Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Tại sao Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nói tiếng Việt ngọng nghịu?


Tại sao Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nói tiếng Việt ngọng nghịu?

Đăng bởi Ha Tran on Thứ Bảy, ngày 11 tháng 6 năm 2016 | 11.6.16




Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại buổi họp báo ngày 2-6 vừa qua. Ảnh: Ngọc Thắng.

Người Việt Nam có câu “để lâu cứt trâu hoá bùn”. Vô số chuyện tày trời xảy ra ở Việt Nam dưới chế độ đảng trị đã nhanh chóng “hoá bùn” chỉ trong vài ngày. Thế nhưng, vụ cá chết hàng loạt ở bờ biển 4 tỉnh miền Trung sau hai tháng trời với bao nhiêu nỗ lực lấp liếm vẫn không thể hoá bùn được.


Vì nó không hoá bùn được nên trong cuộc họp báo ngày 2 Tháng 6 vừa qua, Bộ Trưởng Bộ 4 T Trương Minh Tuấn bỗng dưng ăn nói ngọng nghịu đến ngớ ngẩn. Ông nói rằng: “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”.


Ông bộ trưởng chuyên nghề đe nẹt báo chí, cắt cúp bài vở của phóng viên, phạt tiền và đóng cửa báo chí. Nay chính bài báo đăng lời của ông cũng bị các ông bà to hơn ông cúp đi trên mạng. Hẳn nhiên là để che giấu điều họ muốn giấu.


Tuy vậy, câu nói ngọng nghịu nhưng có vẻ “thực thà” của ông lại ngụ ý tất cả những điều người ta đang muốn giấu giếm.


Tại sao phải giấu giếm?


Hai câu hỏi căn bản trong vụ cá chết là: 1/ Chất độc làm cá chết là chất độc gì?; và 2/ Chất độc đó từ đâu ra?


Thực ra khi đã trả lời được câu hỏi thứ nhất thì câu trả lời cho câu hỏi thứ hai cũng đã nằm sẵn trong đó. Vì người ta sẽ dễ dàng tìm ra (những) nơi nào tạo ra chất độc đó thải xuống vùng biển liên hệ.


Từ cuối Tháng Tư, Giáo sư Nguyễn Tác An, nguyên Viện Trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang đã cho biết, giới khoa học Việt Nam cùng một số nhà khoa học quốc tế và cơ quan chức năng Việt Nam đã thống nhất với nhau về nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường tại khu vực biển miền Trung. Nhưng việc công bố tên tuổi như thế nào lại là việc của Nhà Nước. Giáo Sư NguyễnTác An cũng cho biết, kết quả đó đã được đúc kết và đến tay nhà nước từ hôm 20 Tháng Tư.


Từ sự kiện này, câu hỏi còn lại là tại sao nhà nước CSVN lại trủ trừ việc công bố kết quả mang tính khoa học từ hơn một tháng qua, dù rằng họ biết càng chậm công bố thì niềm tin của người dân đối với nhà nước CSVN càng giảm, đồng thời sự thách thức đối với tính chính đáng trong sự cai trị của Đảng Cộng sản càng cao.


Như thế có nghĩa là, nếu công bố kết quả thực của thảm họa môi trường biển miền Trung thì tính chính đáng trong việc cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam càng bị thách thức nặng nề hơn nữa.


Bởi vậy, trong cuộc họp báo ngày 2 Tháng 6, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin & Truyền Thông Trương Minh Tuấn mới nói rằng đã có kết quà nhưng phải “chờ phản biện”.


Tại sao phải phản biện?


Một kết quả khoa học thì hẳn nhiên là những con số và dữ kiện phải rõ ràng, trắng ra trắng, đen ra đen. Giáo Sư Nguyễn Tác An còn cho biết thêm: “Nguyên nhân xảy ra ở Vũng Áng thì khoa học xác định được rồi, và người ta đã mô hình hóa để dự báo sẽ lan truyền như thế nào, và hiệu quả sinh thái trong tương lai ra sao. Tất cả đều có làm khi sự cố xảy ra. Và kết quả đó ngày càng hoàn thiện, bổ sung; nhưng về bản chất chắc nó cũng không thay đổi”.


Nhưng với Ban Tuyên Giào của đảng và bộ phận thừa hành là bộ 4 T thì sự thực đó, như đã đề cập ở trên, sẽ nguy hiểm cho sự cai trị của đảng Cộng Sản. Bởi vậy nên Giáo Sư Nguyễn Tác An cũng cảnh báo trước rằng “việc công bố tên tuổi như thế nào lại là việc của Nhà Nước”.




Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius tiết lộ hôm 8-6 vừa qua rằng ngay sau khi vụ cá chết xảy ra Hoa Kỳ đã ngỏ lời hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết thảm họa môi trường, nhưng Hà Nội đã từ chối. Ảnh: CSIS


Như người ta đã thấy, tính chất nghiêm trọng của sự việc và chủ tâm lươn lẹo của nhà cầm quyền đã khiến họ phải “á khẩu”, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong suốt hơn hai tháng qua. Cũng chính vì chủ tâm lươn lẹo mà Hà Nội đã từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc tìm ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng môi trường biển một cách minh bạch.


Nay, Bộ Trưởng Bộ 4T lại nói về nhu cầu “phản biện”. Tuy không biết ai sẽ tham gia phản biện và phản biện những gì, nhưng người ta có thể đoán được là, do chủ tâm che đậy sự thực nên sẽ khó có sự phản biện độc lập. Những người phản biện chắc chỉ là đồng hội đồng thuyền của đảng CS với nhau nhằm mục đích:


1. Tìm cách sửa đổi hay bác bỏ những dữ kiện cùng kết luận của các chuyên gia kỹ thuật.
2. Tráo đổi những mẫu thử nghiệm để đạt được kết quả như định hướng.
3. Bắt thử nghiệm “thêm” cho đến khi có kết quả vừa ý, v.v…


Nói chung là “phản biện” về mặt kỹ thuật để làm sao sửa đổi được “kết quả khoa học” theo sự định hướng của nhà cầm quyền. Từ đó cũng là cách để câu giờ.


Bên cạnh đó, “phản biện” còn để thay đổi việc quy trách nhiệm, để làm sao nếu phải “đập chuột” thì chỉ mẻ chứ không “vỡ bình”.


Biết đâu trong số những kẻ chịu trách nhiệm lại không có những “người lạ” mà đảng CSVN vẫn thờ lạy?


Kết luận


Trong một bài viết vào dạo cuối tháng Tư, Blogger Người Buôn Gió đã rất sâu sắc khi nhận ra ngay rằng, việc Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Khu Công Nghiệp Formosa vào giữa cao điểm của thảm họa môi trường biển miền Trung chính là đầu mối khiến nhà cầm quyền lúng túng trong việc giải quyết thảm họa môi trường này, vì cuộc viếng thăm đó đã ngầm cho thấy phía sau và chống lưng cho Formosa là đảng Cộng Sản.




Ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhà máy thuộc Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh hôm 22-4-2016.


Chính vì vậy mà những cuộc biểu tình của dân chúng bảo vệ môi trường, phản đối Formosa vô hình chung đã bị đảng đồng hoá như là chống đảng để bị đàn áp nặng nề.


Tuy nhiên do áp lực của dân chúng và cũng chẳng thể chạy tội được, có vẻ như đảng Cộng Sản đang phải cố tìm ra “mấy con cá” ở Ba Đình để đưa lên thớt bằng cách mà ông Trương Minh Tuấn gọi là “phản biện”, vì chính ông ta đã lỡ lời nói: “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”.


Nguyên nhân đã tìm ra rồi, như ông nói, vậy thủ phạm liên quan đến nguyên nhân là ai? Tại sao phải chờ “phản biện”?


Lê Vĩnh


(CTM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét