Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Bóng đá xứ Việt: Thư gửi ông Miura


Hiệu Minh - Bóng đá xứ Việt: Thư gửi ông Miura

Đăng bởi Trung Lập on Thứ Hai, ngày 01 tháng 2 năm 2016 | 1.2.16




Fan nữ xứ Việt. Ảnh: Internet


Đầu thư, chúc ông vui vẻ trở về xứ sở của hoa anh đào, sushi, sashimi, rượu sake và mặt trời mọc. Bóng đá Việt Nam đã qua 9 đời huấn luyên viên (HLV) ngoại kể từ năm 1994 tới nay nhưng đội tuyển với những fan cuồng nữ hở ngực nhưng chưa bao giờ đứng trên đỉnh vinh quang dù đã đôi lần tay suýt chạm vào cúp vàng.


Như một tiền lệ, đội ta thắng ròn rã những trận không quan trọng và thua trắng rốn những trận chung kết. VFF tốn biết bao tiền để thuê HLV ngoại nhưng kết quả vẫn không khác nhau.


Đầu tiên là HLV Tavares (1995), những tưởng người đến từ Brazil với nghệ thuật điêu luyện trên sân cỏ của các cầu thủ như Pele cùng điệu nhảy samba của các vũ nữ ngoáy mông sẽ thay đổi nền bóng đá Việt Nam. Qua vài trận đã thấy đội nhà không qua vòng gửi xe.


Tiếp đến là Weigang người Đức với trình độ bóng đá như cỗ xe tăng tấn công và phòng thủ đều chết người. Tiếc thay Weigang không phải là Franz Beckenbauer nên bóng đá xứ Việt không thể là loại tăng T34 của Nga thời thế chiến 2 đừng mong tới T54 hay T72.


Anh chàng ăng lê (England) Murphy cũng nhàng nhàng uống vài vại bia hò hét đội tuyển rồi cũng xách va li về nước.


Ấn tượng nhất là Afred Riedl người Áo chuyên chơi nhạc thành Vienne bỗng đưa đội tuyển Việt vào chung kết Tiger cup năm 1998 nhưng Việt Nam vẫn là Việt Nam, thua Singapore ngay trên sân Hàng Đẫy một cách đau đớn.


Các ông HLV còn lại như Silva (Brazil), Calisto (Bồ Đào Nha), Letard (Pháp), Goetz (Đức), dù tên mới nghe như nhạc điệu của thơ ca nhưng toàn là hành khúc chia tay hay Le Tard – người đến muộn – nhưng lại đưa đội tuyển về sớm.


Xin lỗi các ông HLV ngoại. Lỗi không phải của các ông mà do xứ Việt chúng tôi nó thế. Bóng đá luôn ở vùng trũng do cách đào tạo cầu thủ, cách quản lý của VFF. Não trạng điều hành tập thể, danh tiếng cho cá nhân nhưng đám đông chịu trách nhiệm. Mới có chuyện đảng giao nhiệm vụ sẽ phục vụ đến hơi thở cuối cùng. Không ai biết xấu hổ mà từ chức.


Ước muốn của dân tộc này muốn đạt đỉnh cao kể từ khi lập nước, là văn minh của nhân loại, có người thức dậy muốn là người Việt Nam, nhưng tiếc thay toàn là giấc mơ không thành, điển hình là môn bóng đá, càng đá càng thua, càng vọng ngoại càng hỏng.




9 đời HLV của bóng đá VN. Ảnh: VNE


Bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng triết lý phát triển. Khi thì Brazil nhảy múa, lúc là cỗ xe tăng Đức, lúc êm dịu như nhạc thành Vienne, có khi lại muốn chơi kiểu như các đấu sỹ bò tót Tây Ban Nha. Ngay cả rút kiếm samuraj tự mổ bụng như người Nhật cũng không thể lôi bóng đá Việt Nam ra khỏi vùng trũng.


Hà Nội, Sài Gòn đang thành một công trường xây dựng hối hả. Không có sân công cộng cho trẻ em chơi miễn phí, cây xanh cao một chút thì lập kế hoạch cắt đi, chỗ công viên tìm cách xây khách sạn. Những giấc mơ về bóng đá cứ lụi tàn dần theo năm tháng bởi cái “nền” không còn, các ngôi sao nhí không có chỗ chơi làm sao bóng đá có thể nên người.


Tới đây là HLV nội. Nội hay ngoại cũng thế. Bất kỳ một ngành nào cũng vậy, không thể phát triển nếu không có triết lý và tầm nhìn xa. Bóng đá không phải là ngoại lệ.


Có người mong đội nhà thắng để dân đua xe ăn mừng lao đầu vào gốc cây mà chết còn hơn là để đội nhà thua trong cay đắng. Chưa kể các fan người đẹp cởi yếm đào cho hàng vạn khán giả xem đôi vú thanh xuân cũng không thể làm cho các cầu thủ sút trúng dù chỉ là chạm vào cầu môn.


Vì thế ông Miura hãy ngẩng cao đầu. Ông đã làm tất cả nhưng cái nền bóng đá nước Việt và não trạng quản lý chưa được như mong đợi của ông và các HLV ngoại hay nội.


Thế thôi.


HM. 30-1-2016


(Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét