Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Ai đã 'nâng đỡ không trong sáng' ông Đinh La Thăng?


VNTB - Ai đã 'nâng đỡ không trong sáng' ông Đinh La Thăng?
Reply
Bộ Chính trị, đấu đá nội bộ, Đinh La Thăng, Đỗ Mười, news, opposite, Trúc Giang, VNTB
22.12.17




Trúc Giang (VNTB) Vậy là chỉ sau 12 ngày bị khởi tố và bắt tạm giam, kết luận điều tra về hành vi phạm tội của ông Đinh La Thăng đã hoàn tất, và chuyển sang Viện Kiểm sát để tiến hành thủ tục truy tố.


Trạng chết, Chúa có băng hà?


Tạm gác qua chuyện quy trình tố tụng nhanh đến bất ngờ trong trường hợp của ông Đinh La Thăng, đang có câu hỏi đặt ra liên quan đến Điều 19.3 Bộ Luật Hình sự 2015: Vì sao đảng viên Đinh La Thăng ‘trúng’ được ủy viên Bộ Chính trị, trong khi vụ án hình sự ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) đang diễn ra với nhiều tình tiết liên quan đến khoản thời gian mà đảng viên Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam?


Nếu trong quá trình tiếp xúc với thân chủ Đinh La Thăng vốn am tường hậu trường của Bộ Chính trị, các luật sư ghi nhận được những tình tiết liên quan đến các nhân vật từng giữ vị trí quan trọng trong Ban Bí thư, liệu họ có đủ can đảm đưa ra ánh sáng theo như quy định “phải tố giác thân chủ” ở Điều 19.3 Bộ Luật Hình sự 2015, để “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”?


Trước đó, trong hàng loạt chức danh mà ông Đinh La Thăng đã kinh qua, cho thấy đều thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy, Đảng ủy khối, Ban Bí thư. Nghĩa là Đảng quản lý chặt chẽ mọi bước đường thăng quan tiến chức của ông Đinh La Thăng.


Sau khi tốt nghiệp đại học từ trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, ông Đinh La Thăng bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà từ vị trí Kế toán viên vào năm 1983, lúc 23 tuổi. Hai năm sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 28 tuổi, sau 5 năm công tác, ông lên chức Kế toán trưởng và Bí thư Đoàn thanh niên của công ty.


Năm 2003, ở tuổi 43, ông là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà. Trong thời gian này ông tham gia công tác Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lên đến chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ông chuyển qua tham gia công tác Đảng trong 2 năm, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế (2003-2005). Năm 2005, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sáu năm sau, năm 2011, ông được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Ông giữ chức này trong 5 năm, đến 2016 thì Bộ Chính trị phân công ông giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.


Ban Bí thư: ai sẽ là Lê Lai?


Xin dừng lại ở mốc thời gian từ năm 2003 đến năm 2005. Đây là bước đệm trong cơ cấu lãnh đạo của Bộ Chính trị khi cất nhắc đảng viên Đinh La Thăng giữ chức vụ phó bí thư tỉnh ủy. Để điều chuyển một ông phó bí thư tỉnh ủy sang một doanh nghiệp, điều đó phải được sự cho phép của Ban Bí thư. (Theo Quyết định số 44-QĐ/TW, ngày 14 tháng 11 năm 1992, do Tổng bí thư Đỗ Mười ký ban hành).


Như vậy, về nguyên tắc Ban Bí thư phải chịu trách nhiệm trong việc điều động nhân sự do Ban Bí thư quản lý, về làm người đại diện vốn Nhà nước trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Và theo kết luận điều tra vừa chuyển sang cơ quan kiểm sát, thì những vi phạm pháp luật của ông đảng viên được Ban Bí thư quản lý này, đã bắt đầu từ chiếc ghế ông chủ tập đoàn.


Đường hoạn lộ của đảng viên Đinh La Thăng rộng mở: Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.


Từ tháng 12 năm 2008, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.


Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và là đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa.


Tại Kỳ họp thứ nhất, theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ, Quốc hội khóa XIII ngày 3 tháng 8 năm 2011 phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 71,2%.


Tháng 1 năm 2016 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.


Như vậy, theo dòng thời gian, với sự ủng hộ cất nhắc của Ban Bí thư, đảng viên Đinh La Thăng thăng tiến đầy vững chắc, bất chấp giai đoạn khi ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xảy ra hàng loạt sai phạm về tài chính, đưa đến vụ án Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) đình đám hiện nay.


Ông chủ đốt lò vô can?


Thế nhưng tất cả chỉ trích về công tác bổ nhiệm nhân sự liên quan đến đảng viên Đinh La Thăng qua các thời kỳ, hiện đều tập trung vào cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà bỏ qua việc cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm ông Đinh La Thăng vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.


Ngoài ra, việc đảng viên Đinh La Thăng được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho thấy trách nhiệm lớn nhất ở đây phải là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Vì thời điểm đảng viên Đinh La Thăng ‘vào’ Bộ Chính trị, thì vụ án Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) đang diễn ra trước đó gần 2 năm, và bị can đầu vụ là Hà Văn Thắm cũng đã bị bắt từ hạ tuần tháng 10-2014.


Liệu có ai trong Bộ Chính trị đã “nâng đỡ không trong sáng” đảng viên Đinh La Thăng trong suốt chặng đường rất dài như đã nói ở trên?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét