Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015
Obama nêu quan điểm cứng rắn về Biển Đông
Obama nêu quan điểm cứng rắn về Biển Đông
VietNamnet
26/09/2015 12:20 GMT+7
Tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu quan điểm cứng rắn về các bất đồng song phương, trong đó có Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình: Trung-Mỹ đối đầu sẽ là 'thảm họa'
Theo các hãng tin quốc tế, 9 giờ sáng 25/9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng trong nghi thức cấp cao nhất với thảm đỏ và 21 loạt đại bác. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc ông Tập Cận Bình thăm Mỹ đối với Washington.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 25/9.
Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, khi trò chuyện với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lập tức nêu rõ quan điểm cứng rắn của mình, khi khẳng định rằng Washington sẽ tiếp tục lên tiếng về những bất đồng với phía Bắc Kinh.
“Chúng tôi tin các nước đang ngày một thành công hơn và thế giới ngày càng phát triển khi các công ty của chúng ta được cạnh tranh nhau trên một sân chơi ngang hàng, khi các tranh chấp được giải quyết hòa bình và khi nhân quyền thế giới dành cho mọi người được giữ gìn”, ông Obama nói với ông Tập.
“Dù rằng hai quốc gia hợp tác với nhau, song tôi tin và biết rằng ông sẽ đồng ý việc chúng ta cần phải giải quyết các bất đồng giữa đôi bên một cách thẳng thắn”, ông Obama tuyên bố.
Các hãng tin quốc tế bình luận rằng, phát biểu “giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình” của ông Obama là ngầm ám chỉ tới tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Rất cứng rắn khi bàn về những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước, nhưng ông Obama tỏ ra ôn hòa khi khẳng định lại việc Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc “ổn định, thịnh vượng và hòa bình”.
Đáp lại, ông Tập cho rằng cần có tư tưởng cởi mở về bất đồng hai bên, cũng như cần thiết phải có sự tôn trọng lẫn nhau và thỏa hiệp với nhau để cùng cải thiện quan hệ. “Chúng ta không có lựa chọn nào khác, ngoài việc cùng tìm kiếm sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hãy sát cánh làm việc với nhau để cùng viết nên một chương mới cho quan hệ Trung - Mỹ”.
Không quân sự hóa ở Biển Đông
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai tuyên bố rằng, nước này không triển khai hoạt động quân sự ở những đảo nhân tạo, mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại cuộc họp báo chung
ở Nhà Trắng ngày 25/9. Ảnh: Reuters/TTXVN
“Những hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang triển khai ở Nam Sa (cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không nhằm vào hay làm ảnh hưởng bất kỳ quốc gia nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi hoạt động quân sự hóa (ở khu vực này)”, ông Tập khẳng định.
Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố này, dù rằng việc “không quân sự hóa Biển Đông” được giới chức dưới quyền ông Tập thường xuyên nhắc tới từ khi nước này tiến hành phi pháp hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nhận định phát biểu của ông Tập về việc “không quân sự hóa” là điều mới mẻ, cho dù nó đã được nhắc tới nhiều lần trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức ngoại giao Trung Quốc.
“Đó là những từ ngữ mới. Tuy nhiên, không rõ ông ấy ám chỉ điều gì khi nhắc tới từ quân sự hóa. Chúng tôi hy vọng sẽ có lời giải thích tiếp theo (từ ông Tập Cận Bình hoặc các nhà chức trách của Trung Quốc)”, báo Wall Street Journal dẫn lời bà Bonnie Glaser, chuyên gia về quân sự Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.
Cũng tại cuộc họp báo trên, Tổng thống Mỹ cho biết đã đề nghị với Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế. Ông cho rằng cần có một nghị quyết giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và dù Mỹ không phải là bên có tranh chấp, song Washington mong muốn các bên tôn trọng quy định và luật pháp quốc tế.
PV (Tổng hợp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét