Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015
Bản chất là nhận hối lộ nhưng sao xử tội nhẹ hơn?
Bản chất là nhận hối lộ nhưng sao xử tội nhẹ hơn?
Reply
Diễn đàn, Huỳnh Ngọc Sĩ, hối lộ, RPMU, tham nhũng
1.11.15
Vụ hối lộ ở Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) mà TAND TP Hà Nội vừa xử sơ thẩm đã tạm khép lại với bản án cao nhất 12 năm tù dành cho bị cáo đầu vụ Phạm Hải Bằng, nguyên phó giám đốc RPMU.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng của nhân dân về việc xét xử của tòa án cấp sơ thẩm đã thành thất vọng. Bởi từ khi phát hiện vụ án, dư luận hy vọng rằng vụ nhận hối lộ này sẽ được xét xử nghiêm minh như các vụ án tương tự. Nhưng không hiểu sao sau đó cơ quan tố tụng không xử các bị cáo về tội nhận hối lộ mà lại xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ - một tội danh nhẹ hơn nhiều so với tội nhận hối lộ!?
Theo nhận định của tòa thì do các tài liệu, chứng cứ từ phía Nhật Bản cung cấp sang Việt Nam chưa làm rõ hành vi nhận hối lộ của các bị cáo. Phía Nhật Bản cũng chỉ xử lý nhà thầu JTC về tội cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ.
Vậy là việc định tội của tòa án đối với các bị cáo về tội danh gì lại phụ thuộc vào phía Nhật Bản chứ không căn cứ vào BLHS của nước ta!?
Đây không phải lần đầu tòa án Việt Nam xét xử một vụ nhận hối lộ liên quan đến đối tác - người đưa hối lộ là người nước ngoài. Trước đây chúng ta từng có “tiền lệ án” rồi, đó là vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ (ông Sĩ bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân, sau tòa phúc thẩm giảm xuống 20 năm tù về tội nhận hối lộ). Hai vụ án này xét về bản chất chẳng có gì khác nhau, cũng nhận tiền hối lộ từ đối tác nước ngoài, cũng cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, VKSND Tối cao làm cáo trạng.
Chẳng cần phải chứng minh hay lập luận nhiều thì ai cũng biết các bị cáo thuộc RPMU nhận tiền của phía Nhật là để không làm một việc nào đó vì lợi ích từ phía nhà đầu tư. Dù có núp dưới bóng là “tiền hỗ trợ” hay tiền “bôi trơn” thì bản chất vẫn là của hối lộ. Trong phần kiến nghị, TAND TP Hà Nội cũng đã nêu rõ: “Các bị cáo đã sách nhiễu nhà thầu Nhật Bản, cụ thể JTC nhiều lần phải đưa tiền cho BQL dự án”. Chỉ có tội nhận hối lộ mới có hành vi “sách nhiễu”, chứ tội lợi dụng chức vụ không có sách nhiễu vòi tiền.
Nếu cho rằng do cơ quan điều tra không chứng minh được số tiền từ nhà thầu JTC (Nhật) đưa cho các bị cáo RPMU dùng vào việc gì, còn phía người đưa tiền không có yêu cầu gì cụ thể nên chỉ truy tố, xét xử về tội lợi dụng chức vụ… thì e không ổn. Bởi ở vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng thế, ngay từ đầu ông Sĩ đã không nhận mình có hành vi nhận tiền từ phía nhà thầu Nhật Bản. Trong vụ án này, nhà thầu đã nói rõ phải đưa tiền để khỏi bị làm khó dễ. Đây chính là dấu hiệu của tội nhận hối lộ, sao lại còn băn khoăn?
Khi đã chứng minh được các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của nhà thầu JTC thì cần gì phải chứng minh phía JTC có phải yêu cầu gì cụ thể? Việc các bị cáo của RPMU dùng tiền đó vào việc gì, chi hội họp, thưởng tết hay thậm chí làm từ thiện… không phải là dấu hiệu để loại trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo về tội nhận hối lộ. Còn việc nhà nước Nhật Bản chỉ xử những người đưa tiền của các nhà thầu JTC về tội cạnh tranh không lành mạnh hay tội gì đó thì có liên quan gì đến việc định tội đối với các bị cáo của RPMU? Vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng vậy, tại sao cứ đòi hỏi phải xử người đưa tiền về tội đưa hối lộ thì mới xử người nhận tiền về tội nhận hối lộ? Mặt khác, nước Nhật có pháp luật riêng của họ, sao ta lại phải căn cứ vào việc Nhật Bản xử lý nhà thầu để xác định tội danh đối với các bị cáo?!
Việc chỉ xử các bị cáo thuộc RPMU về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn rõ ràng không đúng bản chất của vụ án, không có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm, nhất là trong tình hình chống tham nhũng hiện nay. Chưa nói đến việc xét xử như vậy là không công bằng với những trường hợp khác đã bị xét xử về tội nhận hối lộ. Dư luận mong rằng các cơ quan tố tụng và Quốc hội hãy nhìn nhận lại để pháp luật được áp dụng thống nhất. Xét xử đúng người nhưng phải đúng tội thì mới đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao)
Theo Pháp Luật TP.HCM
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét