Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gian dối trơ trẽn!


Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gian dối trơ trẽn!
Tiểu Nhi 1.1.18


Cơ chế giám sát EVN nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân là không có (hoặc nếu có lại không hiệu quả), EVN đang được tự tung tự tác trong thu chi, nâng giá thành… Đây là con đường mà PVN (Tập đoàn Dầu khí), Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) hoá vàng hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách.


Ảnh: internet

Vẫn như mọi khi, EVN ra thông báo việc EVN cố tình hạch toán sai để trốn 1.935 tỷ tiền thuế (theo kết luận thanh tra và quyết định truy thu của Bộ Tài Chính) là nhằm “nỗ lực giảm chi phí”.


Việc hạch toán sai của EVN cụ thể:


1. Khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – TP.HCM giai đoạn 2012-2015 là khoảng 1.900 tỉ đồng, theo quy định EVN sẽ hạch toán vào năm 2016-2017, nhưng tập đoàn này lại phân bổ vào năm 2015 tới 70% số tiền.


2. EVN không hạch toán hơn 4.847 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016.


Theo các chuyên gia kinh tế, EVN đã cố tình lập lờ đánh lận con đen, mù mờ tính toán nhằm tạo ra chi phí đầu tư ảo cực cao để từ đó gây áp lực, trình Chính phủ xin tăng giá điện.


Tăng thêm 6,08% vào ngày 1-12-2017.


“PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc không thực hiện đúng quy định trong hạch toán chi phí theo chỉ đạo cho thấy EVN đã cố tình hạch toán không chính xác để giảm nghĩa vụ nộp thuế nhà nước, đồng thời tạo ra áp lực giả cho việc tăng giá điện, như vậy là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính.


PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với kết luận thanh tra trên thì không chỉ EVN mà cơ quan kiểm toán cũng đã thực hiện sai quy định.


Ngay cả tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 cũng “chưa làm tròn vai” khi những khoản chi phí tài chính lên tới hàng nghìn tỉ đồng chưa được hạch toán vào giá thành nhưng không được phát hiện.


“Đây là lỗ hổng, thiếu sót lớn, cho thấy tính minh bạch của EVN chưa rõ, chưa làm đúng quy định. Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan là do chủ quan hay khách quan. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân”, ông Long nói”, (Trích từ Báo Tuổi Trẻ).


Như vậy, có thể thấy rằng cơ chế giám sát EVN nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân là không có (hoặc nếu có lại không hiệu quả), EVN đang được tự tung tự tác trong thu chi, nâng giá thành… Đây là con đường mà PVN (Tập đoàn Dầu khí), Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) hoá vàng hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách.


Quan trọng hơn, EVN lại lặp lại điệp khúc cũ “Sẽ báo cáo Thủ tướng và thực hiện theo chỉ đạo”.


Quốc gia có pháp luật, quốc gia có bộ ngành phân cấp phân quyền riêng biệt, EVN mang Thủ tướng ra dọa ai?


Tôi nghĩ rằng, không Thủ tướng Chính phủ Kiến tạo nào lại chấp nhận để một Tập đoàn gian dối, suốt ngày mù mờ thu chi (mà tôi nghi ngờ là chia chác nhau) rồi cứ nhắm vào túi tiền của nhân dân để thu lại.


Cuối cùng, tôi thật sự không hiểu vì sao Bộ Tài Chính vẫn chưa chuyển kết luận thanh tra, kiến nghị Bộ Công An vào cuộc vụ trốn thuế đến gần 2 nghìn tỷ đang diễn ra tại EVN?!


Còn các anh chị, các anh chị còn im lặng để cống nạp cho EVN trục lợi trong thu chi và nâng giá điện vô lối đến bao giờ?!

Ngô Nguyệt Hữu


(FB Ngô Nguyệt Hữu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét