài biển nhìn rộng, lên Thái sơn nhìn xa, mọi sông núi đều chầu về, như mọi nước nhỏ phải hướng theo “đại cục” của Trung Hoa! Hơn nữa, vừa rời Việt Nam sang Singapore hắn không úp mở tuyên bố “Xin hãy để tôi nói rõ, những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Hoa kể từ thời xa xưa… Chính quyền Trung hoa có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Hoa…”

Rõ ràng người dân không hề có ảo tưởng đối với họ Tập cũng như chính sách “hải tặc”của chúng. Rõ ràng hành động và thái độ của thanh niên và người dân biểu tình, mít tinh phản đối họ Tập, vạch trần hành động và thủ đoạn kẻ cướp, xâm chiếm chủ quyền và Biển Đảo của chúng ta là thái độ chính nghĩa, thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc. Ở các nước có văn hóa, một khi vì một lẽ nào đó mà chính phủ không thể nói rõ với đối phương, người ta biết cách âm thầm yểm trợ cho dân chúng bày tỏ thái độ. Chính những hành động ấy của nhân dân vừa là giữ thể diện quốc gia, lại vừa mạnh mẽ hỗ trợ cho đàm phán của Chính phủ. Ngược lại Chính phủ ta do Thủ tướng cầm đầu đã không đi cùng với dân trong nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, lại dung túng cho chính quyền địa phương, Hà Nội và Sài gòn cho công an hành xử thô bạo, vô văn hóa, đánh đập dã man những người biểu tình yêu nước. Tự Chính phủ đã làm một việc rất sai trái, vừa xâm phạm một tình cảm thiêng liêng của người dân đối với vận mệnh của non sông, đất nước, vừa làm cho kẻ thù chắc mẫm đã dắt dây xỏ mũi được chính quyền Việt Nam.

Để sữa sai lầm đó, yêu cầu Thủ tướng:

Một là phê bình cảnh cáo những chính quyền địa phương đã dung túng cho công an hành xử vô văn hóa với những người biểu tình yêu nước.

Hai, Thủ tướng nên có lời xin lỗi nhân dân. Điều này càng làm tăng uy tín của Chính phủ và của Thủ tướng. Nên làm, rất nên làm.

Ba là nên cắt bỏ kinh phí đầu tư xây những tượng đài vô bổ, cắt giảm những khoản chi phí hình thức vô tích sự, đầu tư đầy đủ cho việc tập hợp bộ hồ sơ, tư liệu về lịch sử, về pháp lý những vấn đề chủ quyền Biển Đảo của Việt Nam, khuyến khích những hoạt động dân sự lên án, tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới những vi phạm chủ quyền, những hành động hải tặc của phía Trung Quốc với ngư dân ta làm ăn sinh sống trên biển. Hãy hoàn chỉnh bộ hồ sơ về Biển Đảo, sẵn sàng đưa Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế như Philippines đã làm và có kết quả bước đầu.

Để tỏ rõ là Chính phủ của Dân, của Dân tộc, hãy kịp thời sữa chửa những sai lầm. Làm như thế sẽ có được tín nhiệm vốn đã mất nhiều trong lòng Dân.


Nguyễn Khắc Mai


(Ba sàm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét