Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Nắm hàng triệu ha đất, nộp ngân sách không bằng một nhà máy


Nắm hàng triệu ha đất, nộp ngân sách không bằng một nhà máy
Reply
1+, hoang hóa đất đai, Huỳnh Ngọc Sơn, lâm trường, ngân sách nhà nước, nông trường,Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu, Xã hội
22.9.15

642 nông lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý hơn 7,9 triệu ha đất...



Nhiều diện tích tại một số nông trường bỏ hoang cỏ mọc - Ảnh: DT.

Các nông lâm trường quốc doanh đang nắm hàng triệu ha đất trong tay, mà trung bình mỗi năm chỉ nộp ngân sách 180 tỷ đồng, không bằng một nhà máy.


Đây là điều “đáng lo ngại” được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014, sáng 22/9.


Một ha được 10 cân gạo


Theo kết quả giám sát, 642 nông lâm trường hiện nay được Nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn, với 7.916.467 ha.


Trong đó, có 2.410.970 ha rừng sản xuất, 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619 ha đất chưa sử dụng.


Tuy nhiên, việc sử dụng được đánh giá là kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tướng xứng với nguồn lực.


Kết quả giám sát cũng cho thấy, phần lớn các nông, lâm trường chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, do đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định. Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt, vẫn còn tình trạng để đất hoang hoá chưa sử dụng.


Tổng nộp ngân sách của các nông lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014, chỉ được tổng cộng 1.809 tỷ đồng, theo trưởng đoàn giám sát Ksor Phước, tức là trung bình 180 tỷ đồng/năm.


Nhìn vào con số này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển tính toán rằng như vậy, mỗi ha đất chỉ đem lại 90 ngàn đồng, tức bằng khoảng 10 cân gạo hạng thường.


“Hiệu suất đất đai như thế thì chết rồi, nguy hiểm quá, nông lâm trường có nên giữ nhiều đất đai như vậy không”, ông Hiển sốt ruột.


Tùy tiện phát sinh tiêu cực


Dẫn báo cáo ngày 25/6/2015 của Chính phủ, đoàn giám sát cho biết, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp ở các địa phương chưa thực hiện việc rà soát, đo đạc xác định, cắm mốc giới đất đai để làm thủ tục thực hiện chính sách theo quy định của luật pháp về giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, “phần lớn là bao nhiêu phần trăm?”, trưởng đoàn giám sát Kros Phước cho biết là trên 50%.


Ông Hiển cho rằng do sự phối hợp chưa tốt dẫn đến quản lý tùy tiện, từ đó phát sinh tiêu cực, và đến giờ qua 10 năm sắp xếp vẫn không xử lý được.


“Có nguyên nhân do quy hoạch chỗ nào cũng bảo đất của Nhà nước, trong khi giao cho dân thì có hiệu quả, không làm được nhưng cứ khư khư giữ, nên hàng trăm ngàn ha đất không đem lại kết quả gì cả”, ông Hiển nói.


Ông Hiển đề nghị Quốc hội nên tính đến dành lượng kinh phí để đo đạc xác định lại diện tích đất đai và nên tổ chức lại mối quan hệ sản xuất với các nông lâm trường.


Tán thành với ý kiến ông Hiển, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần lượng hóa số tiền dành cho việc này là bao nhiêu và năng lực triển khai thế nào thì Quốc hội mới có thể quyết được.


Cũng sốt ruột trước tình trạng “đất đai mênh mông nhưng làm đủ thứ sai”, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng sau khi giám sát tối cao, Quốc hội nên có nghị quyết nói rõ bức tranh các nông lâm trường hiện nay cơ bản là không quản lý được, cơ bản làm ăn không hiệu quả, đất đai bị lãng phí.


Quan điểm của Phó chủ tịch Sơn là cần cương quyết thu hồi đất đai nông lâm trường sử dụng không hiệu quả, để giao cho dân quản lý.


Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội về khả năng không hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc giới thực địa, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2015.


Đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp, đề xuất các giải pháp khả thi để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ này trong năm 2016. Tuy nhiên, Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì xác định mốc thời gian như vậy là chỉ để nói cho vui chứ không thực tế.


Theo Nguyên Vũ (Vneconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét