Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Vì sao dự luật về hội bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trì trệ vô thời hạn?


Phạm Chí Dũng - Vì sao dự luật về hội bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trì trệ vô thời hạn?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Ba, ngày 29 tháng 9 năm 2015 | 29.9.15


Các công đoàn cơ sở tự lập của công nhân – nằm trong định chế Công đoàn độc lập của TPP – làm sao có thể đăng ký hoạt động và được trao cho những điều kiện hoạt động, nếu chính quyền VN cố tình không ban hành Luật Lập hội?

Khi chủ tịch Quốc hội quay ngoắt

Bằng một hành động rất khó hiểu và gây nghi ngờ lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vừa quyết định “nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn” việc thông qua dự luật về hội – một dự án có độ lùi đến 23 năm, tính từ Hiến pháp 1992 hiến định quyền người dân “được tự do lập hội”.

Quyết định trên được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra vào ngày 25/9/2015. Lý do ông Hùng viện dẫn là “còn có nhiều ý kiến khác nhau” về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định “Hội có tư cách pháp nhân”.

Theo nhận định của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, thậm chí dự án luật này sẽ chỉ được “thảo luận” mà không được thông qua từ nay cho tới hết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13 (2011-2016), tức là có thể phải sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội khóa 14.

Thế nhưng có một điều trái khoáy là chỉ một ngày trước đó – 24/9 – ông Hùng còn tỏ vẻ đầy cảm thông trước nghị trường: “Người nước ngoài sống lâu đời tại Việt Nam mà luật này không nói gì cho họ lập hội thì họ buồn lắm”. Một số trí thức thuộc trường phái “phản biện trung thành” thậm chí còn bày tỏ “rất vui mừng” vì cho đó là cử chỉ Bộ Chính trị sẽ mau chóng đồng thuận với Luật Lập hội.

Cứ cho rằng luồng dư luận vui mừng quá sớm như trên là rất đồng điệu khi thể hiện tâm lý phụ thuộc cố hữu của Quốc hội vào Bộ Chính trị – y hệt tuyên bố công khai của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng rằng “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” hồi năm ngoái. Nhưng thái độ thay đổi quá nhanh chóng của ông Nguyễn Sinh Hùng, ngay sau phát ngôn “không phải muốn bắt ai thì bắt” của chính ông tại diễn đàn Quốc hội sau khi ông vừa từ Hoa Kỳ trở về – đã khiến giới quan sát và phân tích chính trị phải đặt câu hỏi là nếu không có chỉ thị từ Bộ Chính trị, mà cụ thể là cấp cao nhất, thì làm sao chủ tịch Quốc hội lại quay ngoắt và lập tức “đóng cửa” đối với Luật Lập hội.

Vậy đâu là nguyên do và nguồn cơn thật sự dẫn đến thái độ trì trệ trong triển khai thứ quyền căn bản của người dân như thế?

Thà chấp nhận tồi hơn!

Một nhà vận động cho xã hội dân sự ở VN – Tiến sĩ Nguyễn Quang A – cho rằng dự thảo luật về hội lần này “còn tồi hơn nhiều” so với bản dự thảo được đưa ra góp ý lần này, và dự thảo luật có tính “quản lý, khống chế” các hội đoàn của nhân dân hơn là giúp thực thi quyền về lập hội của họ.

Chẳng khác gì chục năm trước, quá nhiều rào cản được trùng điệp dựng lên trong bản dự thảo Luật về Hội, trong khi lại phân biệt đối xử giữa các hội đoàn nhà nước với xã hội dân sự.

Ngay từ phần đầu, quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo này đã không đưa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh, cho thấy chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử sâu sắc với các hội đoàn xã hội dân sự; và nhằm đối phó với trí thức phản biện, dân oan, công nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…

Việc đặt ra giấy phép trong Dự thảo Luật cũng là một rào cản rất lớn. Khoản 3 Điều 2 cho phép Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết về các hội đoàn không có tư cách pháp nhân. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho các văn bản dưới luật bóp nghẹt quyền tự do lập hội ra đời.

Trong khi đó, Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc “cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật” (Khoản 1) và “xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc”’ (Khoản 2).

Mục đích của Điều 8 là nhằm cấm các hội đoàn độc lập, các hội đoàn bảo vệ nhân quyền, các hội đoàn của những người đối lập… không được thành lập và hoạt động; và tạo điều kiện dễ dàng để chính quyền vu khống, buộc tội tùy tiện những người làm nhiệm vụ vận động thành lập các hội đoàn độc lập. Ngoài ra, các điều cấm đoán đã trích dẫn trên đây rất mơ hồ, tạo điều kiện để chính quyền toàn quyền diễn giải cách hiểu và áp dụng theo ý riêng của mình.

Còn Khoản 3 Điều 9 quy định các hội đoàn ra đời sau thì lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập “hợp pháp” trước đó. Điều này một lần nữa tạo ưu thế tồn tại độc tôn của các hội đoàn nằm dưới ô dù của Nhà nước, và ngăn cản sự thành lập của các hội đoàn độc lập, không đăng ký trong cùng một phạm vi hoạt động.

Hầu hết các hội đoàn thuộc xã hội dân sự thành lập sau này đều có những lãnh vực hoạt động trùng với các lãnh vực của hội đoàn nhà nước. Nếu căn cứ vào những lãnh vực chính đó, thì sẽ không có một tổ chức xã hội dân sự độc lập nào được tồn tại.

Riêng Khoản 1 Điều 10 đề cập đến việc Ban vận động thành lập hội phải có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Đây là một quy định vô lý. Trong thực tế, Ban vận động thành lập hội có ý nghĩa quyết định. Ban vận động thành lập hội mà không được chính quyền công nhận, thì hội sẽ không bao giờ được thành lập. Đây sẽ là điều kiện để chính quyền loại bỏ ngay từ đầu quyền tự do lập hội của những người bất đồng chính kiến hoặc giới hoạt động nhân quyền.

Nhìn bao trùm, khi đặt tên “Luật về Hội” thay vì “Luật về Quyền lập Hội” để phù hợp với tinh thần của Điều 22 trong “Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị” công nhận và bảo vệ quyền tự do lập hội của người dân, chính quyền VN đã không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về quyền tự do lập hội, và đó là một bước lùi nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng nền pháp trị.

Ngoài ra, còn nhiều nội dung bất công khác trong dự thảo Luật về hội mà các tổ chức xã hội dân sự đã đồng loạt ra tuyên bố yêu cầu chính quyền VN cần hủy bỏ. Nhưng nếu chấp nhận yêu cầu của xã hội dân sự, những người theo chủ thuyết “còn đảng còn mình” sẽ cảm thấy bị phương hại nghiêm trọng về thể diện, mặt khác càng lo sợ thế lấn át của xã hội dân sự trong xu thế không thể đảo ngược về tiến trình dân chủ hóa ở VN. Đó là một trong những nguyên do chính khiến Quốc hội VN mà đứng phía sau là “tập thể Bộ Chính trị”’ một lần nữa kéo dài độ lùi vô thời hạn đối với Luật Lập hội.

Mục tiêu chính: ngăn chặn Công đoàn độc lập

Với dự án Luật về Hội của chính quyền VN, trên tất cả là mục tiêu “siết” chính trị. Việc đưa ra quá nhiều quy định về giấy phép, những rào cản đăng ký, xin phép… chính là động thái chính trị để ngăn cấm các hội đoàn xã hội dân sự độc lập ra đời.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: “Họ tự thành lập và hoạt động với nhau, rất đông, như hội dân oan, hội khiếu kiện… Ta quản lý thế nào, hay để tự phát? Đã để tự do, không cấm, tạo mọi điều kiện hoạt động hội, thì nhà nước phải có cách quản lý tất cả các hội”. Ông Phúc còn muốn luật phải quản lý được hết các hội, kể cả những hội không có tư cách pháp nhân. Còn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì cho rằng hội có hai mặt, trong đó mặt tiêu cực là “đường dẫn xuất” về đa nguyên đa đảng nên không được mơ hồ chỗ này, không nên áp dụng máy móc cách lập hội của các nước phát triển.

Trong tròng mắt mà có người ví von “đảo như rang lạc” của chính quyền, một trong những “đường dẫn xuất” chính là Công đoàn độc lập. Rất đáng quan tâm là cho tới nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhà nước VN đã phải chấp nhận định chế này như một điều kiện bắt buộc của Hiệp định TPP.

Thế nhưng các công đoàn cơ sở tự lập của công nhân – nằm trong định chế Công đoàn độc lập của TPP – làm sao có thể đăng ký hoạt động và được trao cho những điều kiện hoạt động, nếu chính quyền VN cố tình không ban hành Luật lập Hội? Nếu không có luật này, dù chính quyền VN có tuyên bố chấp nhận công đoàn độc lập và do đó được tham gia vào TPP, việc triển khai công đoàn độc lập của công nhân sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chờ “Luật về Hội” được thông qua và ban hành. Đây chính là điểm nghẽn lớn đầu tiên mà chính quyền, đặc biệt là nhóm bảo thủ chính trị và một số cơ quan công an luôn lo sợ “Công đoàn đoàn kết”, quá thấu cáy và tìm cách đình trệ vô thời hạn Luật về Hội.

Tuy thế, vỏ quýt dày lại gặp móng tay nhọn. Không hiểu Bộ Chính trị VN sẽ làm sao để tự gỡ cho họ thế đu dây dễ lộn đầu khi vừa muốn “bảo đảm an ninh quốc gia” nhưng lại vẫn được vào TPP và được công du Mỹ?

Cuối tháng 9 này, vòng đàm phán cấp bộ trưởng rất có thể là cuối cùng về Hiệp định TPP sẽ diễn ra tại Hoa Kỳ. Nếu được kết thúc trọn vẹn về kết quả đàm phán, có thể đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau Quốc hội Mỹ sẽ chính thức bỏ phiếu thông qua TPP, trong đó có một chiếc ghế cho VN, nhưng dĩ nhiên phải gắn kèm với các điều kiện dân chủ, nhân quyền mà chính quyền VN phải thực hiện không chỉ bằng cam kết miệng. Cũng không thể nói tới chuyện vào TPP một cách đương nhiên như cách vào WTO 8 năm trước, nếu không thưc thi nghiêm chỉnh quyền tự do tôn giáo và nhiều quyền khác như quyền lập hội, tự do báo chí…

Lẽ đương nhiên, VN không thể nghiễm nhiên vào TPP nếu không chấp nhận Công đoàn độc lập cùng Luật lập Hội để công nhân có khung pháp lý lập công đoàn tự nguyện.

Đó chính là tình thế run rủi ngã ba đường quá khó lường của “đảng ta” hiện nay…

Phạm Chí Dũng

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét