Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Chế độ Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam sẽ sụp đổ nếu như Hoa Kỳ đi đúng hướng?


Nguyễn Hòa Bình - Chế độ Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam sẽ sụp đổ nếu như Hoa Kỳ đi đúng hướng?


Đăng bởi Ha Tran on Thứ Tư, ngày 04 tháng 11 năm 2015 | 4.11.15

Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất vị trí số 1 về sức ảnh hưởng đối với thế giới, sự mất mát đó sẽ kéo nền kinh tế và vị thế quân sự suy yếu theo và sự hỗn độn trật tự thế giới gây ra những cuộc chiến không đáng có. Chủ nghĩa thực tiễn của người Mỹ trong suốt thời gian qua (1974-2015) đã nuôi dưỡng những chế độ Cộng Sản độc tài còn sót lại trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam đang đóng vai trò đồng minh chiến lược cho Trung Quốc, cũng đã tận dụng chủ nghĩa thực tiễn phát triển kinh tế bất chấp mọi hậu quả để chạy đua võ trang. Trung Quốc đã có mục đích bành trướng quân sự vào những năm 1974 khi đánh chiếm Hoàng Sa và càng ngày lộ rõ dã tâm hơn khi chiếm nốt và quân sự hóa trên các đảo Hoàng Sa-Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Người Mỹ là người hiểu rõ "vấn đề Trung Quốc" trong tương lai hơn bất kỳ ai hết và họ biết phải làm gì để kiếm chế, bởi những vụ bê bối chính trị của tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon (nhiệm kỳ 1969-1974) có liên quan đến sự tồn vong của Trung Quốc. Nhưng thực tế, trong suốt thời gian qua người Mỹ không thể kiềm chế Trung Quốc để rồi chính Trung Quốc của ngày hôm nay đang đe dọa vị thế chính trị của người Mỹ.

Chính sự yếu kém của chính quyền Obama đã làm trầm trọng thêm vấn đề dẫn đến những bế tắc chính trị về đối thoại ngoại giao và bố trí lực lượng quân sự nước nhà trên thế giới. Tôi đã từng phân tích và nhận định cuộc chiến tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông sẽ không xảy ra. Có quá nhiều lý do để dập tắt ý định "nã pháo từ một bên" để dẫn đến xung đột : Người Mỹ và người Trung Quốc trong thâm tâm họ không muốn chiến tranh; với nền quân sự hiện nay của Hoa Kỳ vẫn không thể thực hiện một chiến dịch "phủ đầu chớp nhoáng", cuộc chiến kéo dài sẽ gây tổn thất nặng nề cho cả hai quốc gia; sự tổn thất của hai quốc gia sẽ là cơ hội cho các nước NATO và Nhật Bản tiến lên dẫn đầu; giữa hai cường quốc hạt nhân không thể xảy ra xung đột, đó là một thảm họa cho cả thế giới.

Việc Mỹ đưa tàu tuần tra vào khu vực cách quần đảo Trường Sa 12 hải lý không nói lên điều gì đến vấn đề "xung đột" sẽ xảy ra, một việc làm "đã quá muộn". Người Mỹ vẫn dùng luật pháp quốc tế đối phó với Trung Quốc và chính quyền Obama vẫn cố gắng đeo đuổi chính sách đối thoại ngoại giao với Trung Quốc. Điều đó càng minh chứng chính quyền Obama rất bế tắc, lại càng chứng minh rằng quân sự Hoa Kỳ không phủ đầu được Trung Quốc, có quá nhiều rủi ro cho "cuộc chiến đại họa" này.

Nhưng cuộc chiến Trung-Mỹ không xảy ra sớm thì Trung Quốc sẽ bành trướng ở chuỗi đảo thứ 1 răn đe chuỗi đảo thứ 2 (Guam) và đẩy xa các hạm đội hải quân bằng các tên lửa chống hạm và lực lượng tàu ngầm và răn đe lãnh thổ Hoa Kỳ bằng lực lượng tàu ngầm hạt nhân hùng hậu. Người Mỹ đang bế tắc hoàn toàn ...trước một Trung Quốc mà chính họ là người đã nuôi dưỡng.

Chủ nghĩa thực tiễn cần phải được người Mỹ lên án và xóa bỏ bằng mọi giá trong ngày hôm nay. Bên cạnh đó, người đồng cấp Putin đã quay trở lại đúng lúc. Chiến trường Syria đã được chính quyền Putin tận dụng tốt cơ hội hơn chính quyền Obama, sức ảnh hưởng quân sự của người Mỹ trong khu vực Trung Đông-Châu Âu đã không còn mạnh so với cuộc chiến tranh vùng vịnh thứ 3 và thời chiến tranh lạnh.

Chính quyền Obama đã rút toàn bộ quân lực ra khỏi Afghanistan để rồi tạo ra những khoảng trống cho lực lượng IS phát triển, tạo sức ảnh hưởng ở Syria và gây sức ép cho chính sách "xóa sổ chế độ Al-Assad". Một quyết định không sáng suốt nữa của ông chủ nhà trắng Obama đã gây ra một tai họa nữa ở Châu Á. Vấn đề để giải quyết mọi vấn đề đang bế tắc cho người Mỹ không gì khác ngoài chính sách đối thoại ngoại giao và vấn đề quân sự. Nếu họ đi đúng hướng về chính sách ngoại giao và vứt bỏ căn bệnh thực dụng để chấp nhận rủi ro cho một cuộc xung đột ở Syria với Nga, mọi chuyện sẽ khác trong tương lai.

Về chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương, rõ ràng người Mỹ đang gặp vướng phải vấn đề "rủi ro lớn" khi xảy ra xung đột với Trung Quốc. Các tư bản Mỹ không có lý do gì phải tài trợ những rủi ro quá lớn cho một cuộc chiến không hồi kết, thậm chí là cuộc chiến lan rộng ở các chiến trường Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam và cuộc chiến hạt nhân. Mỹ phải tìm đồng minh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, không phải Úc và Philippines mà đó chính là Nhật Bản. Việc Úc và Philippines ủng hộ Hoa Kỳ kiềm chế Trung Quốc chỉ mang tính chất minh họa và cổ vũ bắt buộc. Mỹ phải giữ lập trường kiên quyết không chia sẻ những lợi ích với Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên diễn tập với Nhật Bản và đồng minh để kiểm soát việc quân sự hóa trên chuỗi đảo thứ 1 (Hoàng Sa-Trường Sa).

Việc Obama kè kè để đối thoại với ông Tập Cận Bình là một việc làm hết sức "kỳ cục", nó thể hiện sự bế tắc quá rõ trước một Trung Quốc không còn đường lui và Trung Quốc sẽ lấn tới là lẽ đương nhiên. Nếu xảy ra xung đột, Úc và Philippines không thể nào là hậu cần vững chắc cho Hoa Kỳ mà hậu cần của người Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương chỉ có thể là người Nhật. Nhật Bản với một nền kinh tế thứ 3 thế giới, một nguồn ngân sách cực kỳ lớn có thể chia sẻ những rủi ro khi xung đột xảy ra và chạy đua võ trang để kiềm kẹp Trung Quốc. Hoa Kỳ không thể lôi kéo Nhật Bản khi chưa sòng phẳng với người Nhật, chiêu trò tiên phong để các đồng minh theo đuôi Hoa Kỳ đã không còn tác dụng. Người Nhật muốn tự lực bành trướng quân sự, trong thực tế chính quyền Shinzo Abe đã nhìn ra điều đó và đang tận dụng để theo đuổi một chính sách bành trướng quân sự "có lợi ích quốc gia" được sự ủng hộ từ phía nhân dân Nhật Bản.

Hoa Kỳ sẽ bật đèn xanh cho Nhật Bản bành trướng quân sự và sở hữu vũ khí hạt nhân là điều tất yếu. Bên cạnh đó là cánh tay đắc lực giấu mặt cho người Mỹ lôi kéo chính quyền Hà Nội ngã về Nhật Bản-Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc dễ dàng hơn bằng cách viện trợ tàu cảnh sát biển và những gói vay ưu đãi như chúng ta đã thấy. Trong khoảng thời gian 5 năm, với nền công nghệ quân sự tiên tiến và nguồn ngân sách dồi dào, việc chạy đua võ trang của người Nhật chỉ còn là những hằng số.

Lãnh đạo kế tiếp của Đảng CSTQ sẽ vướng phải vấn đề nan giải của người Mỹ trong quá khứ là có quá nhiều rủi ro, thậm chí là "chết chắc" cho cuộc xung đột. Bên cạnh đó nội bộ Đảng CSTQ đã phân hóa mạnh, những đổ vỡ về các vấn đề môi sinh, các vấn đề bất ổn chính trị sẽ khiến Đảng CSTQ sẽ dừng "giấc mộng Trung Hoa" thậm chí là sụp đổ thể chế, lôi kéo theo sự sụp đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam.

Mỹ không thể phó thác cho Nga muốn làm gì thì làm ở Trung Đông, gánh nặng của Hoa Kỳ và Châu Âu trong tương lai không phải là vấn đề Syria hay khủng bố IS mà đó là vấn đề "hạt nhân hóa" Trung Đông. Iran là mối lo ngại lớn trong khu vực, cuộc chiến hồi giáo sẽ tồi tệ hơn khi Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ phải chấp nhận rủi ro tham chiến lật đổ cho bằng được chính quyền Al-Assad để lấy lại vị thế trong khu vực và lôi kéo đồng minh Châu Âu trở lại chiến trường. Một cuộc chiến trong tầm tay của người Mỹ, không gặp phải vấn đề hạt nhân giữa hai cường quốc.

Nền kinh tế Nga sẽ lao dốc trong tương lai và dự trữ tiền tệ cũng sẽ hết vào năm 2016. Mục đích của Nga trong chiến lược Syria chỉ muốn lấy lại phong độ cho người Nga chứ không phải là "ý đồ tham chiến lâu dài" trên chiến trường Syria. Bằng chứng khiến người Mỹ yên tâm cho cuộc chiến là Nga đang tìm giải pháp đối thoại cho vấn đề Syria. Chỉ có phủ đầu Syria bằng một cuộc chiến "đích thân người Mỹ tham chiến" mới đủ sức răn đe Iran, người Iran thừa hiểu rằng họ sẽ là con mồi kế tiếp thậm chí là một chiến trường cho những vũ khí hiện đại nhất vừa mới ra lò của nền quốc phòng Hoa Kỳ (2020-2025).

Đánh bật Nga ra khỏi chiến trường Syria, Nga chỉ còn là một lãng tử trong khu vực Trung Đông và là một gã rảnh việc trong chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương để kiềm kẹp Nhật Bản trong tương lai với vai trò bảo vệ lãnh thổ phía Đông. Người Mỹ vẫn tiếp tục thống lĩnh thế giới và Nhật Bản giữ vai trò ngang hàng với Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ có những chuyển biến lớn về tư tưởng, họ lại có quá nhiều việc để làm để khắc phục mọi đổ vỡ do Đảng Cộng Sản Trung Quốc gây ra.

Số phận nghiệt ngã của hai quốc gia Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian nếu như người Mỹ đi đúng hướng. Chính quyền Hà Nội đang hả hê cho sự tồn tại dựa dẫm vào người anh hai Trung Quốc, đó là một sai lầm ...một sai lầm bi đát của bọn tay sai tham lam và ngu dốt.

Nguyễn Hòa Bình

(Thông Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét