Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Về hưu nói hay (2)


Trương Duy Nhất - Về hưu nói hay (2)

Trương Duy Nhất
Theo Một Góc Nhìn Khác


Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương.
Trước hết, mời bấm đọc hai bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương: “Nếu không đổi mới, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa” và “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu“.
* * *
Tôi biết ông. Đã từng nhiều lần phỏng vấn, chất vấn, thậm chí… tra kích ông. Công bằng thì Vũ Ngọc Hoàng là nhân vật có tư duy. Ông sẽ được việc nếu được trọng dụng. Tiếc là từ khi rời ghế Bí thư Quảng Nam ra Ba Đình suốt hai nhiệm kỳ qua, ông toàn bị ném vào những chỗ không thực quyền, có cũng như không, chẳng vai trò gì. Trong khi những tay ất ơ dưới trướng và dưới tầm ông đứa nào đứa nấy lần lượt vượt mặt.
Đã có thời cùng lúc hai chiếc ghế được kê sẵn mời ông chọn: Phó Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư. Nhưng gần sát lại bị gạt lui vì… lý do sức khoẻ (ông từng bị một cơn tai biến nặng tưởng đi khi đương nhiệm Bí thư Quảng Nam). Từ đó, mỗi bận soạn bàn chuyện cất nhắc ông, cánh đàn em lại lôi “chuyện sức khoẻ” này.

Một nhân vật có thời tưởng như dành cất cho ngôi vị tứ trụ, hơn 10 năm qua bỗng mờ nhạt chìm khuất đến mức chẳng ai còn nhớ, biết ông là ai, làm gì.
Mấy tháng gần đây (chỉ vài tháng thôi) đột nhiên ông… trỗi dậy! Những bài viết, những phát ngôn gây cả sự chú ý lưu tâm của các hãng truyền thông quốc tế.
Ông viết, ông nói, ông phán khi biết chắc chỉ còn vài tháng nữa thôi sẽ giã từ Ba Đình về lại Quảng Nam “vui thú điền viên”.
Cũng như lúc Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An mới nghỉ hưu. Cũng như ông Vũ Quốc Hùng cựu Phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban kiểm tra trung ương hiện đang rất hăng trên các trang báo. Cũng như ông Phạm Thế Duyệt, cựu Thường trực Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận.
Họ chỉ dám mở mồm khi cầm chắc trong tay cái… quyết định hưu.
Nhiều khi, trong rất nhiều sự thể chỉ cần một tiếng nói, một ai đó trong hàng ngũ họ lên tiếng. Tôi kỳ vọng và chờ mong nhiều ở sự lên tiếng của một ai đó trong lớp thượng tầng ấy. Nhưng tất cả câm lặng. Có kê xà beng nạy mồm cũng chịu.
Họ chỉ mở mồm, chỉ lên tiếng, thậm chí rất hay khi đã hưu, khi tiếng nói của họ chẳng còn chút gram nào.
Ấy là cái bệnh về hưu nói hay.
Tôi thích cách nghĩ của ông Bường (Nguyễn Bường, cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Trị – bấm đọc lại bài: Ông Bường và những huyền thoại nhậu). Hỏi hưu rồi ông có… tham gia gì với địa phương? Ông cười: nghỉ rồi để yên cho lớp trẻ nó làm, ý kiến ý cò mần chi. Mà hưu rồi nói ai thèm nghe. Lúc đương chức mình cũng vậy, có thèm nghe ai nói đâu. Giả vờ nghe nhưng bỏ ngoài tai hết. Vậy nên giờ nói làm gì. Không ích gì mà chúng thêm ghét. Vui với cháu con, viết sách hay đi nhậu cho khoẻ!
Tôi đặt bài này là “Về hưu nói hay 2” bởi đã có một bài về hưu nói hay từ rất lâu rồi.
– Bấm đọc lại bài viết cũ: Về hưu nói hay (1).- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150910/truong-duy-nhat-ve-huu-noi-hay-2#sthash.sffqVfkG.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét