Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Con gà đẻ trứng vàng Sabeco


VNTB - Con gà đẻ trứng vàng Sabeco
Reply
cổ phần hóa, economy, news, Phương Thảo, Sabeco, VNTB
21.12.17




Phương Thảo (VNTB) Việt nam có thị trường bia lớn nhất trong 10 quốc gia Đông Nam Á. Người Việt tiêu thụ hàng năm trên 4 tỷ lít bia. Dự báo năm 2017 sản lượng sản xuất của ngành bia trong nước tăng 400.000 lít hay 10% so với 2016. Thị trường bia Việt nam hiện nay đã có đủ mặt các nhãn hàng lớn như: Heineken, Tiger, Carlberg, Sapporo và tới đây là hãng Anheuser-Busch InBev (AB InBev) cũng sẽ xây nhà máy tại VN.



Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt hồi tháng 9 năm 2016, mục tiêu đặt ra là sản xuất 4,1 tỷ lít bia trong vòng 4 năm tới và sẽ tăng lên 4,6 tỷ lít bia vào 2025; 5,6 tỷ lít vào 2035. Như vậy, trong 2 thập kỷ tới, lượng bia sản xuất sẽ tăng gấp rưỡi so với con số 3,8 tỷ lít năm 2016.


Sabeco được cho là chiếm 40% thị phần tức cung cấp gần 2 tỷ lít bia cho người Việt. Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với hơn 40 công ty con, công ty liên kết, công ty thương mại…, mỗi năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Ngành đồ uống chỉ nộp ngân sách sau ngành dầu khí.


Một công ty bia lâu đời, được thành lập cách đây 140 năm. Bia Sài gòn hay bia 333 vẫn đứng vững qua bao nhiêu lần khủng hoảng kinh tế. Vì vậy không phải mà khơi khơi ThaiBev chịu bỏ ra một số tiền lớn 4,8 tỷ đô la Mỹ hay 109.000 tỷ đồng để thâu tóm Sabeco.


Theo một nhà phân tích Singapore, tuy số tiền bỏ ra lớn, nhưng tỷ phú người Thái cũng nhận ra “ tiềm năng của thị trường bia cũng như vị trí dẫn đầu của Sabeco” sẽ “phù hợp với chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài” của họ. Còn Andy Sim phó giám đốc nghiên cứu tài sản của ngân hàng DBS Singapore cũng nhận định rằng Sabeco là một trong số ít các doanh nghiệp trong ngành có vị trí ổn định và “không nhiều công ty bia sẵn có trên thế giới lại có thị phần lớn như là Sabeco. Thai Beverage chắc hẳn không thể bỏ qua cơ hội này dù phải trả một mức giá cao.


Vậy tại sao nhà nước lại phải thoái vốn và bán đi con gà đẻ trứng vàng như vậy?


Chuyện lạ đấu thầu


Ngay sau khi ông chủ mới người Thái nắm được 53,59% cổ phần của Sabeco thì nhiều báo đã tung hô việc “ Bộ công thương thành công bán đấu giá cổ phiếu Sabeco, thu về cho nhà nước 110.000 tỷ đồng.”


Từ năm 2015, khi chính phủ để lộ quyết định cổ phần hoá Sabeco thì Thai Beverage's đã có ý định muốn mua. Mãi đến năm 2017 thì việc này mới được chính phủ cho thực hiện. Tuy nhiên từ khi thông báo cho bán cổ phiếu, cũng như giá cả cho đến khi phiên đấu giá diễn ra chỉ có vỏn vẹn 3 tuần lễ. Những nhà đầu tư nếu có ý định mua sẽ không thể có đủ thời gian để làm hồ sơ,thủ tục tham gia đấu giá, mở tài khoản, tiền cọc... cũng như huy động vốn để mua một khi trúng thầu.


Cho đến ngày 17-11-2017 chỉ có một tổ chức và một cá nhân đăng ký phiên đấu giá. Một tuần trước phiên đấu giá, Bộ Công thương còn cho biết có tổ chức muốn mua 25% cổ phần Sabeco, và nếu có tổ chức nước ngoài nào muốn mua thì cũng không thể vượt quá 39% vì giới hạn sở hữu cổ phần nước ngoài là 49%.


Trong hồ sơ sổ sách thì nhà đầu tư ra lệnh mua 343,66 triệu cổ phần là Công ty TNHH Vietnam Beverage. Nếu Thai Beverage đứng ra đăng ký tham gia đấu thầu thì chỉ có thể mua được 38,59% cổ phần Sabeco chứ không phải là 53,59%. Có thể khống chế mức bán ra là 49% để quyền sở hữu Sabeco không rơi vào tay chủ khác nhưng chính phủ đã không làm như vậy.


Việc một cá nhân Hà nội tham gia phiên đấu giá cũng là điều lạ. Cá nhân này đăng ký mua đúng 20.000 cổ phần, số cổ phẩn tối thiểu theo đúng quy định tham gia đấu thầu và chỉ sau phiên đấu giá cá nhân này đã đăng ký đấu thầu với mức giá 320.500 cao hơn giá khởi điểm 320.000. Nếu cá nhân này không đăng ký tham gia đấu thầu thì phiên đấu thầu không diễn ra được khi chỉ có một nhà dđầu tư tham gia.


Theo biểu đồ trên thị trường chứng khoán, thì giá cổ phần của Sabeco từ đầu năm đến nay đã tăng cao một cách ngoạn mục: từ mức giá dưới 200.000 một cổ phần đã tăng vọt lên 320.000 hồi cuối tháng 11. Đó cũng là việc tăng giá nhanh chóng rất khó hiểu trước khi Sabeco được cổ phần hoá. Ngay ngày đấu giá, mức giá cổ phiếu của Sabeco giảm xuống 289,200 đồng tức 6,5%. “ThaiBev đang tạm thời 'mất' khoảng 6.870 tỷ đồng”.


Ai dại, ai khôn


Cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một việc làm thiết thực để giảm bớt những doanh nghiệp ăn hại, tránh việc nhà nước “ tranh mua giành bán” với tư nhân nhưng bán cho nhà đầu tư nước ngoài những 53,59% thì coi như phía Việt nam đã mất quyền kiểm soát thương hiệu bia Sài gòn nổi tiếng này.


Đúng vậy, cứ bán để gom lại một mớ tiền lớn trong tình hình ngân sách cạn kiệt và nợ giăng tứ bề, thương hiệu đã là thành công lớn. Bia Sài gòn mất đi cũng chẳng sao, giao thị trường bán lẻ cho đại gia Thái thâu tóm, thị trường nước giải khát Việt nam cũng được về tay người Thái cũng được.


Người khôn có thể vỗ đùi tự hào chỉ trong vòng 24 giờ đã tránh cho ngân sách khỏi bị lỗ hơn 6.000 tỷ đồng. Nhưng rồi thì cũng như người dân bán hết đi đất canh tác, xài hết tiền thì lấy gì mà ăn?


Ông tỷ phú Thái lan có dại không khi chịu mua giá cao, mất liền mấy mấy trăm triệu đô la trong vòng 24 giờ?


Cái giá 4,8 tỷ đô la rất lớn cho người khôn, nhưng kẻ dại lại còn thu được lợi lớn hơn: Giá trị thương hiệu. Dựng nên thương hiệu đã là khó, giữ cho thương hiệu đứng vững và chiếm được thị phần lớn lại còn khó hơn gấp vạn lần, giá trị thương hiệu đó không thể đo bằng tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét