Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Hiểu sao về những phát ngôn của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng


VNTB - Hiểu sao về những phát ngôn của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng
1 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Lê Kiên
chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng, Phát ngôn, VNTB, Đối diện
17.9.15

Đinh Liên (VNTB) "Đủ thứ phí thế này người ta sống sao nổi?" – câu nói xuất phát từ chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, chứ không phải một dân thường hay vị Đại biểu Quốc Hội thẳng thắn nào đấy thường được báo chí trích dẫn.


Điều đặc biệt, vị Chủ tịch Quốc Hội đã thẳng thắn về quan điểm thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, "Chúng ta là kinh tế thị trường, đâu chỉ có một cái công ty nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu. Kinh tế thị trường, các đồng chí quy định điều kiện gì thì kể ra đây, ai đủ điều kiện thì người ta làm." - Như vậy, giá trị của sự "cạnh tranh" được vị Chủ tịch Quốc Hội gián tiếp thừa nhận, và điều này so với quan điểm trước đó của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có phần tương đồng, loại bỏ tính báo cấp và ưu ái đặc biệt đối với chủ thể doanh nghiệp nhà nước, như cái cách ông từng ủng hộ "đặc biệt" với tập đoàn Vinashine trước đó.


Ông Chủ tịch Quốc Hội cũng là người vừa qua đã đưa một trong những yếu tố Luật mơ hồ trong Bộ luật hình sự, vốn thường hay áp dụng với người bất đồng chính kiến ra tham vấn. Khi ông cho rằng, phải làm rõ thế nào là tuyên truyền chống phá nhà nước, bởi theo ông, "Không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được".


Những chuyển biến từ việc đặt trách nhiệm lên toàn dân qua câu nói bất hủ, "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai", khi ông cho biết, "Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, "cách chức đi, kỷ luật đi", ngày mai thấy sai chỗ kia, "cách chức đi, kỷ luật đi", lấy ai mà làm việc các đồng chí"... Nay ông Nguyễn Sinh Hùng chuyển sang lo hơn về đời sống và quyền tự do – dân chủ của người dân.


Như vậy, sau chừng 3 năm, kể từ thời điểm ông nhận giữ chức Củ Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (2011-2016) với 91,4% phiếu bầu, người ta mới nhận thấy ông đã trở nên biết, "gắn bó và lắng nghe ý kiến của nhân dân " như trong lời phát biểu nhậm chức.


Phải chăng, sau 3 năm, với quá nhiều "khiếm khuyết về trí, tầm nhìn" trong ý kiến chỉ đạo và điều hành Quốc Hội, các vấn đề liên quan đến luật pháp, phòng chống tham nhũng, xây dựng nền kinh tế ở vị trí là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất của dân. Ông Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đã "nhận sai" và đang "sửa sai"?


Nhưng nhiều người không nhghĩ vậy, khi trích dẫn những câu nói "vì dân" của không ít vị quan chức trước khi rời nhiệm, họ cho rằng đấy là sự "mị dân", là cách để "gây dấu ấn cá nhân" nhiệm kỳ hơn là một sự nhận thức thực sự trong Dân. Bởi sống trong một chế độ "giỏi tuyên truyền", thì những cán bộ cao cấp, với truyền thống "nói không đi đôi với làm" khiến người dân e dè hơn khi bắt họ phải tin trở lại.


Và câu chuyện của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng vậy. Dù việc nhận thức được tình hình dân khốn khó với các thuế phí bao vây tứ bề, và hiểu được tâm trạng của những người dân khi sự lên tiếng của họ bị chụp mũ bởi các điều luật “ảo diệu” như 258, 88, 79 lại rơi vào phút cuối 89, tức là còn chưa đầy 1 năm nữa là ông rời nhiệm sở.


Nhưng Việt Nam - nơi mô hình phát triển kỳ lạ nhất thế giới với sự ban phát từ chính quyền dành cho dân, thì chúng ta cũng đành "tạm chấp nhận" những hành vi "đảo chiều" đáng kinh ngạc của không ít các vị lãnh đạo, ít nhất, là những lời nói "thẳng thắn, xuất phát từ Dân" vẫn được phát ra khi các vị đó còn đương nhiệm, thay vì ở trạng thái "nguyên".



Việc chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói ra câu nói "rất hợp với lòng dân" và được nhiều người hoan nghinh, cũng cho thấy, dân Việt luôn dành một sự ủng hộ lớn cho các các hoạt động "thân Dân" đó. Câu nói của ông Chủ tịch Quốc Hội sẽ được trích dẫn trong lý luận con đường đi lên "dân chủ, tự do" ở Việt Nam của người dân và các nhà hoạt động đấu tranh về sau này, cũng như câu nói trước đó của người tiền nhiệm - Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An, khi ông thẳng thắn, "Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN."


Dù thế, nhưng dân vẫn "kiên nhẫn" chờ đợi những quan điểm, phát biểu thẳng thắn hơn từ những vị lãnh đạo đương nhiệm, từng bước phá tan cái thể chế kinh tế kỳ quặc, chính trị độc tài, văn hóa đảo lộn... hiện nay. Từ đó, kỳ vọng sự chuyển biến từ phát ngôn sang hành động "vì Dân" trong tương lai không xa, trong bối cảnh xã hội dân sự Việt Nam đang chuyển động, và bức bối buộc cải cách thể chế sau 30 năm Đổi Mới tạm thời đang ngày càng khẩn thiết.



Tin liên quan: Đủ thứ phí thế này người ta sống sao nổi?


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế trình dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, sáng nay 17-9.


“Quy định thế này làm sao người ta cựa quậy được nữa”


Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thực tế quản lý trang thiết bị y tế hiện rất lỏng lẻo, cần có các quy định pháp luật để điều chỉnh.


“Nhưng nếu các đồng chí định quy định như thế này thì sẽ dẫn đến tình trạng không sản xuất được, không nhập khẩu được, không lưu hành được. Quy định như thế này thì làm sao người ta cựa quậy được nữa. Cho nên cuối cùng buôn gian bán lậu ngày càng tăng mà thôi. Quản lý thì tưởng là rất chặt nhưng hàng lậu vẫn cứ về ngang nhiên” - ông Hùng nói.


So sánh với tình trạng “trước đây quản lý thuốc cũng thế. Suốt ngày đưa lên Quốc hội là giá thuốc, giá thuốc, giá thuốc… Nguyên nhân sâu xa nhất là chỉ có mấy anh được nhập khẩu thôi. Khi chúng ta mở ra một cái là thấy giá thuốc xuống”.


Rồi Chủ tịch Quốc hội đặt hàng loạt câu hỏi: “Ngành y tế làm được không? Sản xuất có kiểm soát được tất cả các loại không? Nhập khẩu cũng có kiểm soát hết được không? Đây là vấn đề chuyên môn, một cái hội đồng của Bộ Y tế không làm được đâu, bởi vì cái này nó rất chuyên môn, rất kỹ thuật, rất trình độ. Cái này là ngành sản xuất, nó chuyên môn lắm, bây giờ các đồng chí định nhảy vào làm đủ kiểu thế này thì có dẫn đến tiêu cực không?”


“Ngành y tế có trở thành ngành tiêu cực trong mấy cái thứ này không, giống như trước đây có tình trạng bệnh viện, bác sỹ trở thành mấy anh đi tiếp thị cho những nhà nhập khẩu thuốc, bán thuốc”.


“Không thể cứ đụng cái là phải xin giấy phép”


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Chúng ta là kinh tế thị trường, đâu chỉ có một cái công ty nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu. Kinh tế thị trường, các đồng chí quy định điều kiện gì thì kể ra đây, ai đủ điều kiện thì người ta làm. Không thể cứ đụng một cái là phải xin giấy phép, đụng một cái là phải nộp phí. Nếu thế thì trang thiết bị ở VN đắt nhất thế giới."


"Ông là nhà quản lý thì ông công bố điều kiện, tôi thấy đủ điều kiện thì tôi đăng ký, còn trách nhiệm của ông là kiểm tra xem tôi có đủ điều kiện không chứ, nếu tôi không đủ điều kiện thì ông xử lý, đóng cửa”.


“Quy định như thế này là trở về bao cấp thời xưa chứ không phải bao cấp thời nay nữa. Nếu quy định như vậy thì lại đổ hết vào đầu người bệnh thôi. Quy định như vậy thì cứ mỗi anh cán bộ sở y tế xuống lại đặt ra vài điều kiện, rồi thu đủ thứ phí thế này thì người ta sống sao nổi? Tôi xin cảnh báo trước là không có phí nào ở đây đâu đấy” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Trước đó, trình bày tờ trình về nghị định này, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói: “Trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ cho người thầy thuốc trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả”.


“Tuy nhiên, trang thiết bị y tế lại có đặc thù là chủng loại đa dạng, luôn được cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi. Do vậy, trang thiết bị y tế phải được quản lý chặt chẽ theo chu trình vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn sản xuất, thử nghiệm, lưu thông trên thị trường đến quá trình sử dụng và bảo hành, bảo dưỡng đối với sản phẩm” - ông Tiến nói tiếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị lại dự thảo nghị định này.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đếm được dự thảo nghị định có 78 điều thì đến 45 điều quy định về các loại thủ tục hành chính.

“Quá nhiều thủ tục, tôi không biết với chừng ấy thủ tục rườm rà thì các sở y tế có đủ sức làm nổi không?” - bà Ngân bình luận.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay việc quản lý cấp giấy phép nhập khẩu chỉ thực hiện đối với 50 chủng loại trang thiết bị y tế nhưng trên thực tế thì số lượng chủng loại trang thiết bị y tế lớn hơn số đang quản lý rất nhiều. Bên cạnh đó việc quản lý trang thiết bị y tế nhập khẩu cũng chưa đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cũng như các quy định hội nhập quản lý trang thiết bị y tế của khu vực và thế giới”.


Bộ Y tế giải thích rằng “theo quy định của dự thảo Nghị định thì trình tự, thủ tục để công bố hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoặc cấp phép gồm rất nhiều hoạt động như thẩm định hồ sơ, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về quản lý trang thiết bị, in ấn phát hành các giấy tờ có liên quan... và các hoạt động này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí”.


Do đó, bên cạnh việc quy định các thẩm quyền cấp phép và kiểm soát, Bộ Y tế đề nghị được thu các loại phí, gồm: “Lệ phí công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; công bố tiêu chuẩn trang thiết bị y tế thuộc loại A; công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế; Phí cấp mới, cấp lại, gia hạn số lưu hành; Phí thẩm định cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn”.


Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét