Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Mong Thủ tướng đừng nói cho sướng miệng: EU đã rút thẻ vàng (kỳ I)


VNTB - Mong Thủ tướng đừng nói cho sướng miệng: EU đã rút thẻ vàng (kỳ I)
Reply
economy, news, Nguyễn Xuân Phúc, Trúc Giang - Nam Phương, Vasep, VBF, VNTB
14.12.17

Trúc Giang – Nam Phương (VNTB) Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 12-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ. Với nhiều nhà đầu tư ngành thủy hải sản, thì “lá phiếu” đó đang ngày một ít đi, vì sự “ủng hộ lá phiếu” này đã không nhận được những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hứa hẹn từ chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc.





“Lâu nay chúng tôi kiến nghị sửa đổi quy định về kiểm dịch để thúc đẩy môi trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thế nhưng tới giờ này vẫn chưa thấy các bộ ngành làm gì hết!”. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, cho biết như vậy.


Nhóm phóng viên Việt Nam Thời Báo IJAVN ghi nhận ý kiến từ đại diện VASEP xoay quanh câu chuyện “kiến nghị hoài – chẳng ai thèm nghe” trong vấn đề chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.


EU đã rút thẻ vàng: Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp


Chuyện xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị rút thẻ vàng, là từ lỗi của chính phủ đã thờ ơ, xem thường những khuyến cáo và góp ý của doanh nghiệp.


IUU (illegal, unreported and unregulated fishing) là chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Năm 2002, EU ban hành IUU trên cơ sở triển khai “Kế hoạch hành động quốc tế” của Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2001, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá vi phạm IUU.


Mục đích mà IUU hướng tới là phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Theo quy định IUU, các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức thấp nhất là gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, luật cũng đưa ra các biện pháp xử phạt khác kèm theo như tịch thu tạm thời tàu đánh bắt cá vi phạm...


Bị phạt thẻ, tổn thất của các quốc gia xuất khẩu hải sản vào EU là không nhỏ vì nó tạo tâm lý e ngại cho các nhà bán lẻ ở EU đối với hải sản nhập khẩu từ quốc gia đó và có thể thay thế bằng hải sản đến từ quốc gia khác. Đặc biệt quốc gia nào bị phạt thẻ đỏ, các sản phẩm hải sản khai thác của quốc gia ấy sẽ bị cấm vào EU.


Theo thống kê của Trung tâm WTO Việt Nam, tính đến nay đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ. Trong đó, 13 quốc gia bị phạt thẻ nhưng đã được thu hồi nhờ hệ thống quản lý được cải thiện.


Có 8 quốc gia, vùng lãnh thổ đang bị thẻ vàng gồm: Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Siera Leone, Đài Loan, Thái Lan, Trinidad & Tobago và Tuvalu. Đặc biệt 3 quốc gia đang bị thẻ đỏ là Campuchia, Conmoros và Saint Vincent & Grenadines.


Thiệt hại nặng đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam


Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu đã có thông cáo báo chí đăng trên website chính thức của EU: europa.eu, về việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Thời gian EU áp dụng là trong 06 tháng.


Việc nhận thẻ vàng của EU đang được các doanh nghiệp và chuyên gia nhận định có thể gây ra nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU, và sau đó sẽ sớm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm với 1,9 – 2,2 tỷ USD, EU và Mỹ, mỗi thị trường chiếm 16-17% với giá trị khoảng 350 – 400 triệu USD/năm.



Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP),

Trước đó, ngay sau tháng 5/2017, trước các thông tin về khả năng Việt Nam có thể bị nhận thẻ vàng của EU về IUU, phía VASEP đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để kịp tuân thủ các yêu cầu của đoàn DG-MARE, trong đó có việc thúc hối Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Thủy sản, tập trung hướng tới việc kiểm soát các “Tàu xanh” và ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp như ngăn ngừa việc sử dụng thuốc nổ hủy diệt nguồn lợi biển, sử dụng ngư cụ bị cấm, khai thác các loài hải sản quý hiếm, đồng thời tăng cường các cơ chế kiểm tra hoạt động cập cảng của tàu cá nước ngoài tại Việt Nam.


Tuy nhiên tất cả vẫn là câu chuyện của trống đánh xuôi, kèn thổi ngược từ các bộ ngành khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Quản lý kinh tế kiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là không phù hợp thông lệ quốc tế


Cục Thú y được giao xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Tuy nhiên khi dự thảo này được đưa ra lấy ý kiến qua nhiều lần chỉnh sửa, các doanh nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu vẫn lắc đầu ngao ngán khi nội dung dự tính sửa đổi tiếp tục đẩy nhà sản xuất vào thế bí.


Theo đó, nhận xét từ VASEP cho thấy một số nội dung của Thông tư còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể tại điểm đ, mục 3 của Điều 4 của Dự thảo đã nêu:


“Điều 4: Hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch


“đ) Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp Giấy chứng nhận của thuyền trưởng “captain’s statement” hoặc bản gốc Giấy xác nhận của người bán có ghi rõ tên tàu đánh bắt, số đăng ký của tàu, quốc gia treo cờ, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt, khu vực đánh bắt (trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ khai báo mà chưa có bản gốc Giấy xác nhận của người bán thì gửi bản sao nhưng bản gốc phải được nộp trước khi kiểm tra hàng hóa) đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu có nguồn gốc khai thác không xuất khẩu sang EU; Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp giấy chứng nhận đánh bắt (catch certificate) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp theo mẫu số… , giấy khai báo chuyển tải (trong trường hợp hàng được chuyển tải) đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu có nguồn gốc khai thác xuất khẩu sang EU”


“Việc yêu cầu doanh nghiệp phải có bản sao giấy chứng nhận đánh bắt (catch certificate (C/C)) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp trong hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch là điều không thể thực hiện được. Trong khi Luật thủy sản không quy định bắt buộc điều này cũng như theo quy định quốc tế”. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP, nói.


Vẫn theo bà Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP, thì trong Luật Thủy sản đã được Quốc hội thông qua, tại Điều 61 có quy định rõ:


Điều 61. Xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác


1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.


2. Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.


3. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu trên cơ sở nguyên liệu sản xuất sản phẩm thủy sản đó được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp.


“Như vậy, theo Luật Thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu, chứ không bắt buộc với tất cả các thị trường xuất khẩu (kể cả EU)”. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh.


Còn theo quy định 1005 EU. Tại Điều 14 có quy định: Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu gián tiếp (nhập khẩu gián tiếp nghĩa là lô hàng nhập vào EU, xuất khẩu từ nước thứ 3 nhưng được đánh bắt từ quốc gia treo cờ khác như Đài Loan, Hàn Quốc..., thì họ qui định rằng:


Điểm 1: Nếu sản phẩm thủy sản đó chưa qua một công đọan chế biến nào tại VN trước khi xuất vào EU thì nhà nhập khẩu EU phải nộp hai hồ sơ: - Catch certififate do quốc gia treo cờ cấp (nghĩa là C/C của Đài Loan, Hàn Quốc cấp); - Hồ sơ do cơ quan thầm quyền nước thứ 3 (Việt Nam –Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản NAFIQAD) cấp để chứng minh tính nguyên vẹn của hàng hóa từ lúc nhập vào Việt Nam cho đến khi xuất đi EU).


Điểm 2: Nếu sản phẩm thủy sản đó đã qua chế biến tại nước thứ 3 (Việt Nam) trước khi xuất vào EU thì nhà nhập khẩu EU phải nộp hai hồ sơ sau: - Giấy xác nhận do Cơ quan thẩm quyền nước thứ 3 (Việt Nam - NAFIQAD) xác nhận lô hàng thủy sản nhập khẩu vào EU đó có nguồn gốc từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu; - EU catch cetrifcate do quốc gia treo cờ cấp (phải nộp bản gốc nếu lô hàng nhập khẩu vào EU đó sử dụng tòan bộ lô nguyên liệu của EU catch certificate này, nộp bản copy từ bản gốc nếu lô hành nhập khẩu vào EU đó chỉ sử dụng một phần lô nguyên liệu của EU catch certificate đó)


Như vậy theo Điều 14 của Quyết định 1005 EU không qui định là doanh nghiệp phải nộp EU C/C vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam. Mà chỉ qui định nhà nhập khẩu EU phải nộp EU catch certifcate cho EU khi nhập hàng vào EU mà thôi.

Kỳ sau: Mong Thủ tướng đừng nói cho sướng miệng: mất cơ hội và nhìn từ Thái Lan (kỳ II và hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét