5040. Một trường hợp đi, về, và gặp nạn
Posted by adminbasam on 10/09/2015
GS Nguyễn Văn Tuấn
10-9-2015
Câu chuyện được tác giả Vũ Thị Nhuận thuật lại dưới đây là một trường hợp tiêu biểu của tình trạng đối xử không tốt với người đi học ở nước ngoài về (1). Câu chuyện nghe quen thuộc: sinh viên nhận được học bổng nước ngoài đi học; về nước thì không được trọng dụng và trù dập; khi nạn nhân rời trường sang một trường khác thì bị trường cũ kiện ra toà để … đòi tiền. Mà, tiền thì của nước ngoài. Đáng chú ý là câu chuyện xảy ra ở miền Tây Nam Bộ, nơi bị thiệt thòi nhất về giáo dục và khoa học, và rất cần các chuyên gia lành nghề.
Câu chuyện hơi dài, nhưng tôi tóm lược các sự kiện chính như sau:
1. Năm 20XX (không thấy nói rõ), cô Vũ Thị Nhuận, lúc đó là giảng viên của ĐH Cần Thơ, nhận được học bổng từ ĐH Kyushu để theo học tiến sĩ ngành sinh hoá. Sau khi hoàn tất chương trình học, Ts Vũ Thị Nhuận về ĐH Cần Thơ.
2. Khi về ĐH Cần Thơ, Ts Nhuận không được bổ nhiệm vào làm việc đúng chuyên môn. Theo như đơn mô tả, Ts Nhuận có những ý kiến “không giống họ” (họ ở đây có nghĩa là hội đồng khoa học của trường), nên chị bị trù dập và cô lập. Họ còn nói rằng Ts Nhuận “không làm việc bằng những tiến sĩ khác, không cống hiến nhiều bằng người có trình độ.”
3. Vì chịu không nổi sự cô lập, nên Ts Nhuận làm đơn xin nghỉ việc, và xin đi làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Viện Y Khoa của Đại học Tokyo (không thấy nói năm nào). Tuy nhiên, trong đơn thấy nói rằng ngày 10/3/2011, Ts Nhuận đệ đơn xin nghỉ việc, nhưng ĐH Cần Thơ không trả lời.
4. Đến tháng 10/2014 thì Ts Nhuận được ĐH Y Dược Cần Thơ bổ nhiệm làm giảng viên. Tháng 11/2014, ĐH Cần Thơ phản ứng bằng cách cắt bảo hiểm xã hội, và đâm đơn kiện đòi bồi thường 569 triệu đồng (tức khoảng 28,000 USD). Đọc qua đơn kiện của ĐH Cần Thơ rất buồn cười, sai chính tả tùm lum cả.
Thế là Ts Vũ Thị Nhuận viết đơn cầu cứu đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Không biết ông bộ trưởng sẽ giải quyết sao, nhưng tôi thấy những trường hợp như thế này khá phổ biến. Mấy hôm trước báo Tuổi Trẻ có đi một loạt bài về tình trạng các du học sinh được đào tạo bài bản ở nước ngoài về nhưng không được trọng dụng. Nhiều du học sinh khi về nước cảm thấy hụt hẫng (3), và một số lại tiếp tục ra đi không hẹn ngày quay lại.
Chuyện đòi tiền cũng khá phổ biến. Khi không bổ nhiệm người ta đúng vị trí và chuyên môn (có thể hiểu là một cách “đày đoạ” hay hạ nhục), để khi nạn nhân chịu không nổi phải ra đi, thì giở chiêu trò … đòi tiền. Phải nói chiêu trò này tuy rất thô và rất thấp, nhưng có hiệu quả tuyệt vời trong việc làm nhụt chí nạn nhân. Riêng trường hợp của cô Vũ Thị Nhuận thì tôi không rõ đòi tiền gì, khi cô ấy được phía Nhật đài thọ chi phí học hành và ăn ở. Đòi tiền không phải của mình thì quả là rất lạ.
Vả lại, tôi thấy trường hợp cô Nhuận dù có rời ĐH Cần Thơ thì cô ấy vẫn làm ở Cần Thơ (ĐH Y Dược), chứ có đi ra nước ngoài đâu mà mất. Không cống hiến được cho ĐH Cần Thơ thì cống hiến cho ĐH Y Dược Cần Thơ. Nhìn “bức tranh lớn” thì Cần Thơ (và Việt Nam) không hề đánh mất cô Nhuận. Vậy thì việc kiện đòi tiền cô ấy có vẻ như là một thái độ trả đũa, thua trong việc dụng nhân tài thì kiện cho bõ ghét. Nếu thế thì phải nói rằng việc đâm đơn kiện của ĐH Cần Thơ là một hành động quá thấp của một trung tâm mang danh học thuật.
Việt Nam đang ra sức mời gọi các chuyên gia từ nước ngoài về đóng góp cho khoa học nước nhà. Ngoại trừ những người dỏm và nổ, những nhà khoa học chân chính ở nước ngoài sẽ suy nghĩ trăm lần trước khi đáp lời kêu gọi khi những sự việc như trường hợp của Ts Vũ Thị Nhuận xảy ra khá thường xuyên. Người trong nước mà còn chưa được trọng dụng thì làm sao thuyết phục được người ở ngoài nước. Miền Tây lúc nào cũng kêu là thiếu chuyên gia, nhưng trớ trêu thay chuyên gia thứ thiệt thì lại không được trọng dụng!
Tôi phải nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta đang có trào lưu “săn” người tài trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa (4). Các viện nghiên cứu và đại học — không chỉ ở Mĩ mà khắp thế giới, từ Nhật sang Úc và Âu châu — đều có chiến dịch săn lùng các nhà khoa học có chuyên môn cao. Ngay cả Viện Garvan cũng đang có chiến dịch này. Người ta xem đó là một “cuộc chiến” giữa các viện nghiên cứu, cuộc chiến để giành người xuất sắc. Ấy thế mà ở Việt Nam, nơi rất rất thiếu những người có chuyên môn về khoa học cơ bản như cô Nhuận, thì lại có những trường đại học trù dập người tài, và có lẽ đó là lí do giải thích tại sao đất nước này khó khá nổi.
____
Nguồn:
(1) Đơn kêu cứu (BVN).
(2) Có thể xem tài liệu qua facebook
(3) Hụt hẫng ngày trở lại… (TT).
(4) The Battle for Biomedical Supremacy (NYT).
(5) Tôi phải nói thêm rằng nếu cô Nhuận đồng ý, nhóm chúng tôi sẽ rất hân hạnh thảo luận với cô về tham gia một lab nghiên cứu ở ĐH Tôn Đức Thắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét