Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015
Một bài báo hóm hỉnh mà sâu cay
Bùi Tín: Một bài báo hóm hỉnh mà sâu cay
Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 19 tháng 9 năm 2015 | 19.9.15
Đó là bài báo của nhà báo Úc Philip Adams, phóng viên của hãng truyền hình ABC, tả lại cuộc diễu binh và diễu hành ngày 2/9/2015 tại thủ đô Hà Nội. Bài báo của P.Adams là bài báo viết theo phong cách hóm hỉnh, mỉa mai, mang ý nghĩa phê phán thâm thuý, mang lại niềm vui thú vị cho những ai biết thưởng thức một bài báo hiếm hoi, sống động ngầm đến thế.
Trong các học viện, trường đào tạo các nhà báo chuyên nghiệp thường có bài giảng hướng dẫn cách đọc một cuốn sách, một bài báo như thế nào. Người đọc cần nhập minh với tác giả cuốn sách hay người viết, hiểu rõ và đúng những điều gì tác giả muốn nói. Muốn vậy cần tinh nhậy nhận ra tư tưởng, văn phong, cách thể hiện của tác giả, mỗi người một khác nhau, có khi rất độc đáo, khác lạ.
Điều quan trọng nhất là nắm được cái thần của bài viết, nhận ra những “thông điệp”, đôi khi thầm kín của tác giả, không hiểu sai, hiểu nhầm ý định của người viết.
Bài báo của P. Adams là bài báo rất hay, sống động, cực kỳ thú vị mang nhiều ý tưởng thâm sâu, viết theo phong cách trào lộng diễu cợt mỉa mai, một bút pháp kín đáo mà sâu sắc, mang những thông điệp ngầm mà lý thú, người sành đọc mới nhận ra được. Bài báo cứ như ca ngợi hết cỡ cuộc duyệt binh 2/9 ở Hà Nội, mà thật ra là phê phán một chế độ cộng sản cuối mùa, ưa phô trương hình thức rất tốn kém cho ngân sách, một xã hội có quá nhiều tổ chức mặc đồng phục như trại lính, trong sự lạnh nhạt của không ít nhân dân Hà Nội đã quá ngán sự phô trương giả dối ầm ỹ như thế.
Vậy mà một mạng thông tin trong nước mang tên” VTC News- Hơi thở cuộc sống” đã đưa tin về bài báo này với cái tít rất kêu “báo Úc ca ngợi: góp tất cả các hội lớn của nước Úc cũng không bằng cuộc duyệt binh ở Việt Nam“.
Đó là câu kết luận của bài báo viết cho người Úc đọc, tác giả kết luận rằng góp tất cả các hội lớn của nước Úc, như cuộc gặp hàng năm của một số người đồng tính, hội nhảy múa ồn ào và cuộc đón chào một đội bóng vừa thắng … ở Úc cũng không bằng cuộc duyệt binh ở Hà Nội.
Ai cũng hiểu đây là câu kết rất độc, mỉa mai sâu cay đến mức nào, vậy mà có nhà báo ở VTC News lại cố hiểu là lời khen tuyệt đỉnh. Thật là đáng tiếc, trong làng báo VN có người viết báo chưa biết đọc, hiểu sai, trái ngược đến vậy. Hoặc là anh ngây thơ, hời hợt, bị lỡm, bị lừa mà không biết, hoặc là anh hiểu nhưng cố tình lừa bạn đọc, đáng thương và đáng trách.
Xin mời các bạn thưởng thức thêm những điều hóm hỉnh sâu cay khác trong bài báo.
Tác giả cho rằng Hitler, Staline, Mao … là những nhà đạo diễn tuyệt vời những cuộc biểu diễn duyệt binh, tuần hành lớn kiểu cách như ở Hà Nội hôm nay.
Cuộc diễu hành 54 dân tộc thiểu số đầy màu sắc sặc sỡ là dân Hà Nội đóng, không có người các dân tộc, rất tốn cho ngân sách, mang tinh giả dối.
Bài báo nhận xét, một xã hội mà đảng CS đã dựng lên vô vàn tổ chức, có đến 8 triệu người nằm trong tổ chức, mang đồng phục như trại lính lớn.
Tác giả cho rằng giới trí thức bị chế độ kềm chặt không có mặt, họ đi làm những việc khác. Còn đoàn nông dân thì mặc áo quần đen đủi, đó là giai cấp đóng góp nhiều nhất cho cuộc chiến tranh du kích, nhưng sau đó đã bị đầy ải trong các hợp tác xã, nông trường theo kiểu do Mao đề xướng, tạo nên những trận chết đói khủng khiếp.
Tác giả tả lăng Hồ Chí Minh như một khối nhà đá, còn mỉa mai rằng muốn vào thăm có được không, vì được biết mỗi năm phải đưa thi hài ông sang Nga 2 tháng để các chuyên gia Nga ngâm tẩm bằng thứ dấm nào đó, mong rằng các chuyên gia này sẽ bảo quản tốt hơn, không như thi hài Lênin vài năm sau đã bị rụng mũi, nay chỉ còn toàn bằng sáp.
Về diễn văn của Chủ tịch Nước, tác giả có bản dịch, chỉ là đọc nguyên văn những cụm từ theo công thức chuẩn mực nhàm chán.
Các quan chức đứng dưới chân mộ ông Hồ, không như các nhà lãnh đạo Liên Xô cũ cùng Staline đứng trên mộ Lênin. Nên nhớ lại, những quan chức đứng cạnh Staline hồi ấy, không ít người lần lượt biến mất, đến các trại tập trung do các cuộc thanh lọc tàn bạo, rồi ở đây cũng lại như vậy chăng?
Tác giả thuật lại tiếng hô vang động của đám đông khi đi qua khán đài, chỉ là những tiếng vang động: “ho, ho, ho …”; ở Úc và phương Tây, đó là tiếng hô mỉa mai, chê cười, nhạo báng của đám đông quần chúng.
Tác giả nhận xét đông đảo dân thủ đô Hà Nội ở nhà, hay vẫn mua bán, đi chơi, làm những việc “họ cho là hay hơn”.
Hình ảnh cuối gây ấn tượng là tác giả nhận xét về kinh tế tư bản đã hình thành trong lòng nước VN cộng sản, “thủ đô Hà Nội mà Đại tướng Giáp giải phóng hồi nào, nay nổi bật là những tấm hình Đại tá Hoa kỳ hồi hưu Sanders chủ hãng bán gà và khoai tây chiên mang nhãn hiệu KFC Kentucky “đang được dân Hà Nội ưa chuộng.
Thật ra còn có nhiều nét lý thú nữa mang phong cách mỉa mai, sâu cay trong bài báo ngắn, chỉ dành cho ai biết đọc báo, biết hiểu ý thâm trầm đằng sau những chữ và hàng chữ, rất thú vị vì là một tác phẩm của một nhà báo hóm hỉnh nhưng rất thâm trầm, sâu sắc, độc đáo.
Các bạn muốn đọc nguyên văn bài báo và bản dịch của Lê Quốc Tuấn, có thể vào đường link sau: CUỘC DIỄN HÀNH 2/9 DƯỚI MẮT MỘT NHÀ BÁO ÚC. Nguyên bản tiếng Anh:Resplendent, colourful, fantastic: Phillip Adams on Vietnam’s independence celebrations.
Các bạn sẽ có cảm giác vui và thú vị, để mỉm cười, suy ngẫm.
Bùi Tín
(Basàm)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét